Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/5/2023

21:08 | 01/05/2023

2,736 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bốn kịch bản có thể đẩy giá dầu leo thang; Australia đạt sản lượng năng lượng tái tạo kỷ lục trong quý I/2023; Ngành điện mặt trời Mỹ lo gặp khó nếu mất nguồn cung Trung Quốc… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 1/5/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/5/2023
Theo Oilprice.com, dự báo giá dầu ở mức 200 USD/thùng vẫn có thể xảy ra trong 4 tình huống. Ảnh: Investors

Bốn kịch bản có thể đẩy giá dầu leo thang

Theo mạng tin năng lượng Oilprice.com, dự báo giá dầu ở mức 200 USD/thùng vẫn có thể xảy ra trong 4 tình huống. Thứ nhất, sự leo thang xung đột nghiêm trọng ở Ukraine. Trên thực tế, châu Âu không mất hoàn toàn nguồn cung của Nga mà chỉ đơn giản là chúng được chuyển qua các nước thứ ba. Tuy nhiên, một sự leo thang lớn trong cuộc xung đột, ví dụ trong trường hợp NATO can dự trực tiếp hơn, có thể khiến giá tăng cao.

Thứ hai, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cắt giảm thêm sản lượng. Xét về cơ hội, kịch bản này ít có khả năng xảy ra hơn kịch bản đầu tiên. Để đẩy giá lên 200 USD/thùng, OPEC+ sẽ cần phải cắt giảm sâu hơn nhiều, nhưng quan trọng hơn, nhóm này có lẽ không muốn điều đó bởi vì 200 USD/thùng là một mức giá quá cao và nó sẽ làm giảm nhu cầu. Trong các động thái mới nhất, OPEC+ đã đề xuất rằng mức giá phù hợp của họ là khoảng 80-90 USD/thùng, vì vậy họ đang cố gắng duy trì giá quanh mức đó.

Thứ ba, Nga cắt giảm sản lượng. Tất cả các dự báo về mức giá 200 USD/thùng từ năm ngoái đều liên quan đến dầu mỏ của Nga. Tất nhiên, những dự báo đó chưa tính đến khả năng Nga chỉ đơn giản đổi người mua trong khi châu Âu và Mỹ sẽ đổi người bán, đó chính xác là những gì đã xảy ra.

Thứ tư, đầu tư thiếu hiệu quả. Kịch bản này khá thực tế, mặc dù ít người nhắc đến. Đó là kịch bản mà việc đầu tư hạn chế dẫn đến thu hẹp nguồn cung rất nhiều, khiến giá leo thang.

Australia đạt sản lượng năng lượng tái tạo kỷ lục trong quý I/2023

Nhà điều hành thị trường năng lượng Australia (AEMO) cho biết sản lượng năng lượng tái tạo của nước này đã tăng kỷ lục 66% trong quý I/2023, giúp giảm chi phí năng lượng, giảm lượng khí thải carbon xuống mức thấp kỷ lục và giúp thay thế nguồn điện được tạo ra từ than và khí đốt.

Như vậy, tỷ trọng năng lượng tái tạo cung cấp cho thị trường điện quốc gia (NEM) tăng 4,4 điểm phần trăm so với mức cao trước đó, trong khi đóng góp từ điện than và khí đốt giảm, với nhiệt điện khí đốt chạm mức thấp nhất kể từ năm 2005. Tổng lượng phát thải của thị trường điện quốc gia giảm xuống mức thấp nhất, tính theo quý giảm 5,1%.

AEMO, trong bản cập nhật hàng quý mới nhất, nhấn mạnh rằng cần đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống chuyển đổi, kết nối nhiều trang trại gió và mặt trời hơn với mạng lưới điện quốc gia. Giám đốc điều hành AEMO Daniel Westerman cho rằng việc tăng đầu tư là cần thiết để mang lại nguồn năng lượng tái tạo chi phí thấp, phát thải thấp cho người tiêu dùng.

Ngành điện mặt trời Mỹ lo gặp khó nếu mất nguồn cung Trung Quốc

Các đảng viên Dân chủ tại quốc hội Mỹ đang vận động áp dụng lại các mức thuế thương mại cho thiết bị điện mặt trời Trung Quốc nhập khẩu. Năm ngoái, chúng đã bị Tổng thống Biden tạm đình chỉ hai năm để giúp cho ngành công nghiệp nội địa đủ thời gian hình thành.

Doanh nghiệp Mỹ cho rằng nếu quốc hội dựng lại hàng rào thuế sẽ tạo ra những hậu quả lớn, không chỉ đối với các công ty năng lượng mặt trời mà còn với những chủ nhà hy vọng lắp thêm các tấm pin, những người lái xe muốn sạc xe điện bằng năng lượng sạch và các công ty hạ tầng điện đang cố gắng giảm lượng khí thải carbon.

Ngoài ra, nếu cắt giao thương với các nhà máy và mỏ khoáng sản của Trung Quốc, Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận các vật liệu quan trọng cho các tấm pin mặt trời, turbine gió và pin xe điện cho quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước.

Kho chứa khí đốt của châu Âu đã đầy

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Stampa, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Eni của Italy, Claudio Descalzi, cho biết ông không thấy có bất kỳ “cú sốc lớn” nào trên thị trường năng lượng trong năm nay.

“Các kho chứa khí đốt của châu Âu đã đầy và mặc dù nền kinh tế toàn cầu đã khởi động lại, nhưng nhu cầu vẫn chưa ở mức cao nhất vì Trung Quốc vẫn chưa hoạt động đầy đủ trở lại. Trên hết, trong những tháng này, chúng tôi đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, loại bỏ sự phụ thuộc gây nguy hiểm cho ổn định nguồn cung và giá cả”, ông Claudio Descalzi nói.

CEO của Eni cũng cho biết, nhập khẩu khí đốt của Nga đã giảm xuống gần như bằng 0, nhờ nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và các hợp đồng mới với một số nước châu Phi. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2022, Italy phụ thuộc vào Nga để nhập khẩu 40% khí đốt.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/4/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status