Nghe các Anh hùng kể chuyện

14:06 | 26/07/2013

1,616 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2013), tối ngày 24/7, tại Thái Bình, Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 đã tổ chức “Đêm tri ân, nhân vật và sự kiện”. Chương trình là hoạt động hết sức có ý nghĩa nhằm tôn vinh, tri ân và ghi nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Đến dự có ông Phạm Văn Xuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Trần Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam, lãnh đạo huyện Thái Thụy; Toàn thể CBCNV Ban QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 và bà con các xã khu vực xung quang dự án.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên và Trưởng Ban QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Thành Hưởng trao quà cho các gia đình chính sách.

Đặc biệt, chương trình còn có dự góp mặt và giao lưu của các vị khách mời là các Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) Võ Tá Kiều, nguyên cán bộ Tổng cục II, Tham gia tổ tình báo trận tập kích sân bay U-đon tại Thái Lan, tháng 7-1968; AHLLVT Nguyễn Đức Hạnh: nguyên Chỉ huy trưởng - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình, xây dựng căn cứ cách mạng, hậu thuẫn cho quân tình nguyện Việt Nam tham gia giải phóng Viên Chăn; AHLLVT Phạm Văn Đỡ, nguyên chiến sỹ đại đội 11, Tiểu đoàn 6, sư đoàn 308, Đại đoàn quân tiên phong, tham gia trận đánh chiếm cao điểm 500 – Khe Xanh – Tà Cơn, chiến dịch phản công đường 9 - Nam Lào (1971) và Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng, trong trận đánh giải phóng Sài Gòn, ngày 28-4-1975, ông đã bị thương và mù hai mắt. Ông đã lấy máu từ vết thương vẽ nên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đột kích sân bay Mỹ ở nước ngoài

Nói về chiến công đột kích sân bay Mỹ ở Thái Lan Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Tá Kiều chia sẻ: Những năm 1966-1968, đế quốc Mỹ điên cuồng sử dụng nhiều sân bay tại các nước lân cận làm căn cứ xuất phát đánh phá ba nước Đông Dương. Để góp lửa cho chiến trường chính miền Nam, một kế hoạch sử dụng lực lượng điệp báo tập kích hai sân bay của Mỹ ở nước láng giềng được hoạch định. Tổ Trần Viết Tính, Võ Tá Kiều, Bùi Thế Sách, Nguyễn Văn Triêm, Lê Đức Mục nhận nhiệm vụ đánh sân bay thứ hai, nơi có các máy bay oanh tạc hiện đại chuyên hộ tống dọn đường cho B52.

Anh hùng LLVT Võ Ta Kiều đang kể về chiến công năm xưa.

Sau 3 tháng gian khổ huấn luyện và gần một tháng thực hành tác chiến, cuối tháng 2 năm 1968, hai tổ chiến đấu lên đường ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: Tập kích hai sân bay của Mỹ. Tại hai sân bay đặc biệt này, ngoài hệ thống hàng rào, bãi mìn hết sức tinh vi, suốt cả ngày lẫn đêm cứ 15 phút lại xuất hiện xe gắn súng máy kèm chó béc-giê đi tuần tiễu. Sau hơn 3 tháng dày công trinh sát, đúng 21 giờ 30 phút đêm 26/7/1968, tổ tập kích sân bay U (sân bay thứ 2) do Bùi Thế Sách chỉ huy với 5 chiến sĩ quyết tử mang theo 5 kg thuốc nổ cực mạnh, 2 khẩu AK, 2 súng ngắn giảm thanh, 8 đồng hồ hẹn giờ, 1 kg kíp mìn kèm dây cháy chậm lặng lẽ đột nhập mục tiêu.

