PVN và thách thức trong công tác quản trị

11:14 | 04/05/2018

1,212 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Cần tăng tính tự chủ để ứng phó với thị trường, tăng cơ chế minh bạch thông tin, tăng cơ chế kiểm soát, có chính sách tuyển chọn và đãi ngộ người giỏi - không cào bằng trong chính sách dùng người giỏi… đồng thời Nhà nước phải tạo điều kiện để PVN có Quỹ Thăm dò khai thác để phục vụ cho chiến lược phát triển ngành Dầu khí… là quan điểm của các chuyên gia: GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng, TS Trần Du Lịch khi bàn về thách thức trong công tác quản trị tại Petrovietnam.

TS Trần Du Lịch: Cần có cơ chế tuyển chọn và đãi ngộ người giỏi để tạo động lực phát triển

pvn va thach thuc trong cong tac quan tri

Trước hết, tôi chúc mừng PVN với những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước trong mấy chục năm qua. Còn nhớ năm 1994 khi có quyết định của Thủ tướng về việc thành lập mô hình Tổng Công ty 91, trong đó Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam là mô hình Tổng Công ty 91 đầu tiên, tôi có dịp làm việc với các đồng chí tiền nhiệm thời đó. Sau khi có Luật Dầu khí đầu thập niên 90 của thế kỷ trước thì tôi cũng là đại biểu Quốc hội khóa IX tham gia xây dựng luật này. Thời đó, chúng ta có rất nhiều kỳ vọng đối với ngành Dầu khí với tiềm năng về dầu, bên cạnh khai thác dầu thì hướng lâu dài là phát triển ngành công nghiệp lọc - hóa dầu để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình phát triển dù có những khó khăn, hạn chế nhất định nhưng nhìn chung PVN đã có những bước phát triển rất lớn, nếu nhìn lại so thời điểm thành lập mô hình Tổng Công ty 91 cách đây mấy chục năm.

Xét về kinh nghiệm tổ chức điều hành của các Tổng Công ty 91 hay tập đoàn kinh doanh Nhà nước tôi có một số suy nghĩ thời bấy giờ và đã lần nhiều lần đề xuất, đối với những tổng công ty Nhà nước ở một số ngành then chốt và đặc thù thì nên tiến tới xây dựng cơ chế tự chủ và điều lệ hoạt động của nó phải là đạo luật như mô hình một số nước đã làm. Ví dụ như mô hình Tập đoàn Petronas hay Tập đoàn Telstra (tập đoàn Viễn thông hàng đầu của Úc) sau này cổ phần hóa. Phải có đạo luật riêng cho tập đoàn/ tổng công ty đó. Điều lệ là một đạo luật.

pvn va thach thuc trong cong tac quan tri

Tôi còn nhớ năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phê chuẩn ban hành Điều lệ cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và tất cả các Tổng Công ty 91 là một Nghị định của Chính phủ chứ không là Quyết định như bây giờ, để hướng đến tính tự chủ cao và cơ chế giám sát cao. Bởi các tập đoàn/tổng công ty Nhà nước thì hầu như nước nào cũng gặp phải vấn đề này: Nếu Nhà nước trói doanh nghiệp quá chặt, mất tự chủ và cái gì cũng đi xin thì rất khó thích ứng với kinh tế thị trường, dẫn đến kinh doanh không hiệu quả. Ngược lại, nếu Nhà nước quản lý không chặt chẽ, lơ là, kiểm soát không tốt thì dẫn đến tiêu cực, lạm quyền, tham nhũng mà ở nước ta đã xảy ra trường hợp Vinashin, Vinalines.

Chính vì vậy trong nhiều lần chúng tôi đề nghị với Chính phủ, hoạt động của tập đoàn/tổng công ty Nhà nước phải minh bạch thông tin giống như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hay các công ty đại chúng. Việc minh bạch đó giúp ích quá trình giám sát và đây được xem là công cụ quản lý hiệu quả. Rất tiếc là trong quá trình phát triển của các tập đoàn/tổng công ty Nhà nước ở nước ta lâu nay chưa làm tốt công tác này.

