Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/3/2023

19:45 | 04/03/2023

8,658 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương chỉ đạo EVN khẩn trương thống nhất giá điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Mỹ trở thành nhà cung ứng năng lượng lớn nhất nhờ chiến sự… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 4/3/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/3/2023
Trang trại điện gió tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Trungnamgroup

Bộ Công Thương chỉ đạo EVN khẩn trương thống nhất giá điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp

Bộ Công Thương vừa có Công văn số 094/BCT-ĐTĐL khẩn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thỏa thuận giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT về khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với giá trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Khung giá phát điện này là cơ sở để EVN thỏa thuận giá mua điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, vận hành thương mại sau hơn 2 năm chờ đợi, kể từ khi giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) ưu đãi hết hiệu lực.

Trong số các dự án đang chờ khung giá điện mới, có 5 dự án hoặc phần dự án điện mặt trời với tổng công suất hơn 452 MW đang chờ xác định giá điện và 62 dự án điện gió với tổng công suất gần 3.480 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Thêm vào đó, còn có một số dự án đang đầu tư, triển khai dở dang cũng chờ cơ chế, giá chuyển tiếp để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện với EVN.

Yêu cầu cân đối đủ nguồn đảm bảo cung cấp than cho điện

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc và một số tổng công ty phát điện, ngày 3/3, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu không để đứt gãy nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm trong mọi tình huống.

Báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2023 dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn.

Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn, trong đó cho các hộ điện vào khoảng 46,16 triệu tấn, hộ phân bón và hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ ximăng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.

Mỹ trở thành nhà cung ứng năng lượng lớn nhất nhờ chiến sự Nga - Ukraine

Theo CNBC, cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm ngoái đã thay đổi chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, đưa Mỹ lên vị trí hàng đầu trong các quốc gia xuất khẩu năng lượng trên thế giới.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), chỉ riêng trong tuần kết thúc vào ngày 24/2, Mỹ đã xuất khẩu kỷ lục 11,1 triệu thùng dầu và sản phẩm tinh chế mỗi ngày. Con số này, theo Citigroup, còn nhiều hơn cả tổng khối lượng xuất khẩu của cả Saudi Arabia và Nga cộng lại, và cao hơn đáng kể so với mức 9 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm ngoái.

Ông Daniel Yergin, Phó chủ tịch S&P Global cho rằng: "Thật ngạc nhiên khi Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất và là một trong những nhà xuất khẩu dầu mỏ sau nhiều thập kỷ lo ngại phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu". "Những gì mà chúng ta chứng kiến hiện nay là quá trình vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu đang tiếp tục", ông Yergin nói.

Nga dự kiến để đường ống Nord Stream dừng hoạt động

Hãng tin Reuters ngày 3/3 dẫn các nguồn thạo tin cho biết các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream bị vỡ dưới biển Baltic sẽ được Nga niêm phong và dừng hoạt động. Theo nguồn tin, lý do là vì Moscow hiện không có kế hoạch để sửa chữa hoặc kích hoạt lại chúng ngay lập tức.

Mặc dù phía tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom cho biết về mặt kỹ thuật có thể sửa chữa các đường ống bị đứt, nhưng các nguồn thạo tin tiết lộ Moscow thấy rất khó để cải thiện quan hệ với phương Tây trong tương lai gần và vì thế, các đường ống này hiện không hữu dụng.

Các nguồn tin từ Nga cho biết mặc dù không có kế hoạch sửa chữa các đường ống bị vỡ, nhưng các ống dẫn sẽ được bảo quản cẩn thận để tái sử dụng trong tương lai. Kế hoạch bảo quản bao gồm bịt kín các lỗ rò rỉ và phủ một lớp sơn lên đường ống để ngăn nước biển ăn mòn thêm.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/3/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/3/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/3/2023

H.T (t/h)

DMCA.com Protection Status