Nâng cao hiệu quả hợp tác với Liên bang Nga về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí
Hơn 70 năm về trước, ngày 30/01/1950, Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Liên Xô đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam – Liên Xô/Liên bang Nga ngày nay được thể hiện qua sự gắn bó, hiểu biết và tin cậy; sự giúp đỡ và hợp tác trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ của nhân dân Việt Nam cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Một trong những kết quả của mối quan hệ hợp tác đó là sự ra đời của Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô, biểu tượng của mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong lĩnh vực năng lượng.
Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam ghi chép lại, năm 1959, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Cộng hòa XHCN Xô – Viết (Liên Xô), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới khu công nghiệp dầu khí Ba-cu Azerbaijan, tại đây Bác đề nghị: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…”
Bác Hồ thăm khu công nghiệp Dầu khí Bacu năm 1959 |
Ngày 27/11/1961, Đoàn thăm dò dầu lửa 36 trực thuộc Tổng cục Địa chất được thành lập. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền Bắc được triển khai mặc dù điều kiện còn hết sức khó khăn và thiếu thốn khi đất nước đang trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Công tác khoan sâu tìm kiếm thăm dò dầu khí bắt đầu từ năm 1970. Sau khi đất nước thống nhất, ngày 03/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí trên cả nước bắt đầu được đẩy mạnh: Ở miền Bắc, công tác thăm dò và thẩm lượng các cấu tạo tiềm năng trên Bồn trũng Sông Hồng vẫn tiếp tục. Ở miền Nam, các cán bộ kỹ thuật đã nhanh chóng tiếp cận, nghiên cứu tài liệu địa chất, kết quả các giếng thăm dò đã thực hiện trước 1975 với những lưu ý đặc biệt về phát hiện ở cấu tạo Dừa ở Bồn trũng Nam Côn Sơn và cấu tạo Bạch Hổ ở Bồn trũng Cửu Long.
Với quyết tâm xây dựng ngành Dầu khí làm động lực để công nghiệp hóa và phát triển nền kinh tế, Bộ Chính trị đã quyết định ký Hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô, trong đó có việc xây dựng liên doanh hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía nam Việt Nam. Quyết sách quan trọng này đã tạo bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để xây dựng nền công nghiệp dầu khí ngày nay.
Lễ ký Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam – Liên Xô về việc thành lập Liên doanh Dầu khí Việt -Xô (nay là Liên doanh Vietsovpetro) năm 1981 |
Ngày 3/7/1980, Hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được ký tại Moskva. Đến ngày 19/6/1981, Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô được ký kết. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt – Xô trong lĩnh vực hợp tác thăm dò khai thác dầu khí; là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Vietsovpetro là dấu mốc đầu tiên trên chặng đường đất nước chúng ta nỗ lực, quyết tâm hiện thực hóa mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể từ ngày Bác Hồ thăm Azerbaijan năm 1959 và đặt nền móng cho sự ra đời ngành Dầu khí Việt Nam, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác Liên Xô/Liên bang Nga ngày nay, ngày càng có hiệu quả và thực sự đi vào chiều sâu.
Ra đời trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn khi đất nước vừa trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt và đang chịu sự bao vây cấm vận, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Liên Xô và sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của các thế hệ CBCNV người lao động dầu khí, Vietsovpetro đã nhanh chóng trưởng thành. Chỉ hai năm rưỡi sau khi đi vào hoạt động, tháng 5 năm 1984 đã phát hiện vỉa dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ và hai năm sau khi tìm thấy dầu, ngày 26/6/1986 đã đưa mỏ này vào khai thác, đưa Việt Nam gia nhập các nước xuất khẩu dầu thô trên bản đồ thế giới.
Giàn Công nghệ Trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ |
Trong khuôn khổ các Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam – Liên bang Xô Viết, và Việt Nam - Liên bang Nga về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, trải qua 43 năm hoạt động và phát triển, Vietsovpetro đã đạt được một số thành tựu quan trọng như sau:
Thứ nhất, đã thực hiện một khối lượng lớn công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, gồm: Khảo sát hàng trăm nghìn km tuyến địa chấn 2D, hàng chục nghìn km vuông địa chấn 3D; Khảo sát lại toàn bộ Lô 09-1 với diện tích gần 900 km vuông bằng công nghệ địa chấn tiên tiến 3D4C; Khoan trên 700 giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí với tổng chiều dài hơn 2.900 km; Xây dựng được hệ thống căn cứ dịch vụ dầu khí tổng hợp hoàn chỉnh, hiện đại phục vụ cho các khâu trong chuỗi hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Xây dựng hơn 70 công trình biển, lắp đặt trên 900 km đường ống ngầm nội mỏ, liên mỏ.
Thứ hai, phát hiện và đưa vào khai thác thân dầu trong đá móng granit nứt nẻ mỏ Bạch Hổ với trữ lượng lớn, khẳng định một loại thân dầu mới phi truyền thống trong ngành công nghiệp dầu khí thế giới.
Thứ ba, hoạt động khai thác dầu khí của Vietsovpetro góp phần quan trọng vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế xã hội. Kể từ ngày thành lập đến nay, Vietsovpetro đã khai thác trên 250 triệu tấn dầu thô, doanh thu từ hoạt động dầu khí đạt gần 90 tỷ đô la Mỹ, nộp vào ngân sách Nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam gần 60 tỷ đô la Mỹ, lợi nhuận cho Phía tham gia Nga đạt 12,3 tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, đã thu gom và vận chuyển về bờ hơn 39 tỷ mét khối khí đồng hành, bổ sung khoản thu nhập đáng kể cho Nhà nước Việt Nam. Hoạt động của Vietsovpetro đã có tác động tích cực làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, cũng như sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thứ tư, thông qua hoạt động thực tiễn, Vietsovpetro đã thu hút một lượng lớn lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có trình độ tay nghề cao. Nếu như những năm đầu thập niên 80, phần lớn lao động và các vị trí chủ chốt trong hoạt động của Vietsovpetro là do người Liên Xô nắm giữ, thì hiện nay trên 90% lao động là người Việt Nam, hầu hết các vị trí chủ chốt trong quản lý, trong dây chuyền công nghệ và kỹ thuật là do người Việt Nam đảm nhiệm, lực lượng lao động có tay nghề cao của Việt Nam hiện nay đã làm chủ kỹ thuật và công nghệ, hoàn toàn có thể tự thực hiện tất cả các công việc trong hoạt động dầu khí. Vietsovpetro đã đào tạo được một đội ngũ các cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ cao và công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò, thiết kế xây dựng, vận hành khai thác các mỏ dầu khí ngoài khơi. Nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên, trong đó một số lãnh đạo Phía tham gia Nga đã được rèn luyện và trưởng thành từ Vietsovpetro.
Thứ năm, Vietsovpetro là đơn vị tiên phong trong ngành Dầu khí về áp dụng rộng rãi nhiều giải pháp kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, bằng giải pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa đã tăng hệ số thu hồi dầu khí từ 18% lên trên 40% đối với thân dầu trong đá móng. Đã có hơn 3.000 đơn đăng ký giải pháp sáng kiến, trong đó có 2.329 sáng kiến đã được công nhận và áp dụng vào sản xuất, hiệu quả kinh tế tính được đã làm lợi hàng trăm triệu USD. Một số công trình tiêu biểu đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước và các giải cao tại cuộc thi Sáng tạo khoa học - công nghệ toàn quốc và của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.
Thứ sáu, hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho bên ngoài ngày càng mở rộng, khẳng định thương hiệu Vietsovpetro. Hàng năm bằng việc tận dụng kinh nghiệm, năng lực các thiết bị hiện có, Vietsovpetro đã thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia. Đặc biệt, từ 2011, lần đầu tiên, Vietsovpetro đã chế tạo, xây lắp và lắp đặt thành công chân đế giàn khai thác ở biển sâu 110 mét nước tại mỏ Đại Hùng 2, khẳng định việc làm chủ kỹ thuật và công nghệ xây dựng công trình khai thác dầu khí ở vùng biển nước sâu, xa bờ.
Thứ bảy, Vietsovpetro đã không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1990 khu nhà ở cùng tổ hợp các công trình thể thao, văn hóa; xây dựng và nâng cấp 02 khu nghỉ dưỡng cho CBCNV, mở rộng và hiện đại hóa Trung tâm Y tế để phục vụ cho nhu cầu về đời sống của CBCNV; Xây dựng một công trình đài tưởng niệm các quân nhân Việt Nam và Liên Xô/Liên bang Nga đã hy sinh vì sự hòa bình và ổn định khu vực tại tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, song song với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, Vietsovpetro cũng đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, đã hỗ trợ cho các địa phương trên cả nước xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện công tác từ thiện - xã hội với tổng kinh phí trên 75 triệu USD.
Thứ tám, với những thành tựu đã đạt được, Vietsovpetro đã khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên Bang Nga, là biểu tượng của tình hữu nghị truyền thống và hợp tác quốc tế trong sáng giữa Việt Nam, Liên Xô trước đây và Liên Bang Nga ngày nay. Vietsovpetro cũng là đối tác tin cậy của nhiều bạn hàng, nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới.
