Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/10/2022

19:45 | 09/10/2022

1,862 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dừng Dự án nhiệt điện than 1.320 MW tại Quảng Trị; Đức đặt vấn đề áp giá trần đối với khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ; Nhật Bản tái khẳng định tầm quan trọng của Dự án Sakhalin-1… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 9/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 9/10/2022
Mỹ là nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng chính cho châu Âu

Dừng Dự án nhiệt điện than 1.320 MW tại Quảng Trị của chủ đầu tư Thái Lan

Nhà máy nhiệt điện than Quảng Trị 1230MW do Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm Chủ đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được các bên thống nhất dừng đầu tư. Đây là quyết định đã được chính phủ hai nước thống nhất.

Theo ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thực trạng của dự án Nhà máy nhiệt điện than Quảng Trị 1230MW do Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm Chủ đầu tư tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị hiện đã và đang làm cho tỉnh Quảng Trị rất bị động, khó khăn, áp lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trên cơ sở xem xét các kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Trị, đánh giá các yếu tố trở ngại, vướng mắc, Bộ Năng lượng Thái Lan xác nhận dừng triển khai dự án nêu trên tại tỉnh Quảng Trị. Phía Thái Lan đề nghị Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Trị tiếp tục tạo điều kiện cho EGATi tìm kiếm cơ hội để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khác hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc triển khai các dự án năng lượng tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Đức đặt vấn đề áp giá trần đối với khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ

Berlin đã đưa ra ý tưởng yêu cầu nước Mỹ phải có biện pháp hạn chế chi phí khí tự nhiên hóa lỏng được nhập khẩu vào châu Âu. Điều này đã được Thủ tướng Liên bang Đức - ông Olaf Scholz tuyên bố trên kênh Phoenix TV.

Theo ông Olaf Scholz, Đức muốn thảo luận với các nhà cung cấp tài nguyên quan trọng như Mỹ và Na Uy về cách giảm chi phí khí đốt ở trên thị trường châu Âu trong bối cảnh khu vực đối diện cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Ông Olaf Scholz cho biết, Chính phủ Đức nhất trí cho rằng giá nhiên liệu nhập khẩu đang ở mức quá cao, do vậy cần phải giảm giá thành và điều tiết. Các nhà cung cấp chính bao gồm Mỹ và Na Uy sẽ giúp Đức thực hiện việc này.

Trước diễn biến trên, trang Reporter bình luận, trong một thời gian dài, Mỹ đã được hưởng lợi từ sự hào phóng của chính phủ Đức, Washington đã thu lợi nhuận cực kỳ lớn giữa tình cảnh khó khăn của đồng minh. Giờ đây, Mỹ có nguy cơ bị đối xử giống như cách họ đang cố gắng hạ gục Nga. Mọi hành động trừng phạt của Mỹ đối với Liên bang Nga đang quay trở lại tấn công Mỹ với những hậu quả khôn lường.

Nhật Bản tái khẳng định tầm quan trọng của Dự án Sakhalin-1

Bình luận về quyết định của Nga trong việc chuyển giao dự án Sakhalin-1 sang quyền tài phán của Nga, ngày 9/10, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho hay dự án này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung cấp, mặc dù Nhật Bản hiện không nhập khẩu dầu từ dự án này.

Ông Nishimura nói: “Nhập khẩu dầu của Nhật Bản phụ thuộc 90% vào Trung Đông và hiện giờ là 95%, và trong những điều kiện này, dự án Sakhalin-1 là cực kỳ quan trọng về mặt đa dạng hóa (nguồn cung cấp). Theo quan điểm về an ninh năng lượng của Nhật Bản, cũng như nguồn cung cấp năng lượng ổn định thì đây là một dự án rất quan trọng”.

Trả lời câu hỏi về việc Nhật Bản sẽ phản ứng thế nào trước các quyết định của phía Nga, ông Nishimura cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu vấn đề này dựa trên phân tích nghị định liên quan và tham vấn các bên quan tâm.

Pháp cạn kiệt nguồn xăng do gián đoạn hoạt động lọc dầu

Những người lái xe ở Pháp ngày 8/10 đã phải xếp hàng nhiều giờ tại các trạm xăng khi nguồn cung tiếp tục cạn kiệt. Do phần lớn các trạm xăng xung quanh Paris ngừng hoạt động, nhiều lái xe phải đi lòng vòng mới tìm được trạm xăng hoạt động và xếp hàng trong nhiều giờ.

Nguồn xăng bị cạn kiệt do các cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu. Cuộc đình công của công đoàn CGT tại hãng TotalEnergies, chủ yếu đòi trả lương cao, đã làm gián đoạn hoạt động tại 2 nhà máy lọc dầu và 2 cơ sở lưu trữ. Hai nhà máy lọc dầu của Exxon Mobil cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự kể từ ngày 20/9.

Các cuộc đình công, kéo dài sang ngày thứ 11, đã làm giảm hơn 60% sản lượng tại các nhà máy lọc dầu của Pháp. Bộ trưởng Môi trường Pháp Christophe Bechu cho biết Pháp sẽ không hạn chế xăng cho lái xe như một biện pháp để đối phó vấn đề nguồn cung.

Dân châu Âu tăng cường tích trữ củi cho mùa đông

Theo Bloomberg, nhu cầu mua củi tăng vọt tại nhiều quốc gia châu Âu khi mùa đông lạnh giá đang đến gần và cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Khoảng 70% hệ thống sưởi của châu Âu đến từ khí đốt tự nhiên và điện, và với việc dòng khí đốt từ Nga giảm mạnh trong thời gian qua, gỗ đã trở thành một mặt hàng được săn lùng. Giá viên nén gỗ đã tăng gần gấp đôi lên 600EUR mỗi tấn ở Pháp và giới quan sát phát hiện ra dấu hiệu có thể xảy ra tình trạng mua sắm hoảng loạn mặt hàng này. Hungary thậm chí đã cấm xuất khẩu củi viên, và Romania phải áp trần giá củi trong 6 tháng.

Với nhiều người dân châu Âu, mối quan tâm chính là làm mọi thứ cần thiết để giữ ấm trong những tháng tới. Nhưng đây lại chính là mối lo ngại của một số tổ chức, bởi các hệ lụy về môi trường.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/10/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/10/2022

T.H

DMCA.com Protection Status