Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/1/2023

19:51 | 07/01/2023

5,107 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Taliban ký kết thỏa thuận dầu mỏ quốc tế lớn đầu tiên với công ty Trung Quốc; Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán thanh toán chậm tiền mua khí đốt của Nga; Shell có thể thiệt hại đến 2 tỷ USD vì thuế lợi tức phụ thu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 7/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/1/2023
Thổ Nhĩ Kỳ đang đề nghị Gazprom hoãn một số khoản thanh toán khí đốt tới hạn của Ankara đến năm 2024. Ảnh minh họa: AA

Taliban ký kết thỏa thuận dầu mỏ quốc tế lớn đầu tiên với công ty Trung Quốc

Chính quyền Taliban đã ký kết thỏa thuận khai thác dầu mỏ với một công ty Trung Quốc - Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Trung Á Tân Cương (CAPEIC). Đây là thỏa thuận khai thác năng lượng quốc tế lớn đầu tiên của Taliban kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền cai trị Afghanistan vào năm 2021.

Thỏa thuận khai thác dầu 25 năm sẽ cho phép CAPEIC khoan dầu ở lưu vực sông Amu Darya. Công ty CAPEIC sẽ đầu tư 150 triệu USD mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho 3.000 người dân Afghanistan. Sau 3 năm, khoản đầu tư sẽ tăng lên 540 triệu USD.

Afghanistan sở hữu nguồn tài nguyên trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, như khí đốt, dầu mỏ, đồng và đất hiếm, song phần lớn chưa được khai thác. Sau khi Taliban lên nắm quyền vào năm 2021, Mỹ đã đóng băng hơn 7 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, khiến nước này rơi vào tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng. Trung Quốc vào thời điểm đó cho biết sẵn sàng tăng cường quan hệ “hữu nghị và hợp tác” với Afghanistan.

Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán thanh toán chậm tiền mua khí đốt của Nga

Ngày 6/1, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho hay nước này đang tiếp tục đàm phán với Nga về vấn đề thanh toán chậm tiền mua khí đốt tự nhiên. Hồi tháng 9, Ankara và Moskva đã đạt được thỏa thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng mua bán khí đốt giữa hai bên.

Theo hãng tin Bloomberg, phía Thổ Nhĩ Kỳ đang đề nghị Gazprom hoãn một số khoản thanh toán khí đốt tới hạn của Ankara đến năm 2024. Nếu được chấp thuận, thỏa thuận sẽ giúp giảm bớt sức ép lên nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời kỳ giá năng lượng toàn cầu cao. Ankara thâm hụt thương mại hơn 11 tỷ USD và đồng lira đang bị mất giá.

Ông Donmez cũng cho hay Nga, Azerbaijan và Iran có thể tham gia nền tảng giao dịch khí đốt cho châu Âu được thành lập tại nước này. Theo đó, hai nhánh đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã được đưa vào hoạt động, trong đó có một nhánh dẫn khí đốt sang Bulgaria. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thành lập một sàn giao dịch khí đốt.

Đức và Na Uy chuẩn bị xây đường ống dẫn hydrogen khổng lồ

Nhà sản xuất năng lượng Đức RWE và hãng năng lượng quốc doanh Equinor của Na Uy vừa qua đã công bố kế hoạch xây dựng một loạt nhà máy phát điện chạy bằng khí hydrogen ở Đức trong vài năm tới đây. Cùng với đó, một đường ống lớn dẫn hydrogen nối giữa hai nước cũng sẽ được xây dựng.

“Thông qua sự cộng tác này, chúng tôi sẽ tăng cường an ninh năng lượng dài hạn cho quốc gia công nghiệp số 1 ở châu Âu”, ông Anders Opedal - CEO của Equinor - nói trong một tuyên bố chung.

Loạt nhà máy điện hydrogen dự kiến được xây dựng sẽ thuộc quyền đồng sở hữu của RWE và Equinor. Ban đầu, các nhà máy này sẽ chạy bằng khí đốt do Na Uy cung cấp, sau đó chuyển sang dùng hydrogen. Khí hydrogen này cũng được sản xuất ở Na Uy bằng khí đốt tự nhiên và được bơm qua tuyến đường ống chạy ngầm dưới biển.

Shell có thể thiệt hại đến 2 tỷ USD vì thuế lợi tức phụ thu

Ngày 6/1, Tập đoàn năng lượng Shell của Anh cảnh báo thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) mà Liên minh châu Âu (EU) và Anh áp dụng đối với các khoản lợi nhuận tăng đột biến sẽ khiến doanh thu quý IV/2022 của tập đoàn này thiệt hại khoảng 2 tỷ USD.

Thuế lợi tức phụ thu là một loại thuế đặc biệt được các chính phủ áp dụng khi một công ty hoặc một ngành được hưởng lợi từ một mặt hàng nào đó mà không phải chịu trách nhiệm về lợi ích tài chính phát sinh sau đó được gọi là lợi nhuận bất ngờ.

Giá năng lượng tăng vọt đã trở thành một trong những yếu tố đẩy lạm phát trên toàn thế giới lên mức cao chưa từng có trong nhiều thập niên. Điều này đã dẫn tới việc các chính phủ trợ cấp để hỗ trợ người tiêu dùng trang trải các hóa đơn năng lượng. Nguồn trợ cấp này được trích từ việc đánh thuế lợi tức phụ thu đối với các doanh nghiệp trong ngành năng lượng.

Thái Lan sẽ hạ mức tăng giá điện cho doanh nghiệp

Ủy ban Điều tiết Năng lượng Thái Lan (ERC) thông báo sẽ cắt giảm mức tăng giá điện cho các doanh nghiệp sau khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha yêu cầu các quan chức năng lượng tìm cách giảm hóa đơn tiền điện cho các doanh nghiệp.

Theo thông báo của ERC, các quan chức năng lượng tuyên bố sẽ chỉ tăng biểu giá điện thêm 13% lên mức 5,33 baht (0,16 USD)/kWh, sau khi thay đổi cách ước tính giá khí đốt tự nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá điện.

Bên cạnh đó, ERC cũng đồng ý điều chỉnh ước tính giá dầu diesel từ mức 31,9 baht (0,95 USD)/lít xuống 28,22 baht (0,84 USD)/lít cùng với việc giảm ước tính tỷ giá hối đoái từ 37 baht đổi một USD xuống còn 35,68 baht. Ngoài ra, các biện pháp khác để kiểm soát biểu giá điện sẽ bao gồm sử dụng nhiên liệu rẻ hơn như than đá để sản xuất điện.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/1/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/1/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status