Nghĩ về Vietsovpetro
Từ việc tìm được dầu từ tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, Vietsovpetro đã liên tiếp phát hiện được dầu công nghiệp ở các mỏ khác trên vùng hoạt động của mình như: Đông Bắc Rồng (GK Rồng-6, năm 1991), Đông Nam Rồng (GK Rồng-14, năm 1995), Nam Trung tâm Rồng (GK Rồng-15, năm 2006), Nam Rồng (GK Rồng-20, năm 2005)... Trong bảng cân đối trữ lượng vào cuối năm 2017, trữ lượng cấp 2P (P1+P2) từ tầng đá móng chiếm đến 74% tổng trữ lượng của mỏ Bạch Hổ.
![]() |
Ngày 24-5-1984 tàu khoan Mikhain Mirchin phát hiện dầu trong tầng móng tại giếng BH 5 (ảnh TL) |
Đến năm 2017, tổng lượng dầu Vietsovpetro đã khai thác từ tầng móng mỏ Bạch Hổ là 180 triệu tấn, chiếm 86,4% tổng sản lượng dầu đã khai thác của mỏ với cột mốc lịch sử là ngày 6-9-1988, ngày khai thác tấn dầu đầu tiên từ đá móng ở giếng khoan số 1, giàn MSP-1.
Từ thành công và kinh nghiệm của Vietsovpetro, nhiều công ty dầu khí trong và ngoài nước (PVEP, JVPC, ConocoPhillips, Total, Talisman, Zarubezhneft, Petronas...) đã tìm và phát hiện được dầu khí từ tầng đá móng và đưa các mỏ vào khai thác (Rạng Đông, Sư Tử Đen, Tê Giác...) đồng thời tạo ra sức thu hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư, đóng góp cho sự phát triển nhanh chóng của ngành Dầu khí Việt Nam còn rất non trẻ.
Nhiều bậc minh triết, nhiều sách vở đã gợi ý rằng, con người nên biết buông bỏ những hoài niệm dai dẳng về quá khứ cũng như những toan tính quá phức tạp cho tương lai để sống, làm việc và cảm thụ hạnh phúc mà mình có được trong những ngày tháng hiện tại. Tôi cho rằng, gợi ý đó là bổ ích.
Biết là vậy nhưng cuộc sống luôn có những ngoại lệ, dù ít ỏi. Đôi lúc ta buộc phải nhắc lại (chỉ nhắc lại thôi) đôi điều cần thiết, đặc biệt khi những điều này liên quan đến nhiều người, đến một tập thể lao động đông đảo của Vietsovpetro.
Đã tồn tại những thông tin (cho đến nay vẫn chưa biết được nguồn gốc, nơi sản sinh ra những thông tin này) hướng dư luận đến nhận định: Việc phát hiện dầu trong đá móng ở mỏ Bạch Hổ là một sự tình cờ sau một sự cố có phần “ngớ ngẩn” của một kíp trưởng khoan.
![]() |
Thử vỉa dầu trong tầng móng mỏ Bạch Hổ (ảnh TL) |
Tôi là kỹ sư địa chất dầu khí tốt nghiệp năm 1974, bắt đầu làm việc trong ngành từ năm 1975. Hoạt động dầu khí ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1959 với chương trình nghiên cứu “Địa chất và triển vọng dầu khí nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” do chuyên gia Liên Xô Kitovani.S.K làm chủ biên, rồi được đánh dấu chính thức bằng việc thành lập Đoàn thăm dò dầu lửa số 36 vào năm 1961. Chính vì vậy, tôi có những đàn anh đồng nghiệp trong ngành. Anh Đoàn Thiên Tích, người từng làm việc ở Đoàn địa chất 36C, Công ty Dầu khí 2, Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí (PV GAS) là một trong những người đàn anh đó. Tôi gần và quý anh bởi bản tính trung thực, lòng yêu nghề, sự tôn trọng bạn bè, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với lớp đàn em trẻ...
