Những đề xuất "trái khoáy" của tôi

07:00 | 17/05/2018

4,669 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thời gian làm Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí Đại Hùng (PVEP Đại Hùng) trước đây và hiện là Phó giám đốc Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí Trong nước (PVEP POC), một số kỷ niệm nghề nghiệp của tôi đã góp phần lý giải vì sao mỗi lần nhắc đến Nguyễn Tất Hoàn thì không ít đồng nghiệp lại bảo: “À, cái tay cực ngang đó…”. 
nhung de xuat trai khoay cua toi
Nguyễn Tất Hoàn

Tôi cho rằng, dầu khí là một trong những ngành luôn đòi hỏi phải sáng tạo liên tục, phải có quyết định có tính đột phá cao. Đôi khi, chỉ cần một ý kiến, một đề xuất mới mẻ, nhưng chuẩn xác của một cá nhân cũng có thể đem lại một kết quả hoàn toàn khác đối với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như toàn ngành. Cho đến nay, PVN vẫn luôn có những cá nhân được đánh giá là “cây sáng kiến” đem lại lợi ích hàng triệu USD.

Bản thân tôi là một người dầu khí, gắn bó với nghề hơn 20 năm, luôn cố gắng đóng góp những sáng kiến đối với PVEP Đại Hùng trong thời kỳ tôi còn đảm trách vai trò Phó giám đốc.

Một trong số đó là đề xuất tạm dừng Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 trong vòng 1 năm. Dự án phát triển mỏ Đại Hùng có tổng chi phí đầu tư dự kiến là 550 triệu USD, sau đó tổng chi phí đầu tư được hiệu chỉnh và phê duyệt lại là 731,821 triệu USD. Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đã nghiên cứu nhằm chính xác hóa mô hình địa chất mỏ và cập nhật mô hình khai thác, với nhận định: Tổng trữ lượng thu hồi phía nam mỏ Đại Hùng giảm 5 triệu thùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế của Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2.

Sau khi nghiên cứu báo cáo của VPI, tôi đã đề xuất xem xét lại phương án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 với lãnh đạo trực tiếp của mình. Ngày ký hợp đồng với gói thầu kết nối ngầm (sub - seatie - in) nội mỏ đã gần kề, hơn nữa kế hoạch phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 đã được phê duyệt. Vẫn canh cánh trong lòng rằng, nếu ký hợp đồng gói kết nối ngầm nội mỏ thì phải đóng và lắp đặt giàn cố định DH-02 (tổng hai gói thầu này gần 200 triệu USD) và không còn cơ hội thay đổi phương án phát triển mỏ nữa, trong khi tổng trữ lượng thu hồi giảm 5 triệu thùng. Biết chỉ có một người đủ khả năng thay đổi quyết định là Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh, tôi đã mạnh dạn xin gặp, trình bày ý kiến và quan điểm. Sau đó, ông Trần Ngọc Cảnh đã đồng ý và quyết định tạm dừng dự án phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 2 một năm để khoan thẩm lượng rồi mới tiếp tục tiến hành dự án nếu kết quả khoan 3 giếng đầu tiên cho kết quả tốt.

Thật may là sau khi mỏ Đại Hùng cho dòng dầu đầu tiên từ Dự án phát triển mỏ giai đoạn 2 vào ngày 12-8-2011, nhiều cán bộ lãnh đạo đã nhận định đề xuất của tôi là hợp lý. Tôi rất biết ơn Tổng giám đốc PVN Trần Ngọc Cảnh vì đã lắng nghe và chấp thuận ý kiến đề xuất của một nhân viên cấp dưới như tôi. Không có sự thấu hiểu và tinh thần cởi mở sẵn sàng đón nhận phản biện đó thì đề xuất của tôi rất khó đi vào hiện thực.

Một việc khác khiến tôi nhớ mãi là đề xuất khảo sát, sửa chữa giàn DH-01 tại mỏ thay vì tách, kéo và đi sửa.

nhung de xuat trai khoay cua toi

Sau khi đi khảo sát và sửa chữa giàn DH-01 ở Huyndai Vinashin (từ tháng 11-2003 đến tháng 9-2004), Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cấp “Giấy chứng nhận phân cấp” cho giàn DH-01 số 001/05CTB-01, có thời hạn đến ngày 30-8-2009. Theo đó, đến năm 2009 giàn DH-01 phải tháo, tách và kéo đi khảo sát, sửa chữa trên đà (dry dock) để nhận chứng chỉ cho 5 năm tiếp theo. Căn cứ vào kết quả khảo sát giàn DH-01 vào tháng 8-2007 cho thấy tình trạng giàn DH-01 rất tốt, tôi đã đề xuất kế hoạch khảo sát, sửa chữa giàn DH-01 ngay tại mỏ Đại Hùng để tiết kiệm chi phí tháo, tách và kéo giàn đi; tránh hỏng các đường ống mềm khai thác dầu trong quá trình tháo tách và gia tăng sản lượng khai thác dầu do thời gian dừng khai thác mỏ để đưa giàn đi ụ khô từ 2 lần (2009 và 2014) rút xuống còn 1 lần (vào năm 2014).

