Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/9/2022

20:00 | 28/09/2022

8,377 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - EU tăng cường an ninh năng lượng; Nga phản bác cáo buộc phá hoại đường ống Nord Stream; Mỹ cam kết hỗ trợ các đồng minh EU đảm bảo an ninh năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 28/9/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/9/2022
EU sẽ tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng sau các sự cố gây rò rỉ trên các tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc. Ảnh minh họa: OP

Nghi vấn đường ống Nord Stream bị gài thuốc nổ

Các nước châu Âu đang chạy đua để điều tra sự cố rò rỉ không rõ nguyên nhân tại 2 đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) của Nga chạy dưới Biển Baltic gần Thụy Điển và Đan Mạch. Cơ sở hạ tầng là trung tâm của cuộc khủng hoảng năng lượng kể từ chiến sự Nga - Ukraine.

Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát địa chất Đan Mạch và Greenland (GEUS) cho biết ghi nhận có 2 lần “rung lắc” hôm 26/9 ở khu vực Biển Baltic. Thời gian và địa điểm của cả 2 sự kiện "khớp với thời gian và địa điểm xảy ra sự cố rò rỉ khí đốt trên Nord Stream 1 và 2".

"Vụ nổ đầu tiên xảy ra lúc 2h30 sáng ở ngay gần phía đông nam Bornholm với cường độ 1,9 độ Richter. Sau đó, chúng tôi ghi nhận sự kiện tương tự xảy ra lúc 19h04 ngày 26/9 ở xa hơn về phía bắc và lớn hơn một chút, với cường độ khoảng 2,3 độ", chuyên gia Schmidt cho biết.

EU tăng cường an ninh năng lượng

Ngày 28/9, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết EU sẽ tăng cường bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng sau các sự cố gây rò rỉ trên các tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc.

Trong một tuyên bố, ông Borrell nói rằng: “Tất cả thông tin sẵn có đều chỉ ra rằng các vụ rò rỉ là do hành vi cố ý”. Ông khẳng định EU sẽ ủng hộ mọi cuộc điều tra làm rõ vụ việc và tiếp tục áp dụng các biện pháp nhằm tăng khả năng phục hồi trong lĩnh vực an ninh năng lượng.

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết rằng "dường như hành động phá hoại là nhằm tiếp tục gây bất ổn nguồn cung năng lượng cho EU" đồng thời nhấn mạnh những kẻ gây ra vụ việc sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Nga phản bác cáo buộc phá hoại đường ống Nord Stream

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/9 nêu rõ: "Vụ rò rỉ đường ống Nord Stream là vấn đề lớn đối với Nga. Mọi cáo buộc phá hoại Nord Stream nhằm vào Nga là hoàn toàn vô lý. Trước khi đưa ra bất cứ tuyên bố nào mà kết quả điều tra chưa có, chúng ta phải suy xét thấu đáo".

Thông cáo của Điện Kremlin được đưa ra sao khi Ukraine cáo buộc vụ rò rỉ này là "cuộc tấn công khủng bố từ phía Nga". Ông Peskov nêu rõ, cả hai đường ống Nord Stream 1 và 2 đều chứa khí để chờ bơm và đó là loại khí rất đắt, đồng thời kêu gọi các bên đối thoại để nhanh chóng tìm ra nguyên nhân vụ việc.

Trước đó, khi nhận được thông tin về việc đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 xảy ra các vụ rò rỉ khí đốt hôm 26/9, ông Peskov đã lên tiếng nhấn mạnh rằng không loại trừ khả năng 2 đường ống bị phá hoại. Phía Nga cũng bày tỏ rất quan ngại về tình hình và yêu cầu các bên mở cuộc điều tra bởi đây là vấn đề an ninh năng lượng cho cả châu lục.

Mỹ cam kết hỗ trợ các đồng minh EU đảm bảo an ninh năng lượng

Ngày 27/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ EU trong vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng sau khi xảy ra các vụ rò rỉ từ các đường ống dẫn khí đốt thuộc hệ thống Dòng chảy phương Bắc.

Ông Blinken đánh giá sự cố rò rỉ không ảnh hưởng đáng kể tới khả năng đảm bảo năng lượng của EU. Ngoại trưởng Blinken cũng cho biết thêm Washington đang cố gắng tăng vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho các đồng minh, đặc biệt là Đức để giảm phụ thuộc khí đốt vào một đối tác.

Mỹ đang xem xét các báo cáo cho rằng những vết rò rỉ là hậu quả của một cuộc tấn công hoặc hành vi phá hoại. Chia sẻ trên Twitter, Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan nêu rõ Washington ủng hộ các nỗ lực điều tra cũng như tiếp tục phối hợp để bảo vệ an ninh năng lượng cho EU.

