Những dấu ấn trong ngành Công nghiệp Hóa dầu Việt Nam
Ngày 4/7/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã cho phép tiến hành nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng liên hợp điện - đạm tại Phú Mỹ.
Ngày 20/3/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo Chương trình Khí 1996-2000, đồng ý để Petrovietnam tham gia Dự án sản xuất phân đạm trong tổ hợp điện - đạm với các đối tác nước ngoài, sử dụng khí đồng hành mỏ Bạch Hổ, tiến hành lập báo cáo khả thi.
Trong cuộc họp thứ 2, Quốc hội khoá X, Dự án Đạm Phú Mỹ công suất 1.350 tấn amoniac/ngày và 740.000 tấn urê/năm với vai trò là công trình trọng điểm quốc gia đã được thông qua trong Tổ hợp Khí - Điện - Đạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, nhu cầu phân đạm hàng năm lên tới hơn 2 triệu tấn, nhưng khi đó, cả nước chỉ mới có duy nhất một Nhà máy Phân đạm Hà Bắc với sản lượng chỉ đáp ứng được khoảng 7-10% nhu cầu. Hàng năm chúng ta vẫn phải bỏ ra một khoản ngoại tệ rất lớn hàng trăm triệu USD để nhập khẩu lượng phân đạm cần thiết. Nếu giờ đây có được nhà máy sản xuất phân đạm, lại vận hành bằng chính nguồn khí đồng hành từ mỏ Bạch Hổ, sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn.
Thế nhưng, khi đưa việc xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ ra bàn đã có không ít người phản đối.
Nhiều người không tin tưởng ngành Dầu khí có thể làm được. Có ý kiến cho rằng “chế biến phân đạm không phải nghề của dầu khí, nghề đó phải thuộc ngành Hóa chất Việt Nam”. Trong khi đó, ngành Hóa chất cùng với các đối tác nước ngoài sau khi nghiên cứu, tính toán các phương án, cho rằng hiệu quả kinh tế của dự án có độ rủi ro cao, đã nhanh chóng rút lui. Trước tình thế đó, các cấp lãnh đạo Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện dự án bằng nội lực.
Ông Ngô Thường San khi ấy là Tổng Giám đốc, uỷ viên thường trực Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nhớ lại: "Lúc đó giá đạm quá rẻ, chúng ta đầu tư vào đó, nguy cơ bị lỗ là rất lớn. Nhưng sau khi nghe các ý kiến của ban cán sự lúc đó, thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ thị đồng ý cho Tập đoàn, bấy giờ là Tổng công ty Dầu khí, đầu tư xây dựng Nhà máy Đạm và phát triển Cụm Khí - Điện - Đạm Phú Mỹ".
Ngày 27/12/2000, Chính phủ ra quyết định giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (tiền thân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất phân đạm tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà máy Đạm Phú Mỹ trở thành nhà máy đầu tiên ở Việt Nam thuộc khâu sau của ngành Dầu khí và được thực hiện theo phương thức hợp đồng EPCC với tổng mức đầu tư 445 triệu USD, công suất 740.000 tấn urê/năm. Liên danh nhà thầu quốc tế uy tín Technip (Italy) - Samsung (Hàn Quốc) là đơn vị thực hiện.
Ông Bỳ Văn Tứ, nguyên Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ chia sẻ: "Năm 2001, tôi được điều về làm dự án Đạm Phú Mỹ. Công việc điều hành dự án vào thời điểm đó phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên phải thấy rằng, quyết sách của Chính phủ xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một quyết định dũng cảm!"
Lễ động thổ xây dựng Nhà máy Đạm Phú Mỹ. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 27/3/2001, dự án nhà máy đạm Phú Mỹ khởi công. Đến tháng 15/12/2004, chính thức khánh thành. Sản phẩm Đạm Phú Mỹ xuất hiện trên thị trường đã trở thành bước ngoặt đối với tình hình cung cầu và thị trường phân bón lúc bấy giờ.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ được coi là viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho công nghiệp hoá dầu Việt Nam. Nếu đảm bảo an ninh năng lượng là nhiệm vụ đầu tiên, tiên quyết của ngành Dầu khí thì đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước cũng bắt đầu trở thành nhiệm vụ quan trọng của ngành. Đạm Phú Mỹ ra đời đã đáp ứng gần 40% nhu cầu phân đạm của cả nước, góp phần giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, giảm các cơn sốt do tình trạng đầu cơ và các ảnh hưởng bên ngoài gây nên, góp phần ổn định thị trường trong nước, giúp cho nguồn vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp được ổn định, vị thế của nông sản Việt Nam được nâng cao.
