Quân bài khí đốt trong chiến lược ngoại giao của Mỹ

19:00 | 18/12/2012

1,102 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Mỹ vừa đề xuất một dự luật cho phép các đồng minh châu Âu tiếp cận nguồn cung khí đốt tự nhiên dồi dào của nước này, giúp củng cố an ninh năng lượng ở một khu vực có ý nghĩa chiến lược với Mỹ.

 

Richard Lugar (đứng) đề xuất một dự luật cho phép các đồng minh châu Âu tiếp cận nguồn cung khí đốt tự nhiên của Mỹ

Dự luật trên được Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện, Richard Lugar đề xuất hồi tuần trước. Ông Lugar nói dự luật trên sẽ làm gia tăng các lợi ích của Mỹ thông qua việc giúp các đồng minh trong NATO giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga và cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ không còn phải lệ thuộc vào nguồn cung từ Iran.

Dự luật sẽ tạo sự bình đẳng cho các đồng minh NATO với các đối tác thương mại tự do trước luật pháp Mỹ trong việc cấp giấy phép xuất khẩu tự động. Ông Lugar nói xuất khẩu khí đốt của Mỹ sẽ tăng thêm nhưng không làm giảm sự cần thiết của đường ống có tên gọi "Hành lang phương Nam" để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Ajerbajzan tới Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu bởi khí đốt từ Trung Á được vận chuyển bằng đường ống này có giá rẻ hơn.     

Đề xuất trên được đưa ra khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama đứng trước những quyết định nhạy cảm về đề nghị mở rộng xuất khẩu khí đốt tự nhiên tới cả các nước mà Mỹ chưa có các hiệp định thương mại tự do. Dù sự bùng nổ sản xuất trong nước đã dẫn tới tình trạng dư thừa, song các nhà chế tạo trong nước cho rằng việc mở cửa cho xuất khẩu sẽ làm tăng giá khí đốt và quan điểm này đã nhận được một số ý kiến ủng hộ mạnh mẽ tại Quốc hội. Tuy nhiên, Lugar lập luận rằng đề xuất của ông sẽ giúp Mỹ tự do hóa việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên trong khi đạt được các mục tiêu ngoại giao. Dự luật sẽ cho phép cấp giấy phép xuất khẩu tự động cho Thổ Nhĩ Kỳ, nước vốn phụ thuộc 20% nguồn cung khí đốt tự nhiên vào Iran và giúp các nước đồng minh NATO có lợi thế hơn trong các cuộc thương lượng hợp đồng mua bán khí đốt với Nga trong 5 năm tới.

Nguồn cung từ Nga đáp ứng trên 60% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của các nước như Áo, Bungari, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Látvia, Lítva, Ba Lan, Slovenia, Moldova, Thổ Nhĩ Kỳ và Uraina. Tuy nhiên, theo ông Lugar, sự thay đổi chính sách gây bất ngờ của Nga như việc cắt nguồn cung tới Ucraina năm 2006 và 2009 đã gây ra mối quan ngại lớn. Đường ống dẫn khí đốt Hành lang phương Nam từ Ajerbajzan được thiết kế nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu và nguồn khí đốt của Nga, song các quyết định về lộ trình của tuyến đường ống này là phức tạp bởi sự khác biệt trong lợi ích quốc gia và doanh nghiệp. Nga đang lên kế hoạch hoàn tất dự án Dòng chảy phương Nam nhằm duy trì sự phụ thuộc của châu Âu. Ông Lugar đã hối thúc Mỹ tiếp tục vai trò là động lực ngoại giao chính đối với việc xúc tiến dự án Hành lang phương Nam.

Ajerbajzan đang khai thác mỏ khí đốt ngoài khơi Shah Deniz 2 cùng với Tập đoàn BP, Statoil và một côngxoócxium của các quốc gia khác. Chính phủ Ajerbajzan và Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng đoạn đầu tiên của đường ống dẫn khí đốt tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Lugar cho rằng các đồng minh của Mỹ sẽ có lợi nhiều hơn từ kế hoạch Nabucco phía Tây (cho việc xây dựng đoạn thứ hai của Hành lang phương Nam tới Tây Âu) hơn là đề xuất về đường ống xuyên Adriatic (TAP), tuyến đường ống thiên về phía Nam tới Italia.

Công ty dầu mỏ quốc gia Iran (NIOC) có cổ phần thiểu số trong dự án Shah Deniz. Tuy nhiên, vì lợi ích quốc gia trong dự án này, Quốc hội Mỹ đã đặt dự án này ra ngoài phạm vi các lệnh trừng phạt Iran liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Nhưng nếu Quốc hội Mỹ tìm cách thắt chặt trừng phạt Iran trong những tháng tới, sự miễn trừ này có thể được xem xét, đặc biệt là nếu lộ trình đường ống TAP được lựa chọn. Lộ trình của TAP như đã được đề xuất hiện nay sẽ làm yếu đi lập luận rằng Shah Deniz II và các dự án phụ thuộc vào nó mang lại lợi ích to lớn đối với an ninh của Mỹ.

Th.Long (Theo AP, Geopolitic)

DMCA.com Protection Status