Hy Lạp đề xuất EU lập quỹ năng lượng 80 tỷ euro

Bộ Môi trường và Năng lượng Hy Lạp ngày 27/9 đề xuất EU lập một quỹ trị giá 80 tỷ euro (76,7 tỷ USD) nhằm đối phó với các tác động của tình trạng giá khí đốt tăng cao. Theo đề xuất của Athens, quỹ năng lượng được xây dựng bằng cách áp thuế đặc biệt 10 euro/MWh đối với các công ty EU sử dụng khí tự nhiên để sản xuất điện.

Số tiền này sẽ dùng để hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt sẽ dành đầu tư cho các nguồn năng lượng thay thế như nhiên liệu sinh học và hydro xanh, hỗ trợ nhu cầu cấp bách cho các công ty năng lượng sửa đổi hệ thống máy móc để thay thế khí tự nhiên của Nga…

Hy Lạp ước tính khoản thuế đặc biệt này sẽ giúp EU thu về 9 tỷ euro/năm. Số tiền này, cộng với một khoản vay lãi suất thấp trị giá 80 tỷ euro do Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tài trợ có thể được trả dần bằng thuế hằng năm, sẽ đảm bảo ngân sách cho quỹ năng lượng EU.

Ba Lan, Đan Mạch khánh thành đường ống dẫn khí Baltic Pipe

Ngày 27/9, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Mateusz Morawiecki và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã cùng nhau chính thức khánh thành đường ống dẫn khí tự nhiên Baltic Pipe. Thủ tướng Ba Lan Morawiecki là người trực tiếp mở van tượng trưng tại trạm khí nén Goleniow ở Tây Bắc Ba Lan.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng thống Duda nhấn mạnh dự án Baltic Pipe là giấc mơ của Ba Lan trong nhiều thập kỷ qua và khoản đầu tư này sẽ giúp Ba Lan đa dạng hóa được nguồn cung khí đốt, củng cố chủ quyền và chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Baltic Pipe là dự án được thành lập với sự hợp tác giữa nhà điều hành hệ thống truyền tải và điện và khí đốt Energinet của Đan Mạch với nhà điều hành hệ thống truyền tải khí GAZ-SYSTEM của Ba Lan. Theo dự kiến, hệ thống đường ống này sẽ hoạt động hoàn toàn kể từ ngày 1/10 sắp tới.

Trung Quốc khởi công xây dựng đường ống khí đốt thứ 4

Ngày 28/9, Trung Quốc khởi công xây dựng đường ống thứ 4 trong khuôn khổ dự án mạng lưới đường ống lớn, vận chuyển khí đốt tự nhiên từ miền Tây sang miền Đông nước này.

Với tổng chiều dài 3.340 km, đường ống trên chạy từ huyện Ô Cáp thuộc khu tự trị Tân Cương ở phía Tây Bắc Trung Quốc đến thành phố Trung Vệ ở khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ.

Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Mạng lưới đường ống dầu khí Trung Quốc, ông Zhang Wei, cho biết sau khi hoàn thành, đường ống sẽ nâng công suất hằng năm của mạng lưới đường ống vận chuyển khí đốt lên tới 100 tỷ m3. Ông cũng cho biết tập đoàn này đang xúc tiến xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt để đảm bảo an ninh năng lượng.

Chính phủ Đức tiếp tục duy trì 2 nhà máy điện hạt nhân

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng bùng phát do nguồn cung của Nga bị cắt giảm gần như hoàn toàn trong tháng 9, chính phủ Đức ngày 27/9 thông báo sẽ duy trì các nhà máy điện hạt nhân ở chế độ sẵn sàng hoạt động cho đến sau năm 2022, nếu một số sự cố khiến các lò phản ứng hạt nhân của Pháp không thể cung cấp được dịch vụ.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết tình hình ở nước láng giềng Pháp - nhà cung cấp điện hạt nhân ở châu Âu, hiện không tốt, thậm chí trở nên tồi tệ hơn đáng kể những tuần gần đây. Các nhà máy hạt nhân của Pháp có thể tạo ra ít năng lượng hơn đáng kể so với dự kiến ban đầu, sau khi một số lò phản ứng đã phải đóng cửa.

Bộ trưởng Habeck cũng khẳng định 2 nhà máy điện hạt nhân của Đức có thể sẽ vẫn hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2023. Quyết định không chấm dứt hoàn toàn hoạt động của 2 trong số 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức đã làm trì hoãn kế hoạch từ bỏ điện hạt nhân dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/9/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/9/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/9/2022

T.H

DMCA.com Protection Status