Nhớ mãi hai lần đầu tiên (Kỳ 3)

07:00 | 02/08/2016

651 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm 1985-1986, lần đầu tiên Việt Nam chuẩn bị khai thác dầu, hàng loạt vấn đề thực tiễn đặt ra và đòi hỏi giải pháp kịp thời.

Mặc dù được Liên Xô giúp đỡ nhưng biển Việt Nam nhiệt đới, nóng ẩm, gió to, bão tố; đây lại là thời điểm cấm vận ngặt nghèo, nhiều việc khó dồn dập đến ở tất cả các lĩnh vực địa chất, địa vật lý, khoan, xây lắp, khai thác. Trong điều kiện đó nếu không bám sát thực tiễn, không tập hợp trí tuệ sáng tạo ra những giải pháp phù hợp, lừng khừng một chút, ngại khó một chút, ngồi chờ là hỏng việc.

nho mai hai lan dau tien ky 3
Mỏ dầu Bạch Hổ năm 1986

Tại Vietsovpetro, ngay từ tháng đầu năm 1986, không khí làm việc rất sôi nổi của những người làm dầu khí. Cán bộ, công nhân Việt Nam - Liên Xô ở các chuyên ngành từ địa chất đến khoan, xây lắp, khai thác... cả trăm người như một, tập hợp thành một khối, tất cả như muốn góp sức mình để nhanh chóng đưa mỏ dầu đầu tiên của Việt Nam vào khai thác.

Công việc nhiều, mới, cán bộ, kỹ sư của Viện Thiết kế và Nghiên cứu của Liên đoàn Zarubezhneft từ Liên Xô và cán bộ Việt Nam, Liên Xô của Phòng Công nghệ khai thác, Cục Xây lắp dầu khí thuộc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro làm việc ngày đêm. Các cuộc họp giao ban thường xuyên diễn ra ngay trên công trường xây lắp dưới sự chủ trì của Chánh kỹ sư Liên doanh Vietsovpetro Ph.G. Arjanov. Tất cả các bộ phận, lĩnh vực: Địa chất, địa vật lý, xây lắp, khoan, khai thác cùng chạy đua với thời gian.

Trong lĩnh vực khai thác, công tác chuẩn bị được thực hiện hết sức khẩn trương với khối lượng công việc khổng lồ. Tập trung xây dựng hệ thống công nghệ khai thác, sẽ lắp trên giàn MSP-1, hệ thống thiết bị lòng giếng, đầu giếng, thiết bị xử lý tách khí, chống đông, hệ thống bơm, các ống vận chuyển ngầm, tàu chứa dầu Chí Linh.

Đặc biệt có một khó khăn rất lớn mà thực tiễn đang đòi hỏi phải giải quyết, đó là khai thác, xử lý và vận chuyển dầu nhiều paraffin. Dầu khai thác ở mỏ Bạch Hổ là dầu nhiều parafin (đến 27%), nhiệt độ đông đặc cao (đến 36oC), trong khi nhiệt độ môi trường biển xung quanh đường ống ở mức 22-28oC.

Với Công nghệ được xây dựng ban đầu theo mô hình vùng mỏ của biển Caspi Azerbaijan, gồm các giàn cố định (MSP) không có hệ thống gia nhiệt, hệ thống đường ống kết nối không bọc cách nhiệt và không có hệ thống phóng thoi làm sạch đường ống, thì không thể đảm bảo an toàn vận chuyển dầu khai thác ở mỏ Bạch Hổ bằng đường ống. Sau khi đi vào đường ống khoảng 2km, nhiệt độ dầu sẽ bằng nhiệt độ nước biển và xảy ra lắng đọng parafin, gây ra nguy cơ tắc nghẽn đường ống.

Thực tiễn đó đòi hỏi tập hợp lực lượng nghiên cứu, khó khăn mấy cũng phải tìm bằng được giải pháp giải quyết trước khi khai thác dầu. Và chính từ khó khăn đó đã ra đời nhiều sáng kiến, sáng chế có giá trị. Sáng chế “Phương pháp xử lý dầu nhiều Parafin để vận chuyển bằng đường ống ngầm” của tác giả Ph.G. Arjanov, V.N. Macarov, Phùng Đình Thực, Lưu Quốc Tuấn, Dương Hiền Lương, Nguyễn Chí Nghĩa đã được nghiên cứu, hình thành và áp dụng từ những ngày đầu, phục vụ khai thác những tấn dầu đầu tiên.

Rồi từ kết quả nghiên cứu đã ra đời “Giải pháp xác định nhanh, chính xác vị trí ống dẫn dầu rò rỉ” và được tặng Giải thưởng Sáng tạo Công nghệ Việt Nam (Vifotec). Các nghiên cứu đầu tiên năm 1986 về xử lý dầu nhiều paraffin cùng với các nghiên cứu tiếp theo đã hình thành nên công trình khoa học đặc biệt xuất sắc, đã được Hội đồng Khoa học các cấp đánh giá cao về giá trị khoa học, giá trị thực tiễn và đang đề nghị Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ đợt 2016.

