Tình cảm sâu sắc - ý nghĩa đậm đà

10:00 | 28/01/2017

1,385 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí (27/11/1961 - 27/2016), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt ôn lại truyền thống và trao giải cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí”. Cuộc thi đã thu hút được 1.000 tác phẩm ở cả hai thể loại báo viết và báo ảnh. Sau hai vòng sơ khảo và chung khảo, Hội đồng chấm giải đã chọn ra 24 tác phẩm báo viết, 10 tác phẩm báo ảnh và nhóm ảnh để trao giải. Thành công lớn của cuộc thi, đó là các tác phẩm được trao giải đều là những tác phẩm có nội dung tốt, thực sự là những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí.  

Bức tranh toàn cảnh

Cái khó cho việc thẩm định tác phẩm là ngoài các vấn đề về hình thức thể hiện như văn phong, kết cấu tác phẩm... thì quan trọng nhất là tác phẩm phải phản ánh được chính xác sự kiện, phải có nội dung “kỷ niệm sâu sắc” - mà để thẩm định được, nếu không có sự tham gia của các bậc “trưởng lão” trong ngành Dầu khí thì rất khó. Là người gắn cả cuộc đời mình với nhiều bước thăng trầm của ngành Dầu khí, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, TS Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam không khỏi xúc động khi đọc những bài viết của các tác giả trong và ngoài ngành Dầu khí.

ti nh ca m sau sa c y nghi a da m da
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Nguyễn Quốc Khánh và Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao 2 giải A của cuộc thi

“Khi đọc những bài viết của các tác giả, tôi có rất nhiều cảm xúc. Cảm nhận đầu tiên là khi đọc bài của các nhà báo, nhà văn những người không biết nhiều về dầu khí nhưng các tác giả đã viết được những bài rất xúc tích, thể hiện được thành tựu của ngành Dầu khí. Còn đối với những tác giả tham gia là người lao động bình thường, không phải nhà văn, nhà báo nhưng họ là người trong cuộc, tham gia viết về ký ức của mình, những bài viết ấy thể hiện được sự sống còn trong thời gian đó, những hoạt động, những cảm xúc, những suy nghĩ của chính bản thân mình đối với ngành Dầu khí và những ước mơ của họ khi chọn lựa là người lao động Dầu khí từ thời kỳ gian khổ nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Nếu những bài báo này được xâu chuỗi lại theo thời gian, thì nó tái hiện được bức tranh toàn cảnh của ngành Dầu khí, tái hiện được lịch sử của ngành Dầu khí từ những thuở ban đầu gian khổ nhất cho đến nay khi thành tựu khoa học của ngành Dầu khí đã phát triển rất đáng tự hào. Thể hiện được sự đa dạng, đồng bộ của ngành Dầu khí từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Những bài báo thể hiện được hiệu quả công nghệ hiện nay, những nhà máy lọc dầu, những nhà máy đạm... Các tác phẩm không chỉ nói đến được thành tựu khoa học công nghệ mà còn thể hiện rõ được ý chí, sự quyết tâm của những người làm dầu khí. Hay những bài báo nói đến hoạt động gian khổ ở ngoài khơi xa như tàu Bình Minh, không chỉ phục vụ công tác thăm dò dầu khí mà còn khẳng định chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông và thành quả là chúng ta đã xác định được ranh giới trên thềm lục địa của Việt Nam một cách khoa học”.

Tham gia chấm nhiều cuộc thi viết, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Chung khảo đã có nhiều cảm xúc, những cái nhìn mới về ngành Dầu khí:

“Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá rất cao cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí”. Những tác phẩm lọt vào vòng chung khảo là những tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao, đem lại cho người đọc bức tranh tổng thể về ngành Dầu khí từ buổi ban đầu cho đến ngày hôm nay. Đó là những câu chuyện hết sức cụ thể, nổi bật trong quá trình hình thành ngành Dầu khí, nhiều câu chuyện cảm động về những con người ở những thời khắc lịch sử và chúng ta thấy được những tấm gương sáng tạo và quên mình của những người lao động của ngành Dầu khí, đó là những cán bộ khoa học kỹ thuật, những người lao động trải dài trong cả một quá trình như thế, nó thể hiện tinh thần vượt khó, vươn lên và bằng bản lĩnh, bằng ý chí quyết tâm xây dựng ngành Dầu khí xứng đáng với tiềm năng của đất nước chúng ta.

Tôi cảm thấy đây là cuộc thi hết sức thành công, cho chúng ta hình dung lại và cảm nhận một cách sâu sắc quá trình hình thành và phát triển hết sức đáng tự hào của ngành Dầu khí Việt Nam, một ngành giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế của đất nước. Riêng đối với ảnh báo chí tôi thấy, những bộ ảnh được chọn vào vòng chung khảo là những bộ ảnh hết sức ấn tượng. Ở những thời khắc đòi hỏi sự hy sinh, đòi hỏi sự lao động sáng tạo thì ở đây chúng ta có thể nhìn thấy những hình ảnh hết sức đẹp của người làm công tác Dầu khí. Và có thể nói rằng, đó là những hình ảnh hết sức tự hào”.

