Sức trẻ trên công trường Nhà máy Ethanol Phú Thọ

08:43 | 12/12/2011

1,470 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tôi đến công trường Nhà máy Ethanol Phú Thọ vào đúng mùa mưa. Con đường dẫn vào nhà máy trước kia vốn là đường nhựa, nay lầy lội với những ổ voi, ổ chuột suốt dọc đường. Đó cũng là con đường hàng ngày những cán bộ, kỹ sư trên công trường phải đi qua.

Đường ngổn ngang, gập ghềnh là thế, nhưng cũng chưa thấm tháp gì so với sự ngổn ngang trên công trường. Hàng chục tấn nguyên liệu đang trong quá trình lắp đặt, thi công, hơn 1.500 công nhân hối hả ngày đêm hăng say làm việc. Tiếng máy khoan, máy ủi, máy hàn rộn rã, nhộn nhịp. Cả guồng máy đang làm việc với tốc độ cao để quyết tâm hoàn thành giai đoạn I của nhà máy vào tháng 11/2011.

Đoàn kết tạo nên sức mạnh

Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ là công trình xây dựng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ do Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng đất trên 50ha tại 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Dự án được thực hiện bởi liên danh nhà thầu: Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và ALPHALAVAL (Ấn Độ) theo hình thức Hợp đồng EPC.

Mô hình tổng thể nhà máy

Để hoàn thành một công trình, không chỉ có chủ đầu tư, nhà thầu và còn bao nhiêu đối tác khác, thậm chí, cả người nước ngoài. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, không có sự đồng tâm thì tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” trên một công trường rất dễ xảy ra. Hiểu được điều đó, khi được giao về tiếp nhận quản lý nhà máy, anh Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc PVB đã tập hợp sự đoàn kết, xây dựng một tập thể vững mạnh.

Anh tâm sự: “Ai cũng biết, để xây dựng được một nhà máy cần có các đơn vị bao gồm: chủ đầu tư; các đơn vị thi công; đơn vị tư vấn, giám sát… Xét về tính chất công việc, có khi còn đối lập nhau. Nhưng đã cùng chung một ý chí, một nguyện vọng muốn xây dựng một nhà máy thành công thì chỉ có cách đoàn kết để tạo sức mạnh tổng hợp. Từ suy nghĩ đó, các đơn vị đã ngồi lại với nhau, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ đơn giản, đến phức tạp; từ việc bé như thiếu nguyên vật liệu đến việc lớn hơn khi làm sai, không đúng tiêu chuẩn, chất lượng của hạng mục… Việc nào làm tốt thì được biểu dương và khen thưởng rút kinh nghiệm ngay trong cuộc giao ban. Việc nào chưa làm tốt, đáng phạt cũng nên phạt. Như vậy công việc cứ thế mà được giải quyết nhanh chóng”.

Toàn bộ cán bộ, kỹ sư trên công trường đều là những người còn rất trẻ, số người trên 40 tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay, đội ngũ lãnh đạo chủ yếu là thế hệ 7X, còn lại là những cán bộ mới ra trường của độ tuổi 8X. Đó là thuận lợi và cũng là những khó khăn của người tổng giám đốc trẻ phải đối diện khi nhận nhiệm vụ quản lý, lãnh đạo tại đây. Khó khăn ở chỗ, cán bộ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều khi còn phải cầm tay chỉ việc, khi thạo hơn thì giao việc và kiểm tra sát sao. Tuy vậy, bù lại ở họ có sức trẻ, lòng nhiệt huyết và khát khao cống hiến. Nếu được bồi dưỡng và giao đúng việc, nếu biết khơi dậy và phát huy được năng lực của tuổi trẻ thì đó là sự thành công lớn. Điều mà Tổng giám đốc trẻ Lê Quốc Anh tâm đắc nhất là đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ trẻ có tâm huyết với nghề nghiệp, hiểu công việc và có sự đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết nhất trí xây dựng nhà máy.

Hiện nay, PVB có khoảng 70 cán bộ đang làm việc, ngoài những cán bộ khung của các phòng, ban được hình thành từ khi thành lập nhà máy, PVB mới tuyển dụng thêm 140 kỹ sư và gửi đi đào tạo để sắp tới quay về phục vụ cho nhà máy.

