Nghịch lý phân bón không chịu thuế GTGT

13:57 | 23/04/2020

1,518 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị được nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) thực chất là nhu cầu thiết thực để có thêm động lực tăng trưởng trong dài hạn, đầu tư công nghệ, hạ giá thành sản phẩm, đem lại lợi ích cho nông dân.

Trước năm 2015, phân bón là mặt hàng nằm trong diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Sau đó, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 quy định: Sản phẩm phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Do đó, phân bón chuyển sang danh mục không chịu thuế GTGT, mục đích nhằm giảm gánh nặng chi phí phân bón cho nông dân. Tuy nhiên, trong những năm qua, quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập, tạo nên những nghịch lý.

nghich ly phan bon khong chiu thue gtgt

Để sản xuất 800.000 tấn phân bón mỗi năm, nhà máy phải nhập khẩu nguồn khí, đầu tư thiết bị tốn kém hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, phân bón không chịu thuế GTGT nên thuế đầu vào của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị không được khấu trừ, khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm. Giá thành sản phẩm tăng, lợi nhuận giảm, điều này hoàn toàn không hề có lợi cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón lẫn người nông dân. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu được hưởng ưu đãi giảm thuế từ những cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, khiến giá bán giảm nhiều so với phân bón trong nước, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.

Theo tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV), số thuế GTGT không được khấu trừ, phải tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay lên tới hơn 3.000 tỉ đồng và của 2 doanh nghiệp sản xuất đạm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ) khoảng 2.000 tỉ đồng. Chi phí sản xuất tăng khiến giá thành sản phẩm phân bón tăng thêm khoảng 6-8%, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân và sản xuất nông nghiệp, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của phân bón trong nước với phân bón nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm được sản xuất từ nguyên vật liệu nguyên khai trong nước như lân, đạm, DAP.

Không ít doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước lo ngại, chính sách thuế GTGT như hiện tại sẽ khiến ngành phân bón... đi giật lùi, vì doanh nghiệp không muốn đầu tư; càng đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, giá thành sản phẩm càng cao, khả năng thu hồi vốn thấp.

Vô hình trung, chính sách miễn thuế GTGT cho phân bón tưởng như có lợi, nhưng thực chất lại làm cho doanh nghiệp sản xuất phân bón chịu thêm nhiều sức ép trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh và hoàn toàn không có tác dụng khuyến khích đầu tư công nghệ mới trong sản xuất, ngược lại, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón thậm chí buộc phải giảm công suất, giảm sản lượng và thiệt hại nhiều tỉ đồng vì không được khấu trừ, hoàn thuế.

nghich ly phan bon khong chiu thue gtgt

Nếu được nộp thuế GTGT, doanh nghiệp phân bón có thể cải thiện biên lợi nhuận

Theo tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV), số thuế GTGT không được khấu trừ, phải tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ năm 2015 đến nay lên tới hơn 3.000 tỉ đồng và của 2 doanh nghiệp sản xuất đạm thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ) khoảng 2.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, việc phân bón không chịu thuế GTGT còn làm giảm đóng góp thuế GTGT của doanh nghiệp sản xuất phân bón cho ngân sách Nhà nước. Trong khi chi phí doanh nghiệp tăng lên, nguồn thu ngân sách Nhà nước lại giảm đi.

Các bất cập đó nhiều lần đã được các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị đến các cơ quan quản lý và đề xuất sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 0% hoặc quay trở lại thuế suất 5% như trước.

Trước đây, khi áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%, với chi phí nguyên vật liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn tới 50-70% giá thành sản phẩm, chỉ riêng việc khấu trừ thuế đầu vào cũng giúp doanh nghiệp cải thiện được biên lợi nhuận gộp 2-4%, cho dù giá bán không đổi, tương ứng lợi nhuận có thể tăng từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Ngoài ra, việc tiết kiệm chi phí còn giúp doanh nghiệp có thể hạ giá bán, tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT, phương án thuế suất 0% sẽ có lợi cho phân bón sản xuất trong nước (tạo công bằng với phân bón nhập khẩu chịu thuế suất thuế GTGT 0%) so với phương án thuế suất 5%, bởi dù số thuế GTGT đầu ra bằng 0, trong khi doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế GTGT đầu vào, sẽ làm giảm giá thành sản phẩm và có cơ hội giảm giá phân bón trên thị trường.

Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ Tài chính, việc xem xét áp thuế GTGT với thuế suất 0% đối với phân bón như một số đề xuất là chưa phù hợp, bởi thuế suất 0% trong Luật Thuế GTGT đang được áp dụng với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, thuế suất 5% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đã từng đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi đã quy định thuế suất thuế GTGT cho sản phẩm phân bón là 5%, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua do còn một số vướng mắc. Mới đây, trong văn bản trả lời các cử tri, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định vẫn đang tiếp tục xem xét vấn đề này.

Bao giờ nghịch lý phân bón không chịu thuế GTGT mới được xóa bỏ?

Trúc Lâm

DMCA.com Protection Status