Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/3/2023

19:50 | 02/03/2023

7,250 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dự báo giá dầu lên mức 90 USD/thùng vào nửa cuối năm; Số tàu chở dầu Nga không ngừng tăng; ADB hỗ trợ Lào xây dựng nhà máy điện gió lớn nhất Đông Nam Á… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong ngày 2/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/3/2023
Kết quả thăm dò 49 nhà kinh tế và phân tích dự báo rằng giá dầu thô Brent sẽ lên tới 90 USD/thùng vào nửa cuối năm nay. Ảnh: Hartenergy

Dự báo giá dầu lên mức 90 USD/thùng vào nửa cuối năm

Theo một cuộc thăm dò của hãng Reuters công bố ngày 28/2, thị trường dầu thế giới sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt do Nga giảm sản lượng và Trung Quốc tăng lượng tiêu thụ, do vậy, giá dầu dự báo sẽ lên tới 90 USD/thùng vào nửa cuối năm nay.

Kết quả thăm dò 49 nhà kinh tế và phân tích dự báo rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 89,23 USD/thùng trong năm nay. Trong khi đó, giá dầu WTI được dự báo ở mức trung bình 83,94 USD/thùng. Theo một số nhà phân tích, giá dầu Brent đang trong xu hướng tăng lên mức 90 USD/thùng trong 6 tháng cuối năm 2023 sau khi duy trì ở mức 85 USD/thùng trong quý I và 88,6 USD/thùng trong quý II do nhu cầu giảm từ các khu vực tiêu thụ nhiều dầu mỏ như châu Âu, Mỹ.

Dự báo trên được các chuyên gia năng lượng đưa ra dựa trên những tín hiệu hồi phục nhanh hơn kỳ vọng của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hồi phục nhanh hơn dự báo được giới phân tích đưa ra trước đó. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa mức tăng 2 triệu thùng/ngày về nhu cầu dầu mỏ trên thế giới, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm nay.

Số tàu chở dầu Nga không ngừng tăng

Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga gia tăng, đội tàu bí ẩn hỗ trợ Moscow xuất khẩu dầu cũng lớn dần theo từng ngày, theo đài CNN ngày 1/3. Giới chuyên gia ước tính quy mô của đội tàu "bóng đêm" hiện rơi vào khoảng 600 tàu, tương đương khoảng 10% tổng số tàu chở dầu lớn trên toàn thế giới. Con số này vẫn chưa dừng lại.

Theo CNN, ai sở hữu và vận hành nhóm tàu nêu trên vẫn là một ẩn số. Trong một số trường hợp, chúng liên quan đến các công ty ma ở Dubai hoặc Hồng Kông (Trung Quốc). Một số công ty mua tàu từ châu Âu, số khác khai thác lại những con tàu cũ kỹ có thể đã bị đưa đến bãi phế liệu. Điều này làm gia tăng rủi ro xảy ra sự cố tràn dầu trên biển.

Đáng chú ý, trong nỗ lực duy trì hoạt động, nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới đã định hình lại mô hình giao dịch hàng chục năm tuổi và chia hệ thống năng lượng của thế giới thành hai phần. "Có đội tàu không tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào của Nga. Có đội tàu hầu như chỉ kinh doanh với Nga", ông Richard Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của nhà môi giới tàu biển quốc tế EA Gibson (Anh), giải thích.

ADB hỗ trợ Lào xây dựng nhà máy điện gió lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 1/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Công ty TNHH Điện gió Monsoon đã ký gói tài trợ dự án không truy đòi trị giá 682,55 triệu USD để xây dựng nhà máy điện gió công suất 600MW tại các tỉnh Sekong và Attapeu, ở khu vực phía nam Lào.

Với 133 turbine gió, đây sẽ là dự án lớn nhất ở Đông Nam Á cho đến nay, và cũng là nhà máy điện gió đầu tiên của Lào. Đây cũng là giao dịch tài trợ cho dự án năng lượng tái tạo hợp vốn lớn nhất giữa các quốc gia ASEAN cho đến nay. Gói tài trợ bao gồm khoản vay A trị giá 100 triệu USD từ quỹ nguồn vốn thông thường của ADB, khoản vay hợp vốn loại B trị giá 150 triệu USD, khoản tài trợ ưu đãi trị giá 60 triệu USD, khoản vay song song trị giá 382,55 triệu USD và khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 10 triệu USD.

Việc tận dụng nguồn tài nguyên gió chưa được khai thác của Lào được kỳ vọng có thể giúp đa dạng hóa nguồn năng lượng, do mùa khai thác tài nguyên gió ngược với mùa mưa, vốn hỗ trợ cho sản xuất thủy điện ở Lào. Dự án cũng sẽ góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính hằng năm ít nhất là 748.867 tấn CO2 tương đương.

Hungary kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra vụ nổ Nord Stream

Trả lời phỏng vấn RIA Novosti, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết, những gì đã xảy ra với đường ống Dòng chảy phương Bắc thực sự rất tai tiếng, cần được coi là khủng bố. Hungary ủng hộ một cuộc điều tra toàn diện, chuyên sâu, có cấu trúc và chi tiết về những gì đã xảy ra. Bất kể ai là người khởi xướng, chính phủ ủng hộ một cuộc điều tra mang lại hy vọng tìm ra ai đã làm và tại sao.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary cũng khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt hạt nhân Nga không ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks II, vì chúng không liên quan đến năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, chính phủ Hungary đã phải tham gia vào một cuộc đấu tranh khó khăn tại các diễn đàn châu Âu để giữ cho ngành công nghiệp hạt nhân thoát khỏi lệnh trừng phạt.

Ông Szijjarto cho biết, một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với hãng công nghệ hạt nhân Rosatom của Nga nhằm hạn chế hợp tác hạt nhân giữa Nga và các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, đây là điều mà chính phủ Hungary sẽ không bao giờ đồng ý.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/2/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/3/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status