Việc phát hiện một cách hệ thống các mỏ dầu khí với trữ lượng lớn từ đá móng của Vietsovpetro những năm qua là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển của dầu khí thế giới. |
Trong một lần gặp gỡ ở nhà riêng của anh trên đường Bình Giã khoảng năm 1995-1996, anh Tích hỏi tôi: “Có thông tin nói rằng, việc khoan và phát hiện ra dầu trong đá móng của Vietsovpetro là nhờ một sự cố nghề nghiệp. Một anh kíp trưởng khoan ngủ quên, nên để choòng khoan khoan quá chiều sâu thiết kế mới đi vào tầng đá móng, việc này là sao?”.
Tôi rất ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên nghe chuyện này. Vừa cười, tôi vừa nói với anh: “Làm gì có chuyện viển vông đó! Có lẽ anh nghe từ giai thoại đùa vui của anh em thôi, lính địa chất và khoan chúng em là vua tiếu lâm đó!”.
Anh Tích nghiêm chỉnh nói: “Nếu là chuyện truyền miệng thì anh đâu có chấp, có thắc mắc, có điều đây là thông tin được đăng tải chính thức trên tạp chí khoa học và công nghệ của tỉnh nhà nên anh mới phải hỏi em cho rõ ràng. Hơn nữa, anh đang cố gắng hoàn thành sớm cuốn sách “Dầu khí Việt Nam” làm kỷ niệm cho cuộc đời dầu khí của mình. Anh cần biết rõ, phòng khi có độc giả nào hỏi về chuyện này, anh có thể trả lời họ một cách tự tin, rõ ràng và có cơ sở thuyết phục”.
Trước khi trả lời anh, tôi hỏi: “Là người trong ngành, anh có cảm tưởng gì không khi đọc thông tin đó?”.
Anh Tích trả lời: “Anh thấy có quá nhiều điều vô lý. Thứ nhất, chiều sâu kết thúc một giếng khoan, lấy mẫu vụn đất đá, lấy mẫu lõi, chiều sâu chống ống... đều phải do bộ phận địa chất quyết định và chịu trách nhiệm. Thứ hai, khi khoan giếng tìm kiếm, thăm dò luôn có trạm radar khí của Địa vật lý để theo dõi thông số, chỉ số liên quan đến các chế độ khoan, tham số dung dịch khoan, tính chất cơ học của đất đá (tốc độ khoan), các biểu hiện dầu khí qua từng mét khoan. Thứ ba, choòng khoan kim cương hiện đại có thể khoan phá một hiệp 100, 200 hoặc 300m, nhưng không phải liên tục, sau khi khoan hết chiều dài 1 cần vuông (thường là 12m) đều phải dừng khoan, nâng và tháo cần vuông rồi tiếp cần lẻ mới khoan tiếp, kíp trưởng ngủ thì ai làm những việc này? Các kỹ sư địa chất, địa vật lý, rồi đốc công khoan, trưởng hoặc phó giàn khoan sinh ra để làm gì? Họ cũng ngủ hết hay sao?”.
![]() |
Nghĩ về Vietsovpetro |
Tôi bình tĩnh giải đáp câu hỏi của anh bằng những bằng chứng cụ thể nhất từ hồ sơ và tài liệu nguyên thủy đã và đang được lưu giữ ở Vietsovpetro và không quên nhắc anh, khi hoàn thành tập sách “Dầu khí Việt Nam”, anh nhớ tặng cho chú em đồng nghiệp ở Vietsovpetro 1 cuốn để tham khảo và làm kỷ niệm. Sau này, năm 2001, khi cuốn sách được xuất bản, anh đã thực hiện lời hứa của mình.
Tôi đã nói với anh: “Em sẽ đưa ra những chứng cứ cụ thể, thuyết phục để anh có thể hoàn toàn tin rằng, sự kiện anh nêu trong câu hỏi là một sự bịa đặt trắng trợn và ngớ ngẩn (ít nhất là đối với những người có chút hiểu biết cơ bản trong lĩnh vực khoan sâu và địa chất dầu khí), được đặt rất không đúng chỗ trong một tạp chí về khoa học và công nghệ nghiêm túc như anh nói. Phát hiện dầu khí trong tầng móng là thành quả đáng tự hào của tập thể lao động Vietsovpetro, với một chuỗi các sự kiện kết nối với nhau một cách logic và khoa học, không có chỗ nào cho việc “ngủ quên phát hiện dầu trong móng”.
