Quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí (Kỳ cuối)

06:00 | 27/06/2024

32,848 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Quản trị doanh nghiệp CG và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp CSR là những lĩnh vực quan trọng mà lĩnh vực dầu khí có thể thúc đẩy sự bền vững và khả năng phục hồi.

Các thực tiễn và chiến lược tốt nhất đối với CG và CSR

Hiện CG và CSR đều là những thành phần thiết yếu của thực tiễn kinh doanh hiện đại, tập trung vào hành vi đạo đức, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình (Rendtorff, 2019, Sahut, Peris-Ortiz và Teulon, 2019, Yusoff, Ahman và Darus, 2019). Bài đánh giá này khám phá một số thực tiễn và chiến lược tốt nhất về quản trị doanh nghiệp và CSR, bao gồm các mô hình và cơ cấu quản trị thành công, chiến lược CSR hiệu quả và các nghiên cứu điển hình minh chứng cho các thực tiễn mẫu mực.

Quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí (Kỳ cuối)
Ảnh minh họa

Việc đảm bảo một hội đồng quản trị đa dạng và độc lập là điều cần thiết để quản trị doanh nghiệp một cách hiệu quả. Hội đồng quản trị nên bao gồm các thành viên có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và nền tảng khác nhau để cung cấp những hiểu biết sâu sắc và giám sát có giá trị cũng như tích cực giám sát hoạt động của công ty dầu khí, bao gồm hiệu quả tài chính, thực tiễn quản lý rủi ro và việc tuân thủ luật pháp và quy định. Việc tổ chức các cuộc họp hội đồng quản trị thường xuyên và cơ chế báo cáo là rất cần thiết để giám sát có hiệu quả. Sự liên kết thù lao cho giám đốc điều hành với các chỉ số hiệu quả hoạt động phù hợp với giá trị dài hạn của các cổ đông là một phương pháp quản trị quan trọng (Baysinger và Butler, 2019, Larcker và Tayan, 2020, Naciti, 2019). Điều này giúp gắn kết lợi ích của giám đốc điều hành với lợi ích của các cổ đông cũng như thúc đẩy việc ban hành các quyết sách đầy trách nhiệm.

Việc gắn kết với các bên liên quan, bao gồm các cổ đông, nhân viên, khách hàng và cộng đồng là rất quan trọng để quản trị hiệu quả. Hiện các công ty dầu khí đang tìm kiếm phương cách hiểu biết và giải quyết các mối quan ngại của các bên liên quan cũng như tích hợp phản hồi của các bên liên quan vào quá trình ban hành quyết sách. Việc thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro mạnh mẽ là điều cần thiết để quản trị hiệu quả với việc các công ty dầu khí cần phải xác định, đánh giá và giảm thiểu rủi ro trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh để bảo vệ giá trị của cổ đông và đảm bảo tính bền vững lâu dài cũng như tiến hành đánh giá tính trọng yếu để xác định và ưu tiên các vấn đề CSR phù hợp nhất với công ty dầu khí và các bên liên quan. Điều này giúp tập trung nỗ lực CSR vào những lĩnh vực mà chúng có thể có tác động lớn nhất (Edinger-Schons và cộng sự, 2020, Henisz, Koller và Nuttall, 2019, Winkler, Brown và Finegold, 2019).

Sự can dự của các bên liên quan để hiểu rõ những sự kỳ vọng và mối quan tâm của họ về CSR, điều này giúp đảm bảo các sáng kiến ​​CSR phù hợp với nhu cầu và lợi ích của các bên liên quan. Việc hợp tác với các tổ chức khác, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và các đối tác trong cũng lĩnh vực công nghiệp nhằm tận dụng chuyên môn và nguồn lực trong việc giải quyết các vấn đề CSR, điều này có thể dẫn đến kết quả có tác động và bền vững hơn cũng như thiết lập các số liệu và chỉ số hiệu suất chính (KPI) rõ ràng để đo lường tác động của các sáng kiến ​​CSR. Do vậy, các công ty dầu khí cần báo cáo thường xuyên về hiệu quả hoạt động CSR sẽ giúp chứng minh trách nhiệm giải trình và tính minh bạch với các bên liên quan. Việc tích hợp CSR vào chiến lược và hoạt động kinh doanh tổng thể của công ty dầu khí sẽ đảm bảo CSR không được coi là một chức năng riêng biệt mà là một phần cốt lõi trong cách thức kinh doanh của công ty dầu khí.

