Sức sống mới ở PVEP

07:06 | 07/02/2014

745 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Hiện tại, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) là một trong hai đơn vị lớn hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Với nhiệm vụ của mình, có thể thấy rằng, mục tiêu tăng trưởng của PVEP gắn liền với sự gia tăng trữ lượng và sản lượng hàng năm. Trong năm 2013, những cuộc trường chinh đi tìm dầu ở trong nước và ngoài nước của các công nhân, kỹ sư PVEP không chỉ giúp ngành Dầu khí tăng trưởng mạnh mà còn mang lại cho PVEP sức sống mới cho tương lai.

Năng lượng Mới số 294

Những thành công mới

Tính đến thời điểm hiện tại, PVEP đang tham gia cổ phần ở 60 dự án trong và ngoài nước, trong đó có 35 dự án trong giai đoạn tìm kiếm thăm dò. Ông Lê Tuấn Việt, Trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò PVEP vui mừng cho biết, kết quả khoan tìm kiếm, thăm dò năm 2013 đạt xác suất thành công tới 75% (15/20 giếng). Trong số 15 giếng thành công có 4 phát hiện mới quan trọng và 3 mỏ thẩm lượng thành công. Trong ngành Dầu khí, công tác khoan thăm dò đặc biệt quan trọng bởi nếu tính toán không khoa học, không tập trung trí tuệ, không quyết đoán thì mũi khoan cắm xuống cũng chỉ thấy bùn, cát, đá và nước mà thôi. Trong nghề khoan, nhiều mũi khoan có giá lên tới hàng triệu đôla, chưa kể chi phí tàu, giàn khoan phục vụ công tác khoan. Phát hiện có dầu khí tức là thành quả lao động đã được đền đáp, hay nói một cách dễ hiểu, tìm thấy dầu khí tức là không bị… lỗ.

Giàn Thăng Long của PVEP

Các phát hiện trong nước như Kình Ngư Vàng, Kình Ngư Trắng Nam đã mở ra hướng thăm dò mới tại các lô rìa phía đông bể Cửu Long, bổ sung quỹ trữ lượng cho các mỏ đang chuẩn bị khai thác như mỏ Thăng Long - Đông Đô. Đặc biệt, phát hiện Kình Ngư Trắng Nam đã làm gia tăng giá trị thương mại của mỏ Kình Ngư Trắng phát hiện năm 2012. Cũng trong năm nay, việc thăm dò thành công khối H5 Tê Giác Trắng của Dự án 16.1 Hoàng Long - Hoàn Vũ góp phần bổ sung quỹ trữ lượng và nâng cao sản lượng mỏ Tê Giác Trắng. Trong bể Nam Côn Sơn, sự thành công giếng khoan CRD-3X/3XST đã khẳng định tính thương mại của phát hiện này và gia tăng tiềm năng dầu khí các đối tượng tương tự. Những thành công ấy đã gia tăng trữ lượng cho PVEP năm 2013 đạt 13,52 triệu tấn quy dầu. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí của PVEP năm nay sẽ phấn đấu đạt 17-22 triệu tấn. Một con số đầy thách thức nhưng có nhiều cơ sở để thành công.

Tuy nhiên, ông Lê Tuấn Việt nhận định: Các giếng khoan thăm dò mặc dù thành công nhưng phát hiện đều có quy mô nhỏ, trữ lượng không lớn, tập trung tại các khu vực có xác suất thành công cao. Đây là thách thức lớn khi PVEP mở rộng khu vực thăm dò ra vùng nước sâu như Tư Chính - Vũng Mây, Phú Khánh khi biết rằng, rủi ro sẽ rất lớn kèm những nguy cơ về kỹ thuật trong công tác khoan.

Bên cạnh việc đẩy mạnh khoan thăm dò những lô trong nước, PVEP cũng muốn gia tăng trữ lượng bằng cách mua mỏ. Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh bộc bạch, việc mua mỏ cực kỳ khó. Mỏ lớn thì không đối tác nào chịu bán, mỏ nhỏ thì việc khai thác thương mại sẽ không đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, mục tiêu gia tăng trữ lượng năm sau lớn hơn năm trước của PVEP vẫn không đổi và giải pháp mua mỏ vẫn được tính tới. Đồng thời ở những khu vực nước sâu, xa bờ, PVEP chủ động đẩy mạnh công tác thu nổ địa chấn 2D và 3D, nghiên cứu G&G để làm rõ “bức tranh” tiềm năng triển vọng dầu khí nhằm chuẩn bị cho công tác thăm dò sắp tới.

