Nhớ mãi hai lần đầu tiên (Kỳ 1)

07:00 | 22/07/2016

642 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
 Gần 40 năm gắn bó với ngành Dầu khí, tôi nhớ mãi hai lần ấy. Đó là lần đưa mỏ khí đầu tiên của Việt Nam - Mỏ khí Tiền Hải (Thái Bình) vào khai thác tháng 4-1981, rồi lần đưa mỏ dầu đầu tiên của Việt  Nam - mỏ Bạch Hổ tại thềm lục địa Việt Nam vào khai thác tháng 6-1986. Cả hai lần đó đã tạo nên bước phát triển mới, bước phát triển nhảy vọt của ngành Dầu khí Việt Nam: Việt Nam khai thác được khí, Việt Nam sản xuất được dầu! Niềm tin, ước nguyện của Bác Hồ đã thành hiện thực. Viết những dòng này tôi mong muốn ghi lại những ngày đầu khai thác khí, khai thác dầu gian nan ấy, muốn rút ra những bài học để các bạn trẻ cùng tham khảo. Tôi tưởng nhớ đến những người đã lao động không mệt mỏi, làm nên những công trình rất đáng tự hào.

Năm 1977, khi lớp kỹ sư chúng tôi tốt nghiệp ở nước ngoài về nước, Liên đoàn Địa chất 36 đã phát hiện một số cấu tạo dầu khí, trong đó có phát hiện khí ở giếng 61, 65, 67 và phát hiện dầu tại giếng 63 - Tiền Hải.

nho mai hai lan dau tien ky 1
Công trình khí Tiền Hải năm 1981. Từ trái sang phải: Phùng Đình Thực (đứng sau), Vũ Văn Viện, Borixop, Dương Công Khanh

Đất nước ta lúc bấy giờ khó khăn lắm, năng lượng thiếu trầm trọng. Vấn đề đặt ra là phải sớm khai thác khí, khai thác dầu phục vụ phát triển đất nước.

Nhiệm vụ nghiên cứu chuẩn bị khai thác dầu, khí Tiền Hải được giao cho Tổ Khai thác dầu khí. Tổ Khai thác khí được thành lập tháng 10-1977, lúc đầu gồm 5 kỹ sư là tôi, Trịnh Minh Hùng, Vũ Văn Viện, Nguyễn Hữu Trung, Dương Công Khanh do anh Trịnh Minh Hùng làm Tổ trưởng. Tổ sau đó tăng lên 12 kỹ sư, tất cả đều tốt nghiệp ở các nước Liên Xô, Rumani, Đức. Sau 3 tháng, anh Hùng được điều động vào Nam, nhiệm vụ điều hành Tổ Khai thác được lãnh đạo tin tưởng giao cho tôi, lúc bấy giờ tôi mới ra trường 3 tháng.

Anh Đặng Của - Chánh kỹ sư Liên đoàn là người giao nhiệm vụ trực tiếp cho chúng tôi. Giọng sôi nổi, anh nói: “Các chú em, lãnh đạo tin tưởng giao các em làm phương án khai thác dầu 63, khai thác khí 61. Việc quan trọng đó các chú em nhớ là khẩn trương, 6 tháng phải có báo cáo”. Rồi rất thân tình, vui vẻ Anh nói tiếp: “Nhớ nhé, làm không xong tao bẻ cổ đó”. Thấy chúng tôi tròn mắt nhìn nhau, anh cười và động viên: “Các em cố gắng, anh tin các em làm được”.

Liên đoàn Địa chất 36 thời kỳ đó làm nhiệm vụ tìm kiếm - thăm dò dầu khí, có các công dân Liên Xô làm chuyên gia, cố vấn trong các lĩnh vực địa chất, địa vật lý và khoan. Trong Liên đoàn không có chuyên gia khai thác dầu khí, toàn bộ việc chuẩn bị đưa mỏ vào khai thác, từ nghiên cứu, thiết kế, chuẩn bị vật tư, tổ chức xây lắp, đào tạo nhân lực, tổ chức vận hành đều do kỹ sư trẻ Việt Nam đảm nhiệm.

Khó khăn - Không nản chí

Khó khăn chồng chất khó khăn: Chưa có thực tế, không biết trông cậy vào ai về kỹ thuật. Từ xây dựng lựa chọn phương án công nghệ đến thiết kế, lựa chọn vật tư, thiết bị khai thác; rồi tổ chức thi công - lắp ráp - xây dựng, chuẩn bị lực lượng vận hành, tất cả trong tay chưa có gì cả. Vạn sự khởi đầu nan.

Không nản chí, sau 6 tháng miệt mài, Tổ đã báo cáo lãnh đạo Liên đoàn kết quả nghiên cứu ban đầu: Dầu tại giếng 63 không có giá trị thương mại, không thể khai thác và định hướng cơ bản tiếp theo là tập trung cho khai thác khí Tiền Hải.

