Tái tạo văn hóa Petrovietnam - Tạo sức mạnh mềm

07:11 | 13/04/2023

5,839 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Năm 2022, việc triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, quản trị biến động đã trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của Petrovietnam, tạo nên những thành tích ấn tượng.
Tái tạo văn hóa Petrovietnam - Tạo sức mạnh mềm
Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (PV GAS) là một trong những đơn vị tích cực xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp

Những hạn chế trong tái tạo văn hóa Petrovietnam

Năm 2022, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đạt nhiều kỷ lục trong 61 năm phát triển, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều tăng cao so với năm 2021. Thành công đó là bài học kinh nghiệm, là động lực, là niềm tin để Petrovietnam phát triển bền vững.

Trong đó, không thể không nhắc tới tiến trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là sau Hội nghị về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp lần thứ II - năm 2022, từ Petrovietnam tới các đơn vị thành viên đã đúc rút được nhiều bài học hay, cách làm sáng tạo cùng quyết tâm cao trong việc thực hiện tái tạo văn hóa Petrovietnam, đưa văn hóa trở thành một trong những giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của Petrovietnam và các đơn vị thành viên.

Năm 2022, sau 3 năm triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam, Petrovietnam đã khẳng định nền tảng giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình” giúp Petrovietnam - tập đoàn kinh tế, năng lượng chủ lực của đất nước - bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Nhìn chung, việc tái tạo văn hóa Petrovietnam đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng không thể không nhắc đến những hạn chế, những việc chưa làm được, những nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, phải thẳng thắn nhìn nhận, việc nêu gương của lãnh đạo các cấp trong Petrovietnam chưa được ưu tiên quan tâm ở một số đơn vị, một số lĩnh vực cụ thể.

Tái tạo văn hóa Petrovietnam - Tạo sức mạnh mềm
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ (ảnh: Vương Thái)

Trong đó, một số người chưa thể hiện vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam một cách thiết thực, hiệu quả. Đơn cử, việc chủ động rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản, gửi báo cáo triển khai công tác tái tạo văn hóa Petrovietnam tại một số đơn vị còn chậm, mới chỉ có 11/32 đơn vị đang xây dựng kế hoạch triển khai và có đơn vị không gửi báo cáo việc triển khai.

Cũng phải nói thêm rằng, trong 32 đơn vị thành viên của Petrovietnam có nhiều đơn vị đã cổ phần hóa, hay Petrovietnam không nắm quyền chi phối, như Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) hay các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đang phải tập trung triển khai dự án như Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPoly)... Những nguyên nhân khách quan đó đã khiến những hoạt động cốt lõi của tiến trình tái tạo văn hóa Petrovietnam như việc lượng hóa kết quả hoạt động theo phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, đánh giá theo kết quả hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân tại một số đơn vị còn lúng túng, chưa hiệu quả, khi mới chỉ có 6 đơn vị đang xây dựng chỉ số đánh giá, 2 đơn vị chưa triển khai. Hoặc việc cập nhật bổ sung “Sổ tay văn hóa Petrovietnam”, quy định về văn hóa làm việc, văn hóa ứng xử tại đơn vị còn chậm. Công tác triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu (10 đơn vị chưa gửi mẫu nhãn hiệu mới) không bảo đảm tiến độ.

Mặt khác, một số nội dung đã xây dựng kế hoạch triển khai trong Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam nhưng các đơn vị chưa có thời gian thực hiện hoặc thực hiện dàn trải, chưa đo lường được kết quả cụ thể, chưa khái quát và chỉ ra các vấn đề còn tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm triển khai trong thời gian tới. Đặc biệt, công tác tuyên dương, khen thưởng đột xuất, chuyên đề chưa được chú trọng.

Vừa qua, Petrovietnam đã tổng kết, chỉ ra các nguyên nhân chính của việc chậm trễ triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam gồm: Chưa tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực, thời gian để xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp; thiếu kinh nghiệm triển khai văn hóa doanh nghiệp; chưa đầu tư hình ảnh, sản phẩm hữu hình về văn hóa doanh nghiệp...

