Sống như cuộc đời muốn (Kỳ 2)

08:59 | 05/08/2011

43 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Tôi biết phải rất khó khăn ông Nguyễn Đăng Liệu mới nói ra được những tâm sự như vậy với người ngoại đạo như tôi. Ông có vẻ hài lòng với những bước trưởng thành ban đầu của con cái. Ông không muốn và không thấy cần phải tổng kết đời mình...

>> Sống như cuộc đời muốn (Kỳ 1)

Cũng là lần đầu tiên ngành Dầu khí nước nhà tiến hành khảo sát có hệ thống vùng ven biển từ đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận đến tận Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau, cũng như một vệt triền sông Đồng bằng Nam Bộ. Chúng tôi là những người thám hiểm lòng đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào loại sớm nhất. Chúng tôi có nhiệm vụ đưa ra đánh giá ban đầu về khả năng có hay không tầng chứa dầu trầm tích Đệ Tam ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm vụ thì lớn nhưng khối lượng khảo sát được tiến hành lại phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống sông ngòi, kênh rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long với phương tiện thực hiện lại rất hạn chế và chủ yếu bằng tàu thuyền. Khá nhiều việc phải dùng đến cơ bắp. Gần như đa phần thời gian chúng tôi sống ngay trên tàu, một số công nhân định vị phải sống tạm bợ trong những túp lều. Ngoài công việc phải thực hiện trong cảnh toàn sình lầy, đi lại cực nhọc, nỗi hãi hùng nhất mà tôi không thể quên là muỗi. Đúng là vơ được muỗi.

Trước kia tôi cứ tưởng người ta nói một cách hình tượng như vậy, đến khi nhập cuộc mới thấy đó hoàn toàn là mô tả thực. Nhưng cố gắng của chúng tôi không hề uổng. Những kết quả khảo sát chúng tôi thu được hiện vẫn đang được sử dụng để đánh giá tiềm năng dầu khí, trong đó khẳng định quan trọng ban đầu là tầng trầm tích Đệ Tam vùng châu thổ quá mỏng, khó có khả năng đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết về sinh, chứa chắn dầu. Khó nhưng không phải là không thể. Tức là, nếu tiếp tục hy vọng vùng Châu thổ sông Cửu Long có dầu thì chúng ta phải có một cách tiếp cận khác về mặt khoa học. Chúng ta đã có bài học từ mỏ Bạch Hổ để hiểu rằng, mọi sự kỳ diệu luôn là bí mật lớn nhất của tạo hóa. Hiện nay Công ty Salamander của Australia vẫn đang tiếp tục kiên nhẫn làm tiếp công việc của chúng tôi.

Ông Nguyễn Đăng Liệu (giữa) cùng đoàn kiểm tra kết quả địa vật lý ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 1976

Vào thời gian đó, cùng với việc thành lập Đoàn Dầu khí Đồng bằng sông Cửu Long, Công ty Dầu khí II ra đời, đánh dấu thêm một cái mốc quan trọng của lịch sử chinh phục thềm lục địa phía nam. Tôi tiếp tục làm việc ở Đội Địa chấn, tiến hành khảo sát địa chấn ở Đồng bằng sông Cửu Long cho đến năm 1977, rồi qua Pháp tham gia minh giải tài liệu thu được. Trở về nước tôi được điều động về Công ty Dầu khí II và đi Vũng Tàu lập đại bản doanh mới. Trong thời gian này tôi vẫn tiếp tục làm công tác chuyên môn; giai đoạn đầu (năm 1978) làm giám sát kỹ thuật, đại diện của Petrovietnam trên tàu địa chấn GECO, phần lớn thời gian sau đó tôi đầu tư cho phân tích, tổng hợp tài liệu địa vật lý tại Phòng Kỹ thuật của Công ty Dầu khí II cho đến khi thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt – Xô. Lúc đầu tôi được cử làm Kỹ sư trưởng Địa vật lý, sau đó chuyển làm Phó phòng Kỹ thuật trực thuộc Xí nghiệp Liên doanh. (Tức là cũng từ Zero – chú thích của người ghi). Rồi do phân công của tổ chức, tôi về công tác tại Viện Dầu khí, làm Trưởng phòng Quản lý Khoa học Kỹ thuật. Nhờ thế mà tôi có điều kiện hiểu sâu hơn về nhiều vấn đề liên quan đến công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Nó giúp tôi sau này, khi ở cương vị Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, có thể đưa ra những quyết định mà không bị động, đồng thời hiểu được tầm quan trọng của công việc phải đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ.