Chuẩn bị khai thác khí, vấn đề đầu tiên là lựa chọn phương án công nghệ.

Từ năm 1978 công nghệ khai thác khí đã được các bộ phận của Tổng cục Dầu khí là Phòng Công nghệ - Cục Xây dựng cơ bản và Công ty Thiết kế xem xét và đề xuất phương án mua thiết bị công nghệ của Pháp nhưng không được triển khai vì không phù hợp với thực tế, đặc biệt là khó khăn về tài chính.

Tình trạng thiếu điện ngày càng nghiêm trọng, 2 tổ máy phát điện của Hãng sản xuất John Brown công suất 17MW/tổ máy từ miền Nam chuyển ra không có dầu để chạy. Chỉ thị số 229/DK ngày 1-2-1979 của Tổng cục yêu cầu chuẩn bị mọi mặt để khai thác khí ở giếng 61 cung cấp cho turbine phát điện. Ngày 20-2-1980, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị “Để có chất đốt khác thay cho diesel chạy máy phát điện, phải xúc tiến nghiên cứu việc khai thác và sử dụng khí mỏ Tiền Hải C” (Văn bản số 4465/ VP ngày 20-2-1980 của Văn phòng Phủ Thủ tướng).

Tình hình khẩn trương, điều kiện thiếu thốn, vật tư thiết bị và con người đều thiếu. Triển khai cụ thể phương án công nghệ, phương tiện tính toán càng thiếu. Tính cân bằng pha cần lập trình, tuy nhiên máy tính không có. May anh Vương Hữu Oánh sau khi học ở Pháp mang về một máy tính cá nhân (như máy học trò bây giờ) có thể lập trình đơn giản, thế là cả Tổ thay nhau sử dụng hết công suất. Vũ Văn Viện, con người trực tính, nóng như Trương Phi, giọng lúc nào cũng oang oang, thế mà cũng phải kiên trì xếp lượt chờ máy tính. Nhìn vào cơ ngơi đó, nhiều người, kể cả cán bộ lãnh đạo cũng phải lắc đầu.

Không bỏ cuộc. Tổ khai thác về sau có thêm một số cán bộ tăng cường như Nguyễn Mậu Phương, Trần Quang Khải, Huỳnh Hồng Miên, không có chuyên gia nước ngoài, đã tiến hành nghiên cứu nhiều phương án và công nghệ xử lý hiện có trên thế giới, sáng tạo và đề xuất phương án xử lý khí nhờ dãn nở tự nhiên phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Sau thiết kế sơ bộ, đến vấn đề vật tư: Mua không được vì cấm vận, vì tài chính. Không bó tay, Tổ đề xuất tìm kiếm sử dụng vật tư có sẵn và thiết kế - chế tạo bổ sung thiết bị trong nước có thể chế tạo được.

Thế là cả Tổ lăn đi tìm kiếm vật tư từ các công trường - những vật tư thiết bị trước đó được sử dụng không phải cho khai thác mà cho khoan, cho thử vỉa.

Nhớ lại hôm tôi và anh Dương Công Khanh rạp lưng trên chiếc xe “cuốc” từ sáng đến chiều sang Xuân Thủy - Nam Hà tìm vật tư, thiết bị. Gặp anh Đinh Danh, Trưởng đoàn khoan, anh rất vui: “Tạo điều kiện cho chú mày vào kho, vào bãi, nhưng chọn gì phải lập danh sách. Chỉ cho các chú những thứ khoan không dùng nữa”. Sau đợt đi tìm kiếm, các thiết bị vật tư cũ lần lượt được tập kết về giếng khoan 61. Các bình tách nằm ngang được tận dụng từ các bình tách thử vỉa, đã bỏ không sử dụng nằm tại các giếng khoan 67, 73, 104, 110… Các van, cút cong và manifold cũ để thử vỉa không dùng nữa, được thu gom từ các giếng khoan Tiền Hải, Xuân Thủy, Hưng Yên. Các bình chứa condensate được tận dụng từ các bồn chứa dầu mazut cho các tổ máy diesel của giàn khoan. Các ống thủy mua lại từ Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Các cút cong còn thiếu được chế tạo thi công tại xưởng cơ khí Liên đoàn tại chợ Đậu. Chỉ có 4 bình tách xoáy lốc cyclone được chế tạo mới tại Thái Nguyên.

Vật tư thiết bị cơ bản được tập hợp, các bản vẽ, tài liệu được cập nhật, bổ sung. Đề án, phương án nhanh chóng được thông qua ở cấp Công ty (Liên đoàn Địa chất 36 từ tháng 8-1978 đã đổi tên thành Công ty Dầu khí I). Tiếp theo lên Hà Nội báo cáo Vụ Kỹ thuật, Vụ Kế hoạch.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phùng Đình Thực

Năng lượng Mới 541

DMCA.com Protection Status