Những "giàn DK1" của ngành Dầu khí trên Biển Đông

15:28 | 27/01/2020

10,065 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Giàn DK1 đã trở thành tên gọi gần gũi và thân thuộc với người dân Việt Nam. Những câu chuyện cảm động, những hành động thể hiện lòng kiên trung của những người con của Tổ quốc đang sống và làm việc trên giàn DK1 đã trở thành biểu tượng của sự hy sinh. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có những giàn DK1 như thế

Song song nhiệm vụ phát triển kinh tế, PVN còn thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển, nơi những dự án dầu khí đang triển khai, những giàn khai thác, giàn khoan, tàu thăm dò địa chấn, tàu trực mỏ được xem như những “vọng gác tiền tiêu”, là cột mốc chủ quyền trên Biển Đông, cũng là điểm tựa cho ngư dân bám biển...

nhung gian dk1 cua nganh dau khi tren bien dong
Ông Nguyễn Lâm Thành nghe giới thiệu về Dự án Biển Đông 01

Liên tiếp những năm gần đây, các tàu khảo sát và giàn khoan Trung Quốc thường xuyên vi phạm vùng biển Việt Nam. Năm 2011 cắt cáp tàu địa chấn 2D Bình Minh 02 tại vị trí cách Mũi Đại Lãnh 112 hải lý và tàu địa chấn 3D Viking 2 tại Lô 136; năm 2014 đưa giàn khoan 981 khảo sát tại khu vực phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; gần đây nhất là ngang nhiên đưa Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam suốt dọc vùng biển từ miền Trung xuống miền Nam, kéo ra vùng Tư Chính - Vũng Mây. Có hôm, nhớ đến những vụ tàu Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02, Viking 02..., tôi nhắn hỏi ra giàn: “Các anh thế nào?”. Các anh nhắn lại: “Chúng tôi vẫn công tác, làm việc bình thường” và không quên dặn tôi theo dõi các thông tin phát đi từ Bộ Ngoại giao, các thông tin trên báo, đài và nhắn lại để các anh tham khảo. Trong lòng tôi luôn hiện ra những đêm thao thức của anh em trên giàn, đặc biệt là anh em tàu dịch vụ dầu khí làm công tác trực mỏ, chong mắt ra biển khơi gió lộng, ngày cũng như đêm.

Những cột mốc chủ quyền giữa biển khơi

Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 180UT về việc xây dựng Cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc Ðặc khu Vũng Tàu - Côn Ðảo (tức giàn DK1), nhằm nghiên cứu điều kiện hải văn, đồng thời xác định chủ quyền Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa gần khu vực quần đảo Trường Sa. Vietsovpetro - “Anh cả” của ngành Dầu khí, doanh nghiệp đã xây dựng được nhiều công trình giàn khoan dầu khí quy mô lớn ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, được giao nhiệm vụ xây dựng các giàn DK1 trên những bãi ngầm san hô thuộc quần đảo Trường Sa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những năm qua, ngành Dầu khí đã tự lực và phối hợp với các công ty dầu khí nước ngoài triển khai hàng loạt các dự án địa chấn 2D, 3D, khoan thăm dò trên thềm lục địa Việt Nam. Bên cạnh việc chủ động đầu tư vào công tác khảo sát, điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể tiềm năng dầu khí, PVN còn chú trọng vào việc thu hút đầu tư nhằm tính toán các cơ hội đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm, làm căn cứ pháp lý về chủ quyền biển đảo.

Tháng 9-2018, tôi có dịp tháp tùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn do Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành dẫn đầu, đi thực tế tại cụm giàn Hải Thạch - PQP của Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC). Chuyến đi nhằm giới thiệu và thông tin về hoạt động dầu khí của PVN để các đại biểu Quốc hội hiểu rõ, hiểu sâu hơn về ngành Dầu khí, đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.

Cái tên Hải Thạch - Mộc Tinh vốn là niềm tự hào của ngành Dầu khí, đây là công trình xa bờ nhất, khó khăn và nhiều thách thức với mỏ khí nhiệt độ cao, áp suất cao. PVN đã tự làm chủ công nghệ từ thiết kế, chế tạo, lắp ráp và vận hành. Hiện nay, Hải Thạch - Mộc Tinh với 100% là người Việt Nam vận hành khai thác. Cán bộ, kỹ sư Việt Nam của PVN nói chung và BIENDONG POC nói riêng đã trưởng thành vượt bậc, đủ sức đảm nhận các công trình to lớn hơn, phức tạp hơn trong các chương trình thăm dò, khai thác dầu khí, vừa góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển...

Trên giàn, ông Nguyễn Lâm Thành đã chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà người lao động dầu khí nói chung và người lao động dầu khí trên giàn Hải Thạch - PQP nói riêng. Đó là phải lao động sản xuất trong điều kiện khó khăn. Đó là những ngày làm việc kéo dài, cách ly môi trường đất liền, chỉ có biển và sắt thép. Đó là sự hy sinh tình cảm cá nhân, gia đình... Nhưng vượt lên trên tất cả, với tinh thần, ý chí quyết tâm cao nhất, với bản lĩnh, truyền thống đã được tôi rèn, không ngại khó, ngại khổ, người lao động dầu khí luôn có những đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng. Ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh, người lao động dầu khí như những chiến sĩ tiền tiêu, góp phần bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.

