Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/2/2023

19:50 | 28/02/2023

6,467 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để dự trữ xăng dầu; Nga bơm dầu từ Kazakhstan tới Đức; Dầu Mỹ hồi sinh sau một năm chiến sự… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 28/2/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/2/2023
Để mua xăng dầu dự trữ, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm. Ảnh: TTXVN

Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để dự trữ xăng dầu

Sáng 28/2, tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết về dự trữ xăng dầu, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện Phương án và trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ tư vào ngày 27/12/2022.

Trong đó, Bộ đề xuất: Từ năm 2023-2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng. Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên hiện nay ngân sách nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.

Để từng bước giải quyết, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000-2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng Tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định.

Nga bơm dầu từ Kazakhstan tới Đức

Ngày 27/2, nhà điều hành đường ống dẫn dầu Transneft của Nga thông báo bắt đầu bơm 20.000 tấn dầu của Kazakhstan qua Ba Lan đến Đức thông qua đường ống Druzhba. Trước đó, ngày 19/2 người phát ngôn của Transnef, ông Igor Demin thông báo rằng đường ống Druzhba đã sẵn sàng để bơm vận chuyển dầu thô của Kazakhstan.

Hồi tháng 12/2022, Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Bolat Akchulakov cho biết, phía Kazakhstan đã đăng ký vận chuyển 1-2 triệu tấn dầu vào năm 2023 qua đường ống từ Nga đến Đức. Thỏa thuận được ký kết giữa Transneft và Công ty điều hành vận tải KazTransOil của Kazakhstan dựa trên cơ sở về yêu cầu kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Bolat Akchulakov cũng nhấn mạnh rằng Kazakhstan có thể vận chuyển từ 6 đến 7 triệu tấn dầu qua Druzhba. Theo ước tính, Kazakhstan có thể vận chuyển tới 300.000 tấn dầu thô qua đường này trong quý I/2023.

Dầu Mỹ hồi sinh sau một năm chiến sự

Theo công ty theo dõi tàu biển Kpler, từ tháng 2/2022, khi xung đột Ukraine nổ ra, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trung bình hàng tháng đến châu Âu đã tăng 38% so với 12 tháng trước đó. Các tàu dầu khổng lồ đã vận chuyển nhiều dầu thô hơn đến Đức, Pháp và Italy cũng như Tây Ban Nha, giúp sản lượng dầu mua qua đường biển của châu lục tăng 88% trong 1 năm trở lại đây.

Kpler ước tính khoảng 1,53 triệu thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày từ Gulf Coast (Mỹ) đến châu Âu vào tháng 1. Dầu Mỹ đến lục địa già tăng cao những tháng gần đây đã khiến nó vượt châu Á thành điểm đến lớn nhất của dầu Mỹ.

Tăng trưởng trong xuất khẩu đánh dấu cột mốc mới trong sự hồi sinh của sản xuất dầu Mỹ sau nhiều năm suy giảm. Trong hai cuộc Thế chiến, xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ đã hỗ trợ các nước Đồng minh, nhưng sau đó giảm dần. Và giờ đây, với công nghệ khai thác dầu đá phiến, Mỹ trở lại thành một nhà xuất khẩu dầu lớn, sẵn sàng đưa hàng đến các vị khách cần thiết khi xung đột Ukraine nổ ra.

Quan chức Mỹ nhận định giá trần dầu Nga cùng lúc đạt hai mục tiêu

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách mảng chính sách kinh tế Ben Harris cho rằng, biện pháp áp giá trần với dầu thô Nga với mục tiêu tiếp tục duy trì dòng dầu thô của Nga nhưng với mức giá thấp đang mang lại hiệu quả.

Theo ông Ben Harris, dầu thô Nga vẫn đang tỏa ra các thị trường toàn cầu, nhưng khách mua đang chi trả mức giá thấp hơn, khiến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga bị suy giảm. Đó chính là mục tiêu kép của đòn áp giá trần mà chính quyền Mỹ đã dự kiến - giúp thị trường dầu mỏ duy trì nguồn cung ổn định và giảm doanh thu xuất khẩu của Nga.

Đến thời điểm này, hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn đứng vững. Nhưng thu ngân sách của Nga đang suy giảm, do giá dầu thô phẩm cấp hàng đầu của Nga là Urals đứng ở mức thấp, với mức giá chiết khấu thấp hơn dầu Brent Biển Bắc 30 USD/thùng.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/2/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/2/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status