Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/3/2023

20:07 | 10/03/2023

4,505 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Châu Âu lên kế hoạch mua chung khí đốt; EU yêu cầu các nước thành viên tiếp tục tiết kiệm năng lượng; Đức đạt tiến triển trong việc đổi mới nguồn cung năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 10/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 10/3/2023
27 nước thành viên EU đang có kế hoạch cùng mua chung khí đốt. Ảnh minh họa: Cadenaser

Châu Âu lên kế hoạch mua chung khí đốt

Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết Liên minh châu Âu (EU) đang có kế hoạch cho 27 nước thành viên cùng mua chung khí đốt. Đây sẽ là bước đi nhằm hạn chế khả năng giá khí đốt tăng cao trong thời gian tới, là bước đệm xây dựng khả năng cạnh tranh nguồn cung của EU trên thị trường năng lượng nói chung và thị trường khí đốt nói riêng.

Ông Sefcovic cho biết, EC đang cố gắng hoàn thiện kế hoạch mua chung khí đốt. Dự kiến kế hoạch được chính thức công bố vào ngày 15/3, sau đó sẽ được gửi tới các công ty, doanh nghiệp tại châu Âu quan tâm đến việc thu mua chung khí đốt. Đến tháng 4, EU bắt đầu mở thầu nhắm đến các đối tác tiềm năng từ Mỹ, Trung Đông và châu Phi.

Đến tháng 6, EU sẽ chính thức ký hợp đồng với các đối tác tiềm năng có thể cung cấp khí đốt cho EU ổn định và lâu dài. Theo ông Sefcovic, đến nay đã có hơn 50 doanh nghiệp cung cấp khí đốt trên khắp thế giới quan tâm tới việc hợp tác với EU. Sau đợt đấu thầu đầu tiên, EU sẽ tổ chức thêm nhiều đợt mua chung để đảm bảo có đủ khí đốt cho các nước thành viên, dù hiện tại kho dự trữ khí đốt của châu Âu ước tính đang ở mức 61%.

EU yêu cầu các nước thành viên tiếp tục tiết kiệm năng lượng

Ủy ban châu Âu (EC) vừa ra thông báo sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt trong mùa đông tới sau khi đạt được chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng đặt ra trước đó.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), Ủy viên năng lượng của EU, Kadri Simson, nói: “Chúng ta không nên ảo tưởng rằng mọi thứ đang trở nên dễ dàng”. Bà Simson cho rằng các quốc gia thành viên nên một lần nữa giảm 15% nhu cầu và chỉ có điều đó mới đảm bảo tốt nhất để đạt được mức dự trữ vào tháng 11 tới. Bà cũng kêu gọi một số quốc gia thành viên ngừng mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, kể cả khi mặt hàng này không bị trừng phạt.

Châu Âu đã rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng và người dân phải đối mặt với giá năng lượng cao chưa từng có kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. 27 quốc gia thành viên đã nhất trí cắt giảm 15% mức sử dụng khí đốt kể từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 so với mức trung bình của 5 năm trước đó.

Dầu Nga vẫn đến châu Âu

Hãng tin Bloomberg mới đây tiết lộ, một lượng lớn dầu của Nga vẫn đang được chuyển qua lại giữa các tàu chở dầu chỉ cách bờ biển Tây Ban Nha chưa đến 2km. Theo Vortexa và dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp, 4 tàu chở dầu thô “siêu lớn” đang neo đậu ngoài khơi Ceuta, nằm bên bờ biển Bắc Phi, thuộc chủ quyền Tây Ban Nha. Các tàu này có thể chữ khoảng 8 triệu thùng dầu.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhà máy lọc dầu Trung Quốc quan tâm đến các sản phẩm dầu của Nga, nhu cầu từ phía Ấn Độ tăng vọt đã khiến dầu Nga trở nên đắt đỏ hơn.

Các nhà giao dịch cho biết, giá chào bán của dầu ESPO thường được xếp hàng tại cảng Kozmino đang ở mức thấp hơn gần 6,50 USD đến 7 USD/thùng so với ICE Brent khi được giao đến Trung Quốc. Trong khi đó, dầu Ural được vận chuyển từ các cảng phía Tây đang có giá khoảng 10 USD/thùng.

Đức đạt tiến triển trong việc đổi mới nguồn cung năng lượng

Trong một báo cáo công bố ngày 9/3, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck khẳng định, nước này đang đạt tiến triển tốt trong việc đổi mới nguồn cung năng lượng và nền công nghiệp, dù có những thách thức lớn.

Báo cáo cho biết, song song với việc đối phó với các cuộc khủng hoảng, từ năm 2022, Đức đã đặt nền móng cơ bản cho việc đổi mới và hướng tới sự thịnh vượng theo hướng trung hòa khí thải. Hiện Đức đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất trong việc phát triển năng lượng gió và mặt trời, đã có nhiều bước tiến trong việc đẩy nhanh thủ tục, cải thiện các điều kiện về đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo.

Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đầu tư vào các công nghệ trung hòa khí thải. Báo cáo khẳng định năng lượng tái tạo được đẩy mạnh, hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, một ngành công nghiệp thân thiện với khí hậu là những gì nước Đức đang hướng tới để đảm bảo khả năng cạnh tranh và việc làm trong tương lai.

Đình công tại Pháp gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và nhiên liệu

Đình công bắt đầu từ ngày 7/3 đã dẫn đến tình trạng mất điện ở một số nơi, gây gián đoạn nguồn cung năng lượng và giảm sản lượng điện tại một số nhà máy.

Theo dữ liệu của EDF, cơ quan quản lý năng lượng nước này, lượng điện sản xuất ngày 9/3 đã giảm 8,2 gigawatt (GW) - tương đương 13% tổng sản lượng cả nước.

Trong khi đó, tập đoàn dầu khí đa quốc gia TotalEnergies cho biết các nhà máy lọc dầu của Pháp không thể đảm bảo vận chuyển nhiên liệu do ảnh hưởng của đình công. Tương tự, nhà máy Fos-sur-Mer của ExxonMobil cũng không thể giao hàng như dự kiến…

Chính phủ Pháp đã phải đối mặt với làn sóng đình công trên cả nước kể từ khi trình bày kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu vào ngày 10/1 vừa qua, trong đó dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm lên 64 tuổi, cũng như kéo dài thời gian nộp các khoản đóng góp cần thiết để được hưởng lương hưu đầy đủ.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/3/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/3/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status