Nói tóm lại, để các tập đoàn kinh tế/tổng công ty Nhà nước hoạt động hiệu quả thì thứ nhất, cần tăng tính tự chủ để ứng phó với thị trường/ứng phó kinh doanh; thứ hai là tăng cơ chế minh bạch thông tin; thứ ba là tăng cơ chế kiểm soát; điều rất quan trọng nữa là có chính sách đãi ngộ người giỏi và phải có cơ chế tuyển chọn người người đúng việc. Không thể lấy công chức hành chính để làm quản trị doanh nghiệp hay ngược lại. Phải tuyển chọn người có chuyên môn, có năng khiếu quản trị doanh nghiệp - họ là người nhìn vấn đề ra tiền, - ra lợi nhuận. Còn quan chức có thể làm chính sách tốt nhưng chưa hẳn làm quản trị doanh nghiệp hiệu quả, và nhìn vấn đề ra tiền, ra lợi nhuận.

Cần có cơ chế đãi ngộ người giỏi để tạo động lực phát triển và chúng ta không cào bằng vấn đề này. Các tập đoàn/tổng công ty Nhà nước với doanh thu tính bằng tỉ đôla thì không thể trả lương cho các CEO vài chục triệu đồng. Những vấn đề này chúng ta đã bàn mấy chục năm nay nhưng cứ lúc mở lúc thắt, lúc buông lúc siết, không nhất quán.

Tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa XII là tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế/tổng công ty Nhà nước. Đây là hướng đi đúng. Thực hiện theo lộ trình, từ nay đến năm 2020 phải giải quyết dứt điểm tất cả công ty thua lỗ kéo dài, những đại dự án kéo dài, lành mạnh hóa các tập đoàn/tổng công ty Nhà nước và thực hiện xong quá trình thoái vốn ở những lĩnh vực Nhà nước không làm. Riêng PVN phải thoái vốn ở các công ty bất động sản, tài chính… và tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, phát triển nâng PVN lên tầm cao mới. Tôi nghĩ PVN nên phát triển theo hướng PTT (Thái Lan) hay mô hình của Petronas (Malaysia).

GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng: Cần tăng tính tự chủ cho PVN

pvn va thach thuc trong cong tac quan tri

Thời điểm tôi về làm lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam chỉ có một số đơn vị là Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Công ty Dầu khí I Thái Bình, PV1 và PV2. Sau đó lần lượt các công ty thành viên PVN ra đời và đến nay các đơn vị đều phát triển mạnh. Lúc tôi về hưu năm 2000 thì toàn Tập đoàn có 15.000 người lao động, hiện nay là xấp xỉ 60.000 người.

Nhưng phải nhìn nhận một thực tế rằng, PVN trong quá trình phát triển cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, trong đó cái khó lớn nhất là chưa có được một cơ chế quản lý điều hành phù hợp với chức năng và sứ mệnh của nó. Cho đến nay PVN không được quản lý theo mô hình một doanh nghiệp thật sự, ví dụ như mô hình của Petronas (Malaysia) hay PTT (Thái Lan)… Đây là hai tập đoàn dầu khí Nhà nước giống như PVN nhưng cách thức vận hành rất khác PVN. Nói một cách thẳng thắn là PVN chưa có quyền tự chủ thật sự nên rất khó, rất lúng túng trong công tác quản trị doanh nghiệp.

Tôi nhớ khi Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư và thu xếp vốn để làm đường ống dẫn khí Bạch Hổ - Bà Rịa, ngay từ đầu chúng tôi cần ngay khoảng 30 triệu USD, chưa biết vay ở đâu. Do có quan hệ thân thiết, tôi liên hệ ngay với lãnh đạo Tập đoàn Petronas đề nghị hỗ trợ. Đích thân anh Hasan Marican, Phó tổng giám đốc Tài chính Petronas (về sau là Tổng giám đốc) bay sang Hà Nội ngay. Sau khi tôi đặt vấn đề, anh nói ngay, chúng tôi không phải là công ty tài chính nên không thể cho các anh vay được, nhưng tôi có sáng kiến để PVN vẫn “vay” được tiền của Petronas mà không phạm luật, đó là: Anh ký giấy sẽ bán dầu mỏ Đại Hùng (lúc đó chưa khai thác) cho tôi, tôi tạm ứng tiền cho anh, đến khi mỏ Đại Hùng đi vào khai thác (cuối 1994) anh gửi thư cho tôi xin lỗi vì thiếu dầu nên không bán cho tôi được và xin hoàn lại tiền tạm ứng, lãi suất sẽ là Libor + 0%.