Tình cảm sâu sắc

Sự sâu sắc của cuộc thi có được chính là nhờ các tác giả, đa phần trực tiếp trải qua hoặc tiếp cận công việc từ những người thợ, rồi trưởng thành lên là người lãnh đạo. Họ là những người trực tiếp điều hành, trực tiếp chứng kiến sự kiện và trực tiếp cảm nhận được tất cả những vui, buồn, những mất mát… Chính vì vậy, chất anh hùng ca, chất nhân văn tỏa ra trong từng tác phẩm. Có cảm giác rằng, mỗi câu chuyện trong từng bài báo được giải đều mang đến một nội lực cho người đọc”.

ti nh ca m sau sa c y nghi a da m da
Phó bí thư Thường trực Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Phạm Xuân Cảnh trao giải B cho tác giả Quỳnh Nga

Là tác giả trẻ nhất cuộc thi, Trịnh Thị Nga - bút danh Quỳnh Nga - Báo Tiền Phong đạt giải B với loạt bài viết “Máu, mồ hôi, nước mắt đổi lấy dầu”. Chùm 3 bài viết đã khiến cho bạn đọc ngoài ngành có nhiều góc nhìn chân thực hơn, gần gũi hơn về công việc của người Dầu khí. Những kỷ niệm của người thợ hàn chân đế giàn khoan dưới đáy biển sâu, những nỗi sợ của họ khi dưới mặt nước sâu đến gần trăm mét hay cách cô ví những giàn khoan Dầu khí chính là cột mốc chủ quyền giữa biển khơi, tâm tư tình cảm của người lao động trên giàn, nỗi trăn trở mỗi lần gia đình có chuyện mà không về được của các anh đã khiến cho cô phóng viên trẻ thêm nhiều xúc cảm. Hay sự nể phục của nhà báo trẻ đối với những con người làm việc trên tàu Bình Minh 02, niềm vui sướng và tự hào của người lao động Dầu khí khi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển. Những hiểu biết cùng những cảm xúc chân thực đã khiến cô viết nên tác phẩm xuất sắc.

Rồi những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những cảm xúc chân thực của Nga đã khiến cho người đọc cảm nhận được ngành Dầu khí thật sự không chỉ là ngành công nghiệp khô khan, Nga tâm sự: “Tôi thấy mình thật sự may mắn khi có những chuyến đi đến với đơn vị của ngành Dầu khí để tiếp xúc với những lao động Dầu khí. Chuyến đi để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Trước đây, tôi chỉ là phóng viên viết thuần về kinh tế chứ không có bất kỳ thông tin gì về những người đang làm trong ngành kinh tế trụ cột của quốc gia. Trong chuyến đi thực tế vừa qua, tôi đã được tiếp xúc không chỉ với những người lãnh đạo của ngành Dầu khí mà còn được gặp gỡ những người lao động trong ngành. Những gì họ làm đã khiến tôi rất khâm phục. Và tôi cảm nhận, họ là những người thân thuộc gần gũi không chỉ là người lao động rất giỏi, mà họ còn là một phần tương lai của đất nước. Những bài tham gia cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí”, tôi đã viết bằng cả tấm lòng đối với người lao động dầu khí”.

ti nh ca m sau sa c y nghi a da m da
Chủ tịch CĐ DKVN Nghiêm Thùy Lan trao giải cho các tác giả đạt giải Khuyến khích

Là người thường xuyên tiếp xúc và truyền tải lịch sử của ngành Dầu khí đến với khách tham quan tại Phòng Truyền thống Tập đoàn, chị Đàm Thị Thu Thủy - cán bộ của Viện Dầu khí tác giả đạt giải Khuyến khích với bài viết “Nồi nấu rượu ông Hợi” đã để lại trong lòng người đọc về một khoảng thời gian khó khăn của ngành Dầu khí. Để có thể làm tốt công việc của mình, chị luôn tìm đến với những nhân vật lịch sử, những câu chuyện của ngành từ nhỏ đến lớn để vừa hiểu thêm và giúp cho công việc của mình, bồi đắp thêm kiến thức về ngành Dầu khí, chị tâm sự: “Ngày nay, người ta vẫn nhìn ngành Dầu khí với những công trình lớn đồ sộ hay nộp ngân sách lớn, nhưng ít ai biết rằng, để làm nên những công trình ấy, những người làm dầu khí phải trải qua biết bao khó khăn, gian khổ phải “nếm mật nằm gai” như thế nào. Và tôi rất may mắn là người lưu giữ và truyền tải những giá trị tới những người khách tham quan hay các đoàn khách nước ngoài khi đến làm việc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tôi luôn cảm thấy rất tự hào về quá khứ của ngành Dầu khí. Chính vì vậy, trong quá trình làm việc của mình, tôi luôn chủ động tìm hiểu thêm về những sự kiện, những nhân vật gắn liền với các sự kiện lịch sử của ngành Dầu khí để hiểu hơn và truyền tải thông tin tốt hơn đến với khách tham quan. Và những gì tôi biết được, không chỉ là những thành công mà còn là những giọt mồ hôi, nước mắt, những lo âu, khó khăn mà thế hệ “những người đi tìm lửa” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã trải qua. Khi cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí” phát động, tôi đã tham gia với tâm thế tự hào về lịch sử truyền thống của ngành và muốn chia sẻ với mọi người về những ký ức mà không phải ai cũng biết.

