Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/10/2022

19:45 | 08/10/2022

12,371 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ủy ban châu Âu bật đèn xanh cho khả năng áp trần giá khí đốt; Nga lệnh tịch thu dự án dầu khí Sakhalin 1; OPEC bác bỏ cáo buộc giảm sản lượng dầu vì Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 8/10/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/10/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tịch thu dự án dầu khí Sakhalin 1, có 30% cổ phần là của Exxon Mobil Corp. Ảnh: Awarajyamag

Ủy ban châu Âu bật đèn xanh cho khả năng áp trần giá khí đốt

Tại Thượng đỉnh châu Âu không chính thức ngày hôm qua (7/10), Ủy ban châu Âu (EC) đã lần đầu tiên đồng ý thảo luận về đề xuất áp trần giá đối với khí đốt nhập khẩu. Chủ trương áp trần khí đốt trước mắt sẽ chỉ được áp dụng đối với khí đốt nhập khẩu được sử dụng để sản xuất điện.

Lý do để EC lần đầu chấp nhận thảo luận về vấn đề này xuất phát từ việc hai thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp dụng biện pháp trên kể từ tháng 5/2022, giúp giá năng lượng chỉ tăng khoảng 10% so với mức tăng trên dưới 30% tại nhiều quốc gia châu Âu. Nguyên nhân quan trọng nữa là khí đốt được sử dụng để sản xuất điện hiện chiếm 20% lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu. Điều này sẽ cho phép tập đoàn công nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí năng lượng.

Ngoài vấn đề áp trần giá khí đốt, lãnh đạo EU đã thống nhất ủng hộ việc thiết lập “hành lang giá năng lượng” với hai nhà cung cấp khí đốt chính hiện này là Na Uy và Mỹ với lần lượt là 26% và 15% thị phần châu Âu.

Nga lệnh tịch thu dự án dầu khí Sakhalin 1

Điện Kremlin ngày 7/10 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thành lập một công ty quản lý mới để điều hành dự án dầu khí Sakhalin 1. Động thái này tiếp nối những biện pháp tương tự liên quan đến quyết định tịch thu các dự án năng lượng khác có sự tham gia đầu tư của nước ngoài.

Tập đoàn Exxon Mobil Corp, nắm giữ 30% cổ phần, từng đóng vai trò điều hành Sakhalin 1 - dự án khai thác dầu khí ở vùng Viễn Đông của Nga. Hãng năng lượng lớn nhất của Mỹ đã tìm cách rút khỏi các hoạt động tại Nga từ hồi tháng 3, vài ngày sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Hồi tháng 7, Tổng thống Putin cũng ký một sắc lệnh tương tự nhằm giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn của Nga đối với Sakhalin 2 - một dự án dầu khí khác tại vùng Viễn Đông được thành lập trên cơ sở thỏa thuận chia sẻ sản lượng khai thác được ký kết hồi thập niên 1990.

OPEC bác bỏ cáo buộc giảm sản lượng dầu vì Nga

Nhóm OPEC gồm 13 quốc gia, cùng với 10 đồng minh và đối tác khác (hay còn gọi là OPEC+), đã đồng ý tại một cuộc họp ở Vienna để cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 11. Động thái này được cho đã giáng một đòn mạnh vào các quốc gia tiêu thụ.

Trước cáo buộc rằng các nhà sản xuất vùng Vịnh đang đứng về phía Nga để gây thiệt hại cho Mỹ và các đồng minh phương Tây, Tổng thư ký OPEC, Haitham al-Ghais, hôm 7/10 cho biết: "Đây không phải là quyết định của một quốc gia chống lại quốc gia khác".

Ả Rập Xê-út, một trong những quốc gia đóng vai trò chính trong OPEC, cũng cho rằng động thái này là cần thiết để đối phó với việc phương Tây tăng lãi suất và nền kinh tế toàn cầu suy yếu hơn. Quyền Bộ trưởng dầu mỏ Kuwait, Mohammed al-Fares, cho biết rằng mặc dù liên minh hiểu mối quan tâm của người tiêu dùng về giá tăng cao, mối quan tâm chính của họ là "duy trì sự cân bằng giữa cung và cầu".

