Tầm nhìn xa của Bộ trưởng Đinh Đức Thiện
![]() |
Thượng tướng Đinh Đức Thiện - Bộ trưởng đầu tiên phụ trách công tác dầu khí của Việt Nam |
Trước khi được gặp, tiếp xúc với Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, ông Ngô Thường San đã được nghe nói nhiều về một tư lệnh huyền thoại ở mặt trận hậu cần, góp phần bảo đảm sự thành công chiến dịch giải phóng miền Nam, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất với ông San khi gặp Bộ trưởng Đinh Đức Thiện là vào đầu năm 1976, trong một chuyến công tác cùng Bộ trưởng để khảo sát tìm địa điểm xây dựng cơ sở dịch vụ cho dầu khí ở phía Nam. Lúc đó, ông San được Đại tá Năm Thi và ông Tô Ký xếp chỗ ngồi sau ghế của Bộ trưởng Đinh Đức Thiện trên chiếc xe 16 chỗ để Bộ trưởng có hỏi về kỹ thuật ông sẽ trả lời. Khi xe dừng ở Bắc Mỹ Thuận để chờ phà, Bộ trưởng hỏi: “Cậu tên gì? Làm việc ở đâu và từ cơ quan nào chuyển sang?”.
Ông San trả lời và cho biết đang phụ trách bộ phận kỹ thuật của Công ty Dầu khí Nam Việt Nam và từ Viện Khoa học Việt Nam chuyển sang. Bộ trưởng Thiện bỗng hỏi: “Thế vợ cậu đã bỏ cậu chưa?”. Bất ngờ và có chút lo lắng, ông San trả lời: “Dạ, hiện giờ em đang sống với vợ và hai con cùng ba mẹ, vừa từ miền Bắc trở về tiếp quản”. Ông San hỏi lại: “Em chưa hiểu ý câu hỏi của anh?”. Bộ trưởng đùa rằng: “Cậu không phải là nhà khoa học thật sự rồi, vì nhà khoa học thường là bị vợ bỏ”, lúc đó Bộ trưởng cũng cười lớn, xóa tan sự căng thẳng của ông San.
Từ đó và sau này, khi tiếp xúc với Bộ trưởng Đinh Đức Thiện, ông San có thêm một góc nhìn khác về Bộ trưởng, đó là người khi làm việc rất nghiêm nghị, quyết đoán, kỷ luật, đặc trưng của một tướng quân đội nhưng trong đời thường lại rất gần gũi, thân tình, cách nói chuyện trào phúng, hóm hỉnh, thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về xã hội, con người, nhân sinh quan. Ông có một tình thương rất đặc biệt với cán bộ cấp dưới và là người dám chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình.
![]() |
Ông Ngô Thường San chia sẻ những kỷ niệm, cảm xúc về Bộ trưởng đầu tiên phụ trách dầu khí Đinh Đức Thiện |
Người không lùi bước trước mọi khó khăn
Sau này ông San thường được tham gia trong những chuyến công tác về các tỉnh phía Nam của Bộ trưởng Đinh Đức Thiện. Ông đặc biệt ấn tượng về Bộ trưởng là người không lùi bước trước khó khăn. Thời đó, do trang thiết bị còn rất hạn chế nên công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng ông Thiện không chấp nhận việc chỉ nêu khó mà không đưa ra giải pháp khắc phục. Ông cũng luôn đề xuất các giải pháp, trong đó có nhiều giải pháp rất táo bạo, vượt sự hình dung của nhiều người như dùng xe quẹt để di chuyển thiết bị, dùng trực thăng để hỗ trợ giữ cáp địa chấn… Qua đó thể hiện tính quyết đoán, táo bạo và không lùi bước trước khó khăn của một tư lệnh quân đội.
![]() |
Bộ trưởng Đinh Đức Thiện thị sát Vũng Tàu trước khi quyết định đặt căn cứ dịch vụ dầu khí tổng hợp tại đây |
Tầm nhìn xa trông rộng
Ông Đinh Đức Thiện được Bộ Chính trị bố trí về làm Bộ trưởng phụ trách Dầu khí trong giai đoạn rất quan trọng - giai đoạn đầu xây dựng và phát triển ngành Dầu khí của đất nước. Vì phát triển ngành Dầu khí từ con số 0, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ trưởng Thiện đã xác định rõ, dầu khí của Việt Nam phải xây dựng trên cơ sở hợp tác quốc tế, áp dụng tiến bộ kỹ thuật của thế giới. Đồng thời làm dầu khí cần phải có quyết tâm, ý chí kiên định và tính kỷ luật của lực lượng bộ đội Cụ Hồ và phải quan tâm đến xây dựng đội ngũ, cơ sở kỹ thuật để phát triển nội lực sau này.