Giữa màn đêm mù mịt, các chiến sĩ bình tĩnh gắn thuốc nổ hẹn giờ vào từng thân máy bay, bồn nhiên liệu, đài chỉ huy và những điểm nhạy cảm khác của sân bay... Xong xuôi, cả tổ lặng lẽ rút ra ngoài. Phát hiện dấu hiệu lạ, bọn địch nổi còi báo động, súng nổ chát chúa. Thượng úy Bùi Thế Sách và Trung úy Lê Đức Mục tình nguyện ở lại chiến đấu kìm chân địch. 3 chiến sĩ còn lại trong đó có đồng chí Võ Tá Kiều vừa chống trả, vừa rút ra an toàn.

Sau khoảnh khắc, hàng loạt tiếng nổ lớn phát ra rung chuyển một vùng, cả sân bay U ngập chìm trong biển lửa dữ dội. 4 máy bay F5, một máy bay vận tải C41, một báy bay trực thăng bị thiêu hủy. Đường băng sân bay hỏng nặng. Tiêu diệt và làm bị thương 42 sĩ quan, nhân viên kĩ thuật. Đồng chí Bùi Thế Sách, Lê Đức Mục đã anh dũng hi sinh.

Chiến công đánh sân bay Mỹ ở nước ngoài của các chiến sĩ tình báo Việt Nam, trong đó có đồng chí Võ Tá Kiều xứng đáng là một kì tích trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta, đồng thời cũng ra lời cảnh cáo nghiêm khắc: Sẽ không có bất kì nơi nào được gọi là căn cứ an toàn để Mỹ sử dụng mang bom đạn đi tàn phá đất nước Việt Nam!

Người vẽ chân dung Bác Hồ bằng máu

Người để lại nhiều ấn tượng trong buổi giao lưu là Đại tá, Họa sĩ Lê Duy Ứng – người rất nổi tiếng với bức chân dung Bác Hồ được vẽ bằng máu. Đang còn học dở năm thứ ba của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Lê Duy Ứng tự nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Mùa xuân 1972, cùng đồng đội, anh trực tiếp làm nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Trị, sau đó lần lượt là trợ lý tuyên huấn sư đoàn, trợ lý tuyên huấn quân đoàn và anh  vinh dự có mặt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975. Với vũ khí là giá vẽ và máy ảnh, anh đã có mặt ở nhiều nẻo đường chiến tranh.

Họa sỹ Lê Duy Ứng kể: Sáng 28/4/1975, tôi đi cùng các đồng đội tiến về Sài Gòn với nhiệm vụ chụp ảnh và ký họa chiến tranh. Tại căn cứ Nước Trong, tôi đã bị súng chống tăng của địch làm hỏng hai mắt. Ngay thời khắc cận kề với cái chết đó, tôi đã xé áo quấn vào tay làm bút vẽ, thấm máu từ đôi mắt vẽ chân dung Bác Hồ với đề tựa: Ánh sáng niềm tin, con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân.

Họa sỹ Lê Duy Ứng đang vẽ chân dung Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một kỷ niệm đáng nhớ xung quanh giây phút này. Khi phỏng vấn họa sĩ Lê Duy Ứng, một phóng viên nước ngoài đã hỏi tôi: Vì sao giây phút đó họa sĩ không vẽ hình ảnh bố mẹ mà vẽ lãnh tụ Hồ Chí Minh? Tôi đã trả lời ngay: "Đối với tôi và cả dân tộc tôi, Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại. Người là danh nhân văn hóa thế giới. Tôi nghĩ đến Bác Hồ là nghĩ đến nguồn sáng của lý tưởng cách mạng. Bác Hồ đã in đậm trong ký ức của tôi từ tuổi thơ đến trưởng thành. Nếu tôi vẽ bố mẹ tôi thì chỉ gói gọn trong một gia đình".

Chính đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng lừng danh thế giới, học trò xuất sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh khi biết chuyện đã động viên họa sĩ biết vượt lên thương tật để trở thành tấm gương thương binh có ích cho xã hội. Chính trong gian khó, tật nguyền, tài năng người họa sĩ càng có điều kiện tỏa sáng. Lời khuyên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo tôi đến bây giờ và suốt cuộc đời tôi: "Cháu biết nhạc sĩ vĩ đại Bet-thô-ven sáng tạo nên những tác phẩm âm nhạc bất hủ từ khi nào không? là khi người nhạc sĩ này đã bị điếc. Là họa sĩ cháu hãy noi theo tấm gương đó, biết đâu khi bị hỏng đôi mắt cháu cũng có thể làm sáng tạo nên những tác phẩm hội họa có ích cho đời".

