Những đồng đô la sặc mùi dầu mỏ

08:12 | 14/09/2011

1,405 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Sa hoàng Peter đại đế của Nga đã từng nói: "Tiền bạc thực chất là động mạch của chiến tranh". Còn trên thực tế của thế giới hiện đại, những đồng tiền trên có thể được gọi một cách cụ thể hơn là "những đồng đôla sặc mùi dầu mỏ"…

Giới phân tích địa chính trị thế giới vừa công bố một kết luận khá thú vị: Bản đồ địa lý của các cuộc chiến tranh và xung đột gần như trùng khớp với bản đồ phân bố với các mỏ dầu.

Libya – cuộc cách mạng đã được đặt hàng?

“Khả năng thiếu hụt dầu mỏ trên thị trường thế giới có thể dẫn tới gia tăng căng thẳng tình hình địa chính trị và và thúc đẩy các quốc gia thiếu ổn định rơi vào tình trạng sụp đổ” – đó là kết luận trong một bản báo cáo đặc biệt của Lầu Năm Góc (Mỹ) được soạn thảo từ năm 2010. Ngay sau khi bản báo cáo trên được đưa ra, một loạt các cuộc cách mạng tại các nước Arập diễn ra đã minh chứng cho “tầm nhìn” của các nhà hoạch định chiến lược Mỹ. Vấn đề là ở chỗ, báo cáo trên liệu chỉ đơn giản là một tài liệu phân tích dự đoán hay thực sự là một cơ sở để Washington xây dựng kế hoạch hành động.

Dù thế nào, sau khi báo cáo được công bố, các sự kiện về cơ bản đều phát triển theo những kịch bản đã định sẵn – đầu tiên là tại Tunisia, sau đó đến Ai Cập rồi Libya. Nhưng nếu như tại những quốc gia không có nhiều dầu mỏ như Ai Cập và Tunisia, các cuộc cách mạng về cơ bản đều diễn ra không có nhiều đổ máu và quan trọng là không có sự can thiệp của nước ngoài. Trong khi cả bộ máy quân sự của Mỹ và các đồng minh trong NATO lại rất nhanh chóng “châu đầu” vào Libya. Lý do họ đưa ra là hành động dùng vũ lực để đàn áp biểu tình tại Bengazi và Tripoli cũng chẳng có gì đáng thuyết phục. Thực tế trên vẫn đang diễn ra tại Syria và Yemen từ khá lâu, nhưng vẫn chưa thấy có bóng dáng sự can thiệp quân sự từ nước ngoài.

Dầu mỏ đã trở thành nguyên nhân chủ yếu làm bùng nổ các cuộc xung đột vũ trang

Lời giải đáp thật ra khá đơn giản – nếu thống kê tỉ lệ khai thác dầu tại những quốc gia đã nói ở trên có thể làm rõ quy luật muôn đời “dầu mỏ thực chất là động mạch của chiến tranh”. Theo các số liệu của OPEC, Ai Cập đang khai thác khoảng 720 ngàn thùng “vàng đen” mỗi ngày, còn Tunisia còn ít hơn nhiều (khoảng hơn 80 ngàn thùng). Để dễ dàng so sánh, một quốc gia vốn không được coi là đất nước dầu mỏ như Đan Mạch mỗi ngày cũng khai thác được gần 250 ngàn thùng. Còn Syria dưới sự cai trị của Tổng thống Bashar Asad cũng chỉ sản xuất được khoảng 420 ngàn thùng dầu mỗi ngày. Chỉ bằng phép toán đơn giản cũng có thể thấy, việc phương Tây ném bom Damask chẳng có gì đáng hấp dẫn, cho dù cái lý do để bảo vệ dân thường xét về nhiều mặt còn cấp bách hơn Libya. Tất nhiên, chẳng cần để tâm đến chuyện can thiệp vào chiến trường loạn lạc và đẫm máu tại Yemen, nơi mỗi ngày chỉ cho “ra lò” vỏn vẹn 290 ngàn thùng dầu.