Sau đây là những minh chứng cụ thể về CRS ví dụ như hãng mỹ phẩm, giặt tẩy Unilever (Vương quốc Anh) đã được chứng nhận vì những cam kết về tính bền vững và CSR khi bản hãng đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của khách hàng, đồng thời nâng cao sinh kế của người dân trong chuỗi cung ứng của mình. Hãng thời trang Patagonia (Hoa Kỳ) thì được biết đến với các cam kết mạnh mẽ về sự bền vững môi trường và trách nhiệm xã hội thông qua việc thực hiện một loạt sáng kiến ​​nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, bao gồm sử dụng vật liệu tái chế trong các sản phẩm của mình cũng như thúc đẩy thực tiễn lao động công bằng trong chuỗi cung ứng của mình. Hãng phần mềm Microsoft đã được ca ngợi vì những nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập vào lực lượng lao động và chuỗi cung ứng của mình khi mà bản hãng đã triển khai các chương trình hỗ trợ các nhóm thiểu số và đặt ra các mục tiêu đa dạng đầy tham vọng cho lực lượng lao động của mình. Hãng dược phẩm Novartis (Liên bang Thụy Sỹ) đã được công nhận vì cam kết quản trị doanh nghiệp và thực hành kinh doanh có đạo đức khi đã thực hiện các chính sách tuân thủ nghiêm ngặt và tập trung mạnh mẽ vào tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hãng xe ô-tô EV Tesla (Hoa Kỳ) đã được ngợi ca bởi vì cách tiếp cận sáng tạo đối với CSR, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện EV khi mà các sản phẩm của bản hãng được coi là đóng góp cho một tương lai bền vững hơn. Giám đốc điều hành của hãng Tesla-tỷ phú Elon Musk là người luôn lên tiếng ủng hộ các vấn đề môi trường.

Tóm lại, quản trị doanh nghiệp hiệu quả và CSR đòi hỏi phải có cam kết về hành vi đạo đức, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bằng cách thực hiện các chiến lược và thông lệ tốt nhất, các công ty dầu khí có thể nâng cao danh tiếng, tạo dựng niềm tin với các bên liên quan, đồng thời tạo ra giá trị lâu dài cho các cổ đông và xã hội.

Định hướng và cơ hội tương lai

Hiện lĩnh vực dầu khí đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc khi phải vật lộn với những thách thức của biến đổi khí hậu, sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng và sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan quản lý. Quản trị doanh nghiệp CG và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp CSR là những lĩnh vực quan trọng mà lĩnh vực dầu khí có thể thúc đẩy sự bền vững và khả năng phục hồi. Đánh giá này khám phá các xu hướng mới nổi, cơ hội đổi mới và hợp tác cũng như tầm quan trọng của quản trị theo hướng bền vững đối với tương lai của lĩnh vực dầu khí (Blazquez và cộng sự, 2020, Blondeel và Bradshaw, 2022).

Một trong những xu hướng quan trọng nhất định hình tương lai của CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí là sự tập trung vào giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hiện các công ty dầu khí đang chịu áp lực ngày càng gia tăng trong việc cắt giảm lượng khí thải carbon và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn song ngày càng có sự công nhận về tầm quan trọng của sự tham gia của các bên liên quan đối với CG và CSR. Hiện tại các công ty dầu khí đang tương tác với nhiều bên liên quan hơn, bao gồm các nhà đầu tư, cộng đồng và tổ chức phi chính phủ, để tìm hiểu mối quan tâm của họ và kết hợp phản hồi của họ vào quá trình ban hành các quyết sách.

Mặt khác, công nghệ đổi mới sáng tạo cũng đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí khi mà các công ty dầu khí đang sử dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu suất môi trường, tăng cường an toàn và tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh dầu khí. Hiện ngày càng có sự nhấn mạnh vào tính minh bạch của chuỗi cung ứng trong lĩnh vực dầu khí khi mà các công ty dầu khí cũng đang phải chịu trách nhiệm về các tác động môi trường và xã hội của chuỗi cung ứng của họ cũng như đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Bối cảnh pháp lý đang phát triển nhanh chóng với việc chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới đưa ra các quy định và hướng dẫn mới nhằm thúc đẩy tính bền vững và cắt giảm lượng khí thải carbon. Do vậy, các công ty dầu khí sẽ cần phải theo kịp những phát triển này và đảm bảo tuân thủ để duy trì giấy phép hoạt động xã hội của họ (Koolwal và Khandelwal, 2019, Shah và cộng sự, 2022).

Sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ đem đến những cơ hội đáng kể cho sự đổi mới và hợp tác trong lĩnh vực dầu khí khi mà các công ty dầu khí có thể đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo và hợp tác với các bên liên quan nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn cũng có thể giúp các công ty dầu khí giảm thiểu chất thải, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tạo ra nguồn lợi nhuận mới.

Sự hợp tác với các lĩnh vực công nghiệp và các bên liên quan khác là chìa khóa để thực hiện thành công các sáng kiến ​​kinh tế tuần hoàn cũng như các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data) và Internet vạn vật (IoT) có thể giúp các công ty dầu khí nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm tác động đến môi trường và tăng cường an toàn. Sự hợp tác với các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến và các lĩnh vực công nghiệp khác có thể đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ này cũng như đầu tư vào các chương trình phát triển cộng đồng có thể giúp các công ty dầu khí xây dựng mối quan hệ tích cực với cộng đồng địa phương và nâng cao giấy phép hoạt động xã hội của họ. Bên cạnh đó, sự hợp tác với chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng là điều cần thiết cho sự thành công của các chương trình này (Javaid và cộng sự, 2022, Li và cộng sự, 2023).

