Nhịp đập năng lượng ngày 19/7/2023

19:38 | 19/07/2023

5,881 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Giá điện ở châu Âu lại giảm xuống mức âm; IEA cảnh báo châu Âu sẽ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt; Khí đốt chiếm vị trí quan trọng trong an ninh năng lượng của Hàn Quốc… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 19/7/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Giá điện ở châu Âu lại giảm xuống mức âm

Giá điện ở châu Âu đã giảm xuống mức âm vào cuối tuần qua do nỗ lực thúc đẩy năng lượng xanh của khu vực dẫn đến nguồn cung dồi dào. Vào thứ Bảy (15/7), dữ liệu của Epex Spot SE cho thấy giá điện của ngày kế tiếp đã giảm xuống dưới 0 ở khoảng 12 quốc gia, bao gồm Đức, Pháp, và Hà Lan… Ở Hà Lan, giá điện cho buổi chiều Chủ nhật (16/7) thấp tới mức âm 73,76 euro/MWh, tương đương khoảng âm 82,83 USD/MWh.

Sự dư thừa năng lượng là do các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, chẳng hạn như các tấm pin mặt trời và turbine gió. Châu Âu đã lắp đặt một số lượng kỷ lục các tấm pin mặt trời mới vào năm ngoái để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, sau khi giá khí đốt tăng vọt sau khi Nga cắt nguồn cung cấp.

Trên thực tế, giá điện ở mức âm không có nghĩa là người tiêu dùng được trả thêm tiền để sử dụng điện. Mọi người trả tiền điện thường dựa theo giá thỏa thuận thay vì giá thị trường thô.Nhưng giá điện âm đã báo hiệu sự mất cân bằng trên thị trường và có thể ngăn cản đầu tư trong tương lai vào cơ sở hạ tầng năng lượng nhiều hơn.

IEA cảnh báo châu Âu sẽ phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu vẫn có thể phải đối mặt với một mùa đông rất khó khăn nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt còn lại cho lục địa và khu vực này trải qua thời tiết lạnh giá. IEA cho biết ngay cả khi các kho chứa khí đốt của châu Âu được lấp đầy gần 100% công suất trước tháng 10 cũng “không có gì đảm bảo” trước những căng thẳng thị trường trong tương lai.

Theo cơ quan công nghiệp Cơ sở hạ tầng khí châu Âu, kho chứa khí đốt ở châu Âu hiện đạt trên 80% công suất, cao hơn gần 20 điểm phần trăm so với mức trung bình trong 5 năm trước đó. Các nhà phân tích đã kỳ vọng các địa điểm lưu trữ, có thể chứa khoảng 100 tỷ m3 khí đốt, sẽ đạt 90% trong cả tháng trước mục tiêu chính thức của châu Âu là đạt được mức đó vào tháng 11.

Tuy nhiên, IEA cho biết nếu mùa đông lạnh giá, đường ống dẫn khí đốt của Nga ngừng hoàn toàn và lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng sẵn có thấp, kho chứa của EU có thể trong 4 tháng tới với chỉ 20% khí đốt, một mức sẽ đe dọa gián đoạn nguồn cung. Ngược lại, nếu mùa đông ôn hòa và lưu lượng LNG vẫn gần với mức kỷ lục của năm ngoái, “các địa điểm lưu trữ sẽ kết thúc mùa sưởi ấm với mức tồn kho trên 50% công suất ngay cả khi không có đường ống khí đốt của Nga”.

Nga chấp thuận cho Gazprom tăng giá khí đốt nội địa

Các nhà chức trách Nga đã đồng ý tăng giá khí đốt theo quy định đối với khách hàng trong nước để tăng cường tài chính cho gã khổng lồ Gazprom do nhà nước kiểm soát. Cơ quan chống độc quyền liên bang của đất nước (FAS) đã phê duyệt mức tăng 8% từ ngày 1/7/2023, với mức tăng 8% nữa từ ngày 1/7/2025.

Việc tăng giá chỉ áp dụng cho Gazprom - được các nhà chức trách coi là nhà cung cấp khí đốt độc quyền - không áp dụng cho các nhà sản xuất khí đốt độc lập, như Novatek - không bắt buộc phải bán sản phẩm của mình theo giá cố định của chính phủ.

Từ năm 2014-2021, Điện Kremlin đã đồng ý mức tăng giá khí đốt hằng năm của Gazprom từ 2-7%. FAS cho biết Gazprom dự kiến ​​sẽ sử dụng doanh thu bổ sung để xây dựng các đường ống mới nhằm tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn, đồng thời chi cho đầu tư và bảo trì chung.

Khí đốt chiếm vị trí quan trọng trong an ninh năng lượng của Hàn Quốc

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khí đốt chiếm 40,8% công suất sản xuất điện của Hàn Quốc.

IEA cũng đã hoan nghênh "Chính phủ Hàn Quốc vì đã thực hiện Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch" và khuyến khích đất nước chủ động tiếp cận hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và hydro (đặc biệt là trong ngành giao thông vận tải).

Theo IEA, để "thoát khỏi sự thống trị của nhiên liệu hóa thạch và tránh lệ thuộc nặng nề vào năng lượng nhập khẩu", Hàn Quốc đã cam kết nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện lên 20% vào năm 2030 và 30-35% vào năm 2040 (so với chỉ khoảng 3% vào năm 2019). Để đạt được cam kết này, Hàn Quốc “cần phát triển một hệ thống điện linh hoạt hơn”.

Nhật Bản và Ả Rập Xê-út ký kết loạt biên bản ghi nhớ hợp tác về năng lượng

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 17/7 đã có cuộc hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman tại Ả Rập Xê-út, trong chuyến thăm chính thức. Hai nhà lãnh đạo đã ký kết 26 biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó tập trung phần lớn vào hai lĩnh vực thương mại và năng lượng.

Nhật Bản đồng ý cung cấp công nghệ năng lượng xanh để hỗ trợ Ả Rập Xê-út đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định trong quá trình tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của dầu mỏ Ả Rập Xê-út đối với quốc gia Đông Á và thể hiện mong muốn tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ với số lượng và giá thành ổn định.

Trong cuộc hội đàm, hai bên đã nhất trí thiết lập đối thoại chiến lược ở cấp bộ trưởng ngoại giao nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác song phương. Thủ tướng Kishida cho biết: "Chúng tôi đang chuyển đổi từ mối quan hệ giữa một nhà nhập khẩu và một nhà xuất khẩu dầu mỏ sang mối quan hệ đối tác toàn cầu mới cho kỷ nguyên khử carbon".

Nhịp đập năng lượng ngày 17/7/2023Nhịp đập năng lượng ngày 17/7/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 18/7/2023Nhịp đập năng lượng ngày 18/7/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status