Tiếp nối thành công trên, Nhà máy Đạm Cà Mau - nằm trong tổ hợp dự án cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau cũng chính thức khởi công vào ngày 26/7/2008.
Được coi là mảnh ghép cuối cùng trong cụm dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Nhà máy Đạm Cà Mau là công trình có quy mô lớn, dây chuyền công nghệ hiện đại với công suất thiết kế 800.000 tấn urê/năm. Với lý tưởng phục vụ nền nông nghiệp nước nhà, những người tiên phong khai phá ngày ấy đã không ngần ngại dầm mưa dãi nắng, đổ mồ hôi trên vùng đất ban đầu chỉ toàn sình lầy, sú, vẹt để xây dựng nhà máy. Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào hoạt động đúng tiến độ và cung ứng kịp thời sản phẩm ra thị trường đã góp phần bảo đảm sự ổn định và chủ động về phân bón cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2012, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau chính thức cho ra mắt sản phẩm “Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng”, đạt sản lượng 500.000 tấn sau 10 tháng hoạt động.
Đạm urê hạt đục do Nhà máy Đạm Cà Mau sản xuất có các ưu điểm vượt trội so với các sản phẩm cùng loại, được bà con nông dân và hệ thống phân phối cả nước ghi nhận, đánh giá cao. 10 năm chính thức có mặt trên thị trường phân bón Việt Nam, sản phẩm của Phân bón Cà Mau đã kế thừa "đàn anh" là Đạm Phú Mỹ, ghi tên mình vào bản đồ sản xuất, cung ứng phân bón cho ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Với 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, ngành Dầu khí Việt Nam đã kiện toàn sản xuất, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cũng là niềm tự hào của công nghiệp hoá dầu Việt Nam. Khi Việt Nam đang trên đà trở thành một địa điểm đầu tư hàng đầu ở châu Á, ngành công nghiệp hóa dầu của Việt Nam sẽ là một trong những lựa chọn chiến lược và hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư. Nhịp độ tăng trưởng nhanh chóng của thị trường cho các sản phẩm lọc dầu, tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp hóa dầu, và việc cổ phần hóa nhà máy lọc dầu đầu tiên và trụ cột của Việt Nam là những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư có mối quan tâm đến đầu tư chiến lược vào Việt Nam.
Lễ khánh thành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh tư liệu) |
Không thể không kể đến các dự án hoá dầu khác đã tiếp nối chuỗi sản xuất các sản phẩm dầu khí và ngoài dầu khí, cũng được coi là niềm tự hào của công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), được thành lập năm 2008 và hiện đóng vai trò trụ cột của ngành hóa dầu Việt Nam. Sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bao gồm xăng A92 và A95; nhiên liệu phản lực JET A1, nhựa đường, dầu ô tô diesel, dầu FO, khí ga hóa lỏng LPG, và nhựa polypropylene (PP).
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất hạt nhựa Polypropylene, BSR đã đưa ra chiến lược sản xuất và xuất bán ra thị trường các chủng loại sản phẩm hạt nhựa Polypropylene mới như màng BOPP, F-5110, F-6070, Fiber, Cast Film và PP tự phân hủy trong thời gian đến. Trong năm 2020, BSR đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm tăng cường tỉ lệ sản xuất các sản phẩm hoá dầu mới bên cạnh các sản phẩm lọc dầu và hóa dầu truyền thống.
Có thể khẳng định, với lĩnh vực Chế biến dầu khí, Ngành Dầu khí Việt Nam xuất phát từ con số 0. Dám chấp nhận thách thức, dám đương đầu và vượt khó bằng sức mạnh nội lực và lan tỏa văn hóa truyền thống của những Người đi tìm lửa, ngành Dầu khí đã thực sự tạo nên những bước đột phá và cả kỳ tích./.
Lâm Anh (Tổng hợp)
(Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa)