Mục tiêu đến năm 2030, ngành khai thác dầu khí phát triển nhanh và bền vững

09:50 | 04/04/2023

8,468 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đưa ngành khai thác dầu khí phát triển nhanh và bền vững là một trong những mục tiêu cụ thể.
Thúc đẩy khai thác dầu khí trong bối cảnh chuyển dịch năng lượngThúc đẩy khai thác dầu khí trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng
[PetroTimesMedia] Petrovietnam mừng công hoàn thành sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính năm 2022[PetroTimesMedia] Petrovietnam mừng công hoàn thành sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính năm 2022
2023: Đấu thầu thăm dò khai thác dầu khí trên khắp các châu lục2023: Đấu thầu thăm dò khai thác dầu khí trên khắp các châu lục
Mục tiêu đến năm 2030, ngành khai thác dầu khí phát triển nhanh và bền vững
Ảnh minh họa

Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả, công bằng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế; ô nhiễm môi trường biển được ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu đáng kể; đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ, duy trì và phục hồi; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển được bảo tồn và phát huy; tác động của thiên tai được hạn chế thấp nhất có thể, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Phát triển nhanh, bền vững các ngành kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế biển và khu vực ven biển, nhất là các lĩnh vực kinh tế biển chủ lực theo thứ tự ưu tiên: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Công nghiệp ven biển; (6) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; nâng cao đời sống và sinh kế cộng đồng.

Điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học biển và hải đảo cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển và hải đảo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.

Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1:500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.

Tầm nhìn đến năm 2050 tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.

Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo

Một trong những định hướng, nhiệm vụ Chiến lược đến năm 2030 là khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và các đảo với các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn. Phấn đấu số lượng doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 20%/năm; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới thân thiện môi trường, đảm bảo tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp đạt 32,3%.

Ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động, mô hình khai thác, sử dụng tài nguyên hiệu quả, thân thiện môi trường, các dự án đáp ứng tiêu chí kinh tế tuần hoàn, phù hợp với trữ lượng tài nguyên và sức chứa sinh thái; hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học.

Đến năm 2030, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao

Một định hướng nhiệm vụ khác của Chiến lược là bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi biển và hải đảo. Bảo vệ, duy trì hệ thống các khu bảo tồn hiện có; điều tra, khảo sát, đánh giá đề xuất thành lập các khu bảo tồn mới trên các vùng biển, ven biển và hải đảo; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn; phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái.

Đến năm 2030, tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, 80% các khu vực biển có đa dạng sinh học cao, dịch vụ hệ sinh thái quan trọng được áp dụng chính sách bảo tồn hiệu quả, diện tích rừng ngập mặn ven biển được phục hồi tối thiểu bằng mức năm 2000.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Chiến lược đề ra các giải pháp chủ yếu như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát triển khoa học, công nghệ; chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý, nghiên cứu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; xây dựng cơ chế tài chính bền vững phục vụ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia.

Thanh Thùy

DMCA.com Protection Status