Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/3/2023

21:00 | 14/03/2023

1,685 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương đề xuất 3 nội dung hợp tác về năng lượng với Vương quốc Anh; Nhà đầu tư yêu cầu khắc phục bất cập trong cơ chế giá phát điện tái tạo; Mỹ phê duyệt dự án khai thác dầu gây tranh cãi ở Alaska… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 14/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 14/3/2023
Việt Nam và Vương quốc Anh đang xúc tiến việc triển khai thành lập một trung tâm phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa: GWEC

Bộ Công Thương đề xuất 3 nội dung hợp tác về năng lượng với Vương quốc Anh

Ngày 13/3, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp Ngài Mark Garnier, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, thực thi hiệu quả Hiệp định UKVFTA và lên kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết và đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định này vào giữa năm 2023.

Về lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị hợp tác với Vương quốc Anh 3 nội dung: Hỗ trợ phát triển điện hạt nhân; đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ chuyển giao công nghệ và tư vấn chính sách. Bộ trưởng đề nghị Vương quốc Anh hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, làm chủ công nghệ mới, phục vụ sản xuất các thiết bị cho năng lượng tái tạo, công nghệ trong chuyển đổi năng lượng, lưới điện thông minh, trung tâm điều hành lưới điện thông minh...

Ngài Mark Garnier hoan nghênh 3 đề xuất, đồng thời khẳng định cam kết của Vương quốc Anh chia sẻ các kinh nghiệm, chuyên môn, bằng sáng chế, công nghệ để Việt Nam tự chủ được việc sản xuất các sản phẩm phục vụ năng lượng tái tạo. Ngài Mark Garnier đề cập rằng hiện tại hai nước đang xúc tiến việc triển khai thành lập một trung tâm phát triển điện gió ngoài khơi, cũng như triển khai một loạt các hoạt động hợp tác giúp chia sẻ kinh nghiệm phát triển lĩnh vực này.

Nhà đầu tư yêu cầu khắc phục bất cập trong cơ chế giá phát điện tái tạo

36 nhà đầu tư đã cùng ký tên trong một đề nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ về khắc phục những bất cập trong cơ chế giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Theo các nhà đầu tư, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất là 4.871,62 MW (trong đó gồm có 4.184,8 MW điện gió và 491,82 MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch (dự án chuyển tiếp). Chính việc chậm tiến độ này làm cho các dự án này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT).

Tiếp đó, các nhà đầu tư đã phải chờ đợi trong thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01 đã khiến nhà đầu tư vô cùng lo lắng và quan ngại sâu sắc do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính, làm cho các nhà đầu tư có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản. Các nhà đầu tư cũng cho rằng, các văn bản trên đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra.

Mỹ phê duyệt dự án khai thác dầu gây tranh cãi ở Alaska

Chính phủ Mỹ ngày 13/3 thông báo phê duyệt một dự án khai thác khổng lồ ở khu vực North Slope giàu dầu mỏ của Alaska, một quyết định quan trọng, gây tranh cãi về môi trường của Tổng thống Joe Biden. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Biden tuyên bố sẽ cấm hoặc hạn chế việc khoan dầu ở một số khu vực khác thuộc Alaska và Bắc Băng Dương.

Theo AP, việc phê duyệt đại dự án Willow, trị giá 8 tỷ USD của ConocoPhillips ở North Slope sẽ cho phép công ty thiết lập 3 địa điểm khoan dầu với tổng cộng 199 giếng. Dự án Willow dự kiến sẽ sản xuất khoảng 180.000 thùng/ngày vào lúc cao điểm và chiếm khoảng 1,5% sản lượng dầu hiện tại của Mỹ. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục ngành công nghiệp dầu mỏ ở bang Alaska.

Giới quan sát nhận định, việc phê duyệt dự án Willow đã khiến lãnh đạo Nhà Trắng lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi ông từng hứa sẽ ngăn chặn hoạt động khoan mới của ngành dầu mỏ trong chiến dịch vận động tranh cử. Tuy nhiên, sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2 năm ngoái, làm giá xăng dầu tăng vọt, ông Biden kêu gọi các nhà sản xuất nhiên liệu tăng sản lượng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng.

Chuyên gia cảnh báo áp giá trần sẽ gây phản ứng tiêu cực

Trước việc các nước G7 chuẩn bị sửa đổi trần giá đối với dầu của Nga, trang PolitExpert (PE) mới đây đã thảo luận về thông điệp từ Mỹ với chuyên gia Igor Yushkov - một nhà phân tích hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia.

Trong quá trình áp dụng biện pháp trừng phạt, các nước G7 đã đồng ý rằng thỏa thuận nên được xem xét hai tháng một lần, nhưng theo chuyên gia Igor Yushkov, vấn đề là không rõ các quan chức phương Tây sẽ xác định giá dầu trung bình của Nga như thế nào, liệu có thực sự theo dõi giá trung bình của dầu Nga, hay chỉ đơn giản lấy con số 60 USD và trừ đi 5%.

“Tất cả những nhà lãnh đạo châu u và Mỹ đều hiểu rằng nếu họ đưa ra lệnh cấm bất kỳ ai mua vàng đen của Nga, thì xuất khẩu sẽ gặp vấn đề và xảy ra tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới" và "Điều này sẽ gây ra phản ứng tiêu cực trên thị trường dầu mỏ, không chỉ sản phẩm của Nga, dầu của các quốc gia khác đều sẽ tăng giá lên mức rất cao và chính phương Tây sẽ phải chịu đựng điều này”, ông Yushkov dự đoán.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 12/3/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 13/3/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status