Tài chính xanh: Đòn bẩy để Petrovietnam bứt phá trong kỷ nguyên năng lượng mới

07:35 | 10/07/2025

3,292 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu và các cam kết về phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) đang tạo áp lực mạnh mẽ lên các quốc gia, doanh nghiệp, tài chính xanh ngày càng được xem là “đòn bẩy” quan trọng để phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với vai trò là Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam, Petrovietnam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải chuyển mình không chỉ về công nghệ, chiến lược, mà còn về tư duy tài chính. Trong đó, tài chính xanh được xác định là công cụ thiết yếu để phát triển các dự án năng lượng sạch.

Petrovietnam tiên phong chuyển dịch xanh

Trong suốt 50 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) luôn là lực lượng nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước và thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, trước xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, việc tiếp tục dựa vào nhiên liệu hóa thạch không còn phù hợp với định hướng phát triển dài hạn, đặc biệt khi Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26.

Nhận thức rõ điều đó, Petrovietnam đang chuyển mình từ một tập đoàn dầu khí truyền thống sang một tập đoàn công nghiệp - năng lượng quốc gia toàn diện, với định hướng phát triển “xanh” và “bền vững” trở thành nguyên tắc xuyên suốt trong chiến lược dài hạn. Tập đoàn đã xác định 3 trụ cột trong chiến lược phát triển xanh: tối ưu hóa khai thác tài nguyên hiện có, đầu tư vào năng lượng tái tạo và thực hiện quản trị bền vững theo chuẩn mực ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp). Không dừng lại ở định hướng chiến lược, Petrovietnam đã triển khai hàng loạt hành động cụ thể:

Đối với phát triển năng lượng tái tạo, Petrovietnam đang tích cực nghiên cứu và xúc tiến đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại các vùng biển tiềm năng. Song song đó, các đơn vị thành viên như PV Power, PV GAS cũng đã và đang chuyển hướng nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường như LNG, hydrogen, amoniac xanh - những lĩnh vực được xem là then chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tài chính xanh: Đòn bẩy để Petrovietnam bứt phá trong kỷ nguyên năng lượng mới
PV GAS phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng LNG hiện đại

Cụ thể, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) phát triển hệ thống hạ tầng kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hiện đại, mở rộng mạng lưới phân phối khí, góp phần hình thành hệ sinh thái khí xanh. Trong lĩnh vực điện, Petrovietnam tập trung phát triển điện khí và năng lượng tái tạo, với những dự án tiêu biểu như Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 và các sáng kiến xanh hóa tại PV Power.

Ở lĩnh vực chế biến, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (BSR) tập trung tối ưu hiệu quả vận hành, giảm phát thải và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Bên cạnh đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) đẩy mạnh cung ứng nhiên liệu sinh học và phát triển trạm sạc xe điện.

Trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật, Petrovietnam chuyển dịch mạnh mẽ sang năng lượng sạch. Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) tiên phong trong chế tạo chân đế tuabin gió, trạm biến áp ngoài khơi và phát triển chuỗi giá trị năng lượng tái tạo ngoài khơi. Các đơn vị khác như PV Drilling và PVTrans cũng điều chỉnh chiến lược theo hướng thân thiện với môi trường, mở rộng hoạt động sang khoan địa nhiệt, vận chuyển LNG và các loại nhiên liệu sạch. Hệ sinh thái dịch vụ kỹ thuật của Petrovietnam đang từng bước hỗ trợ và dẫn dắt quá trình chuyển dịch năng lượng quốc gia.

Petrovietnam đang tích cực triển khai nghiên cứu và phát triển các dự án hydrogen xanh, amoniac xanh, thu hồi - sử dụng - lưu trữ carbon (CCUS), và tận dụng hạ tầng ngoài khơi để chôn lấp CO₂. Các đơn vị thành viên như PVEP, PV GAS, VPI, BSR... đang từng bước xây dựng nền tảng kỹ thuật và tích lũy kinh nghiệm cần thiết cho quá trình chuyển đổi.

Đặc biệt, Petrovietnam được Chính phủ giao thực hiện nhiều dự án năng lượng chiến lược, trong đó có dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Từ những hành động cụ thể trên, có thể thấy, Petrovietnam ngày càng khẳng định vị thế là lực lượng nòng cốt trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Vai trò của Tập đoàn mang tính chiến lược, toàn diện và góp phần bổ trợ cho khu vực tư nhân, tạo nên động lực chung cho quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia.

Mặc dù Petrovietnam giữ vai trò tiên phong trong chuyển dịch năng lượng, song hiện nay việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi còn gặp nhiều khó khăn về công tác điều tra, khảo sát, đo đạc trên biển và giao khu vực biển; vấn đề về đầu tư gồm chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư; các bất cập trong quy hoạch theo pháp luật hiện hành. Đặc biệt là cam kết sản lượng tiêu thụ lâu dài đang là một rào cản lớn, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn xanh của Petrovietnam.

Trong những năm gần đây, các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các quỹ đầu tư khí hậu toàn cầu và các ngân hàng thương mại tại Việt Nam... liên tục mở rộng các gói hỗ trợ tài chính xanh nhằm thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn từ các kênh này vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Petrovietnam.

Một trong những rào cản lớn là yêu cầu khắt khe về minh bạch thông tin, báo cáo tác động môi trường - xã hội - quản trị (ESG), trong khi khung pháp lý trong nước về tài chính xanh vẫn chưa thực sự đồng bộ và đầy đủ. Bên cạnh đó, do đặc thù là tập đoàn đa ngành với lịch sử phát triển gắn liền với khai thác dầu khí, Petrovietnam vẫn đang trong quá trình xây dựng nền tảng để định danh mình là nhà đầu tư xanh, bền vững.