ti nh ca m sau sa c y nghi a da m da
Tác giả My Lăng tại lễ trao giải

Phóng viên Nguyễn Anh Chi (bút danh My Lăng) Báo Tuổi Trẻ đạt giải Khuyến khích với bài viết “Thủ lĩnh của tàu Bình Minh 02” vẫn luôn có những cảm nhận sâu sắc về nhân vật mà mình được tiếp xúc. Bài viết của chị về anh Khoi Pham, Đội trưởng Đội Khảo sát địa chấn tàu Bình Minh 02. Cảm phục ý chí của những người Dầu khí, những áp lực mà các anh phải chịu không chỉ có trong công việc, mà với những người lao động trên tàu Bình Minh 02, họ ý thức được rằng, con tàu này không đơn thuần là con tàu mang nhiệm vụ khảo sát địa chấn mà nó còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, cô kể: “Khi mới tiếp xúc với anh Khoi Pham, tôi rất ngạc nhiên về việc anh rất thạo tiếng Việt, mặc dù anh và gia đình rời quê nhà từ năm 2 tuổi, đó là thiện cảm đầu tiên khi gặp anh. Và sau khi nói chuyện với anh, nghe anh kể về sự cố cắt cáp Bình Minh 02, những lần cùng đồng đội chống chọi với sự quấy phá thường xuyên của tàu cá Trung Quốc nhưng anh và đồng nghiệp vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình ở nhiều lô khảo sát thuộc vùng biển Việt Nam. Sau những sự cố đó, nhiều chuyên gia nước ngoài đã ngại ngần không muốn làm việc trên tàu Bình Minh 02 một phần nữa vì lo cho tính mạng của mình. Tôi cảm nhận được tình cảm của anh qua cách anh nói chuyện với anh em trên tàu, cách anh kể về công việc của mình với niềm tự hào. Và anh lại càng muốn gắn bó với Bình Minh 02 hơn bởi tình yêu của anh với vùng biển Việt Nam mặc dù có những đơn vị khác mời anh với mức lương cao hơn, anh vẫn không từ bỏ. Chính tình cảm đặc biệt của anh cho Bình Minh 02 về những đồng nghiệp ở trên tàu đã đem lại cho tôi nhiều thiện cảm và muốn viết về con người này”.

Còn đối với phóng viên Lê Văn Trúc bút danh Lê Trúc - rất thích thú khi đi viết về mảng trái với những gì mình đang làm. Là người chuyên viết về mảng văn hóa giải trí, quen với cách hành văn bay bổng khi thực hiện bài viết “Nghề gọi dòng - thử vỉa” anh đã thấy thật sự thích thú.

Lê Trúc nói: “Đối với một người “ngoại đạo” như tôi khi viết về công việc chuyên môn của những người làm dầu khí, sẽ có vất vả hơn so với những phóng viên chuyên viết về ngành. Vất vả đầu tiên là quá trình tìm hiểu chuyên môn và những thông tin về lĩnh vực mình định viết. Tôi có viết về một số nghề đặc thù của ngành Dầu khí như nghề gọi dòng thử vỉa, nghề lặn, nghề thợ khoan giếng dầu đó là những nghề rất hiếm gặp của ngành Dầu khí với nhiều khái niệm, thuật ngữ chuyên môn Chính vì vậy tôi đã bỏ ra một khoảng thời gian để tìm hiểu trước về những nghề này vì tôi biết rằng, sẽ khó để có thể hiểu được nhân vật của mình đang làm gì và làm như thế nào nếu bạn không chuẩn bị trước. Sẽ rất khó để viết cho đúng về những gì họ đang chia sẻ và cũng mất nhiều công sức hơn khi tôi viết về mảng văn hóa của mình. Nhưng đó cũng là những lợi thế của tôi, bởi khi viết về những gì mới lạ mà mình chưa viết, tôi có cảm hứng tột độ của một người đi viết về lĩnh vực ngoài chuyên môn của mình. Và tôi thấy rằng, những người “ngoại đạo” đôi khi có những góc nhìn, những phát hiện rất thú vị và hấp dẫn. Tôi đã kết hợp những từ ngữ mềm mại của mình trong lối viết về văn hóa văn nghệ để đưa vào bài viết thiên về khoa học kỹ thuật mà mọi người hay nói là khô khan”.

Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về ngành Dầu khí” đã khép lại, để lại trong lòng những người tham gia là các nhà báo chuyên nghiệp, là những cây bút không chuyên nhiều cảm xúc, để lại trong lòng độc giả trong và ngoài ngành những ấn tượng khó phai về ngành Công nghiệp Dầu khí. Đây là một cuộc tiếp sức thú vị đầy giá trị đối với lớp trẻ ngành Dầu khí đang viết tiếp những trang sử vẻ vang của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Diệu Thuần

DMCA.com Protection Status