Tái tạo văn hóa Petrovietnam - Tạo sức mạnh mềm
Cán bộ, công nhân viên tại NMNĐ Thái Bình 2 tổ chức trồng cây, phủ xanh toàn bộ khuôn viên nhà máy

Có thể thấy rằng, để triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam được xuyên suốt từ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Hội đồng Thành viên Petrovietnam đến ban lãnh đạo Petrovietnam, các đơn vị thành viên, các đoàn thể chính trị - xã hội, cần tạo sự thống nhất ý trí và hành động trong thực hiện Đề án, phải có sự “đả thông” từ lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị. Chính người lãnh đạo các cấp cần phải “thấm đẫm” việc triển khai tái tạo, xây dựng văn hóa Petrovietnam, coi đây là yếu tố quyết định để nâng cao tín nhiệm, giá trị thương hiệu của đơn vị, góp phần trực tiếp vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2022, Petrovietnam có 6 đơn vị được vinh danh doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh. Giá trị thương hiệu của Petrovietnam được nâng cao, đạt gần 1,3 tỉ USD, duy trì vị trí trong top thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.

Lượng hóa văn hóa doanh nghiệp

Xác định văn hóa đi trước, định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh, thúc đẩy, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật, từ đó nâng cao vị thế và uy tín của Petrovietnam và các đơn vị thành viên. Việc lập kế hoạch, cụ thể hóa các công việc để triển khai đồng bộ Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam gồm: Nhất quán giữa mục tiêu chiến lược, sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Petrovietnam; chuẩn hóa và thống nhất nền tảng văn hóa dầu khí, thương hiệu, hình ảnh, định hình các giá trị văn hóa trong phạm vi toàn Petrovietnam...

Những “đầu mục” công việc đó nghe có vẻ to lớn và cần nhiều thời gian thực hiện, nhưng thực tế, điều cần làm đầu tiên là phải thống nhất nhận thức về vai trò của văn hóa doanh nghiệp từ lãnh đạo đến người lao động. Xác định văn hóa doanh nghiệp từ lực lượng sản xuất trực tiếp, thông qua nhận diện những khó khăn, thách thức, khơi gợi và nâng cao trách nhiệm trong mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động, củng cố khát vọng vươn lên, tìm kiếm cơ hội, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường... tại mỗi doanh nghiệp dầu khí.

Trong 3 năm vừa qua, các cấp ủy, các đơn vị thành viên Petrovietnam đã thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở phát huy giá trị cốt lõi “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình”, trong đó đặc biệt phải thể hiện được khát vọng vươn lên trong xây dựng chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, phấn đấu chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 phải đạt cao hơn so với chỉ tiêu kế hoạch phân bổ, từng cá nhân phải vượt lên chính mình để hoàn thành tốt nhất, ở mức cao nhất nhiệm vụ được giao.

Tái tạo văn hóa Petrovietnam - Tạo sức mạnh mềm
Người lao động Vietsovpetro (ảnh: Vương Thái)

Người viết bài còn nhớ khi trao đổi về xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, sự khác biệt giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong việc xây dựng kế hoạch và đánh giá mức độ hoàn thành. Trong đó, mức trung bình là bảo đảm doanh nghiệp hoạt động tốt, không bị lỗ vốn. Khi đạt từ 80% kế hoạch tổng thể, doanh nghiệp có lãi là đã được đánh giá là tốt. Nếu doanh nghiệp đạt 100% kế hoạch, vượt mức kế hoạch và các mục tiêu đề ra, ban điều hành được đánh giá là xuất sắc, có khen thưởng đặc biệt căn cứ trên lợi nhuận thu được.

Nhưng với doanh nghiệp nhà nước, để việc đề ra kế hoạch có tính thực chất, không còn chuyện “năm nào cũng vượt, vượt xa kế hoạch đề ra”, trước tiên lãnh đạo các cấp cần thay đổi tư duy đánh giá mức độ hoàn thành công việc, có nhiều hình thức động viên, khen thưởng kịp thời, không cần chờ đến cuối năm, khen thưởng theo tỷ lệ, phân bổ kiểu xếp hàng đến lượt. Đây chính là nét văn hóa doanh nghiệp cần sớm thay đổi.