Trở lại câu chuyện, cho đến lúc ấy, kỷ niệm của tôi với ngành Dầu khí chỉ là những năm tháng làm việc hết sức mình theo những gì được phân công, đồng cam cộng khổ với anh em, đồng nghiệp. Tuy nhọc thân, mất sức nhưng có cái thoải mái của người làm theo bổn phận, theo sự phân công, theo chỉ đạo, hay nói như anh em là chỉ đâu đánh đó. Mọi quyết định được ban ra từ đâu đó và chúng tôi chỉ phải thực hiện. Thực hiện càng nhiều công việc, bản thân càng đúc rút được nhiều kinh nghiệm và năng lực làm việc càng tốt hơn. Khi ấy tôi không bao giờ hình dung cuộc đời mình lại sắp phải đối mặt với những quyết định cá nhân vô cùng khó khăn như tôi sắp kể.

Những album ảnh lưu niệm thời kỳ công tác được ông quý như báu vật

Tháng 10-1986, tôi được điều về làm Giám đốc Công ty Địa vật lý có trụ sở chính trước đó đóng tại Xuân Thủy, Nam Định (khi đó là Hà Nam Ninh). Sau cơn bão lớn cơ sở, nhà xưởng bị đổ nát hoàn toàn và tôi phải đưa ngay ra câu trả lời là chuyển về Hải Phòng hay Hưng Yên? Hưng Yên thì có sẵn cơ sở cũ trước đây, trong khi Hải Phòng thì chưa có gì. Nếu muốn nhàn thân thì về Hưng Yên là đắc sách nhất. Nhưng nếu nghĩ đến định hướng lâu dài của công ty thì phải cắm chân tại Hải Phòng. Cuối cùng tôi lựa chọn phương án nhắm đến tương lai, tức là về Hải Phòng. Điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi phải gây dựng từ con số không. Khi tôi tiếp quản công ty, số cán bộ, công nhân viên là cả ngàn người. Hơn một ngàn người ấy không thể dồn hết về Hải Phòng, nơi chúng tôi mới có một miếng đất trống trơn chỉ toàn sú vẹt ở gần cảng Chùa Vẽ. Trong tình trạng chưa có cơ sở ổn định, đói ăn, không đủ việc làm, chúng tôi đã chọn giải pháp bố trí làm việc và sinh hoạt ở nhiều nơi trong địa bàn các tỉnh Hải Hưng, Hà Nam Ninh và Thái Bình; chỉ có những bộ phận chủ lực mới chuyển về Hải Phòng nhưng được bố trí ở nhiều nơi như Quán Toan, Bến Kiền… Riêng cơ quan công ty thời gian đầu chúng tôi quyết định thuê nơi làm việc gần khu đất ở Chùa Vẽ để tiện chỉ đạo việc thi công xây dựng cơ sở mới. Lúc đầu trụ sở công ty được thuê đóng ở Trường Đảng Tô Hiệu, sau rời về Trường Đào tạo Giáo viên dạy trẻ, rồi rời đến một cở sở thuê của Cơ quan Bảo đảm hàng hải…

Cuộc sống vô cùng tạm bợ. Do trước đó công ty đã chuyển sang cơ chế hạch toán nên không thể trông chờ vào đâu ngoài chính mình. Nhiều năm tháng đã trôi qua nhưng nỗi khổ tâm của tôi vẫn đeo đẳng mỗi khi nhớ về những năm tháng ấy. Hồi đó, để tinh giản biên chế, Nhà nước có chính sách cho nghỉ hàng loạt, gọi là nghỉ chế độ 176. Nghe thì nhẹ nhàng thế nhưng đó thực sự là cú sét với nhiều người. Bởi vì thực chất đây là một giải pháp sa thải hàng loạt, bất đắc dĩ khi mọi lựa chọn khác đều xấu hơn. Riêng công ty của chúng tôi, do những điều kiện lịch sử mà số người thuộc diện nghỉ 176 khá đông. Nếu không giảm biên chế, chúng tôi sẽ không tự bước đi với cái thân hình cồng kềnh, ốm yếu ấy, tức là sẽ sụp đổ. Sau khi rà soát, chạm tới chỗ nào cũng thấy lực lượng dư thừa, tôi biết là chính tôi sẽ phải ký cho nghỉ hàng trăm người.

