Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/10/2022

20:00 | 14/10/2022

7,683 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đóng điện đường dây 220KV vượt biển dài nhất Đông Nam Á giai đoạn 1; 5 nước EU đề xuất phương án mới để giới hạn giá khí đốt; Nga nêu điều kiện công nhận kết quả điều tra vụ nổ Nord Stream… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 14/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/10/2022
Đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc là đường dây vượt biển trên không cấp điện áp 220kV dài nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: TTXVN

Đóng điện đường dây 220KV vượt biển dài nhất Đông Nam Á giai đoạn 1

Sáng 14/10, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức lễ đóng điện vận hành cấp điện áp 110kV giai đoạn 1 của đường dây 220kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc, mang lại năng lực cung cấp điện cho đảo Phú Quốc tăng gấp 5 lần phụ tải hiện hữu và có thể đáp ứng nguồn cung cấp điện đến năm 2035.

Dự án đường dây 220kV trên không vượt biển đầu tiên tại Việt Nam có quy mô 2 mạch; tổng chiều dài 80,4km. Công trình được xếp loại công trình năng lượng cấp I - nhóm B với tổng mức đầu tư là 2.221 tỷ đồng. Công trình hoàn thành đã kịp thời san tải cho đường dây cáp ngầm 110kV hiện hữu đang vận hành ở mức tải cao.

Giai đoạn tiếp theo, EVNSPC đã và đang triển khai các công trình đồng bộ cấp điện áp 22kV-110kV-220kV bao gồm: Dự án tái cấu trúc lưới điện Phú Quốc, hoàn thành phần còn lại của Đường dây 110kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc, trạm ngắt 110kV Phú Quốc, đường dây 110kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc, trạm biến áp 110kV Bắc Phú Quốc theo đúng quy hoạch điện lực đã được phê duyệt.

5 nước EU đề xuất phương án mới để giới hạn giá khí đốt

Trong một bức thư gửi tới cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu ngày 13/10, các bộ trưởng năng lượng của Hy Lạp, Italia, Bỉ, Hà Lan và Ba Lan đã đề xuất sửa đổi các tham chiếu đối với giá khí đốt của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan (TTF) trong các hợp đồng liên quan thông qua các biện pháp quản lý của EU.

Các bộ trưởng cũng muốn EU nghiên cứu giới hạn giá khí đốt bán buôn và xem xét một cơ chế riêng biệt để đảm bảo phù hợp giữa cung và cầu khi giới hạn giá có thể bị vượt mức bởi các giao dịch mua bán tự do và việc đấu thầu.

Để đối phó tình hình thiếu hụt năng lượng, các quốc gia EU đang nghiên cứu các biện pháp áp giá trần khí đốt của tất cả các nhà cung cấp tuy nhiên Na Uy, một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu cho rằng động thái này có thể làm trầm trọng thêm tình hình và buộc các nhà cung cấp tìm đến các thị trường bên ngoài EU.

Tổng thống Putin đề xuất thành lập trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ

Trong cuộc gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Kazakhstan ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất xây dựng một trung tâm khí đốt lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ để xử lý số khí đốt trước đây được dẫn qua đường ống Nord Stream nhằm chuyển hướng nguồn cung cấp khí đốt khỏi các đường ống Nord Stream bị hư hại.

Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đang cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ ở quy mô tối đa, đồng thời nói thêm rằng Ankara đã trở thành đối tác đáng tin cậy nhất cho việc vận chuyển các nguồn năng lượng của Nga sang châu Âu. Phát biểu trong cuộc họp hôm 13/10, ông Putin nói trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể trở thành một nền tảng để xác định giá khí đốt, tránh việc chính trị hóa vấn đề này.

Ông Putin lần đầu tiên đề xuất việc thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/10 trong bài phát biểu tại hội nghị Tuần lễ Năng lượng Nga. Ông nói rằng Mátxcơva chuyển khí đốt từ Biển Baltic (đường ống Nord Stream) sang khu vực Biển Đen bằng cách thiết lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ để cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU).

Nga nêu điều kiện công nhận kết quả điều tra vụ nổ Nord Stream

Hôm 13/10, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập đại diện của Đức, Đan Mạch và Thụy Điển để đề nghị câu trả lời về việc không có phản ứng chính thức đối với yêu cầu hợp tác điều tra vụ nổ Nord Stream do Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin gửi hồi đầu tháng.

Nga cho biết nước này sẽ không công nhận kết quả của cuộc điều tra đang diễn ra đối với các vụ nổ tại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) và Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) vào cuối tháng 9 trừ khi các chuyên gia của họ được phép tham gia vào cuộc điều tra.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong khi phía Nga chưa được cấp quyền điều tra, có nhiều thông tin cho thấy Berlin, Copenhagen và Stockholm đã sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu tương tự từ các quốc gia khác, trong đó cả Mỹ. Nga nhấn mạnh việc phớt lờ sự tham gia của phía Moskva cho thấy ba nước châu Âu “có điều gì mờ ám phải che giấu hoặc đang che đậy thủ phạm của các vụ tấn công khủng bố này”.