Khảo sát một giàn nửa nổi nửa chìm ngay tại mỏ là việc hoàn toàn mới trong ngành Dầu khí Việt Nam. Trong quy phạm không cho phép khảo sát tại chỗ giữa 2 lần lên đà (dry docking survey) mà phải tách, kéo giàn DH-01 vào ụ (dry dock) để khảo sát, cho nên Cục Đăng kiểm Việt Nam không đồng ý với đề xuất của Công ty Dầu khí Đại Hùng về việc khảo sát, sửa chữa tại mỏ và yêu cầu phải có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Để được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý cho Công ty Dầu khí Đại Hùng khảo sát tại chỗ giàn DH-01 ở mỏ, tôi và các cộng sự đã phải mất gần 3 tháng để lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương với rất nhiều tranh luận, đề xuất, vướng mắc, cuối cùng Bộ Công Thương cũng đồng ý gửi đề xuất lên Thủ tướng cho phép kiểm tra dưới nước và kiểm tra định kỳ. Trong trường hợp phát hiện “khuyết tật” mà không sửa chữa được tại mỏ thì Công ty Dầu khí Đại Hùng sẽ tách và đưa giàn DH - 01 đi đà. Ngày 14-7-2008, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký công văn “Đồng ý việc kiểm tra dưới nước thay cho kiểm tra trên đà và kiểm tra định kỳ đối với giàn khai thác dầu khí Đại Hùng 01…”.

Đó là những kỷ niệm về những năm tháng làm việc ở Đại Hùng mà tôi luôn nhớ mãi. Và đó cũng là những dấu ấn khiến nhiều anh em đồng nghiệp thường gọi đùa là “tay cực ngang”. Nhưng đó cũng chính là những động lực, là niềm tin để tiếp tục hun đúc trong tôi trách nhiệm, tinh thần dầu khí, như ngọn lửa vẫn luôn rực cháy giữa biển khơi.

Đối với tôi, phẩm chất đầu tiên nên có của một người được xem là lao động giỏi trong nghề dầu khí là tri thức, bản lĩnh, dám đề xuất và thuyết phục đến cùng các cấp lãnh đạo đồng ý cho các đề án, ý tưởng của mình đi vào thực tế. Nhưng một khi đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp, thì điều cần có tiếp theo là giữ được nhiệt huyết, chứ không phải là sự thỏa mãn, “ngủ say” trên thành tích.

Khi tôi công tác ở Cửu Long JOC, trong quãng thời gian gần 4 năm, tôi tiếp tục đưa ra nhiều sáng kiến mà cho tới nay vẫn được “người Cửu Long JOC” nhắc nhớ. Ví dụ: Giảm rất nhiều chi phí vận hành bằng cách hợp lý hóa sản xuất; đưa người Việt lên làm giàn trưởng, khuyến khích sử dụng người Việt; xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó, chung sức đồng lòng…

Tôi đã đạt giải Nhất đề tài “Khảo sát giàn DH-01 (Đại Hùng) tại chỗ để lấy chứng chỉ phân cấp 5 năm thay vì phải tháo, tách và kéo giàn DH-01 đi khảo sát, sửa chữa trên đà (dry dock)” và giải Ba cho sáng kiến “Xử lý axit cận đáy giếng ngầm mỏ Đại Hùng” trong Hội thi Sáng tạo Dầu khí 2009-2010. Hai sáng kiến đã tiết kiệm và làm lợi cho PVN 71 triệu USD.

Ngay sau khi được điều động về làm Phó giám đốc PVEP POC - một đơn vị thành viên của PVEP - tôi bắt tay vào việc tham gia tổ chức đưa giàn Đại Hùng đi Dung Quất sửa chữa và đưa giàn về đúng hạn định. Đầu năm 2016, trong thời điểm giá dầu xuống thấp, tôi đề xuất và chịu trách nhiệm về việc đổi ca bằng tàu dịch vụ, thay vì đổi ca bằng trực thăng truyền thống, tiết kiếm một khoản chi rất lớn cho PVEP POC.

Hiện tại, tôi vẫn đang ấp ủ nhiều dự án lớn, như: Thu gom khí, phát triển mỏ cận biên và đưa vào khai thác, thay đổi sơ đồ mỏ Đại Hùng để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả khai thác…

Phẩm chất đầu tiên nên có của một người được xem là lao động giỏi trong nghề dầu khí là tri thức, bản lĩnh, dám đề xuất và thuyết phục đến cùng các cấp lãnh đạo đồng ý cho các đề án, ý tưởng của mình đi vào thực tế.

Nguyễn Tất Hoàn

DMCA.com Protection Status