Nhưng trường hợp của Libya lại hoàn toàn khác. Quốc gia là thành viên OPEC này có trữ lượng dầu mỏ chất lượng cao và khí đốt rất phong phú. Libya có trữ lượng vàng đen ước tính khoảng 44 tỉ thùng (lớn nhất tại châu Phi) trong khi chi phí đầu tư khai thác lại rẻ nhất thế giới. Trữ lượng khí đốt trong lòng đất Libya cũng lên tới 1,5 ngàn tỉ m3. Mỗi năm, Libya sản xuất gần 80 triệu thùng dầu, phần lớn trong số này được cung cấp cho các nước trong EU. Còn xét về giới hạn khả năng, Libya có thể khai thác được 300-400 ngàn thùng dầu mỗi ngày (một số đánh giá chính thức còn cho rằng có thể lên tới 1,6 triệu thùng mỗi ngày). Một quốc gia có khả năng khai thác tới gần 2 triệu thùng dầu mỗi ngày chắc chắn phải là một món hời đối với những “nhà đầu tư chiến tranh”. Tất cả đều là minh chứng cho tuyên bố của chính luận gia nổi tiếng Michel Collon của Bỉ: “Ai muốn điều hành thế giới cần phải kiểm soát được nguồn dầu mỏ. Tất cả dầu mỏ. Cho dù nó có ở bất cứ đâu”.

Vẫn là chiến tranh dầu mỏ

Danh sách các quốc gia có dầu mỏ là nguyên nhân gây ra xung đột vũ trang còn rất dài – Nigeria, Colombia, Algeria, Angola v.v… Trong số này có hai quốc gia với nguyên nhân tương đối đặc biệt. Đối với một đất nước phong phú tài nguyên dầu mỏ như Iraq, việc Mỹ tung quân vào đây trùng hợp một cách đáng ngạc nhiên với quyết định của Saddam Hussein bán dầu lấy đồng euro thay vì đồng đôla. Còn tại Afghanistan, vàng đen gần như không có. Tuy nhiên, theo chính luận gia Michel Collon, mục tiêu của Mỹ tại quốc gia này chính là khả năng xây dựng một tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt trung chuyển từ Turkmenistan về phía nam. Ai kiểm soát được tuyến đường ống này sẽ có được những ưu thế cạnh tranh không thể phủ nhận trong tương lai.

Trong cuộc chiến dầu mỏ trên phạm vi toàn cầu, không phải lúc nào bên thắng cũng có thể nhanh chóng thu được lợi nhuận. Chẳng hạn cho đến cuối năm 2010, Mỹ đã rót vào Iraq tổng cộng 750 tỉ USD. Với số tiền trên và theo giá như hiện nay, Washington có thể mua được hơn một tỉ tấn dầu. Trong khi tổng lượng dầu Mỹ Nhập khẩu từ Iraq thời hậu Saddam mới chỉ là 160 triệu tấn. Tuy nhiên theo đánh giá, việc công ty Mỹ quay trở lại đầu tư sau khi tình hình đã ổn định sẽ giúp nhanh chóng bồi hoàn lại những chi phí chiến tranh cho Washington.

Mặt khác, thiệt thòi chắc chắn chỉ dành cho những kẻ thua trận, hay thậm chí đứng ngoài cuộc chiến. Như trong trường hợp cuộc chiến Libya vừa qua, nạn nhân rất có thể sẽ là Trung Quốc và Nga. Những công ty thuộc hai quốc gia này nhiều khả năng sẽ không được phép quay lại những mỏ dầu theo như nội dung đã ký kết dưới thời Gaddafi.

Mối quan hệ tương tác giữa chiến tranh và dầu mỏ đã là trở thành một chân lý từ rất lâu. Qui luật chiến tranh – dầu mỏ hiện chỉ có một thay đổi về tình tiết. Bên cạnh các quốc gia phát triển, cuộc chiến vì dầu mỏ lại có sự tham gia của các nước đang phát triển, đầu tiên là Trung Quốc. Mức độ tiêu thụ các sản phẩm dầu mỏ tại quốc gia này đã tăng với nhịp độ chưa từng có, chỉ riêng trong thập niên gần đây đã tăng gấp đôi. Theo tính toán của các chuyên gia, Trung Quốc đến năm 2016 sẽ đuổi kịp Mỹ về số lượng dầu nhập khẩu. Khi đó, riêng hai quốc gia này sẽ chiếm khoảng một nửa tổng số dầu tiêu thụ trên toàn thế giới – đồng nghĩa với việc mâu thuẫn giữa họ sẽ có xu hướng gia tăng. Trong bối cảnh Trung Quốc có khả năng sẽ vượt mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Washington chắc chắn sẽ phải tận dụng tất cả những khả năng về quân sự và chiến lược của mình để ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận được các nguồn tài nguyên trên khắp thế giới, qua đó trì hoãn đà phát triển của nền kinh tế nước này.
{lang: 'vi'}

Hồng Sơn

DMCA.com Protection Status