Ngày 20-6-1986, công việc chuẩn bị khai thác cơ bản hoàn thành. Vào ngày 26-6-1986, Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro quyết định khai thác dòng dầu công nghiệp đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ.

Có mặt chỉ huy tại Phòng Điều hành Khai thác dầu khí (Bloc 8) trên giàn khai thác đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ những ngày đầu ấy là những cán bộ Liên Xô, Việt Nam. Phía Việt Nam có các kỹ sư: Phùng Đình Thực, Trần Văn Hồi, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Thúc Kháng và nhiều công nhân khác vận hành ở các Bloc khai thác.

Trần Văn Hồi tốt nghiệp kỹ sư ở Bulgaria, nhưng giỏi tiếng Nga, người nhỏ nhắn và rất nhanh nhẹn. Anh làm việc gì cũng hết mình, tận tâm với công việc, hát hết mình, bóng đá, bóng bàn hết mình, bình thơ hết mình, uống rượu cũng hết mình. Hôm 26-6, Trần Văn Hồi ngồi cả ngày đêm trên Bloc 8 say sưa ghi chép, tính toán, phân tích số liệu, vẽ đồ thị các thông số lưu lượng, áp suất, nhiệt độ. Sau này anh là Chánh địa chất Vietsovpetro.

Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Thúc Kháng và tôi trong bộ quần áo bảo hộ lao động cả ngày ở Bloc 1, 2, 3, 4, 5, 6 dò từng đường ống, kiểm tra từng van, từng đầu giếng, từng máy bơm, từng bình tách, từng đồng hồ đo các thông số, trao đổi bàn bạc cùng các bạn Liên Xô xử lý mọi tình huống khai thác. Chưa bao giờ tình bạn Việt - Xô khăng khít, trong sáng, hiệu quả như những ngày đầu khai thác dầu đó: Hiểu nhau, hợp tác, chân thành, tôn trọng.

nho mai hai lan dau tien ky 3
Bạch Hổ ngày nay

Nửa ngày đầu khai thác dầu vất vả nhưng đều suôn sẻ, không sự cố. Sau gọi dòng, lần đầu tiên dòng dầu được khai thác từ độ sâu trên 3.000m dưới đáy biển, rồi vận chuyển tới các bình tách đúng kế hoạch. Mọi người vô cùng hoan hỉ. Công sức anh em bỏ ra bao năm tháng đã được đền đáp: Cả hệ thống thiết bị khai thác hoạt động tốt và an toàn.

Chỉ tiếc sau này, Nguyễn Hữu Trung chẳng may bị mất do ăn phải cá độc. Là kỹ sư khai thác tốt nghiệp ở Liên Xô, Trung được bổ nhiệm là Xưởng phó khai thác đầu tiên người Việt Nam. Say sưa với công việc chuyên môn, nhiệt tình với công tác đoàn thể, Trung 33 tuổi vẫn chưa lập gia đình.

Nguyễn Thúc Kháng, Đốc công khai thác dầu đầu tiên, quần áo lúc nào cũng đẫm mồ hôi, xông xáo, chỉ đạo trực tiếp công nhân thao tác, nhiều khi trực tiếp vặn van, sửa máy không nề hà. Sau này, Nguyễn Thúc Kháng là Trưởng giàn, Giám đốc Xí nghiệp Đại Hùng, rồi Chánh kỹ sư, Phó tổng giám đốc Vietsovpetro đến khi nghỉ hưu.

Những ngày đầu khai thác, nhiều thiết bị thiếu. Một sự kiện rất khó quên là khi đã đưa được dòng dầu lên bình tách, khí đã ra đuốc đốt (Faken) nhưng không làm sao đốt được do hệ thống đánh lửa không làm việc. Đang loay hoay thì có 2 anh công nhân khai thác Việt Nam xung phong, cầm một đoạn ống đầu bịt giẻ tẩm dầu đốt lửa trèo lên.

Ngọn lửa bùng lên, đó là ngày 26-6-1986 và từ đó ngọn đuốc sáng suốt ngày đêm, báo hiệu với thế giới Việt Nam đã khai thác được dầu.

Rồi đến giai đoạn kiểm tra áp suất đáy giếng, tời máy không có, bằng mọi cách phải đo được áp suất vỉa, xưởng khai thác do ông Akhmedov chủ trì đã sử dụng tời tay đưa đồng hồ xuống đáy giếng. Không chờ đợi, không nản lòng, tất cả đều tìm giải pháp phù hợp với hoàn cảnh để giải quyết các bài toán thực tiễn đang đặt ra.

Ngày 26-6-1986 đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường chinh phục thềm lục địa Việt Nam, đánh dấu bước nhảy vọt lớn nhất của ngành Dầu khí Việt Nam từ ngày đầu thành lập, đưa Việt Nam vào danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô trên thế giới.

Kết quả, năm 1986, Vietsovpetro đã khai thác được 40 nghìn tấn dầu thô. Năm 1987, khai thác được 280 nghìn tấn, mang lại những đồng ngoại tệ giá trị về Việt Nam trong thời kỳ khó khăn 1986-1990.