Năm 2013, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khi ra thăm cụm giàn Hải Thạch - PQP đã khẳng định: “Công trình này là nơi thử thách lòng yêu nước, là nơi thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của những người làm dầu khí Việt Nam”.

nhung gian dk1 cua nganh dau khi tren bien dong
Tàu trực mở và giàn Đại Hùng 01

Từ Hải Thạch - Mộc Tinh, Sông Đốc, Đại Hùng... những giàn khai thác xa bờ nhất, cờ Tổ quốc luôn bay phấp phới. Đêm xuống, ánh đèn điện, ngọn lửa pha-ken sáng rực một góc trời khiến mỗi giàn khoan, giàn khai thác, tàu trực mỏ dầu khí như những cột mốc tiền tiêu, điểm tựa cho hàng nghìn tàu thuyền ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Điểm tựa của ngư dân và mệnh lệnh trái tim

Hoạt động của ngành Dầu khí đa phần nằm ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đây là khu vực có nguồn hải sản phong phú, trữ lượng lớn. Đó cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân nước ta. Trong những năm qua, bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bảo vệ chủ quyền, những “chiến sĩ tiền tiêu” dầu khí đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân, có bất cứ khó khăn gì cần trợ giúp, ngư dân đều tìm đến các giàn, các tàu trực mỏ.

Năm 2017, tôi có chuyến ra giàn Đại Hùng 01 bằng tàu dịch vụ. Tàu đến Đại Hùng đã là đêm, nhìn từ tàu dịch vụ lên thấy giàn Đại Hùng 01 rực sáng. Chợt nghĩ, ở xa khơi này, những công trình dầu khí như Đại Hùng 01 chính là Tổ quốc! Ánh sáng rực rỡ của ngọn pha-ken không khác gì những ngọn “hải đăng” không bao giờ tắt. Lúc rủi ro, hiểm nguy trên biển, tàu thuyền của ngư dân cần nhất hải đăng, quyết định hướng đi của tàu thuyền, đôi khi là cả tính mạng ngư dân trên biển cả mênh mông...

Một đêm chờ đợi, sáng sớm hôm sau tôi được “cẩu” lên giàn Đại Hùng 01 và bất ngờ với cuộc gặp với một ngư dân. Ngư dân Ngô Thanh Sơn, 29 tuổi, ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong quá trình đi biển gặp tai nạn, được anh em, bác sĩ trên giàn Đại Hùng 01 cứu chữa, hỗ trợ điều trị trong nhiều ngày. Trước đó, khi vá lưới trong thời tiết sóng lớn, Sơn bị dao đâm, chảy máu rất nhiều, trên tàu không thể cấp cứu nên đã cầu cứu đến bác sĩ trên giàn Đại Hùng 01. Sau khi được cấp cứu và băng bó, Sơn được giữ lại trên giàn để chờ hồi phục sức khỏe, bác sĩ rửa và thay băng để vết thương mau lành. Sơn còn được anh em trên giàn tặng quần áo, đồ dùng sinh hoạt... vì khi được chuyển lên giàn, trên người Sơn chỉ có bộ quần áo sờn cũ. Sơn về bờ cùng tôi và một số anh em trên giàn Đại Hùng 01 đổi ca và được cán bộ Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) hỗ trợ chi phí về quê. Lúc chia tay, Sơn chỉ biết ôm chặt từng anh em trên giàn Đại Hùng 01 mà rưng rưng, lời cảm ơn không cất thành lời!

nhung gian dk1 cua nganh dau khi tren bien dong
Ngư dân gặp nạn được bác sĩ trên giàn Hải Thạch PQP kiểm tra sức khỏe trước khi về bờ

Anh Tăng Văn Đồng, Giàn trưởng Đại Hùng 01 kể, giàn thường xuyên cấp cứu nhiều ca gặp nạn trên biển như đau ruột thừa, lưới cá cắt đứt tay, có khi nạn nhân bị thương nặng quá, không thể di chuyển lên giàn, bác sĩ của giàn phải xuống tàu làm công tác cấp cứu, sau đó giàn luôn hỗ trợ quần áo, tiền bạc và chuyển bằng máy bay vào đất liền.