Tình người trên đất khách

Bên dòng sông Hồng quanh co nước chảy, đằng sau những khối công việc ngồn ngộn mà hàng ngày những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường phải đối mặt, họ lại có những kỷ niệm không thể nào quên. Đi quanh một vòng xung quanh khu ở trọ của các công nhân trên địa bàn khu dân cư, tôi bắt gặp nhiều hình ảnh ấn tượng và chứa đầy tình nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Dân, khu 1, Danh Hựu, Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ cho biết, nhà chị hiện có 17 người của công trường thuê trọ. Ngoài việc trả tiền nhà, các công nhân còn nhờ gia đình nấu cơm luôn. Người phụ nữ chân chất, hiền hậu, đảm đang của gia đình lại có dịp tăng thêm thu nhập từ các dịch vụ lặt vặt kèm theo. Với khoản thu 2,5 triệu đồng từ tiền nhà, rồi tiền ăn, tiền bán hàng… tính ra, nhà chị này cũng đã thu về được khoảng trên 3 triệu đồng mỗi tháng.

Quan sát nhanh, tôi thấy ngôi nhà chị đang ở đã có chút sửa sang khang trang, sạch đẹp và hợp thời hơn. Một số công trình mới mọc lên trong vườn. Tôi đoán chắc cũng từ những thu nhập dịch vụ mang lại. Khi được hỏi, nhà chị còn ruộng không? Chị Dân nói: “Chúng tôi vẫn còn ruộng ở các nơi khác, gia đình chỉ mất một ít đất nhường lại cho nhà máy, còn ở các khu vực khác thì vẫn còn đất để cấy lúa và hoa màu. Gia đình không phải đi mua lương thực”.

Một dịch vụ khép kín được hình thành ngay trên xóm bãi ngàn đời nay chỉ quen với ruộng đồng. Cả làng chỉ có khoảng 70 hộ, với trên 300 người dân sinh sống, nhưng từ khi xây dựng nhà máy, làng đã tiếp nhận hơn 300, có lúc 400 công nhân đến thuê trọ. Đi một vòng quanh làng, tôi quan sát thấy nhà nào nhà nấy đều mở những hàng quán ngay trên đất vườn, sân vườn nhà mình. Anh Mai Duy Thìn, một công nhân lái máy cẩu của PVC-ME tâm sự: “Bọn em thuê trọ ở đây rất yên tâm, người làng tốt lắm, ra hỏi, vào chào, cứ như quen nhau từ đã rất lâu. Nhiều khi chúng em ra công trường, bất chợt có trận mưa, chạy vội về nhà thu quần áo thì đã có các anh chị, các bác chủ nhà cất vào giúp. Rồi có những khi vào mùa thu hoạch mới, dân làng ăn gì, chúng em được ăn món đó. Rất vui và tình cảm chị à”.

Đó là những kỷ niệm nơi xóm trọ, còn đối với các công nhân, kỹ sư trên công trường cũng có những kỷ niệm không thể nào quên. Anh Trần Quốc Đỉnh, một kỹ sư yêu nghề và có tâm hồn lãng mạn đã có những phút giây xuất thần và có nhiều bài thơ hay cho anh em trên công trường cùng đọc. Anh kể lại: Không thể nào quên hình ảnh cán bộ, chuyên viên Ethanol cùng các nhà thầu cứu úng khi mùa mưa ngập trắng công trường và cũng không thể nào quên những buổi giao lưu chân tình với các cơ quan đóng trên địa bàn.

Anh Đỉnh còn nói thêm: “Tôi đã có nhiều kỷ niệm trên các công trường và sẽ còn nhiều những kỷ niệm nữa trên những công trường khác, nhưng có lẽ dấu ấn Ethanol sẽ chẳng bao giờ phai nhòa. Nhớ về Ethanol là nhớ về một thời tươi đẹp, nhớ về nguồn năng lượng có mạch nguồn và chắp nối từ “Mùa xuân đến từ những giếng dầu”. Chúng tôi, những người cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường luôn thầm hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Vâng, với những niềm tin vào tương lai, với sự yêu đời của những người thợ, tôi tin rằng, chắc chắn họ sẽ xây được công trình bằng chính trái tim, khối óc và ý chí quyết tâm mang tinh thần dầu khí “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Những đợt mưa ngâu cuối mùa vẫn rả rích. Những người thợ vẫn miệt mài làm việc. Dưới bàn tay tài hoa của họ, một nhà máy mới đang mọc lên giữa cánh đồng ngô xanh bát ngát bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa…

Nhà máy Ethanol Phú Thọ được xây dựng tại ngã ba xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương của tỉnh Phú Thọ. Đây là Dự án Nhà máy Ethanol nguyên liệu sinh học lớn nhất phía bắc với tổng mức đầu tư là 60 triệu USD, Dự án với tổng công suất 100.000m3 ethanol/năm. Dự án nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu giá rẻ làm nguyên liệu chế biến xăng, tiến tới thay thế hẳn xăng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm ngoại tệ do giảm lượng xăng dầu phải nhập khẩu. Nguồn nguyên liệu đầu vào của nhà máy là sắn, mía và mật rỉ.

Hiền Hòa

DMCA.com Protection Status