Trước câu hỏi có phần gợi mở của người dẫn chương trình, họa sĩ Lê Duy Ứng kể tiếp: Sau khi vẽ bức tranh về Bác Hồ, tôi trân trọng bỏ lên túi trái ngực ở phía trái tim rồi ngất lịm. Tôi được khiêng  vào trạm phẫu thuật gần đó và đã bị ngưng thở, đồng đội đưa tôi vào nhà xác". Khi tỉnh dậy, thấy rất khát tôi thều thào kêu: nước, nước... Một chiến sĩ quân y thuộc E9F304 tên là Hồ Chí Quyết  đi ngang nghe tiếng kêu đã bế tôi ra khỏi nhà xác.  Bỗng một tiếng nổ đinh tai, đất đá trùm lên người tôi và Quyết.

Tác phẩm vẽ bằng máu của họa sỹ Lê Duy Ứng.

Mãi sau này, anh Quyết nói vơi tôi là: anh thật cao số, quả pháo trúng nhà xác vùi luôn 4 xác chết. Ra đến Sơn Lộc thì tôi bị chết lâm sàng. Đồng đội đưa tôi đi chôn. Vì huyệt đã bị đất đá lấp đầy nên một chiến sĩ đặt tôi lên trên miệng huyệt. Nghe tiếng đất rào rào tôi tỉnh dậy vùng ra khỏi huyệt, nắng xiên rất rát, tôi  trườn về phía một gốc cây gần đấy và nằm thở dưới bóng râm. Rất may là có đồng chí Hùng, quê ở Hà Tĩnh phát hiện và đưa về trạm quân y".

Vậy tình trạng đôi mắt của bác sau như thế nào kể từ ngày bị thương? Họa sĩ Lê Duy Ứng cho biết: "Sau năm 1975 bị hỏng đôi mắt. Đến năm 1982, tôi được giáo sư, bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân chữa sáng mắt. Năm 2005 mắt có nguy cơ tái mù, tôi được cấp trên tạo điều kiện sang chữa tại Nhật Bản, năm 2006 mắt tôi được sáng. Tuy nhiên, nay thì vết thương tái phát mắt lại đã mờ đặc, chỉ phân biệt được tối sáng".

Một tiết mục văn nghệ chào mừng do các đoàn viên thanh niên của Ban QLDA biểu diễn.

Toàn thể cán bộ, công nhân viên Ban QLDA, đắc biết là đội ngũ cán bộ, chuyên viên trẻ đã được lắng nghe những chia sẻ rất bổ ích từ các thế hệ cha anh đi trước với những câu chuyện mà không phải lúc nào thế hệ trẻ cũng biết đến. Qua buổi giao lưu, những cán bộ trẻ đang công tác tại Ban QLDA đã thực sự khâm phục và biết ơn tới thế hệ cha anh đi trước anh dũng kiên cường, không tiếc máu xương vì nền độc lập dân tộc. Đồng thời các bạn được các nhân chứng sống truyền cho ngọn lửa của tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, khuyến khích, động viên thế hệ trẻ hôm nay không ngừng phấn đấu học tập, lao động để tiếp bước các thế hệ cha anh xây dựng và bảo vệ đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.

Nhân dịp này, Ban tổ chức đã dành 200 phần quà trao tặng các gia đình chính sách tại hai xã Mỹ Lộc và Thái Đô, huyện Thái Thụy, Thái Bình. Ban QLDA Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 và Tổng thầu PVC đã trao số tiền 40 triệu đồng do CBCNV đóng góp cho Quỹ từ đền ơn đáp nghĩa của huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Văn Dũng

DMCA.com Protection Status