Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/12/2022

19:52 | 30/12/2022

10,558 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đóng điện đường dây 220kV Ninh Phước - Thuận Nam; Sản lượng khí đốt của Ai Cập tăng gấp đôi sau 8 năm; Nga sẽ tập trung xuất khẩu khí đốt sang Pakistan và Ấn Độ… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 30/12/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/12/2022
Đường dây 220kV Ninh Phước - Thuận Nam vừa đóng điện thành công. Ảnh: EVN

Đóng điện đường dây 220kV Ninh Phước - Thuận Nam

Vào lúc 6h14 sáng ngày 30/12, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu đóng điện Dự án đường dây 220 kV mạch kép Ninh Phước - Thuận Nam, vượt tiến độ 2 ngày theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Ninh Thuận.

Đường dây 220 kV mạch kép Ninh Phước - Thuận Nam được xây dựng trên địa bàn các huyện Ninh Phước và Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận với tổng mức đầu tư 198,15 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, CPMB quản lý điều hành dự án, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4 tư vấn thiết kế, Công ty Truyền tải điện 3 tiếp nhận vận hành.

Việc hoàn thành dự án nhằm đáp ứng nhu cầu giải tỏa công suất từ các nhà máy điện mặt trời và nhà máy điện gió đấu lên lưới điện khu vực tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn tới; chống quá tải cho đường dây 220 kV Ninh Phước - trạm biến áp 500 kV Thuận Nam hiện hữu; đảm bảo vận hành an toàn, nâng cao độ tin cậy hệ thống lưới điện quốc gia và lưới điện tại khu vực tỉnh Ninh Thuận.

Sản lượng khí đốt của Ai Cập tăng gấp đôi sau 8 năm

Trong báo cáo đệ trình lên Ủy ban Năng lượng và Môi trường của Hạ viện Ai Cập, Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên khoáng sản Tarek al-Molla khẳng định sản lượng khí đốt của nước này đã tăng gấp đôi trong thời gian từ năm 2014 đến 2022. Sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên đã đạt 69,2 tỷ m3 vào năm tài chính 2021/2022 so với 41,6 tỷ m3 của năm tài chính 2015/2016, tăng 66,3%.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Ai Cập đã bắt đầu xuất khẩu khí đốt tự nhiên và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu khí đốt tự nhiên đã giúp Ai Cập mang về lượng ngoại tệ trị giá 7,8 tỷ USD. Xuất khẩu LNG và khí đốt tự nhiên của Ai Cập cũng đã tăng 4 lần trong 8 năm qua, từ mức 1,9 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn.

Hồi đầu tháng này, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần khí đốt tự nhiên Ai Cập (EGAS) phụ trách các thỏa thuận và hoạt động thăm dò thông báo rằng trong hơn 4 năm qua, Ai Cập đã ký kết 24 thỏa thuận với các đối tác để tiến hành hoạt động thăm dò và khai thác khí ở Địa Trung Hải và khu vực đồng bằng sông Nile với tổng mức đầu tư là 2,7 tỷ USD.

Nga sẽ tập trung xuất khẩu khí đốt sang Pakistan và Ấn Độ

Ông Igbal Guliyev, Phó giám đốc Viện Chính sách năng lượng và ngoại giao quốc tế thuộc trường Đại học Quốc gia Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) chia sẻ với Izvestia hôm 29/12 rằng châu Âu sẽ giảm mua qua đường ống dẫn khí đốt của Nga, nhưng nước này sẽ tập trung vào xuất khẩu sang Pakistan và Ấn Độ.

Đây là bình luận của ông Guliyev khi về việc Bloomberg cho rằng nguồn cung cấp của Gazprom cho châu Âu, nơi mua nguồn năng lượng lớn nhất của Nga, đã giảm trong vài tháng, bao gồm cả việc một số quốc gia từ chối thanh toán nhiên liệu bằng đồng ruble.

“Là một phần của xoay trục sang phương Đông, chúng tôi sẽ phát triển cơ sở hạ tầng để tăng nguồn cung cho Trung Quốc và các nước châu Á khác. Theo tôi, vấn đề xuất khẩu khí đốt sang Pakistan và Ấn Độ sẽ được giải quyết chi tiết vào năm 2023. Afghanistan được quan tâm đặc biệt”, ông Guliyev nói thêm. Ngoài ra, việc triển khai một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể mở ra cơ hội mới cho xuất khẩu khí đốt của Nga.

Giá dầu thế giới có thể lên đến 105-110 USD/thùng

Ông Mamdouh Salameh, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng thế giới nhận định, giá dầu Brent trong quý I/2023 có thể vượt trên 100 USD/thùng do sản lượng toàn cầu giảm và dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga bị áp giá trần.

"Tôi cho rằng giá dầu Brent có thể vượt trên 100 USD trong quý đầu tiên năm 2023 và thậm chí lên đến 105-110 USD/thùng vì giá trần đã bắt đầu tăng lên. Giá dầu đã tăng 17% - lên mức hơn 85 USD - kể từ khi những hạn chế đối với dầu của Nga được áp đặt vào tháng 12", chuyên gia Salameh nói.

Theo ông Salameh, việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu có vẻ ít, nhưng cùng với lệnh cấm xuất khẩu dầu của Nga sang các quốc gia áp dụng hạn chế, thì nó sẽ lên tới hàng triệu thùng/ngày. Mức giảm như vậy chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện thị trường dầu mỏ thế giới, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và tăng giá, đặc biệt khi thị trường rất căng thẳng còn nhu cầu thế giới lại ổn định trong bối cảnh sản lượng khai thác dự phòng toàn cầu bị cắt giảm.

Exxon Mobil Corp kiện EU về việc áp thuế thu nhập bất thường

Công ty dầu mỏ Exxon Mobil Corp của Mỹ đang kiện Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực buộc liên minh này hủy bỏ khoản thuế mới đối với các tập đoàn dầu mỏ, cho rằng Brussels đã vượt quá thẩm quyền pháp lý của mình khi áp đặt mục thuế này.

Trước đó, vào tháng 9, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố kế hoạch để các công ty dầu mỏ, khí đốt và than đá lớn chi một khoản gọi là "sự đóng góp khủng hoảng" từ lợi nhuận “khủng” năm 2022 của họ. Kế hoạch chi tiết đã đề xuất mức thuế 33% đối với lợi nhuận của các công ty năng lượng năm 2022, cao hơn 20% so với mức trung bình của giai đoạn từ năm 2019 tới năm 2021.

EC đã cẩn thận không sử dụng từ "thuế" khi áp dụng biện pháp này vào cuối tháng 9, vì bất kỳ điều khoản thuế mới nào ở cấp độ châu Âu đều cần có sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, các công ty con tại Đức và Hà Lan của ExxonMobil đã đệ đơn phản đối biện pháp mới tại Tòa án Chung của EU có trụ sở tại Luxembourg.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/12/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/12/2022

H.T

DMCA.com Protection Status