Hiện các công ty dầu khí có thể đóng vai trò phục hồi hệ sinh thái bằng cách đầu tư vào trồng rừng, phục hồi vùng đất ngập mặn và các dự án bảo tồn thiên nhiên khác. Sự hợp tác với các tổ chức môi trường và cơ quan chính phủ có thể giúp các công ty dầu khí đạt được mục tiêu bền vững của mình. Việc quản trị theo định hướng bền vững giúp các công ty dầu khí xác định và quản lý rủi ro liên quan đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Bằng cách tích hợp tính bền vững vào thực tiễn quản trị, các công ty dầu khí có thể nâng cao khả năng phục hồi trước những cú sốc giá cả và gián đoạn bên ngoài với thực tiễn quản trị mạnh mẽ hướng tới sự bền vững có nhiều khả năng tạo dựng được niềm tin với các bên liên quan và nâng cao danh tiếng thương hiệu của công ty. Điều này có thể dẫn đến gia tăng lòng trung thành của khách hàng, niềm tin của nhà đầu tư và sự gắn kết của nhân viên. Ngoài ra, quản trị theo định hướng bền vững có thể đem lại cho các công ty dầu khí lợi thế cạnh tranh trên thị trường do được coi là đi đầu về tính bền vững có nhiều khả năng thu hút thêm khách hàng, nhà đầu tư và nhân tài hơn.

Hiện quản trị theo hướng bền vững giúp các công ty dầu khí tuân thủ các quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt. Bằng cách chủ động giải quyết các vấn đề ESG, các công ty dầu khí có thể tránh được các khoản phạt và hình phạt theo quy định. Quản trị theo định hướng bền vững còn là điều cần thiết để tạo ra giá trị lâu dài khi mà các công ty dầu khí ưu tiên tính bền vững có nhiều khả năng tạo ra giá trị lâu dài cho các cổ đông, nhân viên và toàn xã hội.

Tóm lại, tương lai của CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí nằm ở các hoạt động hướng tới sự bền vững, tập trung vào quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị có đạo đức. Bằng cách nắm bắt các xu hướng mới nổi, nắm bắt cơ hội đổi mới và hợp tác cũng như ưu tiên tính bền vững, các công ty dầu khí có thể nâng cao khả năng phục hồi, xây dựng niềm tin với các bên liên quan và tạo ra giá trị lâu dài.

Kết luận

Bài đánh giá này đã nêu bật bối cảnh ngày càng phát triển của CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí, tập trung vào các xu hướng, thách thức và các thực tiễn tốt nhất để đảm bảo tính bền vững. Hiện các xu hướng mới nổi như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, sự tham gia của các bên liên quan và ứng dụng công nghệ tiên tiến đang định hình tương lai của CG và CSR với những cơ hội đổi mới và hợp tác tồn tại trong quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, các sáng kiến ​​kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chương trình phát triển cộng đồng và phục hồi hệ sinh thái. Quản trị theo định hướng bền vững là điều cần thiết để quản lý rủi ro, danh tiếng thương hiệu, lợi thế cạnh tranh, tuân thủ quy định và tạo ra giá trị lâu dài.

Đối với các bên liên quan trong lĩnh vực dầu khí, bao gồm các công ty, chính phủ, nhà đầu tư, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, phải hợp tác để thúc đẩy các hoạt động bền vững trong lĩnh vực dầu khí: Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn trong quản trị doanh nghiệp và thực hành CSR; tiếp tục đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ bền vững; tăng cường sự tham gia và đối thoại của các bên liên quan để giải quyết các mối quan ngại và xây dựng niềm tin; áp dụng các thông lệ và tiêu chuẩn tốt nhất để đảm bảo tiến hành kinh doanh có trách nhiệm, và hỗ trợ các chính sách và quy định thúc đẩy tính bền vững và cắt giảm lượng khí thải carbon.

Tương lai của CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí nằm ở cách tiếp cận kinh doanh bền vững và có trách nhiệm, điều này bao gồm: Áp dụng quan điểm toàn diện về tính bền vững có xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong quá trình ban hành các quyết sách; tích hợp tính bền vững vào chiến lược và hoạt động kinh doanh cốt lõi; thúc đẩy văn hóa đổi mới, hợp tác và cải tiến liên tục; xây dựng các hệ thống có khả năng phục hồi và thích ứng có thể chịu được những thách thức và gián đoạn trong tương lai; dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và đóng góp vào nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tóm lại, tương lai của CG và CSR trong lĩnh vực dầu khí rất tươi sáng, đem đến những cơ hội cho các công ty dầu khí thúc đẩy sự thay đổi tích cực và tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan. Bằng cách áp dụng các hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm, lĩnh vực dầu khí có thể xây dựng một tương lai bền vững và kiên cường hơn cho các thế hệ mai sau.

Link nguồn:

https://www.researchgate.net/publication/379429680_Corporate_governance_and_CSR_for_sustainability_in_Oil_and_Gas_Trends_challenges_and_best_practices_A_review

Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí (Kỳ 2) Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí (Kỳ 2)
Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí (Kỳ cuối) Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí (Kỳ cuối)
Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí (Kỳ 1) Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực dầu khí (Kỳ 1)

Tuấn Hùng

ResearchGate

DMCA.com Protection Status