Sức xuân PV GAS

06:50 | 22/01/2020

592 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Năm 2020, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) bước sang tuổi 30, sung sức, đầy khát vọng vươn lên và có nhiều hoài bão lớn. Sức xuân PV GAS được vun đắp bởi những thành tựu của ngành công nghiệp khí Việt Nam - một ngành công nghiệp trẻ, đáng tự hào.

Trong suốt 30 năm hoạt động, PV GAS đã không ngừng nỗ lực phát triển hệ thống công trình khí tương đối hoàn chỉnh từ thu gom, nhập khẩu, vận chuyển, tồn trữ, chế biến, kinh doanh khí và sản phẩm khí đồng bộ trong dây chuyền khí từ thượng nguồn đến hạ nguồn, khai thác an toàn hiệu quả các mỏ dầu khí hiện có, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.

suc xuan pv gas
Lãnh đạo PV GAS và Tập đoàn AES (Hoa Kỳ) bàn luận về các vấn đề cùng quan tâm, trong chuyến thăm và làm việc của Tập đoàn AES tại PV GAS tháng 11-2019

Hiện PV GAS đang sở hữu 4 hệ thống thu gom khí gồm: Cửu Long, Nam Côn Sơn tại Đông Nam Bộ; PM3-Cà Mau tại Tây Nam Bộ và Hàm Rồng - Thái Bình tại Bắc Bộ, để thu gom khí từ 4 bể khí: Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu, Sông Hồng. PV GAS đang quản lý, vận hành 3 nhà máy xử lý, chế biến khí là Nhà máy Dinh Cố, Nhà máy Nam Côn Sơn và Nhà máy Cà Mau cùng hệ thống kho chứa LPG tại 3 miền Bắc, Trung, Nam với tổng công suất chứa trên 100 nghìn tấn, bằng 60% công suất chứa của cả nước và hệ thống cấp khí thấp áp, CNG cho các khu công nghiệp khu vực miền Đông Nam Bộ và Bắc Bộ.

Cùng với sự phát triển của hệ thống cơ sở vật chất ngành khí, vị thế của PV GAS ngày càng được nâng cao, tự tin làm chủ toàn bộ chuỗi xây dựng, quản lý, điều hành lĩnh vực khí và có những đóng góp vô cùng to lớn vào sự phát triển chung của ngành Dầu khí Việt Nam cũng như nền kinh tế đất nước.

Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung ứng ra thị trường khoảng 10 tỉ m3 khí, đáp ứng nguyên nhiên liệu sản xuất gần 30% sản lượng điện quốc gia, 70% nhu cầu phân đạm toàn quốc, trên 1,5 triệu tấn LPG (chiếm trên 60% thị trường cả nước), 250 nghìn tấn condensate. Doanh thu hằng năm của PV GAS đạt trên 70 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 12-15 nghìn tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 5.000 tỉ đồng. Các chỉ số tài chính của PV GAS rất khả quan: Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ 50-60%; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu 20-30%; nợ phải trả/tổng tài sản, luôn an toàn, chỉ bằng 20%.

Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn cho biết, kể từ khi dòng khí đầu tiên từ bể Cửu Long được đưa vào bờ (tháng 4-1995) đến nay, PV GAS đã vận hành, sản xuất, kinh doanh an toàn, ổn định, liên tục, hiệu quả, cung ứng ra thị trường 140 tỉ m3 khí, 16 triệu tấn LPG, 1,9 triệu tấn condensate, doanh thu 786 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 155 nghìn tỉ đồng, đóng góp 74 nghìn tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Năm 2019, PV GAS tiếp tục ghi nhận thêm một năm hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất kinh doanh, khi đến tháng 10 đã hoàn thành kế hoạch cả năm về chỉ tiêu sản lượng cũng như tài chính. Tính đến hết tháng 10-2019, PV GAS đạt tổng doanh thu gần 65.700 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 12.300 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.900 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 4.600 tỉ đồng. Đặc biệt, tháng 6-2019, Công ty Khí Cà Mau (KCM) - đơn vị trực thuộc PV GAS - đã chính thức cán mốc sản lượng khí PM3 tiếp nhận 20 tỉ Sm3, tổng doanh thu 42.000 tỉ đồng, đóng góp hơn 9.600 tỉ đồng cho ngân sách của tỉnh Cà Mau tính từ thời điểm vận chuyển dòng khí đầu tiên về bờ (năm 2007). Năm 2019, PV GAS đã kỷ niệm 20 năm phát triển Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (GPP Dinh Cố), công trình khí trên bờ đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước tiến vững vàng của ngành công nghiệp khí non trẻ.

suc xuan pv gas
Bảo dưỡng Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

Trong quá trình hoạt động, PV GAS luôn chú trọng, tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực hợp tác với các tập đoàn, công ty lớn trên thế giới trong lĩnh vực khí như Rosneft (Nga), Perenco (Anh), Tokyo Gas, Moeco (Nhật Bản), PTTEP (Thái Lan), Gazprom (Nga), AES (Mỹ).