Điểm sáng Amazon

Bên cạnh việc khoan thăm dò, gia tăng trữ lượng ở trong nước, PVEP đã có những thành công trong tìm kiếm, thăm dò khai thác dầu khí tại Peru. Ngược dòng thời gian, có thể thấy, công cuộc đầu tư ra nước ngoài của PVN và PVEP được khởi nguồn từ thập niên 90 của thế kỷ trước, khi những chuyến công tác đầu tiên được tổ chức vào năm 1997. Với khát vọng và nỗ lực cao nhất, đội ngũ những người đi tìm lửa của PVEP đã vượt qua nhiều thách thức để ngày hôm nay PVEP đang trực tiếp điều hành và tham gia 17 dự án dầu khí ở 14 quốc gia. Sau những thành công về tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Liên bang Nga của PVN, đất nước Peru lại là địa chỉ mới cho những dòng vàng đen phun trào.

Phó tổng giám đốc PVEP Trường Hồng Sơn nhớ lại, cách đây hơn một năm, vào ngày 10/10/2012, PVEP và đối tác Perenco đã ký các văn bản hoàn thành thương vụ PVEP mua 52,631% cổ phần của Perenco tại Công ty Perenco Peru Limited (nay đã đổi tên thành PVEP-Perenco Peru Limited) để qua đó sở hữu 50% quyền lợi tham gia trong Lô 67.

Nếu như ở Việt Nam, công tác tìm kiếm, khai thác dầu khí chỉ thực hiện trên vùng biển nông, mọi điều kiện thiên nhiên, địa chất khá ổn định thì khi vươn ra nước ngoài, PVEP phải lăn mình vào những khu vực khắc nghiệt nhất thế giới như vùng Serbia tuyết lạnh, sa mạc Sahara nóng bỏng và rừng Amazon đầy rẫy hiểm nguy. Lô 67 nằm trong rừng Amazon với khí hậu mưa ẩm ở mức độ khủng khiếp, cộng thêm vị trí “vùng sâu vùng xa” của mỏ khiến chi phí tăng cao cho công tác hậu cần, bảo vệ môi trường và sự tồn tại của các cộng đồng thổ dân. Tuy vậy, dòng dầu đầu tiên tại mỏ Dorado vào lúc 1 giờ 23 phút chiều ngày 20/11/2013 đã xóa nhòa những mệt mỏi, thắp lên một niềm vui khó tả của... 5 cán bộ biệt phái người Việt trực tiếp làm việc tại bộ máy điều hành. Nhưng từ nửa vòng trái đất, hàng nghìn con tim người Dầu khí Việt Nam đã vui mừng biết bao khi dòng dầu đầu tiên phun ra từ mảnh đất Nam Mỹ này.

Đến 18 giờ ngày 25/12/2013, giai đoạn 1 của mỏ Pirana cũng cho dòng dầu đầu tiên. Đây là những viên gạch xây nên thành công cho PVEP ở khâu khai thác dầu khí ngoài nước. Mục tiêu của PVEP đến năm 2019 là khai thác khoảng 60.000 thùng/ngày ở Lô 67 và hoàn thành xây dựng đường ống từ Lô 67 đến đường ống quốc gia bắc Peru (dài 170km).

Phó tổng giám đốc thường trực PVEP Ngô Hữu Hải nhận định: Một trong những dự án phát triển mỏ chịu ảnh hưởng lớn do vấn đề an ninh chính trị là dự án tại Algeria đã gián đoán khi xảy ra vụ khủng bố hồi đầu năm 2013 tại nước này. Dự án tại Venezuela đã dừng khai thác siêu sớm từ tháng 7/2013 để tăng cường công tác thẩm lượng. Hiện tại, PVEP đang cùng các đối tác tiếp tục thúc đẩy triển khai các giải pháp để có thể phục hồi tiến độ đảm bảo kế hoạch first oil (cho dòng dầu đầu tiên) trong năm 2014.

Tại mỏ Bir Seba (Algeria), sau khi giếng khoan BRS-11 không thành công, PVEP đã xem xét nghiên cứu và tối ưu lại vị trí các giếng khoan tiếp theo, đặc biệt các giếng khoan khu vực Tây Bắc của mỏ như các giếng khoan BRS-13, BSR-21. Hai giếng này cùng với một giếng nữa đã cho kết quả khá hơn dự kiến. Dự kiến mỏ Bir Seba sẽ thu hồi khoảng 18 triệu thùng.

Tại Congo, giếng LDKEM-1 tại Lô Marine XI đã cho kết quả thăm dò, sẽ mở ra khả năng khai thác dầu tại đất nước Trung Phi này.


Đ.Chính

DMCA.com Protection Status