Châu Âu vẫn lo khí đốt dù kho dự trữ gần đầy

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết gần 90% kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy. Một số nước thậm chí đã hoàn tất việc tích trữ. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đánh giá tình hình hiện không tệ. Nếu không có bất ngờ - về chính trị và kỹ thuật - và thời tiết bình thường như mọi năm, châu Âu có thể trải qua mùa đông với rất ít tổn thương.

Dù vậy, căng thẳng vẫn chưa được giải tỏa hoàn toàn. Công ty năng lượng Orsted (Đan Mạch) nói sẽ tiếp tục duy trì hoặc tái khởi động 3 cơ sở nhiên liệu hóa thạch với mục đích "đảm bảo nguồn cung điện". Công ty năng lượng RWE (Đức) sẽ đưa 3 cơ sở nhiệt điện dùng than nâu "tạm thời quay trở lại thị trường điện để tăng cường nguồn cung và tiết kiệm khí đốt trong sản xuất điện".

Cùng với đó, hệ thống hạ tầng tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) hiện có với công suất khoảng 157 tỉ mét khối mỗi năm cũng đang vận hành hết công suất. "Mùa đông này, chúng ta cần mọi cơ sở LNG hoạt động", Kadri Simson - Ủy viên châu Âu về năng lượng cho biết.

Nga cân nhắc điều tra độc lập vụ đường ống Nord Stream nghi bị phá hoại

Ngày 7/10, hãng tin Sputnik dẫn thông tin từ Đại sứ quán Nga tại Copenhagen (Đan Mạch) cho biết Moscow sẽ cân nhắc khả năng tổ chức một cuộc điều tra độc lập về "các cuộc tấn công khủng bố" vào hai đường ống Nord Stream 1 và 2.

Trước kế hoạch loại Nga khỏi cuộc điều tra về tình hình sự cố tại hai đường ống dẫn khí Nord Stream của Đan Mạch và Thụy Điển, Đại sứ quán Nga tại Copenhagen tuyên bố: "Giới hạn bên tham gia [cuộc điều tra] là các quốc gia đã là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc đang trên đường gia nhập liên minh này, biến nó thành một cuộc điều tra thiên vị về mặt chính trị. Trong những trường hợp này, phía Nga sẽ nghiên cứu khả năng tiến hành một cuộc điều tra toàn diện độc lập tại hiện trường".

Theo cơ quan này, Moscow không loại trừ khả năng sửa chữa các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 vốn đã bị hư hỏng do bị phá hoại. Tuy nhiên, quyết định về việc này có thể được đưa ra sau khi kiểm tra hiện trường, theo đại sứ quán.

Italy công bố các biện pháp mới tiết kiệm năng lượng

Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani ngày 7/10 đã ký nghị định mới về tiết kiệm năng lượng, đưa ra các giới hạn về nhiệt độ và thời gian cho việc sưởi ấm bằng khí đốt trong mùa đông tới để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo Kế hoạch Giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên, trong mùa đông tới, hệ thống sưởi của nhiều tòa nhà, cả của nhà nước và tư nhân, sẽ giảm nhiệt độ cao nhất thêm 1 độ C, xuống còn 18 độ C đối với doanh nghiệp và 19 độ C đối với nhà dân. Thời gian bật hệ thống sưởi cũng bị giảm 1 giờ mỗi ngày và 15 ngày trong mùa đông, cụ thể là bật muộn 8 ngày và tắt sớm 7 ngày.

Nghị định cũng quy định một số ngoại lệ, bao gồm các đối tượng không phải thực hiện kế hoạch này như khu nghỉ dưỡng sức khỏe, nhà trẻ mẫu giáo, hồ bơi… cũng như các tòa nhà được trang bị hệ thống sưởi chủ yếu sử dụng năng lượng tái tạo. Theo một nghiên cứu của Cơ quan Quản lý năng lượng quốc gia (ENEA), những hạn chế mới có thể cho phép Italy tiết kiệm tới 2,7 tỉ m3 khí đốt trong mùa đông tới.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/10/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/10/2022

T.H

DMCA.com Protection Status