Không chỉ nổi bật về hiệu quả sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội cũng luôn được PV GAS chú trọng, tạo sự liên kết thân ái giữa những “người đi tìm lửa” của ngành Dầu khí với những địa phương còn nhiều khó khăn. Đến nay, PV GAS đã dành trên 1.000 tỉ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội. Hiện nay, mỗi năm PV GAS chi gần 100 tỉ đồng tài trợ cho chương trình giáo dục đào tạo, y tế, xây dựng nhà đại đoàn kết, đền ơn đáp nghĩa, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ nhân đạo.

Với những thành quả đạt được trên mọi mặt hoạt động, năm 2015, PV GAS vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Hằng năm, PV GAS được các tổ chức uy tín trong nước và ngoài nước đánh giá cao, đứng trong Top 2.000 công ty lớn nhất thế giới, Top 6 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, Top 5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam, Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, Top 300 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có giá trị nhất châu Á, Top 3 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất Việt Nam…

Hiện tại, PV GAS đang chuẩn bị đầu tư 4 dự án đường ống dẫn khí (Lô B - Ô Môn, Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2, Sư Tử Trắng, Tuna Indonesia - Việt Nam); 3 dự án LNG (Thị Vải công suất 3 triệu tấn/năm, Sơn Mỹ công suất 3,6 - 9 triệu tấn/năm, Lạch Huyện Hải Phòng công suất 2-4 triệu tấn/năm) và 1 Kho LPG tại miền Bắc công suất 40-60 nghìn tấn/năm. Các dự án này khi đi vào vận hành sẽ có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2025 và định hướng đến 2035, PV GAS xác định nguồn LNG, khí nhập khẩu là nguồn khí chính bảo đảm sự phát triển của PV GAS và công nghiệp khí Việt Nam. PV GAS dự kiến sẽ bắt đầu nhập LNG từ năm 2021-2022; xây dựng, hình thành các trung tâm cấp khí toàn quốc (miền Tây Nam Bộ, miền Đông Nam Bộ, Trung Bộ, Bắc Bộ); hình thành các đường ống kết nối các khu vực trong nước, đường ống kết nối với các nước trong khu vực. Mục tiêu đặt ra là tổng sản lượng khí, LNG tiêu thụ giai đoạn 2020-2035 đạt 254-302 tỉ m3; tỷ trọng sản lượng khách hàng tiêu thụ: điện 80%, hóa dầu và hộ công nghiệp, giao thông vận tải, đô thị 20%.

Cuối năm 2019, PV GAS đã khởi công xây dựng Kho cảng LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải. Đây là công trình đầu tiên về LNG tại Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt trong lĩnh vực khâu sau của ngành Dầu khí, góp phần bổ sung nguồn khí và điện thiếu hụt tại khu vực Đông Nam Bộ, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế tại khu vực và tiếp tục tạo nền tảng, sức bật cho nền công nghiệp khí đầy tiềm năng.

Trong niềm vui và tự hào với tuổi 30 đầy khí thế, sức mạnh, đón mừng một mùa xuân mới, PV GAS bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 với quyết tâm cao, tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của mình, nỗ lực phấn đấu đưa thương hiệu PV GAS ngày càng lớn mạnh, có uy tín cao trên thị trường trong nước và ngoài nước, tiếp tục giành được những thành tựu to lớn hơn nữa.

Kể từ khi dòng khí đầu tiên từ bể Cửu Long được đưa vào bờ (tháng 4-1995) đến nay, PV GAS đã vận hành, sản xuất, kinh doanh an toàn, ổn định, liên tục, hiệu quả, cung ứng ra thị trường 140 tỉ m3 khí, 16 triệu tấn LPG, 1,9 triệu tấn condensate, doanh thu 786 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 155 nghìn tỉ đồng, đóng góp 74 nghìn tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước.

Mai Phương

DMCA.com Protection Status