Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/2/2023

19:45 | 26/02/2023

7,243 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; Nga ngừng cung dầu cho Ba Lan qua đường ống Druzhba; Nhật Bản tăng dự trữ LNG để đảm bảo an ninh năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 26/2/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/2/2023
Nga đã ngừng cung cấp dầu cho Ba Lan thông qua đường ống Druzhba, vốn được miễn trừ khỏi một số lệnh trừng phạt của EU đối với Nga. Ảnh: 247newsagency

Thủ tướng yêu cầu rút ngắn thời gian thi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa kiểm tra công trường Dự án Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình mở rộng do EVN làm chủ đầu tư và yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rút ngắn thời gian thi công dự án NMTĐ Hòa Bình 6 tháng vì công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng có tổng mức đầu tư tư là 9.220 tỉ đồng, gồm 2 tổ máy với công suất 480 MW. Được phát lệnh khởi công từ ngày 10/1/2021, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho nhà thầu đáp ứng điều kiện thi công. Về tiến độ đào hố móng nhà máy, đã hoàn thành đến cao độ 75m, hiện đang đào đá từ cao độ 75m xuống cao độ 31m. Khu vực nhà máy sẽ bắt đầu đổ bê tông từ tháng 6/2023.

Theo kế hoạch tiến độ thi công tiếp theo, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung để thi công công trình đáp ứng tiến độ phát điện tổ máy 1 vào tháng 6/2025, phát điện tổ máy 2 vào tháng 7/2025.

Nga ngừng cung dầu cho Ba Lan qua đường ống Druzhba

Giám đốc điều hành công ty dầu mỏ lớn nhất Ba Lan PKN Orlen Daniel Obaitek vừa thông báo trên Twitter rằng Nga đã ngừng cung cấp dầu cho Ba Lan thông qua đường ống Druzhba, vốn được miễn trừ khỏi một số lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.

Ông Daniel Obaitek cũng lưu ý, công ty sẽ tiếp tục đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn, vì họ đã chuẩn bị đầy đủ để ngừng nhập khẩu dầu qua đường ống Druzhba của Nga. Còn Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược Mateusz Berger đảm bảo rằng người dân Ba Lan sẽ không cảm thấy bất kỳ thay đổi nào. Theo ông, PKN Orlen đã sẵn sàng ngừng giao hàng từ Nga trong nhiều tháng.

PKN Orlen đang nhập khẩu dầu của Nga theo hợp đồng với công ty dầu khí Nga Tatneft, có hiệu lực đến tháng 12/2024. Từ tháng 11/2022, Ba Lan đã đàm phán với Đức về việc áp dụng các lệnh trừng phạt của EU đối với đoạn đường ống dẫn dầu Druzhba của Ba Lan - Đức. Sau đó, Warsaw có thể rút khỏi thỏa thuận với Nga mà không phải trả tiền phạt. Ngay trong tháng 12, Ba Lan cho biết họ đã sẵn sàng ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Nga.

Nhu cầu năng lượng mới từ Trung Quốc đe dọa lạm phát toàn cầu

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc có thể tăng mạnh khi nền kinh tế hồi phục và các chính sách phòng dịch được dỡ bỏ hoàn toàn. Nhiều nhà quan sát lo ngại khi Trung Quốc gia tăng nhập khẩu dầu thô và các tài nguyên năng lượng khác, giá cả các mặt hàng này sẽ tăng lên và thúc đẩy lạm phát trên toàn thế giới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu toàn cầu dự báo sẽ đạt 101,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2 triệu thùng/ngày so với năm trước và là mức cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Tại Trung Quốc, nhu cầu dự kiến sẽ tăng 900.000 thùng/ngày, chiếm gần một nửa mức tăng dự kiến của toàn thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch nước ngoài của Trung Quốc vẫn chưa phục hồi như trước dịch. Để đáp ứng nhu cầu dầu thô mạnh hơn, Trung Quốc đầu tháng Một đã tăng hạn ngạch nhập khẩu năm 2023 thêm 20% so với năm trước.

Nhật Bản tăng dự trữ LNG để đảm bảo an ninh năng lượng

Nhật Bản đang tăng dự trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong nỗ lực hạn chế rủi ro gián đoạn khí đốt - nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất điện ở nước này. Dự trữ LNG của Nhật Bản đứng ở mức 5,9 triệu tấn vào cuối tháng 8/2022, tăng 17,6 % so với một năm trước đó và là mức cao nhất kể từ khi có các số liệu so sánh vào năm 2008.

Tính đến 19/2, 9 công ty điện lực lớn của Nhật Bản đã tăng lượng LNG dự trữ thêm 56% lên 2,63 triệu tấn. Con số này cao hơn mức bình quân 5 năm trở lại đây, theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên quốc gia.

Trong một nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng ổn định, Nhật Bản đang tăng cường đa dạng hóa nguồn cung LNG. Công ty sản xuất LNG của Oman đã ký hợp đồng cung ứng LNG dài hạn cho các công ty điện lực như Mitsui, Itochu và Jera vào tháng 12/2022 với các lô hàng dự kiến sẽ bắt đầu được giao vào năm 2025. Nhà khai thác dầu khí Nhật Bản InPex Corp gần đây cũng đã ký thỏa thuận 20 năm với nhà sản xuất LNG của Mỹ - Venture Global LNG để mua 1 triệu tấn LNG mỗi năm.

Ukraine nói có nguồn điện dự trữ

Ngày 25/2, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Halushchenko cho biết, nước này sẽ không cắt điện nếu không có các cuộc tấn công mới, và Kiev đã có thể huy động một số nguồn điện dự trữ, sau nhiều tháng gián đoạn do các vụ không kích.

Trên ứng dụng tin nhắn Telegram, ông Halushchenko nêu rõ: "Các hạn chế về sử dụng điện sẽ không xảy ra, miễn là Nga không tấn công vào các cơ sở hạ tầng. Sẽ chỉ cắt điện để sửa chữa".

Ukraine không tự sản xuất máy phát điện mà nhập khẩu và nhận hàng nghìn máy phát trong vài năm qua. Hôm 24/2, Mỹ đã cam kết cung cấp thêm 10 tỷ USD để hỗ trợ nhu cầu năng lượng của Kiev.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 24/2/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/2/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 25/2/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status