Chào cờ trên giàn khoan mỏ Bạch Hổ - Vietsovpetro |
Hiện nay, Vietsovpetro đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh yếu tố khách quan mang tính toàn cầu như chuyển dịch năng lượng, ảnh hưởng của bất ổn địa chính trị, Vietsovpetro còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nội tại như: (1) các mỏ khai thác chính đã đi vào giai đoạn cuối, mức độ suy giảm sản lượng nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác khai thác mỏ; (2) dư địa cho các giải pháp địa chất - kỹ thuật còn rất ít với tiềm năng không cao; (3) hiệu quả mang lại từ các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR) chưa cao; (4) các phát hiện mới được đưa vào khai thác thời gian vừa qua đều là các mỏ nhỏ, cận biên với sản lượng cũng suy giảm nhanh; (5) các công trình biển đã được đưa vào từ lâu và theo từng giai đoạn khác nhau đã quá thời hạn vận hành theo thiết kế ban đầu làm tăng số lượng các sự cố, khối lượng công việc liên quan tới bảo dưỡng sửa chữa gây khó khăn cho quá trình vận hành do tính đồng bộ thấp; cơ chế tài chính kế thừa từ các hiệp định trước còn nhiều bất cập...v.v.
Để chủ động vượt qua những thách thức trên, giữ vững vị trí là đơn vị chủ lực trong ngành Dầu khí, góp phần đáp ứng nhu cầu gia tăng năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam theo hướng hiệu quả và bền vững, Vietsovpetro xác định chiến lược cho giai đoạn tới với những nhiệm vụ như: Duy trì vận hành an toàn và khai thác ổn định, nâng cao hệ số thu hồi dầu trên các mỏ hiện hữu, đồng thời đẩy mạnh công tác thăm dò, tận thăm dò trên các lô dầu khí của Vietsovpetro; Tích cực mở mở rộng vùng hoạt động, trong đó ưu tiên các lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam để có thể tận dụng tối đa nguồn lực và cơ sở hạ tầng hiện có của Liên doanh Vietsovpetro; Hoàn thành các cơ chế liên quan và triển khai mở rộng lĩnh vực hoạt động sang năng lượng nhất là năng lượng tái tạo, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững tại Việt Nam và trên thế giới; Tái cơ cấu, hiện đại hóa hệ thống quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, duy trì lực lượng lao động cốt lõi, sử dụng tối ưu các nguồn lực, giữ vững ổn định; Hoàn thiện, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cốt lõi phục vụ khai thác dầu khí và phát triển kinh tế biển; Chăm sóc phát triển nguồn nhân lực, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc cho CBCNV và thực hiện các trách nhiệm xã hội, cộng đồng.
Người lao động Vietsovpetro |
Những thành tựu đạt được của Vietsovpetro trong 43 năm hoạt động là đã minh chứng cho sự hợp tác thành công và là nền tảng vững chắc đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới, Vietsovpetro cần kế thừa và khai thác tối đa lợi thế hợp tác với LB Nga trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, cụ thể:
Về kinh nghiệm hợp tác, đông đảo đội ngũ CBCNV Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô cũ và Liên bang Nga, sử dụng thành thạo tiếng Nga. Tinh thần thống nhất, gắn kết, hợp tác, chia sẻ trong tập thể Vietsovpetro là một lợi thế to lớn trong việc tiếp tục hợp tác lâu dài.
Về mặt khoa học – công nghệ, từ khi mới thành lập, phần lớn trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật và công nghệ đều do phía Nga cung cấp, đội ngũ CBCNV Việt Nam luôn chủ động học hỏi, nghiên cứu để nắm bắt và áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chuyên gia phía Nga luôn giúp đỡ, chuyển giao công nghệ, đào tạo tay nghề cho các CBCNV Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ chuyên gia của Việt Nam là Liên bang Nga tiếp tục phối hợp nghiên cứu, áp dụng vào thực tế sản xuất những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nhất của thế giới.
Về kinh tế, Vietsovpetro được công nhận là một trong những dự án hợp tác hiệu quả về mặt kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga, mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho hai Phía. Đối với phía Nga, Vietsovpetro là một trong những dự án đầu tư nước ngoài hiệu quả nhất của nước này.