Mặt khác, các công việc cụ thể để phát triển văn hóa doanh nghiệp đều có định hướng, chi tiết thực hiện như thống nhất việc quản lý, sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu Petrovietnam, công tác truyền thông, đào tạo và tự đào tạo nội bộ để hình thành các thói quen văn hóa...

Hiện nay, Petrovietnam giao Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp phối hợp các ban, văn phòng Petrovietnam và Tổ triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam xây dựng phương án đôn đốc, giám sát thực hiện Đề án, nhất là ở các đơn vị chuyển biến chậm; tổ chức giao ban định kỳ, tập huấn, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo và có biện pháp khích lệ, động viên kịp thời; định kỳ gửi báo cáo kết quả về Petrovietnam trước ngày 25 của tháng cuối quý và báo cáo tổng kết năm trước ngày 10-12-2023.

Theo Kế hoạch số 902/KH-DKVN ngày 16-2-2023 về triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam năm 2023 trong toàn Petrovietnam, Tổng Giám đốc Petrovietnam yêu cầu các đơn vị phải lượng hóa được giá trị văn hóa (KPI văn hóa) gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh (KPI công việc) của năm 2023.

Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam giao nhiệm vụ cụ thể cho Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Petrovietnam về triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam tại các đơn vị, tổ chức trực thuộc thông qua việc thực hiện kế hoạch triển khai văn hóa doanh nghiệp trong năm 2023.

Theo Kế hoạch số 902/KH-DKVN ngày 16-2-2023 về triển khai tái tạo văn hóa Petrovietnam năm 2023 trong toàn Petrovietnam, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong đó, các yêu cầu và thời hạn thực hiện các nội dung sẽ được theo dõi, giám sát và đánh giá trong các cuộc họp giao ban và hội nghị chuyên đề. Trường hợp các nhiệm vụ được giao không hoàn thành đúng thời hạn, Tổng Giám đốc Petrovietnam sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, các đơn vị phải “lượng hóa được giá trị văn hóa (KPI văn hóa) gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh (KPI công việc) của năm 2023”.

Có thể khẳng định, xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong Petrovietnam, tái tạo văn hóa Petrovietnam không còn là chuyện “hình thức” mà đã thực sự trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Việc “đong đếm” các giá trị văn hóa trong sản xuất, kinh doanh đã không còn là khái niệm chung chung mà trở thành thước đo cụ thể đến từng cán bộ, công nhân viên, người lao động trong từng việc làm, thái độ ứng xử trong văn phòng, ngoài công trường, tại các nhà máy... Khi được lượng hóa đầy đủ chắc chắn văn hóa Petrovietnam sẽ biến đổi về chất, thực sự trở thành sức mạnh mềm trong toàn Petrovietnam.

Petrovietnam đã tổng kết, chỉ ra các nguyên nhân chính của việc chậm trễ triển khai Đề án Tái tạo văn hóa Petrovietnam gồm: Chưa tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực, thời gian để xây dựng, phát huy văn hóa doanh nghiệp; thiếu kinh nghiệm triển khai văn hóa doanh nghiệp; chưa đầu tư hình ảnh, sản phẩm hữu hình về văn hóa doanh nghiệp...

Thành Công

Tuổi trẻ Dầu khí giữ gìn và phát huy văn hóa doanh nghiệp trong thời đại sốTuổi trẻ Dầu khí giữ gìn và phát huy văn hóa doanh nghiệp trong thời đại số
Petrovietnam: Văn hóa doanh nghiệp có vai trò quyết định đối với chiến lược phát triển của Tập đoànPetrovietnam: Văn hóa doanh nghiệp có vai trò quyết định đối với chiến lược phát triển của Tập đoàn
Sự linh hoạt khi triển khai công tác văn hóa doanh nghiệp tại các đơn vị Dầu khí khu vực miền TrungSự linh hoạt khi triển khai công tác văn hóa doanh nghiệp tại các đơn vị Dầu khí khu vực miền Trung
Tái tạo văn hóa doanh nghiệp tạo đà cho sản xuất kinh doanhTái tạo văn hóa doanh nghiệp tạo đà cho sản xuất kinh doanh

DMCA.com Protection Status