Moscow không giảm nguồn cung cho Đức bất cấp sự cố Druzhba

Công ty đường ống dẫn dầu nhà nước Transneft (Nga) ngày 13/10 thông báo, công ty này đang tiếp tục bơm dầu cho phía Đức thông qua Ba Lan và đã không giảm nguồn cung này kể từ khi phát hiện vụ rò rỉ dầu tại nhánh qua Ba Lan của tuyến đường ống Druzhba. Theo Transneft, Ba Lan đã xử lý vấn đề kỹ thuật này.

Trước đó, công ty điều hành đường ống dẫn dầu PERN (Ba Lan) đã phát hiện sự cố rò rỉ tại 1 trong 2 nhánh của đường ống dẫn dầu Druzhba, tuyến đường ống chính dẫn dầu từ Nga đến châu Âu. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của vụ rò rỉ.

Druzhba là một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, kéo dài khoảng 4.000 km, vận chuyển dầu từ Nga đến Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Czech, Áo và Đức.

Xuất khẩu dầu mỏ của Nga giảm gần 4% trong tháng 9

Theo số liệu trong báo cáo hằng tháng của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố ngày 13/10, xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã giảm gần 4% trong tháng 9 trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ của nước này sang châu Âu giảm mạnh trước khi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào cuối năm này.

Báo cáo cho thấy, xuất khẩu dầu mỏ của Nga giảm 230.000 thùng/ngày trong tháng 9 xuống 7,5 triệu thùng/ngày. Xuất khẩu dầu thô cũng giảm 260.000 thùng/ngày xuống còn 4,8 triệu thùng/ngày so với mức cao nhất mới đây là 5,5 triệu thùng/ngày hồi tháng 4. Xuất khẩu các sản phẩm như dầu diesel và xăng tăng 30.000 thùng/ngày.

Cũng theo báo cáo, xuất khẩu dầu của Nga sang EU giảm 390.000 thùng/ngày xuống còn 2,6 triệu thùng/ngày. Tỷ lệ xuất khẩu dầu mỏ sang EU trong tổng xuất khẩu dầu của Nga giảm xuống 35% so với mức 50% hồi đầu năm 2022. Tuy nhiên, báo cáo IEA cho biết với gần 500.000 thùng/ngày được Nga xuất sang các nước chưa xác định, số liệu trên có thể phải được điểu chỉnh lại.

Romania bắt đầu bán điện cho Moldova với giá rẻ

Romania ngày 13/10 thông báo sẽ bắt đầu bán điện với giá rẻ cho nước láng giềng Moldova. Bộ trưởng Năng lượng Romania, Virgil Popescu cho biết công ty điện lực quốc gia Hidroelectrica của Romania đã ký hợp đồng cung cấp 100 megawatt điện với công ty Energom của Moldova và điện sẽ được truyền đến Moldova từ đêm 13/10.

Hợp đồng đã được ký sau khi Romania sửa đổi luật để cho phép xuất khẩu điện sang Moldova theo một số quy định đặc biệt. Cụ thể, điện sẽ được bán với giá 450 RON (91 euro)/Mh. Theo dữ liệu của công ty phân tích dữ liệu tiêu dùng và thị trường Statista, đây là mức giá rẻ hơn so với giá bán điện trung bình ở một số nước châu Âu trong tháng 8.

Bộ trưởng Popescu cho biết thêm rằng điện được bán cho Moldova sẽ chỉ dành riêng cho các hộ gia đình sử dụng. Theo Phó Thủ tướng Moldova, năng lượng nhập từ Romania sẽ bù đắp được 30% nhu cầu. Còn Tổng thống Moldova đã cảm ơn Romania vì “sự giúp đỡ hào phóng và kịp thời” này, đồng thời kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm.

Nga tăng mạnh cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống “sức mạnh Siberia”

Phát biểu tại diễn đàn “Tuần lễ Năng lượng Nga”, Phó Thủ tướng Alexander Novak khẳng định, Nga sẽ tăng mạnh cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống “sức mạnh Siberia”.

Theo đó, qua đường ống “sức mạnh Siberia”, Nga sẽ cung cấp 15 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc trong năm 2022, so với 10,39 tỷ mét khối được giao trong năm 2021. Phó Thủ tướng Nga cũng cho biết, nước này sẽ cung cấp 22 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2023 và đến năm 2027 sẽ tăng lên 38 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống “sức mạnh Siberia”.

Thỏa thuận cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc qua đường ống “sức mạnh Siberia” đạt được vào năm 2014, với tổng giá trị 400 tỉ USD. Kể từ năm 2019, đường ống xuyên biên giới dài 3.000 km này chính thức bắt đầu cung cấp khí đốt Nga cho Trung Quốc.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/10/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status