Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/4/2023

06:02 | 30/04/2023

8,391 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EVN nêu nguyên tắc áp giá tạm thời cho dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp; Nga đang nỗ lực tìm đầu ra cho khí đốt; Na Uy có kế hoạch quốc hữu hóa mạng lưới đường ống dẫn khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 29/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/4/2023
Một số dự án NLTT chuyển tiếp được mức giá tạm thời tối đa bằng 50% giá trần. Ảnh minh họa: BCP

EVN nêu nguyên tắc áp giá tạm thời cho dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản chỉ đạo Công ty Mua bán điện (EPTC) khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư để thống nhất một số nguyên tắc, nhằm đưa ra mức giá tạm thời cho một số chủ đầu tư các dự án điện gió, mặt trời (NLTT) chuyển tiếp.

Đối với các dự án NLTT chuyển tiếp có kết quả rà soát giá điện lớn hơn 50% giá trần của khung giá phát điện quy định tại Quyết định số 21 (giá trần của điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh, điện gió 1.587-1.816 đồng/kWh), nhưng chủ đầu tư đồng ý được áp dụng mức giá tạm thời tối đa bằng 50% giá trần trên, EVN yêu cầu, EPTC khẩn trương đàm phán, thống nhất áp dụng mức giá tạm thời trên cho dự án, cho đến khi hai bên thỏa thuận được mức giá điện chính thức. EVN lưu ý, trong trường hợp này sẽ không hồi tố, ký biên bản, ký tắt dự thảo Hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện hiện hữu.

EVN còn yêu cầu, EPTC rà soát và ký biên bản với chủ đầu tư các dự án NLTT chuyển tiếp một cách chi tiết các thủ tục pháp lý còn thiếu và bổ sung điều khoản về hoàn thiện các thủ tục pháp lý, điều kiện để hợp đồng sửa đổi bổ sung hợp đồng mua bán điện có hiệu lực... Song song đó, EPTC cũng phải khẩn trương đàm phán giá điện chính thức của các Dự án NLTT chuyển tiếp theo các chỉ đạo của Bộ Công Thương và của Tập đoàn. Các nhiệm vụ trên phải được báo cáo kết quả về Tập đoàn trước ngày 5/5/2023, để EVN báo cáo hội đồng thành viên Tập đoàn và Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo.

Nga đang nỗ lực tìm đầu ra cho khí đốt

Hãng tin Izvestia của Nga ngày 28/4 trích dẫn dữ liệu biên bản cuộc họp của Ủy ban Năng lượng của Hội đồng Nhà nước Nga ước tính việc xuất khẩu khí đốt của Moscow trong năm 2023 sẽ sụt giảm khoảng 50% so với năm 2022. Như vậy, con số của năm 2023 có thể chỉ còn bằng 1/4 so với giai đoạn trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine.

Trong bối cảnh khối lượng xuất khẩu và giá khí đốt giảm, Nga được cho là đang thúc đẩy các giải pháp để bù đắp nguồn thu. Moscow hiện đang chuẩn bị xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới sang Trung Quốc, bên cạnh tuyến ống Power of Siberia đang vận hành hiệu quả.

Một nỗ lực khác cũng đang được tiến hành để biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm trung chuyển khí đốt mới của Nga. Ngoài ra, nhà chức trách Nga đang thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng khí đốt trong nước, bao gồm tăng mức khí hóa trong lĩnh vực vận tải lên 82,9% vào năm 2030 cũng như xây dựng 94 nhà LNG quy mô nhỏ trước năm 2035, theo Izvestia.

Na Uy có kế hoạch quốc hữu hóa mạng lưới đường ống dẫn khí đốt

Ngày 28/4, Bộ Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy cho biết nước này có kế hoạch quốc hữu hóa hầu hết mạng lưới đường ống dẫn khí đốt từ nước này sang Liên minh châu Âu (EU) và Anh nhằm thắt chặt kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng quan trọng này, trong bối cảnh nhiều hợp đồng chuyển nhượng hiện nay hết hiệu lực vào năm 2028.

Bộ trên cho biết đã gửi thư đến các cơ quan có quyền cấp phép nêu rõ mục đích của nhà nước là quốc hữu hóa các đường ống này khi các giấy phép hiện nay hết hiệu lực. Bức thư nhấn mạnh: “Nhà nước muốn hoàn tất vai trò sở hữu nhà nước đối với những phần chính trong hệ thống vận tải khí đốt của Na Uy”.

Na Uy đã trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của châu Âu sau khi nguồn cung từ Nga giảm. Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt hiện nay thuộc sở hữu của Gassled - một đối tác được các công ty dầu khí ở Na Uy thiết lập năm 2003. Chi phí xây dựng mạng lưới khí đốt này lên tới hàng tỷ USD. Hiện chưa rõ phần nào của mạng lưới này sẽ được quốc hữu hóa.

Châu Á phải loại bỏ than nhanh hơn để ngăn chặn thảm họa khí hậu tồi tệ nhất

Theo một báo cáo mới ngày 27/4 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), châu Á phải nhanh chóng cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và rót thêm tiền vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch nhằm đối phó những hiện tượng khí hậu thảm khốc.

Theo báo cáo, một số quốc gia đang phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới ở châu Á - với khoảng 94% tổng số nhà máy nhiệt điện than - lên kế hoạch hoặc công bố trên toàn cầu. Các nước đang phát triển ở châu Á đã chi 116 tỷ đô la vào năm 2021 để trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch - nhiều hơn nhiều so với trợ cấp cho năng lượng tái tạo.

Ông David Raitzer, nhà kinh tế của Ngân hàng ADB và là một trong những tác giả của báo cáo cho biết sự phối hợp quốc tế là cần thiết để thay đổi điều đó. Để giảm lượng khí thải một cách hiệu quả, cần phải loại bỏ các khoản trợ cấp sai lầm cho nhiên liệu hóa thạch hiện đang tồn tại và không nên sản xuất thêm than mới", ông Raitzer nhận định. Và nhiều chuyên gia năng lượng khác cũng đồng tình với điều này.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/4/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/4/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/4/2023

DMCA.com Protection Status