Quản trị hiệu quả công ty cổ phần

06:40 | 15/04/2018

3,641 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong quá trình cổ phần hóa, việc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần rất quan trọng. Để chuẩn bị tốt nhất cho công tác quản trị doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Nâng cao công tác quản trị trong công ty cổ phần” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã lược ghi một số ý kiến tại hội thảo này.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Công ty cổ phần có nhiều lợi thế

quan tri hieu qua cong ty co phan

Tôi đánh giá cao việc BSR chủ động mời những chuyên gia từ các viện kinh tế, công ty tư vấn để có thể tìm các phương thức quản lý, quản trị hiệu quả mô hình công ty cổ phần.

Những người quản lý BSR phải hiểu rõ công tác quản trị của công ty cổ phần. Quản trị tốt là một đòi hỏi khách quan và là áp lực để công ty phải thực hiện có hiệu quả chứ không thể là muốn làm hay không làm. Sắp tới, quyền của các cổ đông sẽ được sử dụng triệt để, rồi môi trường cạnh tranh..., sẽ là những áp lực bắt buộc phải đổi mới. BSR cần nhận thức rõ điều đó và cần phải nắm thật chắc về công ty của mình.

Cũng cần hiểu rõ đặc điểm của công ty cổ phần là gì, địa vị pháp lý của công ty cổ phần là gì, những người liên quan ở công ty cổ phần là gì, những khó khăn khi thay đổi mô hình công ty?...

Một trong những việc BSR làm rất tốt là trong buổi roadshow chào bán cổ phiếu lần đầu, những cổ đông thông tin rằng, những nhà quản trị BSR đang nắm rất rõ là mình đang quản trị cái gì. Cần phải phát huy điều đó trong việc quản trị công ty theo mô hình cổ phần.

Cũng cần nhận thức rõ, những công ty cổ phần ngoài những bất lợi thì có rất nhiều lợi thế. Công ty cổ phần có thể phát hành cổ phiếu, tăng vốn và sử dụng các công cụ tài chính để huy động các nguồn lực. BSR cũng phải hiểu đặc thù của công ty là vốn rất lớn, công nghệ rất phức tạp, chịu ảnh hưởng về cách mạng về năng lượng, an ninh năng lượng.

quan tri hieu qua cong ty co phan
Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

BSR cũng cần nâng cao công tác đào tạo, phổ biến kiến thức về công ty cổ phần; có giải pháp đưa những người trong mắt xích chuỗi quản trị hiện có đến học tập, giao lưu về kinh nghiệm quản trị công ty cổ phần. Đồng thời, BSR phải đầu tư thêm xây dựng hệ thống và công cụ quản trị theo hướng nhanh hơn, minh bạch hơn.

Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Tạo điều kiện thực hiện quyền của cổ đông

quan tri hieu qua cong ty co phan

Quản trị doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đó là bảo đảm khuôn khổ quản trị công ty, thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật, phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi. Công ty cũng phải bảo vệ và tạo điều kiện thực hiện quyền của cổ đông, bảo đảm sự bình đẳng đối với mọi cổ đông, kể cả cổ đông thiểu số và cổ đông nước ngoài. Mọi cổ đông phải có cơ hội khiếu nại hiệu quả khi quyền của họ bị xâm phạm.

Quản trị công ty cũng cần phải chú ý công nhận quyền của các bên có quyền lợi liên quan đã được pháp luật hay quan hệ hợp đồng quy định và phải khuyến khích sự hợp tác tích cực giữa công ty và các bên có quyền lợi liên quan trong việc tạo dựng tài sản, việc làm và ổn định tài chính cho doanh nghiệp.

Quản trị tốt là một đòi hỏi khách quan và là áp lực để công ty phải thực hiện có hiệu quả. Sắp tới, quyền của các cổ đông sẽ được sử dụng triệt để, rồi môi trường cạnh tranh... sẽ là những áp lực bắt buộc phải đổi mới.

