Những huyền thoại và mốc son trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (Tiếp theo và hết)

07:00 | 29/10/2019

2,142 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Dầu khí Việt Nam hiện nay có hai đặc trưng rất cơ bản. Thứ nhất là dầu tầng móng, đá móng, đây là một điểm rất đặc biệt của cấu trúc địa lý mỏ dầu Việt Nam. Thứ hai là dầu parafin. Hầu như tất cả các mỏ dầu hiện nay của chúng ta là dầu parafin.
nhung huyen thoai va moc son trong tim kiem tham do khai thac dau khi tiep theo va het
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ

Dầu ở mỏ Bạch Hổ lên tới 27% parafin, đây là tỷ lệ rất cao và độ đông đặc của nó là từ 32-36oC, trong khi nước biển của nước ta hiện nay chỉ khoảng 26oC, có nghĩa là khi vận chuyển dầu vào đường ống ở đáy biển được 1-2km là dầu đã đông cứng. Đặc điểm đó đã đặt ra vấn đề hết sức cấp bách trong năm 1986 khi chúng ta phải chuẩn bị khai thác dầu ở mỏ Bạch Hổ.

Thời điểm này, nước ta nhập khẩu thiết bị ở Liên Xô, mà dầu của Liên Xô lúc đó giống hệt dầu ở vùng biển Caspi, là dầu không parafin, do đó trong thiết kế sẽ không có những thiết bị bao gồm xử lý nhiệt, xử lý hóa chất, bọc ống, vùng phóng thoi…, nói cách khác là tất cả những điều khoản để xử lý dầu parafin đều không có, thêm nữa, khi đưa thiết bị về Việt Nam đúng giai đoạn nước ta bị Mỹ cấm vận nên đã không nhập được thiết bị bổ sung. Lúc bấy giờ đòi hỏi lực lượng cán bộ kỹ thuật của nước ta phải nghiên cứu để giải bài toán này, bởi không giải được thì xem như không khai thác được dầu. Đây là vấn đề rất lớn, việc giải được bài toán không đơn giản, công nghệ ra sao, trong bối cảnh bị cấm vận xử lý như thế nào? Cuối cùng, tập thể anh em khoa học chụm lại nghiên cứu và đã tìm ra được công nghệ mang đặc trưng của Việt Nam, giải quyết được vấn đề dầu parafin trong điều kiện Việt Nam lúc bấy giờ. Và, chính những giá trị khoa học từ sáng tạo này đã được nâng lên thành phương pháp luận và khoa học, thành công nghệ xử lý dầu parafin của Việt Nam, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tôi kể lại một tình huống để có thể biết thêm về những khó khăn thời điểm đấy. Đó là khi đã chuẩn bị xong các phương tiện để làm thử nghiệm vận chuyển, đến phút cuối cùng để đưa dầu xuống biển vận chuyển thì phải làm một quy trình, quy chuẩn để vận chuyển. Khi bộ phận kỹ thuật đã nghiên cứu xong, trình để phê duyệt, lúc bấy giờ những người có trách nhiệm phê duyệt, kể cả ông Viện trưởng người Nga cũng rất e ngại, bởi đây là công trình mang tính chất nguy hiểm, vì nếu như đưa dầu xuống biển mà tắc thì xem như cả đường ống bị bỏ, rồi kể cả mỏ cũng sẽ bị đình lại, không khai thác nữa. Hồi đó có rất nhiều chuyên gia rất giỏi ở Liên Xô chuyên về xử lý dầu parafin mà chúng ta muốn mời sang Việt Nam nhưng đều không được do lịch trình công tác của họ. Cuối cùng, trước sức ép và mọi người cũng chứng minh được cơ sở nghiên cứu của chúng ta nên “phải dũng cảm phê duyệt thôi”, ông Viện trưởng người Nga đã hỏi đùa: “Ở Việt Nam khi đi tù thì người ta cho ăn gì?”. Anh em đùa lại: “Khi đi tù thì mỗi ngày người ta cho ăn 2 quả chuối”. Mọi người đùa bởi biết người Nga rất thích ăn chuối. Ông Viện trưởng người Nga đã đồng ý phê duyệt và đưa vào áp dụng. Thực tế, ngay từ lần đầu tiên đã không thành công, đường ống bị tắc. Thêm rủi ro nữa là anh Nguyễn Hữu Trung, Phó đốc công cùng với chuyên gia Liên Xô loay hoay mãi và đã quyết định nâng áp lực lên vượt quá quy định để đẩy dầu đi... Qua sự khó khăn, gian khổ những ngày đầu, chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học trong quá trình làm việc, quản lý.

Một vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đó là dầu khí phải gắn liền với hợp tác quốc tế. Đặc biệt, trong hợp tác quốc tế, sự hợp tác về dầu khí của Việt Nam với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay là thành công nhất. Tôi có thể khẳng định, nếu như không có sự hợp tác với Liên Xô trước đây thì chúng ta không có ngành Dầu khí như hiện nay. Tại sao như vậy?

