Hai kịch bản tăng trưởng điện năm 2022:

Sẵn sàng đảm bảo điện trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, thích ứng an toàn với Covid-19

16:55 | 28/11/2021

11,704 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tại diễn đàn Năng lượng cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Hội Truyền thông Số Việt Nam tổ chức hôm nay (26/11/2021), đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng 2 kịch bản tăng trưởng điện của năm 2022, trong đó có cả kịch bản tăng trưởng điện rất cao - lên tới 12,4% - khi nền kinh tế phục hồi, thích ứng an toàn với Covid-19.
Sẵn sàng đảm bảo điện trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, thích ứng an toàn với Covid-19
Ảnh minh hoạ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, căn cứ vào dự báo phát triển kinh tế xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, EVN xây dựng Hai kịch bản tăng trưởng phụ tải điện năm 2022. Cụ thể, kịch bản 1: sản lượng điện toàn quốc tăng trưởng khoảng 8,2% so với năm 2021 (tương đương đạt khoảng 275,5 tỷ kWh). EVN cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản 2 - sản lượng điện tăng tới 12,4% (tương đương 286,1 tỷ kWh/năm 2022).

Với các kịch bản này, EVN dự kiến khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng cực đoan khi nền nhiệt độ cao hơn 36 độ C kéo dài trong các tháng 5,6,7 (với dự báo công suất đỉnh phụ tải miền Bắc năm 2022 có thể đạt hơn 24.000MW, tăng thêm 2.076-2.870 MW so với năm 2020. Qua tính toán cân đối cho thấy, khu vực miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 2.000MW trong một số giờ cao điểm trong điều kiện thời tiết cực đoan.

Đã có rất nhiều giải pháp đồng bộ được EVN xây dựng trên cơ sở 2 kịch bản cũng như lên phương án đảm bảo điện trong mọi tình huống bất thường có thể xảy đến, từ giải pháp vận hành, như: tích nước các hồ thủy điện lên mực nước cao nhất có thể vào cuối năm 2021, nhất là các hồ khu vực miền Bắc để đảm bảo cấp điện mùa khô năm 2022; Huy động tối ưu các nguồn miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc; Dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ…

Ông Võ Quang Lâm - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: EVN đã phối hợp với các NM thủy điện nhỏ để ký kết các phụ lục hợp đồng điều chỉnh khung giờ cao điểm của các nhà máy này vào các giờ phù hợp với nhu cầu của phụ tải, góp phần rất lớn trong việc giảm thiếu điện trong các giờ cao điểm của miền Bắc.

Cũng theo ông Võ Quang Lâm, EVN cũng đang phối hợp Bộ NN&PTNT, các địa phương trong việc cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc bộ nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước khi năm nay khu vực sông Đà tiếp tục khô hạn, nguồn nước khan hiếm; trong khi đó, theo kế hoạch các nhà máy thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình… sẽ phải xả khoảng 4,8 tỷ kWh điện phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân năm 2021-2022 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Cùng với tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết các nhà máy điện để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy; Đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện; Bố trí lịch sửa chữa các tổ máy hợp lý, trong đó không thực hiện sửa chữa các NMĐ khu vực phía Bắc trong các tháng 5, 6, 7 năm 2022 để tăng cường thêm công suất khả dụng nguồn điện khu vực miền Bắc… EVN cũng đang tập trung vào các giải pháp bổ sung nguồn cung (như: nghiên cứu đầu tư các hệ thống lưu trữ điện - BESS tại khu vực miền Bắc nhằm bổ sung nguồn phủ đỉnh; Tăng cường nhập khẩu điện từ Lào về khu vực miền Bắc; Các doanh nghiệp có máy phát diesel hỗ trợ…) và tăng cường năng lực truyền tải (như: đẩy nhanh tiến độ các đường dây truyền tải, nâng cao năng lực truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc; Hoàn thành các dự án lưới điện phục vụ giải toả công suất các nhà máy thuỷ điện nhỏ miền Bắc và các nguồn NLTT khu vực miền Trung, Tây Nguyên…).