Về việc cung cấp thông tin và tính minh bạch, quản trị công ty cổ phần cần bảo đảm việc công bố thông tin kịp thời và chính xác về mọi vấn đề quan trọng liên quan đến công ty, bao gồm tình hình tài chính, tình hình hoạt động, sở hữu và quản trị công ty.

Để áp dụng các nguyên tắc này, BSR cần nghiên cứu kỹ thực tiễn công ty và thực tiễn môi trường kinh tế tại Việt Nam. Sau đó cần tăng cường sự tiếp cận thông tin của cổ đông, nâng cao chất lượng thông tin được công bố, đặc biệt tập trung vào báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết.

Một số khuyến nghị dành cho BSR để thực hiện tốt việc quản trị công ty theo mô hình cổ phần là: Cần tăng cường sự tiếp cận thông tin của cổ đông; nâng cao chất lượng thông tin được công bố, đặc biệt tập trung vào báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết; nâng cao hiệu quả của quy trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông; tạo điều kiện cho cổ đông thiểu số, đặc biệt là cổ đông nước ngoài trong việc thực hiện quyền cho cổ đông; có các phương án phòng tránh và xử lý các xung đột lợi ích; thúc đẩy các hoạt động về môi trường, xã hội và người lao động; tăng chế tài, xử phạt các vi phạm.

Ông Phạm Ivan Hùng Anh, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam: Chú ý tuân thủ pháp luật

quan tri hieu qua cong ty co phan

Các lợi ích từ quản trị công ty tốt là vô cùng lớn. Quản trị tốt sẽ thúc đẩy hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; khuyến khích đầu tư, nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường vốn; giảm chi phí huy động vốn; tăng cường khả năng cạnh tranh; giảm nguy cơ tham nhũng; bảo đảm tính công bằng đối với các cổ đông; hướng tới lợi ích các bên liên quan của doanh nghiệp và toàn xã hội...

Về quy định pháp luật tại Việt Nam về công ty cổ phần, BSR cần chú ý tuân thủ Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Chứng khoán 2006, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư kinh doanh tại Doanh nghiệp, Nghị định 106/2015/NĐ-CP về quản lý người đại diện phần vốn Nhà nước; Thông tư 155/2015/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.

Trong quản trị, cần tách bạch rõ vai trò của HĐQT và Ban Điều hành. Ví dụ, Ban Điều hành phát triển, đề xuất định hướng chiến lược, kế hoạch kinh doanh và ngân sách, HĐQT là nơi phê duyệt những điều này. Ban Điều hành cần phát triển ban hoặc nhóm điều hành một cách hiệu quả; thực thi các hoạt động của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp và kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó, HĐQT cần tổ chức, giám sát và hướng dẫn hoạt động quản lý đối với phần còn lại trong công ty.

Trong mô hình công ty cổ phần, vai trò của Ban Kiểm soát (BKS) là vô cùng quan trọng. Theo Điều 165 Luật Doanh nghiệp thì BKS có vai trò thực hiện giám sát HĐQT và Ban Điều hành; rà soát, kiểm tra và đánh giá hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro và cảnh báo sớm của công ty... BKS cần có 3-5 người, có thể không phải là cổ đông của công ty. Những kiểm soát viên không được làm việc trong bộ phận kế toán, tài chính của công ty; không là thành viên công ty kiểm toán. Trưởng BKS phải là kế toán và kiểm toán viên chuyên nghiệp, làm việc chuyên trách.

quan tri hieu qua cong ty co phan
Công nhân kỹ thuật làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Để nâng cao hiệu quả của quản trị doanh nghiệp, cần bảo đảm yêu cầu về thành viên HĐQT độc lập, đồng thời cân bằng lợi ích của cổ đông và lợi ích của các bên có quyền lợi liên quan; nâng cao năng lực của HĐQT và tính đa dạng của thành viên HĐQT; tăng cường quản lý và quản trị rủi ro, chú trọng hơn vào chiến lược và tạo dựng giá trị cho công ty. Cần thiết phải đánh giá hiệu quả hoạt động của BKS và cân nhắc thành lập bộ phận hỗ trợ để nâng cao hiệu quả của BKS.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên: Phát huy nội lực và hợp tác, liên kết đầu tư

quan tri hieu qua cong ty co phan

Sau khi tiến hành IPO và đưa cổ phiếu của BSR lên sàn UPCoM (Hà Nội), BSR sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Đến thời điểm hết hạn đăng ký nộp hồ sơ (16h ngày 12-2-2018), có 2 nhà đầu tư nộp đủ hồ sơ và đáp ứng các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đã được phê duyệt tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 8-12-2017 là Petrolimex và Tập đoàn Indian Oil Corp của Ấn Độ.

Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của BSR và PVN, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả chào bán cổ phần và điều chỉnh phương án cổ phần hóa để tiến tới chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, hiện đang chờ Chính phủ xem xét, quyết định để tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu dự kiến tổ chức vào tháng 6-2018. Thời gian dự kiến BSR chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1-7-2018.

Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2-2009, NMLD Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 nghìn tỉ đồng (tương đương 38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD). Năm 2018, BSR đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 8.326 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.473 tỉ đồng.

Kế hoạch kinh doanh 5 năm sau cổ phần hóa (giai đoạn 2018-2022), BSR đặt mục tiêu tập trung hoạt động sản xuất an toàn, ổn định, hiệu quả, làm chủ công nghệ và bền vững, đồng thời cơ bản hoàn thiện Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất vào năm 2020 và tiến hành kết nối vào năm 2021, đưa cụm dự án nâng cấp mở rộng đi vào hoạt động an toàn, ổn định và đạt hiệu quả cao vào năm 2022. Định hướng phát triển của BSR là: Sản xuất kinh doanh các sản phẩm lọc hóa dầu là chủ đạo; sản phẩm luôn đáp ứng tiêu chuẩn quy định và thân thiện với môi trường; tối ưu hóa năng lực hiện có, đẩy mạnh nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất để nâng cao hiệu quả và bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, BSR phát huy nội lực và hợp tác, liên kết đầu tư với các đối tác có uy tín và tiềm lực nhằm khai thác các lợi thế, cơ hội và chia sẻ rủi ro.

BSR chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với Đề án tái cơ cấu chung của PVN; đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu về quản trị công ty khi trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Sau khi cổ phần hóa, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Cơ cấu HĐQT cần bảo đảm sự cân đối giữa các thành viên điều hành và các thành viên không điều hành. Tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên không điều hành. Kiểm soát viên phải có chuyên môn là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.

Ngày 17-1-2018, BSR đã tổ chức thành công phiên bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Toàn bộ 241.556.969 cổ phần đã được đấu giá thành công, tương đương 7,79% cổ phần BSR. Mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 20.800 đồng/cổ phần; cao nhất là 14.800.000 đồng/cổ phần. Mức giá trung bình là 23.043 đồng/cổ phần.

Sau đợt IPO, Nhà nước thu về 5.417 tỉ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán cổ phần dự kiến theo giá khởi điểm.

Có 623 nhà đầu tư trúng đấu giá; trong đó có 62 tổ chức, 561 cá nhân trên tổng số 4.079 nhà đầu tư đăng ký. Nhà đầu tư nước ngoài trúng hơn 147 triệu cổ phần, tương đương 61% khối lượng chào bán.

Trước IPO, tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 651.789.522, gấp 2,7 lần lượng cổ phần chào bán, điều này cho thấy sức “nóng” của cổ phiếu BSR.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay, vượt xa các lần IPO của các doanh nghiệp trước đó như Đạm Cà Mau (năm 2014, thu về khoảng 1.580 tỉ đồng); Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV (năm 2015, thu về 1.116 tỉ đồng); Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (năm 2016, thu về khoảng 2.136 tỉ đồng).

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phần của BSR trên hệ thống UPCoM từ ngày 1-3-2018, với mức giá tham chiếu chào sàn là 22.400 đồng/cổ phần, tương ứng với giá trị cổ phần niêm yết khởi điểm 5.417 tỉ đồng. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu của BSR đã tăng lên đến 31.300 đồng/cổ phần, khá cao so với giá tham chiếu.

Thanh Hiếu

DMCA.com Protection Status