Cam kết ESG - Cửa ngõ tiếp cận tài chính xanh

Trước thực tế đó, Petrovietnam đã có những bước đi cụ thể để tiếp cận và hiện thực hóa mục tiêu tài chính xanh. Tập đoàn đã ban hành nhiều chính sách nội bộ liên quan đến ESG như: đánh giá tác động môi trường - xã hội đối với các dự án mới, rà soát lại danh mục đầu tư để gia tăng tỷ trọng các dự án xanh và tiết kiệm năng lượng. Một số đơn vị thành viên như PV Power, PV GAS, PVFCCo… đã bắt đầu tích hợp báo cáo phát triển bền vững vào báo cáo tài chính thường niên, tạo tiền đề quan trọng cho việc tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế và dòng vốn xanh.

Tài chính xanh: Đòn bẩy để Petrovietnam bứt phá trong kỷ nguyên năng lượng mới
Đến năm 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất lắp đặt chiếm từ 8-10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10-20% trong tổng công suất nguồn điện của Petrovietnam.

Đáng chú ý, Petrovietnam đã điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất lắp đặt đạt 8.000 - 14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5-10% tổng công suất lắp đặt của Tập đoàn. Đến năm 2045, phấn đấu nâng công suất lắp đặt chiếm 8-10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10-20% trong tổng công suất nguồn điện của Petrovietnam.

Từ năm 2025 đến 2030, Petrovietnam sẽ triển khai thí điểm các dự án sản xuất hydrogen "sạch", tìm kiếm nguồn tài chính và đối tác tiêu thụ trong nước và khu vực để phát triển thị trường, đồng thời cải hoán hạ tầng vận chuyển, xử lý, tồn trữ và phân phối khí. Giai đoạn 2030-2045, Tập đoàn dự kiến sản xuất thương mại hydrogen "sạch" phục vụ các nhà máy lọc dầu, nhà máy đạm, phát triển các dự án nhiên liệu, nguyên vật liệu và xuất khẩu hydrogen "sạch" ra thị trường quốc tế. Trong đó, năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi, hydrogen, amoniac xanh…) được xác định là trụ cột tăng trưởng mới. Việc lồng ghép các yếu tố ESG ngay từ khâu thiết kế chiến lược cho thấy cam kết của Petrovietnam trong việc hòa nhịp cùng xu thế tài chính xanh toàn cầu.

Ngoài ra, việc hợp tác với các tổ chức quốc tế trong triển khai các dự án thí điểm về năng lượng sạch không chỉ giúp Petrovietnam tiếp cận công nghệ, mà còn là cơ hội để từng bước làm quen với quy trình quản trị và thẩm định của các quỹ đầu tư xanh - yếu tố quan trọng để tạo niềm tin với các nhà tài trợ và định chế tài chính lớn trên thế giới.

Tài chính xanh: Đòn bẩy để Petrovietnam bứt phá trong kỷ nguyên năng lượng mới
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long: Petrovietnam cần xem xét thành lập bộ phận tài chính xanh hoặc tích hợp chức năng này vào Ban Tài chính hiện tại, nhằm theo dõi sát sao các cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế.

Cần chiến lược tài chính xanh đồng bộ

Trao đổi với PetroTimes, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, để tài chính xanh thực sự trở thành công cụ hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, Petrovietnam cần đi xa hơn những cam kết ban đầu. Trước hết, Tập đoàn cần xây dựng một khung chiến lược tài chính xanh riêng biệt, bao gồm định hướng huy động vốn xanh, bộ tiêu chí lựa chọn dự án, tiêu chuẩn báo cáo ESG và hệ thống quản lý rủi ro bền vững. Đồng thời, Tập đoàn cần thành lập bộ phận tài chính xanh hoặc tích hợp chức năng này vào Ban Tài chính hiện tại, nhằm theo dõi sát sao các cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế.

Song song với đó, việc phát hành trái phiếu xanh hoặc chứng chỉ tín dụng carbon cần được nghiên cứu triển khai trong tương lai gần. Đây là những công cụ tài chính hữu hiệu, đã được nhiều tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới áp dụng để thu hút dòng vốn dài hạn, chi phí thấp, phục vụ các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Ở cấp độ chính sách, Petrovietnam cũng cần chủ động kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tài chính xanh, bao gồm quy chuẩn về phân loại hoạt động kinh tế xanh, cơ chế thẩm định, giám sát dòng vốn, ưu đãi thuế, tín dụng cho các nhà đầu tư xanh… Đây sẽ là nền tảng quan trọng để các tập đoàn lớn như Petrovietnam phát huy vai trò "đầu tàu" trong chuyển dịch năng lượng.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, Petrovietnam đang ở thời điểm bản lề, vừa tiếp tục sứ mệnh bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia thông qua khai thác dầu khí, vừa mở rộng không gian phát triển sang năng lượng tái tạo để đáp ứng các cam kết môi trường và hội nhập quốc tế. Trong tiến trình ấy, tài chính xanh không chỉ là công cụ, mà còn là "bài kiểm tra" về năng lực chuyển đổi và cam kết phát triển bền vững của Tập đoàn.

“Từ góc độ đó, việc định hình chiến lược tài chính xanh bài bản, kết hợp hài hòa giữa đổi mới quản trị ESG, xây dựng lòng tin với nhà đầu tư và tăng cường năng lực nội tại sẽ là chìa khóa để Petrovietnam bứt phá trong kỷ nguyên năng lượng mới - nơi giá trị không chỉ đo bằng lợi nhuận, mà còn bằng sự đóng góp cho tương lai xanh của quốc gia”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Huy Tùng

DMCA.com Protection Status