Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/1/2023

19:55 | 08/01/2023

2,890 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Đã có giá mua điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp; Algeria đầu tư 30 tỷ USD để mở rộng thăm dò khai thác dầu khí; Thị trường LNG toàn cầu sẽ tiếp tục căng thẳng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 8/1/2023.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/1/2023
Nhà máy điện gió Trung Nam tại Ninh Thuận. Ảnh: VGP

Đã có giá mua điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

Bộ Công Thương vừa có quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023, ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo đó, quyết định có hiệu lực luôn từ ngày ký. Khung giá này sẽ là cơ sở để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thỏa thuận giá phát điện với các đơn vị phát điện mặt trời, điện gió.

Theo Quyết định 21/QĐ-BCT, giá trần (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Trước đó, với chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giá thấp nhất của điện mặt trời (quy đổi theo tỷ giá USD) tương đương 1.783 đồng/kWh và giá cao nhất với giá điện gió là 2.223 đồng/kWh, tùy từng thời điểm.

Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo cơ sở hạ tầng giao dịch khí đốt với châu Âu

Phát biểu trên kênh Haber Turk TV ngày 6/1, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez nêu rõ Ankara đã sẵn sàng cung cấp hệ thống cơ sở hạ tầng cho trung tâm khí đốt và một nền tảng thương mại với châu Âu tại nước này.

Trong 4 năm qua, nước này đã vận hành một nền tảng kinh doanh khí đốt cho thị trường trong nước. Phần mềm và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đã hoàn tất. Theo ông, hiện Ankara đang đàm phán với các quốc gia khác về việc định giá phù hợp với kỳ vọng hiện có của thị trường quốc tế.

Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí về việc thành lập một trung tâm khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định các nước châu Âu có thể nhận khí đốt từ trung tâm này. Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ trung tâm này sẽ không chỉ đảm bảo nguồn cung, mà còn có thể giúp ổn định giá cả, một vấn đề rất quan trọng trong mua bán khí đốt.

Algeria đầu tư 30 tỷ USD để mở rộng thăm dò khai thác dầu khí

Ngày 7/1, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach), ông Toufik Hakkar, khẳng định tập đoàn này có kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD cho thăm dò và khai thác dầu khí, đặc biệt là khí đốt thiên nhiên, để cải thiện nguồn cung cho thị trường thế giới.

Ông Hakkar cho biết thêm rằng đây là một phần trong kế hoạch đầu tư 5 năm (2023-2027) của Sonatrach với tổng vốn đầu tư trị giá 40 tỷ USD. Tập đoàn dầu khí quốc gia Algeria (Sonatrach) cũng dự định đầu tư hơn 7 tỷ USD vào các dự án lọc, hóa dầu và khí hóa lỏng nhằm tạo ra thêm giá trị gia tăng và tăng cường tiềm năng xuất khẩu.

Ngoài ra, tập đoàn này cũng sẽ dành gần 1 tỷ USD cho các dự án chuyển đổi năng lượng bao gồm các dự án thu hồi khí đốt tại các địa điểm sản xuất và tổ hợp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), các dự án điện mặt trời và các dự án thí điểm để sản xuất và truyền tải hydro xanh.

Thị trường LNG toàn cầu sẽ tiếp tục căng thẳng

Châu Âu là khách hàng lớn nhất trên thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu trong năm 2022. Các chính phủ trong khu vực này nhập khẩu khối lượng LNG cao hơn đáng kể khi họ chạy đua thay thế nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống đang cạn kiệt từ Nga.

Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 101 triệu tấn LNG trong năm 2022, nhiều hơn 58% so với năm trước đó. Khối này chiếm 24% lượng nhập khẩu LNG toàn cầu trong năm ngoái. Theo dữ liệu từ tổ chức tư vấn kinh tế Bruegel ở Brussels (Bỉ), LNG hiện chiếm khoảng 35% nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu, tăng từ 20% vào năm 2021.

Giới phân tích cho rằng, với nhu cầu nhập khẩu LNG dự kiến lớn hơn của châu Âu để lấp đầy các cơ sở lưu trữ trong năm 2023, thị trường LNG toàn cầu sẽ tiếp tục căng thẳng và có khả năng đẩy giá tăng lên đối với những khách hàng sử dụng khí đốt trên toàn thế giới.

Equinor cảnh báo về tình trạng thiếu khí đốt trong năm 2023

Ông Anders Opedal, Giám đốc điều hành của Equinor, Công ty năng lượng lớn nhất Na Uy, cho rằng thị trường châu Âu vẫn có thể khan hiếm khí đốt trong năm nay, bất chấp giá khí đốt đang giảm.

Cụ thể, giá khí đốt châu Âu trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất hơn 1 năm do thời tiết ấm áp bất thường. Giá khí đốt tương lai tại trung tâm TTF ở Hà Lan giảm xuống dưới 700 USD/1.000 m3 vào hôm 5/1. Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy thời tiết sẽ vẫn ôn hòa trong những ngày sắp tới. Điều này có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ khí đốt hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Opedal cảnh báo: “Các cơ sở lưu trữ khí đốt đang khá đầy và thời tiết cũng ấm áp. Điều đó đã ảnh hưởng đến giá khí đốt. Nhưng các cơ sở này cần được lấp đầy trong năm nay do lượng khí đốt từ Nga ít hơn. Chúng ta có thể chứng kiến thị trường nơi giá khí đốt dao động khá nhiều”.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/1/2023
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/1/2023Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/1/2023

T.H (t/h)

DMCA.com Protection Status