Đánh giá về giá trị của những tấn dầu đầu tiên, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Khai thác 1 tấn dầu lúc này bằng cả trăm tấn sau này”.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nói: “Cuối những năm 80, đầu những năm 90, đất nước đứng vững được, phát triển được nhờ dầu khí và lương thực”.

Thay lời kết

Tôi có may mắn hai lần trực tiếp chỉ huy, tham gia điều hành đưa mỏ khí đầu tiên và mỏ dầu đầu tiên vào khai thác. Đó là những đóng góp rất nhỏ nhoi vào thành công chung của Tập đoàn.

Vạn sự khởi đầu nan, vô cùng gian nan, vất vả. Nhưng từ khó khăn đó rút ra nhiều bài học, từ những gian khó đó trưởng thành lớn lên. Từ những gian khó đó đã giúp tôi vững vàng tự tin hơn khi sau này đưa các mỏ mới, công trình mới vào khai thác an toàn.

Khi viết những dòng này, tôi muốn ghi lại những ngày đầu khai thác khí, khai thác dầu gian nan ấy, muốn rút ra những bài học để các bạn trẻ tham khảo.

Tôi tưởng nhớ đến những người đã lao động không mệt mỏi làm nên những công trình đầu tiên rất đáng tự hào. Các bạn Vũ Văn Viện, Dương Công Khanh, Huỳnh Hồng Miên, Vương Hữu Oánh, Trần Văn Hồi, Nguyễn Thúc Kháng, Nguyễn Mậu Phương... thường xuyên gặp lại nhau trong công việc. Bạn Nguyễn Hữu Trung đã ra đi mãi mãi, bạn Lưu Quốc Tuấn đột tử trên bàn làm việc. Còn những người khác: nào anh Thắng, anh Chiển, anh Đinh Tuân, anh Thái, anh Khải, anh Mạnh, anh Sung, anh Tâm, anh Nhưng, anh Canh, anh Thập và hàng trăm kỹ sư, công nhân khác đang ở đâu? Chúng ta luôn nhớ và trân trọng những người bạn, đồng nghiệp Liên Xô trước kia và Nga ngày nay đã tận tình sát cánh cùng với chúng ta từ những ngày đầu khởi nghiệp và trong suốt chặng đường phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

Tôi ghi lại những dòng này để cùng các anh, các bạn hồi tưởng về những ngày đầu gian nan và tự hào ấy, có đúng không? Chúc các anh, các bạn sức khỏe, hạnh phúc và thật nhiều niềm vui!

Với các bạn hôm nay đang lao động trong Tập đoàn: Khó khăn là tạm thời, phát huy thế mạnh của hơn 40 năm xây dựng và phát triển, lúc khó này đây: Các đơn vị, các bạn “Hãy chụm lại” để thành “Hòn núi cao”.

Chúng ta tin tưởng Petrovietnam - Ngôi nhà chung của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển vững bền.

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

41 năm kể từ ngày thành lập Tổng cục Dầu khí, thời gian không dài đối với lịch sử đất nước, nhưng không ngắn đối với một đời người, đối với một ngành kinh tế.

Nhìn lại, thấy nhiều thành tựu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mà phấn khởi, tự hào, đó là: Đất nước từ chỗ không có dầu, đã phát hiện ra dầu, đã khai thác xuất khẩu được dầu; Dầu khí đã và đang đóng góp rất lớn, trung bình hằng năm trên 20% cho ngân sách Nhà nước. Các sản phẩm: dầu thô, xăng, dầu, khí, điện, LPG, sản phầm hóa dầu là những sản phẩm chủ lực của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.

Một ngành công nghiệp dầu khí đồng bộ với cơ sở hạ tầng từ biển - bờ đã hình thành. Một đội ngũ cán bộ, công nhân đông đảo, trình độ cao đủ sức đảm đương nhiệm vụ cả trong và ngoài nước. Dầu khí góp phần xứng đáng trong an ninh - quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, ở đâu có giàn khoan, ở đó chủ quyền được khẳng định.

Tuy nhiên, hiện nay đã và đang xuất hiện những yếu tố mới không thuận lợi và những thách thức mới. Đó là những khó khăn về tìm kiếm - thăm dò - khai thác dầu khí do điều kiện địa chất phức tạp, do nước sâu, xa bờ, an ninh - tranh chấp trên Biển Đông. Đó là khó khăn về tài chính do giá dầu suy giảm, đầu tư nước ngoài suy giảm. Thực tế đó đang đòi hỏi sự bình tĩnh, sự nỗ lực rất cao của Tập thể những người làm dầu khí và những bài học về sự chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, bám sát thực tiễn, tập trung trí tuệ vẫn còn nguyên giá trị.

Hơn bao giờ hết cả Tập đoàn hãy “chụm lại”, cùng thấu hiểu, cùng hợp tác giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau để tiếp tục đi lên.

Hà Nội, tháng 7-2016

Viết nhân dịp 35 năm khai thác khí Tiền Hải, 30 năm khai thác dầu Bạch Hổ, 55 năm Ngày Tryền thống Dầu khí Việt Nam

Phùng Đình Thực

Năng lượng Mới 543

DMCA.com Protection Status