Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/12/2022

19:55 | 04/12/2022

5,045 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tính toán lại giá điện gió; Nga tuyên bố không chấp nhận trần giá dầu do EU áp đặt; Châu Á tăng nhập khẩu dầu trước các lệnh trừng phạt đối với Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 4/12/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/12/2022
Châu Á đã nhập khẩu dầu thô kỷ lục 29,1 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 11. Ảnh minh họa: Reuters

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tính toán lại giá điện gió

Tại cuộc làm việc với tỉnh Bạc Liêu và các nhà đầu tư ngày 4/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay giá điện gió Việt Nam đang ở mức cao hơn so với thế giới và so với các nguồn điện khác. Trong khi công nghệ điện tiến bộ rất nhanh và đến nay chi phí sản xuất đã giảm nhiều.

Mặt khác, các nhà đầu tư không đầu tư hệ thống truyền tải mà Nhà nước phải đầu tư với kinh phí lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ Công Thương phải nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, điện mặt trời. Các bên liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ vốn, kêu gọi các nhà đầu tư, sản xuất thiết bị trong nước, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Nga tuyên bố không chấp nhận trần giá dầu do EU áp đặt

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Moscow sẽ không chấp nhận mức trần giá dầu và chính quyền sẽ thông báo về các quyết định tiếp theo dựa trên phân tích tình hình.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ gọi quyết định của phương Tây tập thể áp đặt giới hạn giá đối với việc cung cấp dầu bằng tàu của Nga là nguy hiểm và bất hợp pháp. Việc định hình lại các nguyên tắc cơ bản về hoạt động của thị trường tự do, sẽ làm gia tăng bất ổn toàn cầu và tăng chi phí cho người tiêu dùng nguyên liệu thô.

Trước đó, giới lãnh đạo Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc áp dụng các biện pháp hạn chế giá đối với dầu mỏ của Nga sẽ dẫn đến sự thiếu hụt trên thị trường năng lượng. Nga sẽ không cung cấp dầu cho các nước tham gia cơ chế này.

Hệ luỵ khó lường từ việc EU áp giá trần dầu Nga

Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Chính sách Kinh tế của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Ivan Abramov, nói với Sputnik hôm 3/12 rằng việc đưa ra mức giá trần đối với dầu Nga sẽ dẫn đến sự gia tăng phi mã của giá nhiên liệu trên toàn thế giới.

Trước đó hôm 2/12, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về việc ấn định giá trần đối với dầu Nga ở mức 60 đô la Mỹ/thùng. Bình luận về mức giá trần của EU, nghị sĩ Nga cho rằng việc này sẽ tác động đến cả các hộ gia đình châu Âu, vốn sẽ phải vật lộn trong mùa Đông lạnh giá, và các nền kinh tế châu Âu, vì sẽ "mất hết lợi thế cạnh tranh trong nhiều năm tới".

Thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga - Alexey Chepa trong khi đó khẳng định nước này có một thị trường rộng lớn, và sẽ chỉ bán dầu theo các điều khoản có lợi cho Mátxcơva.

Châu Á tăng nhập khẩu dầu trước các lệnh trừng phạt đối với Nga

Theo dữ liệu từ Refinitiv được trích dẫn bởi Clyde Russell, chuyên gia về Hàng hóa và Năng lượng châu Á, thì châu Á đã nhập khẩu dầu thô kỷ lục 29,1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong tháng 11, so với nhập khẩu của châu Á ở mức 25,6 triệu thùng/ngày trong tháng 10 và 26,6 triệu thùng/ngày trong tháng 9.

Nhập khẩu kỷ lục trong tháng 11 có thể chỉ là tạm thời, nhưng chúng cho thấy những người mua châu Á muốn tích trữ dầu thô, bao gồm cả từ Nga, trước lệnh cấm vào ngày 5/12 có thể khiến giao dịch với hàng hóa của Nga trở nên khó khăn hơn do các vấn đề tiềm ẩn về nguồn cung dầu tàu chở dầu, công ty bảo hiểm và nhà tài chính sẽ hỗ trợ giao dịch dầu thô của Nga.

Những người mua dầu thô lớn nhất ở châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ, chưa tham gia cơ chế giá trần và đã báo hiệu rằng an ninh năng lượng và khả năng tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ tất cả các nhà xuất khẩu của họ là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược chính sách nhập khẩu của họ.

Indonesia đặt mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào năm 2039

Cơ quan Kiểm soát Năng lượng hạt nhân Indonesia (Bapeten) ngày 3/12 cho biết chính phủ nước này đặt mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2039 trong kế hoạch trung hòa khí thải carbon và nâng cao an ninh năng lượng quốc gia.

Giám đốc Kiểm soát Vật liệu và Cơ sở hạt nhân thuộc Bapeten, ông Haendra Subekti cho hay, Bapeten đã chuẩn bị một loạt quy định về cơ sở hạ tầng an toàn hạt nhân, từ việc đánh giá vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân, quá trình xây dựng đến vận hành thử nghiệm. Trong đó, vị trí đặt nhà máy điện hạt nhân phải đáp ứng một số điều kiện như không được xây dựng trong vùng có nguy cơ động đất lớn.

Ông Subekti khẳng định rằng quy định của Bapeten về cơ sở hạ tầng an toàn hạt nhân đã khá đầy đủ và cơ quan này có trách nhiệm đảm bảo rằng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân phù hợp với thiết kế đã duyệt. Sau khi xây dựng xong, nhà máy sẽ được vận hành thử nghiệm để xem xét hiệu quả hoạt động cho tới khi được đưa vào vận hành chính thức.

Iran xây dựng nhà máy điện hạt nhân 2 tỉ đô la

Ngày 3/12, Iran đã khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Karun, quy mô diện tích 50 ha, tại quận Darkhoveyn, tỉnh Khuzestan, tây nam đất nước, là một phần của chương trình hạt nhân quốc gia.

Nhà máy điện hạt nhân được trang bị một lò phản ứng nước áp lực (PWR), một loại lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ, công suất 300 MW, sử dụng uranium ô xít được làm giàu đến độ tinh khiết khoảng 4% làm nhiên liệu.

Nhà máy được thiết kế bởi các chuyên gia trong nước và sử dụng công nghệ nội địa. Quá trình triển khai dự án, theo kế hoạch, sẽ diễn ra trong 8 năm. Vốn đầu tư từ 1,5 - 2 tỉ đô la.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/12/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/12/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/12/2022

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status