Giếng khoan Bạch Hổ là một giếng khoan đầu tiên do lực lượng khoan của Vietsovpetro tự thi công trên giàn cố định đầu tiên của mình: Giàn MSP-1. Đây là giếng khoan thăm dò, có chiều sâu thiết kế là 3.800m, dự kiến sẽ khoan hết lát cắt trầm tích, khoan quá tầng “móng âm học” khoảng 700m, trong đó có dự kiến lấy 180m mẫu lõi trong khoảng chiều sâu 3.200-3.800m.
Trên thực tế, giếng khoan đã gặp móng granit phong hóa, nứt nẻ ở chiều sâu 3.102m. Trên cơ sở những biểu hiện dầu khí thu nhận được: Thấm chứa cực tốt (mất dung dịch 25-30m3/giờ cho đến mất dung dịch toàn phần), phát quang dưới đèn cực tím của mẫu vụn. Sau khi giải được bài toán về mất dung dịch và sập lở thành giếng, đã tiến hành khoan 2 hiệp mẫu lõi liền kề nhau trong 2 khoảng 3.123-3.127m và 3.128-3.135m, đã thu được tổng cộng 5,55m mẫu lõi là đá granit phong hóa và đặc biệt là quan sát được các vết dầu và các mảnh đá có phát quang. Quá trình này đã diễn ra trong tháng 12-1985 đến ngày 12-1-1986, khi giếng khoan đạt chiều sâu cuối cùng 3.178m.
Vietsovpetro đã tiến hành thử đối tượng móng ở thân trần (3.123-3.178m) và qua phin lọc (3.102-3.123m), kết quả thử vỉa đã không nhận được sản phẩm, có nghi ngờ là do mất dung dịch quá nhiều trong thời gian dài nên vỉa đã bị bít lấp bởi dung dịch trấu.
Đứng chân tại thềm lục địa Việt Nam với 8 bể trầm tích rộng lớn, trong đó nhiều bể hầu như chưa được khai phá, có chiến lược và định hướng phát triển đúng đắn là ưu tiên hàng đầu cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò để gia tăng kho trữ lượng, Vietsovpetro sẽ viết thêm những trang sử hào hùng mới, đặt những cột mốc mới từ nay đến hết năm 2030. |
Giếng khoan Bạch Hổ-6 do tàu khoan Mikhain Mirchin khoan năm 1987. Sau khi chống ống Ø178mm đến chiều sâu 3.500m, đã khoan tiếp và mở móng trong khoảng 3.500-3.533m. Trong quá trình khoan cũng gặp mất dung dịch lớn (35m3/giờ). Đã dừng khoan để thử vỉa sớm qua thân trần để hạn chế tối đa ảnh hưởng bít nhét của dung dịch trấu đối với tầng chứa của đá móng. Công việc thử vỉa bắt đầu từ ngày 7-5-1987 và kết thúc ngày 11-5-1987. Kết quả đã nhận được dòng dầu tự phun ở côn 11,9mm với lưu lượng 373,5m3/ngày, áp suất trên miệng giếng là 91,5atm, nhiệt độ ở đáy giếng là 131,70C, áp suất vỉa đo theo máy đặt tại chiều sâu 3.494m là 402,3atm.
Ngày 11-5-1987 xứng đáng được ghi nhận như một cột mốc lịch sử trong quá trình hoạt động của Vietsovpetro: Lần đầu tiên phát hiện dầu từ đá móng phong hóa, nứt nẻ.
Sự trùng hợp của các dấu hiệu dầu khí: Thấm chứa tốt (mất dung dịch lớn, tốc độ khoan nhanh 1÷5 phút/mét), phát quang trên mẫu vụn và sự khác biệt hoàn toàn qua kết quả thử vỉa ở hai giếng khoan Bạch Hổ-1 và Bạch Hổ-6 đã củng cố thêm nghi ngờ ở giếng khoan BH-1, vỉa đã bị bít nhét bởi dung dịch trấu trong thời gian dài chống mất dung dịch và sập lở giếng. Đây chính là cơ sở để ban lãnh đạo Xí nghiệp Khoan, khi đó còn gọi là Cục Khoan biển (炸洫洽), đứng đầu là đồng chí PhunTop.A.M đề xuất chương trình quay trở lại để sửa chữa lớn và thử lại đối tượng móng ở giếng khoan Bạch Hổ-1 (giàn MSP-1) vào tháng 7-1988, được các đơn vị liên quan và các cấp lãnh đạo ở Vietsovpetro, đặc biệt là Tổng giám đốc Vovk.V.S phê chuẩn vào ngày 1-8-1988.