Để đạt được mục tiêu chiến lược đã đề ra và nâng cao hiệu quả hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực dầu khí, Vietsovpetro đề xuất xem xét một số vấn đề:
Về công tác nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR), Vietsovpetro đang nghiên cứu khả năng áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu. Hiện nay, sản lượng khai thác từ các mỏ thuộc Lô 09-1 của Vietsovpetro ngày càng suy giảm, mức độ ngập nước gia tăng. Theo báo cáo kế hoạch phát triển mỏ, tài nguyên dầu còn lại trên các mỏ của Vietsovpetro sau khi khai thác đến cuối đời mỏ lên đến 600 triệu tấn, điều này cho thấy Vietsovpetro hoàn toàn có tiềm năng và cơ hội để nâng cao được sản lượng khai thác, thu hồi tối đa tài nguyên còn lại nếu áp dụng hiệu quả các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR) và đây cũng là xu thế đang được áp dụng rộng rãi trến thế giới. Theo đó cần có cơ chế ưu đãi cho các dự án triển khai EOR như sau: Cần xem xét EOR như một “hoạt động dầu khí riêng” với các điều kiện ưu đãi phù hợp; được phép thu hồi trước chi phí đầu tư cho EOR; điều chỉnh các điều khoản thuế (mang lại hiệu quả cho Nhà đầu tư).
Về mở rộng vùng hoạt động, Vietsovpetro đã và đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực hoạt động chính là tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng và mở rộng vùng hoạt động, đây là nhiệm vụ cốt lõi nhằm duy trì sự phát triển ổn định, lâu dài. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tận thăm dò trên phạm vi Lô 09-1, trong giai đoạn này Vietsovpetro cũng thực hiện chiến lược mở rộng vùng hoạt động trên các Lô ngoài Lô 09-1. Vietsovpetro đề xuất các cấp có thẩm quyền sớm hoàn tất các thủ tục mở vòng đấu thầu cho các Lô mở để Vietsovpetro có thể tham gia vào vòng đấu thầu, ký kết hợp đồng dầu khí mới nhằm mở rộng vùng hoạt động của mình và xem xét phê duyệt việc trao cho Vietsovpetro các dự án phát triển mỏ tiềm năng (Lô 17, 05-2/10).
Về mỏ cận biên, thực tế hiện nay cho thấy riêng đối với bể Cửu Long nơi có các hoạt động thăm dò dầu khí dày đặc chỉ còn tồn tại các mỏ có quy mô trữ lượng nhỏ, cận biên. Điều 53 và 54 Luật dầu khí 2022 đã quy định về đối tượng và chính sách ưu đãi cho mỏ cận biên và Điều 56 của Nghị 45/2023/NĐ-CP đã quy định các điều kiện để một mỏ dầu khí được xác định là mỏ cận biên. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật trên chưa hướng dẫn cụ thể về quy trình phê duyệt cơ chế ưu đãi cho đối tượng mỏ cận biên.
Vì vậy để có thể sớm đưa các đối tượng này vào khai thác, tăng nguồn thu cho Nhà nước và các Nhà đầu tư, cũng như để tạo hành lang pháp lý cho các Nhà thầu khi tiến hành hoạt động dầu khí, đề xuất các các có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản quy phạm phát luật hướng dẫn cụ thể việc trình và phê duyệt cơ chế ưu đãi đầu tư cho các mỏ cận biên.
Trong 43 năm hoạt động, hành lang pháp lý cho hoạt động của Vietsovpetro là các Hiệp định liên Chính phủ không ngừng được hoàn thiện theo hướng “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, phù hợp theo thông lệ quốc tế. Theo Nghị định thư ký ngày 12/10/2023, hoạt động của Liên doanh Vietsovpetro tại Lô 09-1 kéo dài đến hết năm 2033.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, ngày 20/06/2024, hai nước đã thông qua Tuyên bố chung, 11 văn kiện hợp tác được ký kết và các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Hai bên đã nhất trí về những định hướng lớn nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga trên nhiều phương diện, trong đó khẳng định hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột, trọng tâm của hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Chuyến thăm của Tổng thống Nga là cơ sở để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Trên cơ sở đó, trong tháng 7/2024 Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Zarubeznheft đã thảo luận các vấn đề liên quan đến các nội dung thỏa thuận tại cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nhà nước, trong đó có vấn đề về gia hạn thời gian hoạt động của Vietsovpetro và Rusvietpetro. Điều này cho thấy lãnh đạo hai nhà nước đánh giá cao tầm quan trọng hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực dầu khí mà Vietsovpetro là biểu tượng của sự hợp tác thành công này. Vietsovpetro đang đối diện với nhiều cơ hội và thuận lợi mới, đan xen với các khó khăn, thách thức trong việc nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí. Vietsovpetro đã và đang tự tin bước vào giai đoạn mới với một khát vọng to lớn tìm kiếm, thăm dò và khai thác nhiều dầu khí cho đất nước, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, giữ vững vị trí, vai trò của đơn vị chủ lực, đầu tàu kinh tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Henry Ford từng nói: "Đến với nhau là khởi đầu. Giữ được nhau là tiến bộ. Đồng hành làm việc cùng nhau là thành công", tin tưởng rằng sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trong tương lai, và Vietsovpetro luôn sẵn sàng cho sự hợp tác này.
Vũ Mai Khanh
Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Vietsovpetro