Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/11/2022

19:56 | 21/11/2022

4,206 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đóng điện trạm biến áp 220 kV Duy Xuyên; Châu Âu gấp rút lấp đầy kho dầu trước lệnh cấm vận Nga; Đức tiêu tốn gấp đôi kế hoạch để mua và bảo trì các kho cảng LNG… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 21/11/2022
Công trường xây dựng kho cảng LNG ở Wilhelmshaven trên bờ Biển Bắc, tây bắc nước Đức, ngày 29/9/2022. Ảnh: AFP

Đóng điện trạm biến áp 220 kV Duy Xuyên

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) ngày 21/11 phối hợp với các đơn vị liên quan đóng điện trạm biến áp 220 kV Duy Xuyên (Quảng Nam).

Đây là công trình năng lượng cấp I, nhóm B, với tổng mức đầu tư 298,5 tỷ đồng, được xây dựng tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, với quy mô chính xây dựng TBA 220 kV Duy Xuyên được thiết kế với 3 cấp điện áp 220 kV, 110 kV và 22 kV; quy mô công suất hoàn chỉnh là (1x125+1x250) MVA.

Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm cấp điện cho tỉnh Quảng Nam (đặc biệt khu vực Bắc Quảng Nam cho 3 TBA 110 kV của Công ty điện lực Quảng Nam/EVNCPC) và vùng phụ cận. Đồng thời thu gom nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực để truyền tải lên lưới điện quốc gia; giảm tổn thất công suất cực đại lưới điện khu vực và nâng cao, cải thiện điện áp lưới điện 110 kV khu vực; sẵn sàng đấu nối đường dây 220 kV Thạnh Mỹ-Duy Xuyên để phục vụ giải tỏa 600 MW Nhà máy điện gió Monsoon nhập khẩu từ Lào, nâng cao khả năng vận hành và chống quá tải cho đường dây 220 kV Thạnh Mỹ-Hòa Khánh.

Châu Âu gấp rút lấp đầy kho dầu trước lệnh cấm vận Nga

Pamela Munger - chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty phân tích năng lượng Vortexa, cho biết trong khoảng thời gian từ ngày 1-12/11, lượng dầu diesel của Nga được vận chuyển đến khu vực lưu trữ Amsterdam-Rotterdam-Antwerp (ARA) tăng lên 215.000 thùng/ngày, tăng 126% so với tháng 10.

Châu Âu hiện có rất ít lựa chọn thay thế ngay lập tức dầu Nga. Do đó, theo dữ liệu từ Refinitiv, dầu diesel từ Nga đã chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu bằng đường bộ của châu Âu từ đầu tháng 11 đến nay. Trong tháng 10, con số này là 39%. Mặc dù châu Âu giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga, hơn 50% so với trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2. Tuy nhiên, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất của lục địa này.

"Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải tìm được nguồn cung khoảng 500-600.000 thùng dầu diesel mỗi ngày để thay thế sản lượng dầu của Nga. Nguồn thay thế sẽ đến từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ", Eugene Lindell - nhà phân tích thị trường tại FGE cho biết.

Philippines và Mỹ bắt đầu thảo luận về thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự

Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 20/11 cho biết, trong chuyến thăm Philippines đang diễn ra, bà Kamala Harris sẽ thông báo việc Mỹ và Philippines bắt đầu các cuộc đàm phán về “Thỏa thuận 123” - một thỏa thuận mở đường cho hai nước hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Theo Luật an ninh quốc gia Mỹ, thỏa thuận này có ý nghĩa hết sức quan trước khi hỗ trợ đối tác mở rộng hợp tác về năng lượng không phát thải, nhằm đảm bảo mục tiêu không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi có hiệu lực, “thỏa thuận 123” cho phép các công ty Mỹ xuất khẩu thiết bị, vật liệu hạt nhân dân sự sang Philippines, giúp Philippines tăng cường an ninh năng lượng, chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch đáp ứng mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu.

Philippines và Mỹ cũng sẽ thiết lập Đối tác Chính sách năng lượng nhằm phát triển các hình thức hợp tác năng lượng mới, gồm lập kế hoạch năng lượng ngắn hạn và dài hạn, phát triển năng lượng gió ngoài khơi, ổn định lưới điện và truyền tải điện.

Đức tiêu tốn gấp đôi kế hoạch để mua và bảo trì các kho cảng LNG

Bộ Kinh tế Đức ngày 20/11 cho biết việc mua và bảo trì các kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nổi để giúp Đức đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và đa dạng hóa nguồn khí đốt ngoài Nga sẽ tiêu tốn hơn 3 tỷ euro (3,1 tỷ USD) so với kế hoạch.

Nhìn chung, theo Bộ Kinh tế Đức, tổng chi phí cho các kho cảng này ước tính vào khoảng 6,56 tỷ euro. Con số đó cao hơn so với mức ước tính trong ngân sách 2022 của nước này là 2,94 tỷ euro. Và các kho cảng LNG nổi là cần thiết cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Trong tháng 11 này, Đức đã hoàn thành việc xây dựng kho cảng nổi đầu tiên cho LNG tại cảng Wilhelmshaven ở Biển Bắc. Ủy ban ngân sách Quốc hội Đức đã phê duyệt số tiền bổ sung cần thiết cho việc triển khai các kho cảng này.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/11/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status