Nhà máy Đạm Cà Mau: Đã sẵn sàng

16:30 | 09/09/2011

585 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 31/8 vừa qua, Nhà máy Đạm Cà Mau hoàn thành cơ bản công tác lắp đặt cơ khí, đã đánh dấu bước chuyển mới nhằm chuẩn bị giai đoạn vận hành nhà máy trong thời gian tới. Nhân dịp này, Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Trưởng ban Quản lý dự án (QLDA) Cụm Khí Điện Đạm Cà Mau xoay quanh tiến độ hoàn thành xây dựng và chuẩn bị công tác vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau.

TS Lê Mạnh Hùng

PV: Thưa ông, sự kiện công trình Nhà máy Đạm Cà Mau hoàn thành cơ bản công tác lắp đặt cơ khí vào ngày 31/8 vừa qua có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

TS Lê Mạnh Hùng: Có thể nói mốc hoàn thành cơ bản lắp đặt cơ khí Nhà máy Đạm Cà Mau là một trong các mốc có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của dự án.

Để đạt đến mốc này chúng tôi đã phải trải qua và hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trước đó. Đó là hoàn thành công tác thiết kế, mua sắm, đặt hàng vận chuyển đến công trường, xử lý nền, xây dựng móng và kết cấu bên trên; lắp đặt kết cấu thép, lắp đặt thiết bị, gia công chế tạo và lắp đặt đường ống, thiết bị điều khiển… với khối lượng rất lớn và phức tạp.

Các công tác này đều bảo đảm tuân thủ theo các quy trình thực hiện, kiểm tra, nghiệm thu, phù hợp với thiết kế và tiêu chuẩn dự án. Việc hoàn thành cơ bản lắp đặt cơ khí là cơ sở chắc chắn cho công tác tiền chạy thử và chạy thử sau này, do đó nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ghi nhận tiến độ hoàn thành khối lượng công việc toàn dự án.

PV: Tổng khối lượng công việc của công trình Nhà máy Đạm Cà Mau hiện đã được hoàn thành đến đâu, thưa ông?

TS Lê Mạnh Hùng: Đến thời điểm này, tổng khối lượng công việc của Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoàn thành trên 93%; hoàn thành toàn bộ công tác lắp đặt cơ khí cho các phân xưởng phụ trợ: khí nén, khí điều khiển; sản xuất nước khử khoáng; sản xuất hơi; làm mát tuần hoàn; phân phối, cung cấp khí; 4 trạm điện. Đồng thời cũng hoàn thành cơ bản lắp đặt cơ khí cho các phân xưởng công nghệ như sản xuất ammoniac, sản xuất urê, tạo hạt. Ngoài ra, nhà máy đã hoàn thành xây dựng hệ thống kho chứa, gồm kho vật tư dự phòng, kho hóa chất xúc tác, kho chứa urê rời 80.000 tấn, kho chứa urê đóng bao 10.000 tấn và hệ thống băng tải, cảng xuất sản phẩm.

PV: Thời gian từ nay đến thời điểm dự kiến có sản phẩm đầu tiên vào quý I/2012, những công việc chính cần tập trung là gì?

TS Lê Mạnh Hùng: Mục tiêu chúng tôi đặt ra đối với dự án là có sản phẩm urê đầu tiên vào ngày 27/11/2011, còn theo Hợp đồng EPC thì việc hoàn thành và bàn giao nhà máy vào ngày 31/1/2012. Đây là mục tiêu hết sức khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng rất cao của tất cả các lực lượng tham gia dự án.

Hiện nhà máy đang tập trung hoàn thiện công việc còn lại của giai đoạn lắp đặt cơ khí để sẵn sàng nhận khí vào ngày 15/9/2011, đồng thời triển khai ngay công tác tiền chạy thử (thổi rửa, làm sạch…). Chúng tôi cũng lập kế hoạch chi tiết và phối hợp chặt chẽ với các bên triển khai công tác chạy thử một cách bài bản, chắc chắn để chuẩn bị cho khởi động, vận hành toàn nhà máy.

PV: Ông có thể cho biết thêm về công tác chạy thử nghiệm thu của Nhà máy Đạm Cà Mau?

TS Lê Mạnh Hùng: Tổng thầu WEC đã thuê 3 nhà thầu phụ đến từ Indonesia và Trung Quốc thực hiện công tác chạy thử nhà máy. Hiện nay chúng tôi đã chạy thử cho một số hạng mục như phân xưởng sản xuất khí nén, khí điều khiển, sản xuất nước khử khoáng…

Về công tác nghiệm thu, mỗi bước chuyển tiếp giai đoạn đều phải có đầy đủ hồ sơ chất lượng, có danh sách các điểm tồn tại, xóa các điểm tồn tại thì mới được nghiệm thu và chuyển tiếp. Sau khi nhà máy vận hành ổn định, nếu đạt và khắc phục xong các điểm tồn tại thì sẽ triển khai các thủ tục nghiệm thu, bàn giao nhà máy.

PV: Để đáp ứng cho giai đoạn tiếp nhận và vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau trong thời gian tới thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực được thực hiện ra sao, thưa ông?

