Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/11/2022

19:58 | 19/11/2022

4,084 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Châu Âu áp thuế lợi nhuận bất thường đối với các công ty năng lượng; Ai Cập huy động được 10 tỉ USD để phát triển năng lượng tái tạo; Đức cảnh báo thiếu dầu cục bộ khi lệnh cấm dầu Nga của EU có hiệu lực… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 19/11/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/11/2022
Một công nhân vận hành thiết bị tại một trong những trung tâm khí đốt kết nối lớn nhất ở châu Âu tại Baumgarten an der March, tiểu bang Lower Austria (nước Áo). Ảnh: AFP

Châu Âu áp thuế lợi nhuận bất thường đối với các công ty năng lượng

Bộ Tài chính Áo ngày 18/11 cho biết nước này dự kiến áp thuế tạm thời đối với lợi nhuận bất thường của các công ty dầu mỏ và khí đốt ở mức 40% trong vòng 2 năm. Chính phủ Áo ước tính số tiền thu được 2-4 tỉ euro sẽ được sử dụng để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Mức thuế có thể giảm xuống 33% nếu các công ty thực hiện đầu tư xanh.

Theo thỏa thuận toàn Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên có thể áp thuế đối với lợi nhuận bất thường của các công ty năng lượng ít nhất 33%. Nước láng giềng của Áo là CH Séc cũng đã thúc đẩy việc áp thuế lợi nhuận bất thường đối với các công ty năng lượng và ngân hàng ở mức 60% trong thời gian 3 năm. Chính phủ Séc cũng đã thông qua việc áp giá trần đối với điện và khí đốt.

Cũng tại châu Âu, ngày 17/11, Chính phủ Anh đã quyết định tăng thuế lợi nhuận bất thường đối với các công ty năng lượng lớn từ 25% lên 35% và gia hạn biện pháp này đến năm 2028.

Ai Cập huy động được 10 tỉ USD để phát triển năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Ai Cập Rania al-Mashat vừa thông báo Ai Cập - nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã huy động được các khoản hỗ trợ trị giá 10 tỉ USD trong các cuộc đàm phán về khí hậu, đồng thời mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tài chính này với các nước đang phát triển khác.

Khoản tiền trên gồm hỗ trợ tiền mặt, các khoản vay và 100 triệu euro (103,82 triệu USD) từ hoán đổi nợ thành cổ phần với Đức, tập trung vào các dự án phát triển trong loạt lĩnh vực năng lượng, an ninh lương thực, nước, vận tải và môi trường. Phần lớn khoản ngân sách trên sẽ được sử dụng cho năng lượng tái tạo, bao gồm việc chấm dứt hoạt động của nhà máy điện khí lỗi thời có tổng công suất 5GW và tăng công suất năng lượng tái tạo thêm 10GW.

Tuần này, Mỹ, Đức và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã cam kết hỗ trợ hơn 500 triệu USD cho dự án năng lượng của Ai Cập. Số tiền này sẽ được dùng để đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện và hỗ trợ các lao động bị ảnh hưởng của việc chấm dứt hoạt động các trạm điện, mở đường cho đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, khoản đầu tư này sẽ giúp Ai Cập giảm 10% lượng khí nhà kính và sớm đạt mục tiêu về nâng sản lượng điện được sản xuất từ các nguồn tái tạo trong 5 năm tới.

Đức cảnh báo thiếu dầu cục bộ khi lệnh cấm dầu Nga của EU có hiệu lực

Đức vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng thiếu dầu cục bộ khi lệnh cấm dầu của Nga trên toàn Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào tháng 1 năm tới. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự gián đoạn mà cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu tiếp tục tàn phá nền kinh tế lớn nhất lục địa này.