Những năm qua, chưa có con số thống kê người lao động dầu khí trên các công trình biển đã cấp cứu bao nhiêu ngư dân gặp nạn trên biển, cung cấp bao nhiêu lương thực, nhiên liệu, thuốc men. Anh Lê Trí Thành - Giám đốc Công ty Tàu dịch vụ (PTSC Marine) - chia sẻ: Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, PTSC Marine góp phần đảm bảo tình hình an ninh trên biển. Đối với bà con ngư dân, anh em thủy thủ luôn tâm niệm, hỗ trợ và giúp đỡ ngư dân gặp nạn, gặp khó khăn trên biển là “mệnh lệnh trái tim”, mỗi tàu dịch vụ của PTSC Marine như những DK1 của ngành Dầu khí. Khi ngư dân gặp nạn, tàu và anh em thủy thủ luôn hỗ trợ hết mình, không ngại hiểm nguy thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khi thì cung cấp nước ngọt, lương thực, nhiên liệu, có khi sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân.

Thuyền trưởng Bùi Quốc Minh (PTSC Marine), người có 25 năm làm việc trên các tàu dịch vụ, nhớ mãi trường hợp anh cấp cứu ngư dân. Khi đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa, cách đất liền 200 hải lý, anh phát hiện có một tàu cá của ngư dân ta gặp nạn ở khu vực gần vị trí tàu đang trực. Ngay lập tức, anh cùng thủy thủ trên tàu nhanh chóng tiếp cận để ứng cứu. Anh Minh không thể quên trường hợp này là bởi tình thế lúc đó đặc biệt nguy cấp, các ngư dân trên tàu đang đứng trước lằn ranh của sinh - tử: Tàu hỏng máy, nước tràn vào hầm hàng, người thì bị thương rất nặng do ngư cụ đâm vào bụng, chân tay... Sau đó, tàu được hỗ trợ sửa chữa, người bị thương được các thủy thủ tàu dịch vụ đưa lên giàn để sơ cứu và chuyển ngay về đất liền chữa trị. Rất may, nhờ được ứng cứu kịp thời nên không một ai phải vĩnh viễn ra đi sau tai nạn khủng khiếp đó.

Tháng 7-2018, giàn Hải Thạch - PQP thuộc cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh đã nhận được thông tin từ tàu chở dầu M/T Leader (Liberia) yêu cầu hỗ trợ 4 ngư dân Việt Nam do tàu cứu vớt được. Do bị trôi dạt trên biển 2 ngày, không nước, không thực phẩm và sóng lớn, bị mất nhiệt nhiều nên sức khỏe các ngư dân khá yếu, trong đó có 2 ngư dân có nhiều vết trầy xước trên người, mạch nhỏ và chìm. Một ngư dân khác kiệt sức, không ăn, không nói được. Được sơ cứu, tỉnh táo, thấy được các anh em trên giàn, họ mới dám tin mình đã được cứu sống. Nước mắt họ chảy trên gò má đen đúa. Sau khi được bác sĩ của giàn tận tình chăm sóc, hồi sức, ngay trong ngày, BIENDONG POC có một chuyến bay trực thăng đưa cán bộ, công nhân viên ra giàn giao ca, vì vậy, những ngư dân này đã được chuyển về bờ bằng trực thăng để tiếp tục điều trị. Trước khi rời giàn, mỗi ngư dân gặp nạn còn được hỗ trợ 3 triệu đồng từ sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên trên giàn.

Hầu như tất cả các giàn khoan, giàn khai thác, tàu dịch vụ, các công trình dầu khí trên biển từ Sông Đốc, Đại Hùng, Hải Thạch - Mộc Tinh... đều đã từng tham gia hỗ trợ, cấp cứu ngư dân. Vì mưu sinh, ngư dân phải bám biển, bám hải đăng, giàn DK1, thấy giàn khoan, tàu dầu khí như thấy Tổ quốc. Anh em thủy thủ tàu dịch vụ tâm sự, nhìn thấy ngư dân khắc khổ mà như nhìn thấy bố mẹ, anh chị em, bà con ở quê nhà. Ở nơi khơi xa, cách đất liền hàng trăm hải lý, cảm giác máu mủ, dân tộc, quê hương trỗi dậy rất mãnh liệt.

Khi tôi ở trên giàn Đại Hùng nhìn xuống tàu trực mỏ, con tàu chỉ như chiếc lá tre nhỏ nhoi giữa những con sóng bạc đầu. Trong nền trời xám xịt, mênh mông, sự nhỏ nhoi, chênh vênh càng rõ. Anh Lê Trí Thành nói rằng, ngay cả trong những lúc bão tố, sóng gió hiểm nguy nhất, tàu dịch vụ không về bờ, chỉ di chuyển ra khỏi tâm bão, họ vẫn xông pha giữa biển khơi, vẫn quyết tâm bám trụ trên biển để sẵn sàng làm nhiệm vụ và trực ứng cứu cho những người làm việc trên các giàn khoan dầu khí hay ngư dân gặp nạn…

Tôi rời Hải Thạch - PQP bằng trực thăng, từ trên máy bay nhìn xuống, cụm giàn như một con khủng long khổng lồ, nhưng nổi bật trên nó, ngoài ngọn lửa trên pha-ken cháy rực vẫn là lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Cột mốc chủ quyền - Tổ quốc là đây!

Thiên Tường

DMCA.com Protection Status