Vấn đề là ai bây giờ? Ai cũng không nỡ. Theo nhau từ khi còn nghèo khó, gắn bó với nhau cả khi đói ăn vàng mắt, ký thác gần trọn đời cho sự nghiệp nay sắp đến ngày sáng sủa thì một số phải ra về tay trắng với một tương lai hoàn toàn mù mịt. Chắc chắn sẽ có nhiều người rơi thẳng xuống nghèo đói, vô gia cư, kéo theo biết bao là hệ lụy cho gia đình. Sẽ có nhiều người không còn cơ hội làm lại cuộc đời. Giá được ước một điều thì tôi sẽ ước không phải đặt bút ký giảm biên chế cho bất cứ ai. Tôi sẽ ước chúng tôi mãi được no đói có nhau. Nhưng tôi không có được điều ước ấy. Không còn là vấn đề tình cảm nữa mà là chủ trương chính sách, một bước đột phá, dù tàn nhẫn, cho những thay đổi tiếp theo. Những ngày đó lúc nào tôi cũng sống trong tâm trạng của người có lỗi với đồng nghiệp. Lúc nào đầu óc tôi cũng nặng trĩu ưu phiền. Tôi phải đi trong một con ngõ quá hẹp, lựa chọn giữa những thứ quá nghiệt ngã. Kết quả là tôi bị suy kiệt toàn diện phải đi cấp cứu. Nhưng nếu thể trạng tôi có thể hồi phục sau đó một thời gian, thì tinh thần của tôi còn đau đớn nhiều năm dài về sau, nhất là khi gặp lại ai đó sống khổ cực hơn những người may mắn được ở lại.

Sau cơn bão giảm biên chế, chúng tôi bắt đầu tìm cách để tồn tại. Công việc chính vẫn là duy trì hoạt động của tàu Bình Minh, khảo sát địa vật lý ở vùng Vịnh Bắc Bộ; nhưng thu nhập chính lại trông chờ vào các dịch vụ chẳng dính dáng gì đến chuyên môn. Chúng tôi tổ chức cho công nhân viên của mình làm trăm thứ việc. Cứ việc gì kiếm được tiền là chúng tôi nhận. Thôi thì thượng vàng hạ cám, từ nung vôi, san lấp vượt thổ cho đến làm thảm ngô, sản xuất mây tre đan… Cứ ở đâu có việc là chúng tôi tìm đến. Cứ việc gì cho thu nhập là chúng tôi nhận. Chúng tôi biết điều đó không thể giải quyết được vấn đề lâu dài, nhưng mục tiêu là phải tồn tại và tận dụng những thứ mình có trong tay. Chẳng hạn, sẵn có chút lợi thế về địa điểm và phương tiện vận tải, chúng tôi đi vận chuyển than thuê, thực chất là đi buôn kiếm lời. Đội tàu của chúng tôi chở than từ Quảng Ninh về Quán Toan, Hải Phòng bán cho những lò vôi ở đó hoặc cùng họ trực tiếp nung vôi. Rồi chính chúng tôi lại mua thành phẩm vôi của họ từ Quán Toan chở dọc theo đường sông về Hưng Yên bán cho người dân xây nhà. Việc mua đi bán lại như vậy, giờ đây là bình thường chứ lúc ấy bị người ta coi như buôn lậu. Có phen người của chúng tôi đã bị bắt giam và xuýt bị ra tòa vì bị quy cho tội bán vượt giá quy định của Nhà nước. Không bán vượt giá thì làm sao có lãi. Nhiều cái sai của một thời lại là dấu hiệu của cái đúng về sau. Nhưng giữa lý thuyết và thực tế luôn có một khoảng cách khắc nghiệt không dễ vượt qua. Làm thì vất vả thế nhưng cuộc sống vẫn rất cực nhọc, bữa ăn hàng ngày chủ yếu vẫn là bát cơm gạo hôi (gạo mậu dịch mà), thêm một số hạt bo bo và một chút cá tép khô; tình trạng đói kém vẫn bao trùm. Với riêng tôi còn có thêm áp lực từ gia đình. Khi đó gia đình tôi vẫn ở quê. Vợ tôi một mình cáng đáng mọi lo toan trong khi sức khỏe lại không tốt. Thú thật cho đến bây giờ tôi vẫn thấy lạ là tại sao có lúc mình lại dám bất chấp mọi thứ như vậy.

