Nhớ mãi thuở ban đầu gian khổ ấy

11:06 | 03/10/2016

882 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tháng 4-2016, khi nhận được tin ông Trần Hiển, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam giai đoạn 1994-2003 (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (giai đoạn 1987-1994) qua đời ở tuổi 74, tôi không khỏi sững sờ, tiếc thương. Những ký ức về những lần ngắn ngủi được trò chuyện với ông lại ùa về trong tiềm thức. Qua những câu chuyện mà ông kể, có lẽ đối với riêng tôi, ấn tượng nhất là giai đoạn ông gánh vác trọng trách là người “thuyền trưởng” chèo lái “con tàu PVC” vượt qua những sóng gió, ghềnh thác thuở ban đầu…     

Năm 1982, khi rẽ sang Dầu khí là một duyên cớ tình cờ đối với Thiếu tá Trần Hiển. Lúc ấy, ông Trần Hiển còn là sĩ quan xăng dầu Không quân, Trung tướng Nguyễn Hòa (hồi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí) trong lần đi dự hội nghị xăng dầu toàn quân đã đề nghị ông về ngành Dầu khí. Bước ngoặt của người sĩ quan Không quân bắt đầu từ đó với điểm đến là cái nôi Dầu khí Vũng Tàu...

Một mình khăn gói vào Vũng Tàu nhận nhiệm vụ mới với bao khó khăn, thử thách, từ việc xếp lại lương

nho mai thuo ban dau gian kho ay
Ông Trần Hiển

thấp hơn quân đội, phải rời xa thủ đô về thành phố biển Vũng Tàu xa xôi... đến công việc và cuộc sống tương lai chưa thể biết trước. Nhưng với tinh thần của một người lính, ông nhất quyết trụ lại ngành Dầu khí, dù có thiệt thòi đến mấy cũng cam chịu. Cũng may, lúc ấy ông luôn nhận được sự cổ vũ, động viên của gia đình là hậu phương, điểm tựa vững chắc để ông tin tưởng vào tương lai tốt đẹp. Thêm nữa, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp ở Binh đoàn 318 là điểm tựa vừa giúp đỡ lúc ông bỡ ngỡ đặt chân vào cái nôi Dầu khi, cũng như động viên ông từng bước đi lên, từng bước trưởng thành.

Chuyển sang ngành Dầu khí, công tác tại Ban Quản lý công trình mà đa số là người của Binh đoàn 318, ông như vẫn được sống trong môi trường quân ngũ, vẫn được sống và làm việc trong tình đồng chí, đồng đội vô cùng thiêng liêng, cao đẹp. Thêm nữa, được trở về với các công trình xây dựng, ông như được sống lại với những ước mơ hoài bãi thời trai trẻ của một sinh viên Đại học Kiến trúc. Nhiều người thắc mắc vì sao ông chấp nhận đánh đổi từ Phó phòng Hậu cần Không quân với mức lương Thiếu tá, chuyển sang làm cán bộ bình thường bên ngành Dầu khí mà mức lương giảm xuống chỉ tương đương lương Thượng úy? Với ông, việc chuyển ngành là một quyết định hết sức quan trọng của của đời mình.

Từ đây về sau, với sự nỗ lực của bản thân, ông đã không ngừng trưởng thành thành, từng bước đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của ngành Dầu khí non trẻ, từ Phó phòng Kế hoạch Ban Quản lý công trình, Phó tổng giám đốc Xí nghiệp Xây lắp Dầu khí, sau đó là Tổng giám đốc Xí nghiệp Xây lắp Dầu khí đến Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam.

Ông từng chia sẻ, chính từ những bãi lầy mênh mông ở Vũng Tàu, nơi bùn ngập ngang thắt lưng, lầy thụt tới mức nhổ sú vẹt không bật gốc, mình lại thụt xuống sâu hơn... chính là đường băng để ông cùng “Binh đoàn Dầu khí” cất cánh bay lên.