Như vậy, chỉ 5 phút chúng tôi thỏa thuận xong việc PVN “vay” 30 triệu USD của Petronas với lãi suất không thể tốt hơn được nữa. Thế nhưng, về phía ta, hình như hơn cả tháng trời, PVN mới được phép thực hiện việc vay tiền đó. Nói chung, chúng tôi rất thụ động, quyền tự chủ quá eo hẹp, không thể so sánh với các tập đoàn dầu khí nhà nước khác được. Thực tế, có thể nói, PVN không phải là một doanh nghiệp Nhà nước mà chỉ là một tổ chức làm kinh tế của Nhà nước, nên rất nhiều bất cập trong công tác quản trị và điều hành, không có quyền tự chủ, tự quyết, nên để mất và chậm nhiều cơ hội. Nhưng có lẽ đây cũng là cái khó chung của tất cả các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chứ không riêng gì PVN, mặc dù cũng phải thấy PVN là doanh nghiệp đặc thù.

Sở dĩ công nghiệp dầu khí là một ngành kinh tế rất đặc thù bởi vì rủi ro rất cao, phải đầu tư mạo hiểm. Thực tế là trong tìm dầu thì khoan thăm dò 10 giếng may ra thành công 2-3 giếng, thất bại 7-8 giếng là chuyện thường. Dẫn chứng là Công ty Shell, một tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới với hàng trăm năm kinh nghiệm mà vẫn chịu thất bại ở Việt Nam sau khi khoan mấy giếng ở Lô số 10, tốn trên trăm triệu USD chẳng tìm thấy gì, phải bỏ hợp đồng. Chi phí cho giếng khoan thường khá cao, rủi ro nhiều, các công ty dầu khí đôi khi phải chịu lỗ tạm thời, trong khi Nhà nước yêu cầu khi nào cũng phải có lãi, thậm chí còn đòi hỏi lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước. Với yêu cầu phải nộp phần lớn lợi nhuận về Nhà nước thì cho đến nay PVN vẫn chưa được thành lập Quỹ thăm dò khai thác. Đây là điều mà các thế hệ lãnh đạo dầu khí đã trăn trở, kiến nghị nhiều lần lên cấp trên nhưng vẫn chưa nhận được chấp thuận.

Đương nhiên, cùng với việc tăng quyền tự chủ cho các doanh nghiệp, Nhà nước phải có cơ chế và công cụ giám sát chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả để tự chủ mà không lạm quyền dẫn đến thất thoát, tham nhũng.

Giá dầu hiện nay thấp nhưng hình như đang ổn định và cũng có thể lên dần. Đã có thời kỳ cuối thập niên 90 giá dầu xuống 9-10USD/thùng. Tất nhiên thời giá lúc đó khác bây giờ. Hiện nay cả tập đoàn đều rất khó khăn, nhất là PV Drilling, vì chỉ có khoan, tiếp đến là PTSC và các đơn vị làm dịch vụ khác. Trong lúc giá dầu xuống thấp mà giá dịch vụ khó xuống theo thì PVEP, Vietsovpetro và các dự án JOC thăm dò khai thác đều khó. Nhưng rồi khó khăn chắc cũng qua đi, phải tìm giải pháp thích nghi để tồn tại trong giai đoạn khó khăn này và phát triển mạnh khi giá dầu phục hồi. Còn những dự án lỗ/trùm mền lâu ngày phải xử lí dứt điểm, quyết liệt, không dây dưa kéo dài. Và PVN muốn phát triển mạnh, muốn vươn lên theo kịp các tập đoàn dầu khí trong khu vực thì phải tăng tự chủ, tự quyết.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status