Khi mọi thứ bắt đầu tạm ổn, khi chúng tôi, dù vẫn rất khổ cực, nhưng đã kiến tạo được một cơ sở tại đường Đà Nẵng, Hải Phòng, thì Công ty Petrovietnam II được thành lập ở TP Hồ Chí Minh do ông Đặng Của làm Giám đốc, tôi được điều vào làm Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Giống như cơ sở tôi tiếp quản trước đó ở Hải Phòng, Petrovietnam II lúc đầu cũng không có gì đáng tiền. Tất cả mọi thứ đều phải xin, phải vay của đơn vị bạn, thậâm chí phải vay cả vàng của nhân viên để bán đi mua dụng cụ bát đĩa cho nhà ăn. Ngày nay tiềm lực của ngành Dầu khí luôn được coi là hàng đầu bởi chúng ta đã moi được hàng trăm triệu tấn dầu từ lòng biển, chứ ngày đó mọi thứ vẫn còn ở thì tương lai. Thế là lại bắt tay vào cùng nhau gây dựng từ nền móng. Lại chắt bóp, tiết kiệm, sống kham khổ để chờ ngày tươi sáng. Tôi ở với ông Của được 6 tháng, cứ tưởng có thể yên phận một thời gian lâu lâu bởi thực lòng thì tôi cũng muốn thế, thì tại Hải phòng Công ty Petrovietnam I được thành lập. Thế là tôi lại được bay ra để làm Giám đốc. Có lẽ trong hàng ngũ các lãnh đạo ngành Dầu khí, tôi là người thuyên chuyển Bắc – Nam vào loại nhiều nhất. Cuộc đời muốn mình như vậy thì đành chấp nhận thôi. Và lại thêm một phen nữa lập nghiệp từ tay trắng, mất khoảng hơn 2 năm, cho đến khi chúng tôi chuyển về Hà Nội, đóng tại 133 Thái Thịnh và sau quá trình chuyển đổi, sáp nhập, nay tại đó là một thực thể vào loại hùng mạnh nhất của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam… Ái chà, thấm thoắt mà đã mấy mươi năm”.

Ông Liệu kể đến đó thì dừng lại, bảo với tôi:

- Thế thôi nhỉ, gọi là có một chút kỷ niệm với ngành.

Trước khi gặp ông Liệu, ngoài những thông tin của Đinh Thị Hồng Thúy, tôi cũng có thêm vài hiểu biết về ông ở đoạn sau. Ngoài tham gia gây dựng cơ nghiệp cho các đơn vị từ ngày đầu, thời kỳ lên Tổng Công ty, ông cũng là những thành viên đầu tiên xây dựng Phòng Khoa học Công nghệ và Môi trường và hăng hái lập ra nhiều đề án mới. Trong đó có những đề án do tập thể phòng chủ động lập và triển khai như Dự thảo Quy chế quản lý công tác nghiên cứu khoa học công nghệ dầu khí, Quy chế bảo vệ môi trường, Quy chế quản lý công tác An toàn trong hoạt động dầu khí… Nhiều đề án tập thể phòng tham gia cùng với các đơn vị khác như Đề án thành lập Phòng Khí, Phòng Chế biến dầu khí và các đề án thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ dầu khí. Riêng Hội đồng Khoa học – Công nghệ của Tổng Công ty Dầu khí (lúc bấy giờ) do ông làm Tổng thư ký thì cũng lại khởi đầu từ số không mà thành. Năm 2000, ông Nguyễn Đăng Liệu trở thành Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí giữa lúc có nhiều biến động cả về công việc lẫn tổ chức. Đó là thời kỳ ngành Dầu khí phải đối mặt với đủ thứ tai họa sau gần mười năm phát triển rực rỡ, có cái thuộc loại thiên tai, bất khả kháng, có cái thuộc loại nhân tai, không lường trước được. Nói như một số anh em may mắn ra khỏi cơn hiểm nghèo là ngành Dầu khí bị lộn trái bởi những cuộc thanh, kiểm tra tơi bời, tài liệu phục vụ cho các cuộc “mổ xẻ” ấy, có lúc có đơn vị phải chở bằng ôtô! An ủi thì bảo đó là số phận.