Chúng ta phải biết được rằng, từ năm 1959, Bác Hồ sang làm việc và đã đề nghị Chính phủ Liên Xô giúp Việt Nam. Đến năm 1961, nước bạn tiếp tục lần lượt gửi cán bộ sang nước ta, nhưng lúc bấy giờ chỉ tìm dầu khí ở miền Bắc, đến năm 1975, khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì mới tìm được mỏ nho nhỏ ở Tiền Hải - Thái Bình. Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta thành lập Tổng cục Dầu khí. Tiếp theo, những năm 1977, 1978, 1979, các nước tư bản vào nước ta tìm kiếm dầu rất nhiều, nhưng sau đó đến năm 1979, 1980, tình hình Campuchia phức tạp nên nước ta bị cấm vận và các nước tư bản đã rút hết. Trong bối cảnh đó, Liên Xô vẫn đưa phương tiện, thiết bị, con người để khai thác dầu cho chúng ta. Sự hợp tác với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay có hai sự khác biệt rất quan trọng, đó là:

Các nước tư bản vào Việt Nam tìm kiếm trước hết là vì lợi nhuận, có lợi nhuận thì họ làm, không có lợi nhuận thì họ đi, khi có những vấn đề không phù hợp với lợi nhuận của họ thì họ sẵn sàng bỏ.

Nhưng hợp tác với Liên Xô lại hoàn toàn khác. Liên Xô sẵn sàng đáp ứng 4 mục tiêu khi hợp tác với Việt Nam là: Sớm đưa Việt Nam trở thành nước có dầu; sự hợp tác sẽ đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước lúc bấy giờ; xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ để phát triển ngành Dầu khí, chứ không phải làm gì cũng phải đi thuê; cuối cùng là xây dựng được đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Dầu khí có thể đáp ứng được yêu cầu và thực hiện được nhiệm vụ về dầu khí ở Việt Nam. Việc hợp tác với Liên Xô đã đạt được 4 mục tiêu này. Trong đó, việc xây dựng cơ sở vật chất và con người là điều cực kỳ quan trọng đối với ngành Dầu khí, bởi muốn tự chủ, muốn phát triển thì phải có cơ sở vật chất. Bởi ngay cả các nước ở Trung Đông có dầu nhiều như vậy nhưng do không có cơ sở vật chất nên đã bị phụ thuộc vào nước ngoài. Việt Nam nếu không có cơ sở vật chất, căn cứ, bến bãi, kho tàng, cơ sở chế tạo... thì cuối cùng phải đi thuê. Trước đây, khi làm dầu khí, mọi thứ của nước ta đều phải đi thuê hết, nhưng bây giờ nhìn cơ sở vật chất, Việt Nam đã đủ sức để phát triển ngành Dầu khí, những gì thật cần thiết mới phải đi thuê, đi mua, còn lại đa phần là chế tạo, sản xuất, lắp ráp trong nước. Đây là thành công lớn của chúng ta khi hợp tác với Liên Xô trước đây.

Tiếp nữa là công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ con người. Năm 1985, 1986, nước ta chưa có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, chỉ có một số anh em đi học ở Liên Xô về lý thuyết mà chưa có kinh nghiệm thực tế, nhưng khi làm việc thì trưởng thành cùng với các chuyên gia Liên Xô. Sau 40 năm, phải nói rằng ngành Dầu khí đã có một đội ngũ cán bộ mạnh về chuyên môn và kỹ thuật, cũng như dầy dạn kinh nghiệm. Đây là thành công lớn khi hợp tác với Liên Xô, từ đào tạo ở các trường bên Liên Xô cho đến đào tạo trên thực tế tại Việt Nam. Nếu như trong những ngày đầu tiên có tới trên 90% là người nước ngoài tại các công trình dầu khí của nước ta, thì hiện nay, chúng ta đã làm chủ được tất cả các công nghệ tiên tiến nhất trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí. Đội ngũ này đã và đang làm chủ được ngành Dầu khí, đây là đội ngũ chuyên gia vững mạnh, là nguồn tài nguyên chất xám, phải gìn giữ, phát huy, không được phung phí, bởi phải mất hàng chục năm trời mới tích lũy được kinh nghiệm, đây là của quý, là tài nguyên quốc gia phải bảo vệ.

Tôi cho rằng, đất nước ta hiện nay vẫn rất cần những con người như thế, bởi dù điều kiện địa chất phức tạp hơn, phải ra xa hơn, nước sâu hơn, nhưng nguồn dầu khí chúng ta vẫn còn, đội ngũ này có vai trò quan trọng tiếp tục xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

nhung huyen thoai va moc son trong tim kiem tham do khai thac dau khi tiep theo va het

Những huyền thoại và mốc son trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí

Phương Nam

DMCA.com Protection Status