Lời cảnh báo được đưa ra nhằm giải đáp thắc mắc về vấn đề an ninh năng lượng ở miền đông nước Đức, nơi có hai nhà máy lọc dầu lớn phụ thuộc nhiều vào dầu thô của Nga. Một trong hai nhà máy này là Schwedt - nhà cung cấp xăng, dầu diesel, dầu hỏa và dầu nhiên liệu chính cho khu vực, phục vụ những khách hàng lớn tại đây như sân bay quốc tế Berlin.

Nhằm ứng phó trước tình hình hiện tại, Chính phủ Đức đã đề cập chi tiết các nỗ lực nhằm đa dạng hóa Schwedt khỏi việc nhập khẩu dầu của Nga, song cũng phải thừa nhận lệnh cấm vận có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho nền kinh tế miền Đông nước Đức.

3 kịch bản “mùa đông” của châu Âu

Một bài báo mới đây trên Economist đã phân tích cho thấy có 3 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường năng lượng châu Âu trong mùa đông này và không có kịch bản nào được cho là tích cực.

Kịch bản đầu tiên giả định rằng quan hệ căng thẳng giữa Nga và châu Âu không xấu hơn. Điều này có nghĩa là đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) dẫn khí đốt từ Nga đến Đức vẫn bị đóng, trong khi châu Âu tiếp tục thực hiện lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga và các hạn chế về bảo hiểm cho các tàu chở dầu. Đây là một kịch bản khá lý tưởng ở chỗ nó “gây ra một cuộc khủng hoảng nhưng không phải là một thảm họa”. Nguồn cung năng lượng sẽ khan hiếm và giá cả sẽ cao ngất ngưởng, nhưng châu Âu có thể vượt qua mùa Đông mà kinh tế không giảm quá nhiều.

Kịch bản thứ hai giả định căng thẳng Nga - châu Âu leo thang và giả sử rằng Nga cắt đứt hoàn toàn dòng khí đốt đến châu Âu, khiến châu lục này phải mất hàng chục tỉ USD cho chi phí phụ trội. Kịch bản thứ ba, cực đoan nhất, giả sử rằng Nga cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với châu Âu, giữ nguyên doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch và phá hủy cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt của châu lục này dẫn đến “sự siết chặt kinh hoàng”. Theo kịch bản này, hóa đơn khí đốt nhập khẩu hằng năm của châu Âu sẽ tăng vọt lên tới gần 1 nghìn tỉ USD trong khi người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng cho đến năm 2024.

Thụy Điển nhận định vụ nổ đường ống Nord Stream là do phá hoại

Cơ quan Công tố Thụy Điển vào hôm 18/11 cho biết các nhà điều tra đã phát hiện dấu vết chất nổ được sử dụng ở khu vực rò rỉ tại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. "Quá trình phân tích trên các mảnh vỡ được thu thập từ đường ống đã cho thấy việc thuốc nổ được sử dụng. Điều này chứng tỏ các vụ rò rỉ khí đốt là hành vi phá hoại nghiêm trọng", Cơ quan Công tố Thụy Điển cho biết. Cơ quan này cũng cho biết quá trình phân tích và điều tra sẽ tiếp tục diễn ra nhằm tìm ra thủ phạm của những hành động phá hoại này.

Các cơ quan chức năng Thụy Điển và Đan Mạch trong thời gian qua đã phối hợp điều tra 4 vụ rò rỉ tại 2 đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 của Nga chạy qua biển Baltic vào cuối tháng 9. Công tố viên Ljungqvist cho biết quá trình hợp tác với các cơ quan điều tra của nước này và các cơ quan chức năng nước ngoài đang diễn ra suôn sẻ.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào hôm 18/11 rằng Nga sẽ chờ đợi bản đánh giá thiệt hại đầy đủ với 2 đường ống dẫn khí đốt trước khi quyết định có tiến hành công tác sửa chữa. "Chúng ta không được phép dừng lại. Cuộc điều tra phải đi đến cùng để xác định ai là thủ phạm của các vụ phá hoại này", ông Peskov cho biết.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 17/11/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/11/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 18/11/2022

T.H

DMCA.com Protection Status