Những tai họa ấy, dù thuộc loại nào thì chúng đều gây nên những xáo trộn về nhân tâm, xáo trộn về tổ chức và ông phải ghé vai gánh chịu một phần. Tôi được biết, cũng vì những lý do đã nêu mà đã có lúc mình ông gần như đảm nhận một khối lượng công việc của ba ông phó tổng. Nghĩa là việc ngập đầu theo đúng nghĩa đen. Đây cũng là thời kỳ sức lực ông tiêu hao nhiều nhất. Ngoài công việc chung, hoàn cảnh gia đình cũng chất lên vai ông thêm một nỗi lo thường trực. Mẹ già đau ốm trong khi vợ vẫn phải sống như một giáo chức nghỉ hưu nghèo, thay ông nuôi dạy con cái và có quyền phàn nàn về ông. Ngoài ra tôi cũng biết ông là người đã được giao khởi thảo các văn bản: “Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025”, “Mô hình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” (sau đó đã thành hiện thực vào đầu năm 2006). Tôi, với tư cách người viết rất khoái khai thác sâu những chi tiết như vậy ở ông, có thể chỉ để hiểu thêm về một lĩnh vực kiến thức nhưng đáp lại ông chỉ tóm tắt vài cái mốc thời gian, tóm tắt rất sơ sài.

Ngoài việc không phải chuyện nào cũng muốn và cũng nên nhớ lại – như ông tâm sự – ông không phải tuýp người thích nói về mình. Đổi lại, ông là tuýp người hay ưu tư. Ông ưu tư về nhiều vấn đề, từ kỷ cương đất nước đến những giá trị gia đình truyền thống đang bị mai một. Với ngành Dầu khí, nơi ông gắn bó gần như suốt đời và cho ông một số phận thì ông lo cho bước phát triển tiếp theo khi nguồn tài nguyên quan trọng này không thể là vô tận. Có những tâm sự ông cần phải nói với lớp trẻ, như truyền đạt chút kinh nghiệm ông tích cóp được. Theo ông, đặc thù của Dầu khí là khai thác tài nguyên nên vai trò của cá nhân không thấm vào đâu, vì thế mà anh phải khiêm tốn bởi luôn xảy ra nguy cơ hậu thế sẽ tính sổ với anh. Dầu khí biển là ngành công nghiệp mới mẻ, mới ngay cả với nhiều nước công nghiệp phát triển, trong khi chúng ta không có thừa kế từ tổ tiên nên phải học, chịu khó mà học vì công nghệ Dầu khí phát triển liên tục. Ngay giàu có và phát triển như nước Mỹ cũng phải thuê các dịch vụ cao, điều đó chỉ chứng tỏ không ai được tự cho mình quyền bằng lòng. Chúng ta nghèo thì lấy cần cù bù vào. Kinh nghiệm của ông là ngay cả sai lầm của người đi trước cũng là vốn quý cho riêng mình.

Tôi biết phải rất khó khăn ông Nguyễn Đăng Liệu mới nói ra được những tâm sự như vậy với người ngoại đạo như tôi. Ông có vẻ hài lòng với những bước trưởng thành ban đầu của con cái. Ông không muốn và không thấy cần phải tổng kết đời mình. Nhưng tôi thì rất tò mò về điều đó. Tuy vậy, cho tới lúc chia tay, tôi cũng mới chỉ cảm thấy cầm chắc hai thứ rút ra từ cuộc đời ông: Một là, ông là người sống theo ý muốn của cuộc đời, ý muốn ấy là luôn khiến ông không được an nhàn, phải làm nên từ tay trắng. Và hai là, ông là người hiểu lẽ đời nên biết nhường nhịn và do đó về già tìm thấy sự an nhàn.

Nhưng ngẫm nghĩ sâu xa thì còn có cách biểu hiện lòng yêu quý nào thanh cao, sâu sắc hơn mà cuộc đời dành cho những đứa con nó yêu quý? Ấy là tôi nghĩ thế, suy từ những gì tôi có và từ những gì thấy được từ ông Nguyễn Đăng Liệu.

{lang: 'vi'}

Vân Phương

Hà Nội, tháng 12/2008

DMCA.com Protection Status