Bắt tay vào xây dựng bến cảng, căn cứ dịch vụ Dầu khí tại Vũng Tàu, những người lính vừa rời tay súng đã cầm ngay cuốc, xẻng để lao động cật lực, đổ mồ hôi có khi cả máu để xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho ngành Dầu khí. Thời tem phiếu ngặt nghèo, có mấy mét phiếu vải để mặc rất khó khăn chứ không nói đến vải để may quần áo lao động, trên công trường anh em công nhân đều quần cộc lưng trần gần như quanh năm suốt tháng. Tiến độ thi công gấp gáp trong điều kiện khó khăn bởi bãi lầy sụt lún và phải phụ thuộc theo thủy triều và thời tiết biển. Đưa được một gốc sú vẹt lên bờ quả là một kỳ công. Chưa kể, mảnh đạn, mảnh bom, dây thép gai và hàng ngàn thứ phế thải của hai cuộc chiến ken dày trong bùn đã khiến không ít người lính, công nhân tiếp tục phải đổ máu. Thiếu thuốc đặc trị, lở loét rồi thành sẹo chằng chịt khắp người. Vậy mà những người thợ Xây lắp Dầu khí vẫn phải làm và thậm chí làm tốt theo đúng yêu cầu của thiết kế, đảm bảo tiến độ cấp bách của công việc. Đây là công việc đầy khó nhọc, vất vả và trực tiếp đe dọa tính mạng từng người. Ông đã ngày đêm bám trụ cùng anh em, chỉ đạo, động viên sát sao để công việc hoàn thành mà không để những tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.

Dầm bùn xong, vịnh đã sạch, những người lính Binh đoàn 318 lại dãi nắng, dầm mưa đúc cọc bê tông cốt thép đặc biệt. Hàng vạn cọc ra đời, đều chằn chặn, dài 20m, kích thước như nhau, chất lượng đảm bảo… đã được đóng xuống bãi bùn theo tọa độ chính xác theo quy định, không một sai sót xảy ra. Tất cả tạo nên một nền cảng vững chắc đồng chủng, đồng bộ, đảm bảo chịu được tải trọng siêu lớn mà không bị lún, nứt, đồng thời chịu đựng được sự thử thách khắc nhiệt của động đất, gió bão…

Thời ấy, Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí toàn bộ đội chuyển ngành, do vậy người tay nghề cao, thợ bậc cao rất hiếm. Tuy nhiên, bằng ý chí của anh bộ đội Cụ Hồ, những người lính Binh đoàn 318 năm xưa đã nêu cao tinh thần anh dũng, chịu đựng gian khổ, ý chí vươn lên kiên cường để thực hiện những nhiệm vụ cao cả mà Đảng và Nhà nước giao phó. Những người công nhân và cả cán bộ, lãnh đạo xí nghiệp đồng cam cộng khổ vừa học vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm. Lớp học cũng là công trường, công trường cũng là lớp học. Cứ thế, dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Trần Hiển, những người lính Binh đoàn Dầu khí trở thành thợ bậc cao lúc nào không ai hay, thành cán bộ quản lý giỏi lúc nào không ai biết.

nho mai thuo ban dau gian kho ay
Nhổ sú vẹt để xây cảng dịch vụ dầu khí

Ông nhớ lại: Ngay cả các chuyên gia Dầu khí Liên Xô cũng phải ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Ban đầu họ không tin chúng ta có thể làm được như vậy. Sau này, họ kính trọng và thán phục, đặc biệt trong việc thi công bờ cảng phức tạp và công phu. Đây là hạng mục trọng điểm. Khi triều cạn, mặt bê tông bờ cảng cao hơn mặt nước biển 9m. Cọc ván thép, lòng máng nhập từ Bỉ về, được đóng sát khít vào nhau, nước không thể ngấm qua. Tính mức nước thấp nhất, dùng xi măng đặc biệt của Liên Xô, xi măng chịu mặn, đổ bê tông đầu cọc ván thép. Triều lên thì nghỉ. Nước kiệt thì làm. Theo kỳ con nước, công trường hối hả khẩn trương. Bờ bê tông như đê biển sừng sững hiện lên. Bê tông từ ngoài tràn vào, từ đất liền tiến ra. Gặp nhau phủ đầy thành sân bê tông phẳng lỳ, rắn chắc lấp kín bãi lầy năm xưa. Vùng biển hoang vu trở thành bến cảng. Các công trình phụ trợ mọc lên. Bãi lầy hóa thân thành bãi cảng Dầu khí hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Một khu công nghiệp chuyên ngành hiện đại đầu tiên của đất nước được thực hiện dưới đôi tay của những người lính "Binh đoàn Dầu khí" tiền thân của Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí và là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam ngày nay.

Bây giờ, ông đã đi xa, nhưng hình ảnh người lãnh đạo giản dị, tận tụy và luôn tâm huyết vì sự phát triển của ngành Dầu khí vẫn in đậm trong tâm khảm của những người lính Binh đoàn 318 và các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí Việt Nam.

Quang Minh

Năng lượng Mới 562

DMCA.com Protection Status