TS Lê Mạnh Hùng: Việc chuẩn bị các điều kiện cho tiếp nhận, vận hành nhà máy đã được Ban QLDA thực hiện rất kỹ lưỡng và đã sẵn sàng. Một bộ phận nhân lực gồm 173 kỹ sư và 284 công nhân vận hành đã được tuyển dụng, đào tạo tại Trường cao đẳng nghề Dầu khí, đào tạo thực tế tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, đào tạo tại các nhà cung cấp thiết bị, nhà bản quyền công nghệ và đào tạo tại nhà máy đạm tương tự. Các nhân sự này đã được đưa về từ tháng 3/2011, vừa tham gia quá trình đào tạo tại chỗ, vừa tham gia giám sát, hỗ trợ nhà thầu để học hỏi thêm. Sau đó, họ sẽ được bố trí đi theo học hỏi, đào tạo trong quá trình vận hành thử Nhà máy Đạm Cà Mau. Ngoài ra, lực lượng kỹ sư có nhiều kinh nghiệm, đã từng là trưởng ca, quản đốc, kỹ sư vận hành, bảo dưỡng từ Nhà máy Đạm Phú Mỹ hiện đang công tác tại Ban QLDA sẽ được sắp xếp vào các vị trí quan trọng trong sơ đồ tổ chức vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau.

PV: Theo ông, trong giai đoạn thi công nước rút để hoàn thành tiến độ, Nhà máy Đạm Cà Mau có gặp phải những trở ngại nào hay không và đã tháo gỡ điều đó ra sao?

TS Lê Mạnh Hùng: Vâng, đúng là rất nhiều khó khăn, nhìn lại quá khứ một chút, như tiến độ thực hiện dự án từng có đôi lúc bị chậm, điều kiện hạ tầng hạn chế, thời tiết không thuận lợi. Về nhân lực tại chỗ hầu như không có, chỉ có lao động phổ thông, lao động về xây dựng cho nên buộc nhà thầu phải đưa sang từ nước họ, nhất là trong giai đoạn cao điểm trên công trường nhu cầu tới trên 4.000 người. Chúng tôi đã phải cùng với nhà thầu tìm kiếm các nguồn lao động kỹ thuật của Việt Nam (thợ hàn, thợ lắp máy…), giới thiệu cho họ thông qua thi tuyển nhưng cũng không được nhiều. Cuối cùng đành phải huy động lao động của họ đang làm việc tại các dự án khác ở Việt Nam đến.

Còn rất nhiều khó khăn nữa nhưng giải pháp tổng thể mà chúng tôi muốn nói đến là Ban QLDA phải hợp tác với nhà thầu, chia sẻ khó khăn với họ, hỗ trợ họ để hai bên cùng hướng về một mục tiêu là xây dựng công trình đáp ứng yêu cầu của hợp đồng. Và như vậy, cuối cùng chúng tôi đã vượt qua những khó khăn đó, kiểm soát được tiến độ và chất lượng dự án, kết quả là Nhà máy Đạm Cà Mau đã hoàn thành cơ bản công tác lắp đặt cơ khí rồi.

PV: Thưa ông, một vấn đề đang được dư luận quan tâm là việc tổ chức quản lý lực lượng lao động Trung Quốc đang làm việc trên công trình Nhà máy Đạm Cà Mau được thực hiện như thế nào? Ban QLDA cần chấn chỉnh những gì nhằm tránh ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành nhà máy?

TS Lê Mạnh Hùng: Lao động Trung Quốc ở Nhà máy Đạm Cà Mau được tổ chức ăn ở tốt, có tổ chức, kỷ luật và chỉ trong phạm vi công trường nên hầu như không có quan hệ với bên ngoài. Việc khai báo tạm trú, tạm vắng cũng được thực hiện nghiêm túc, theo quy định, nên công an địa phương thực hiện quản lý không gặp khó khăn gì.

Về việc cấp phép lao động, trước đây quy định của Nghị định 34/2008/NĐ-CP không bắt buộc lao động nước ngoài vào Việt Nam phải có giấy phép lao động, do đó trong quá trình huy động nhân lực vào công trường họ chưa có giấy phép lao động là không vi phạm luật (nay Nghị định 46/2011/NĐ-CP quy định bắt buộc phải có giấy phép lao động khi vào Việt Nam thì mới có hiệu lực từ ngày 1/8/2011). Tuy nhiên, sau khi vào Việt Nam họ phải thực hiện các thủ tục để kê khai hồ sơ và xin giấy phép, đương nhiên là chỉ với đối tượng lao động trên 3 tháng thôi. Việc này nhà thầu triển khai chậm nên chưa phù hợp với quy định.

Về phía chủ đầu tư, trong Hợp đồng EPC chúng ta đã có các điều khoản quy định nhà thầu khi đưa lao động vào Việt Nam phải tuân thủ pháp luật về quản lý lao động nước ngoài của Việt Nam. Ngay từ đầu, với phạm vi, trách nhiệm của chủ đầu tư, khi thực hiện dự án, chúng tôi đã cung cấp toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung này cho nhà thầu và phổ biến, đôn đốc họ thực hiện. Đến nay số lao động chưa cấp phép của nhà thầu đã được hướng dẫn kê khai hồ sơ, khám sức khỏe và triển khai các thủ tục khác để hoàn tất việc cấp phép theo quy định. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau giám sát, đôn đốc.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thế Vinh

thực hiện

DMCA.com Protection Status