Nhu cầu sử dụng điện cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn rất lớn, tạo ra áp lực rất lớn trong nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện cho đất nước. Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh lưu ý thêm là sẽ phải đẩy rất nhiều các nguồn của miền Bắc lên để đảm bảo cung ứng, đáp ứng yêu cầu phụ tải rất lớn.

Đánh giá cao việc chủ động xây dựng kế hoạch cung cấp điện của EVN với 2 kịch bản tăng trưởng trước rất nhiều áp lực hiện hữu, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh đến giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bởi trên thực tế, hiệu quả sử dụng năng lượng - nhìn từ chỉ số cường độ sử dụng năng lượng (là lượng năng lượng mà nền kinh tế phải sử dụng để tạo ra được 1 đơn vị GDP) của Việt Nam còn rất lớn, cho thấy tiết kiệm điện nói riêng, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng nói chung còn nhiều dư địa, và là một cột trụ quan trọng trong đảm bảo năng lượng cho đất nước.

Ông Trịnh Quốc Vũ nêu cụ thể "Ở đây là 1.000 USD GDP chúng ta đã phải tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi năng lượng sơ cấp, thế thì con số này cao hơn rất nhiều so với các nước đã phát triển – ví dụ như Nhật Bản chỉ sử dụng trên 80-90 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP thôi, phải dùng khoảng 400 kg dầu quy đổi. Hay là so với Thái Lan, Malaysia thì chúng ta cũng cao hơn, chúng ta cao hơn Thái Lan khoảng 30 %, cao hơn Malaysia khoảng 60 %... Thế thì điều đó đặt ra là gì ? Là chúng ta sử dụng năng lượng chưa thật sự hiệu quả. Và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để sử dụng hiệu quả năng lượng hơn, giúp cho bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng của quốc gia.."

Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất kinh donah, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra, ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Coivid-19.

Nghị quyết 84/NQ-CP đã đề ra một loạt các nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công như thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lãi suất cho vay, phí trước bạ... cho các đội tượng thụ hưởng theo quy định; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; cho phép chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài vào làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; gia hạn giấy phép lao động cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài...

Nghị quyết cũng đề ra một loạt các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp, không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết; hướng dẫn xaya dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu kép: phòng, chống dịch tốt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp...;đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư; chủ động nghiên cứu và triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; năng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng quan liệu, nhũng nhiễu; tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công...

Triển khai Nghị quyết 84/NQ-CP, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, một loạt các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất đã được Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện. Đó là việc Thủ tướng Chính phủ thường xuyên có các buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo các Bộ, ngành để kịp thời có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ những vấn đề tồn tại, chưa phù hợp trong quan lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp. Thủ tướng cũng thường xuyên có các cuộc gặp gỡ, tiếp túc và trao đổi với đại diện các doanh nghiệp để lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để từ đó đưa ra các quyết sách phù hợp, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phục hồi, phát triển của người dân và doanh nghiệp.

Nhờ những quyết sách phù hợp, kịp thời như vậy, năm 2020 và cả những tháng đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương, không rơi vào cảnh suy thoái như nhiều nền kinh tế lớn phải đối diện. Các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được đảm bảo....

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguyên Long

EVN triển khai thi công công trình đường dây 220kV trị giá gần 600 tỷEVN triển khai thi công công trình đường dây 220kV trị giá gần 600 tỷ
EVN chuyển đổi số: Hiệu quả sản xuất kinh doanh song hành lợi ích của khách hàngEVN chuyển đổi số: Hiệu quả sản xuất kinh doanh song hành lợi ích của khách hàng
Khẩn trương dự thảo Nghị định chuyển giao công trình điện sang EVN quản lýKhẩn trương dự thảo Nghị định chuyển giao công trình điện sang EVN quản lý
Ngành Điện phía Nam thích ứng kịp thời với trạng thái bình thường mớiNgành Điện phía Nam thích ứng kịp thời với trạng thái bình thường mới
EVNPECC3 đạt giải thưởng top 20 “Dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng”EVNPECC3 đạt giải thưởng top 20 “Dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng”
Ký hợp đồng tư vấn cho Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn ĐảoKý hợp đồng tư vấn cho Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo

DMCA.com Protection Status