Petrovietnam: Thành lập bộ phận chuyên trách Chuyển đổi số và hoàn thành triển khai các giải pháp số nền tảng (ERP, CSDL E&P) trong năm 2022

09:27 | 28/01/2022

9,048 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Ngày 27/01, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc “Cập nhật công tác triển khai Chuyển đổi số và ERP của Petrovietnam”.

Tham dự buổi làm việc có các Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, lãnh đạo các Ban/Văn phòng, đại diện các đơn vị tư vấn đến từ công ty EY Việt Nam và NGS.

Thay mặt bộ phận thường trực của Ban Chỉ đạo công tác Chuyển đổi số và Ban triển khai ERP, Chánh Văn phòng Petrovietnam Trần Bình Minh đã báo cáo tổng kết công tác triển khai và thực hiện Chuyển đổi số và ERP trong năm 2021, kế hoạch thực hiện năm 2022 và lộ trình thực hiện Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2026 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Petrovietnam: Thành lập bộ phận chuyên trách Chuyển đổi số và hoàn thành triển khai các giải pháp số nền tảng (ERP, CSDL E&P) trong năm 2022

Ông Trần Bình Minh - Chánh Văn phòng Tập đoàn báo cáo kết quả và kế hoạch Chuyển đổi số.

Theo đó, năm 2021 công tác Chuyển đổi số của Petrovietnam đã được thúc đẩy mạnh mẽ và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng với 15 hạng mục công việc chính. Các kết quả nổi bật gồm: ban hành 03 văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên đẩy mạnh, triển khai đồng bộ công tác CĐS; hoàn thành công tác xây dựng “Nghị quyết chuyên đề về CĐS của Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”’; Hoàn thành dự án Tư vấn xây dựng chiến lược CĐS; Ký kết hợp đồng và triển khai Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Công ty mẹ PVN –Giai đoạn 1”; Hoàn thành thiết kế sơ bộ cho Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của Lĩnh vực Tìm kiếm Thăm dò-Khai thác Dầu khí (E&P DB): hoàn thành số hóa Bộ quy chế quản trị; Hoàn thành xây dựng và triển khai hệ thống quản thông tin quản lý khai báo y tế và tiêm chủng của Petrovietnam.

Đánh giá khách quan, công tác Chuyển đổi số năm 2021 vẫn còn một số tồn tại và hạn chế: sự thiếu đồng bộ trong việc triển khai; công tác lựa chọn nhà thầu triển khai CĐS bị kéo dài; các gói thầu chưa đáp ứng về tiến độ, chất lượng; cán bộ nhân viên còn chưa tích cực tham gia CĐS. Để khắc phục những tồn tại trên, Tổ triển khai CĐS đã đề xuất một số giải pháp: sử dụng kết quả của dự án tư vấn chiến lược CĐS làm cơ sở triển khai đồng bộ; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị lựa chọn nhà thầu; tăng cường trao đổi, chia sẻ thống nhất giữa các bộ phận; đẩy mạnh truyền thông và đào tạo về CĐS và đặc biệt cần thành lập ngay bộ phận chuyên trách để quản lý và điều phối công tác CĐS của Petrovietnam hiệu quả và đồng bộ.

Kế hoạch thực hiện CĐS trong năm 2022 sẽ gồm 12 hạng mục công việc chính và các hạng mục công việc này bám sát Lộ trình CĐS giai đoạn 2022 -2026 đã được xây dựng. Công tác CĐS nổi bật cần thực hiện trong năm 2022 đó là hoàn thành công tác triển khai dự án ERP Giai đoạn 1 và CSĐL E&P Giai đoạn 1. Đây là hai giải pháp số mang tính cơ sở, nền tảng trong giai đoạn tới và quyết định căn bản sự thành công của công tác CĐS của Petrovietnam.

Petrovietnam: Thành lập bộ phận chuyên trách Chuyển đổi số và hoàn thành triển khai các giải pháp số nền tảng (ERP, CSDL E&P) trong năm 2022
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc

Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác CĐS năm 2021, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm qua chúng ta đã hoàn thành công tác xây dựng chiến lược CĐS với việc xác định tầm nhìn số và lộ trình CĐS của Petrovietnam giai đoạn 2022-2026. Năm 2022, Petrovietnam cần hoàn thành công tác triển khai hai dự án trọng điểm đó là ERP và CSDL E&P để nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp hơn nữa. Tổng giám đốc đề nghị: Văn phòng Tập đoàn làm đầu mối triển khai phê duyệt Lộ trình CĐS giai đoạn 2022-2026 của Petrovietnam; Trên cơ sở lộ trình được phê duyệt, Ban Kinh tế - Đầu tư cập nhật vào kế hoạch công tác hàng năm của Tập đoàn để thu xếp vốn và đề xuất các chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI) của công tác Chuyển đổi số; Văn phòng Tập đoàn đề xuất mô hình, cơ cấu tổ chức của Bộ phận chuyên trách CĐS và mối quan hệ của Bộ phận chuyên trách này với các bộ phận/đơn vị liên quan để Lãnh đạo Tập đoàn xem xét, phê duyệt thành lập; Các Phó Tổng giám đốc tập trung chỉ đạo các ban chuyên môn tập trung và tăng cường thực hiện Chuyển đổi số trong lĩnh vực phụ trách, đảm bảo triển khai đồng bộ ERP và đề án “Nhà máy thông minh” trên các nhà máy, công trình dầu khí trong 2022; Thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung các định, quy trình nội bộ ảnh hưởng, phát sinh khi thực hiện CĐS; Tăng cường đào tạo cán bộ nhân viên với hình thức tham gia trực tiếp trong các dự án CĐS để hiệu quả đào tạo lớn nhất; cán bộ, nhân viên trong toàn Tập đoàn cần tập trung triển khai thực hiện CĐS một cách hiệu quả, nghiêm túc nhất.

Trên tinh thần đó, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng kỳ vọng năm 2022 công tác CĐS trong toàn Tập đoàn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, hoàn thành triển khai các giải pháp số nền tảng (ERP, CSDL) để làm cơ sở tiếp tục phát triển, mở rộng hệ sinh thái số của Petrovietnam trong các năm tiếp theo với mục tiêu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, vận hành hiệu quả nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên nền tảng số.

Minh Châu

DMCA.com Protection Status