Đây là một bản kế hoạch lớn, 6 trang giấy với 23 mục. Đặc biệt, mục số 8 ghi rất rõ: “Khi thử các đối tượng đầu tiên, các chi tiết và đầu nối trong bộ 洵洩洩 bị bít với vỏ trấu, điều này đã đặt ra nghi ngờ đối với độ tin cậy của kết quả thử vỉa”. Đây là lý do duy nhất đưa đến đề xuất cũng như chương trình quay lại giếng khoan BH-1 để sửa chữa lớn (KPC), thử lại đối tượng móng. Tôi phải nhấn mạnh điều này với mong muốn bạn đọc luôn tỉnh táo trước mọi thông tin không có nguồn gốc và xuất xứ.
![]() |
Ngày 6-9-1988 bắt đầu khai thác dầu từ tầng móng mỏ Bạch Hổ, đưa sản lượng những năm sau tăng vọt (ảnh TL |
Sau hơn 1 tháng, từ ngày 6-8 đến ngày 11-9-1988, đội khoan giàn MSP-1 đã hoàn thành trọn vẹn kế hoạch sửa chữa lớn, thử lại đối tượng móng phong hóa và nứt nẻ ở giếng khoan số 1 (giàn MSP-1), kết quả thật khả quan, đó là sự đền đáp xứng đáng của lòng đất với bao nhiêu con người đã góp phần, tham gia vào việc đề xuất, phê duyệt và trực tiếp thực hiện. Giếng khoan cho dòng dầu tự phun mạnh, không có nước. Lưu lượng dầu ở côn 16mm là 407 tấn/ngày đêm, áp suất trên miệng giếng là 69atm, ghi thêm một cột mốc vàng vào trang sử của xí nghiệp: Ngày 6-9-1988, ngày khai thác tấn dầu đầu tiên từ đá móng mỏ Bạch Hổ.
* * *
Trong lịch sử phát triển 37 năm qua, Vietsovpetro đã gặp không ít những khó khăn, thách thức. Sớm nhất là thời điểm năm 1987, sau 2 năm khai thác dầu từ cát kết mioxen tầng 23, lưu lượng dầu ở giếng khoan số 1 (giàn MSP-1) đã suy giảm nhanh chóng xuống chỉ còn 10 tấn/ngày, giàn cố định MSP-2 ngay cạnh đó đã xây dựng xong, có nguy cơ “thất nghiệp”. Gần đây nhất là khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng kéo dài trong cả 2 năm (2015-2016), Vietsovpetro đều đã biết cách vượt qua.
Đứng chân tại một khu vực đã được xác minh là giàu có hàng đầu về tài nguyên dầu khí - cung Tây Bắc vành đai Thái Bình Dương, trên thềm lục địa Việt Nam với 8 bể trầm tích rộng lớn, trong đó nhiều bể hầu như chưa được khai phá, có chiến lược và định hướng phát triển đúng đắn là ưu tiên hàng đầu cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò để gia tăng kho trữ lượng của mình, tôi hoàn toàn tin tưởng tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro sẽ viết thêm những trang sử hào hùng mới, đặt những cột mốc mới từ nay đến hết năm 2030.
Đó sẽ là cơ sở quan trọng hàng đầu để hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga thỏa thuận và quyết định việc gia hạn lần thứ hai Hiệp định Liên chính phủ về hoạt động của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro với thời hạn 20 năm hoặc 30 năm nữa.
Tôi không bao giờ, dù hết lòng yêu quý Vietsovpetro, đề xuất gia hạn đến 99 năm. Thời hạn 20 hoặc 30 năm là hợp lý, là cần thiết, tạo điều kiện cho những người lao động ở Vietsovpetro có thể chứng minh rằng: Việc gia hạn hiệp định này là mối quan hệ thân thiện, thủy chung, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa những công dân Nga và Việt Nam trong tập thể lao động quốc tế của mình.
Trần Hội Nguyên Phó tổng giám đốc Vietsovpetro