Trong giai đoạn đó, chúng ta duy trì sự hợp tác với Liên Xô và các nước Đông Âu ở phía Bắc, khu vực đồng bằng sông Hồng, cũng như quyết định phát triển dầu khí ở phía Nam bằng việc mở rộng hợp tác với các công ty tư bản, với kỳ vọng sử dụng công nghệ của tư bản để phát hiện ra dầu và nhanh chóng phát triển khai thác, biến dầu khí trở thành động lực để khôi phục và phát triển kinh tế sau những năm 80 của thế kỷ XX. Đó là kỳ vọng rất lớn và trách nhiệm nặng nề được giao cho Bộ trưởng Thiện.
Những hoạt động Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã triển khai để thực hiện kỳ vọng lớn đó của Bộ Chính trị ghi đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử từ năm 1976 trở đi. Mặc dù năm 1988 chúng ta mới thực hiện chính sách mở cửa, nhưng dầu khí là ngành tiên phong mở cửa từ năm 1976 với việc hợp tác quốc tế ngay sau giải phóng. Trong giai đoạn đó, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã cử rất nhiều đoàn vừa cán bộ quản lý, vừa cán bộ kỹ thuật đi sang các nước có nền công nghiệp dầu khí phát triển như Pháp, Anh, Na Uy, Kuwait, Algeria, Iran, Iraq, Mexico, Indonesia, Ấn Độ… để tham quan, học tập. Ông đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ kỹ thuật để sau này tiếp quản và phát triển ngành Dầu khí của đất nước, với tầm nhìn trong tương lai sẽ phát huy nội lực để phát triển ngành. Do đó, cùng với việc cử các đoàn đi học tập thực tế ở nước ngoài và mặc dù với sự hỗ trợ kinh tế rất eo hẹp nhưng ông đã tổ chức được trường đào tạo công nhân kỹ thuật đầu tiên về dầu khí ở Bà Rịa, với lực lượng giảng dạy là chuyên gia nước ngoài.
![]() |
Tướng Đinh Đức Thiện (đứng giữa) và cố vấn về dầu khí G.A. Kostromin (đeo kính tối màu) cùng với các chuyên gia Việt Nam trong chuyến tham quan giếng dầu Cửu Long - 1 ở Đồng bằng sông Mê Kông (ảnh tư liệu của Phòng Truyền thống Petrovietnam) |
Công tác đối ngoại dầu khí thời kỳ này được thúc đẩy mạnh mẽ, Bộ trưởng Thiện đã dẫn đầu các đoàn đàm phán sang Liên Xô và các nước châu Âu để kêu gọi đầu tư, thuyết phục những công ty dầu lửa lớn hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam nước ta. Lần đầu tiên cơ sở pháp lý cho hoạt động dầu khí được xây dựng, đó là phân lô dầu khí, tuyên bố chủ quyền thềm lục địa của ta để làm cơ sở hợp tác đầu tư. Chúng ta cũng xây dựng được hợp đồng khung gắn với pháp lý đầu tư trên thế giới về dầu khí thời kỳ đó. Đặc biệt, Chính phủ đã ký kết được những hợp đồng thăm dò khai thác đầu tiên với các công ty như Deminex (CHLB Đức), Agíp (Italia), Bow Valley (Canada). Việc này được thực hiện trong thời gian ngắn, cho thấy hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại của Bộ trưởng Thiện. Mặc dù sau này do Mỹ cấm vận và các cuộc chiến tranh biên giới, các công ty quốc tế phải rút lui khỏi nước ta. Tuy nhiên, các công ty này cũng đã tiến hành khoan tìm kiếm và ít nhiều phát hiện được các biểu hiện dầu khí. Trên diện tích họ để lại, chúng ta phát hiện những mỏ rất quan trọng như mỏ Rạng Đông, Sư Tử, Tê Giác.
Sau đó, Bộ Chính trị quyết định cử Bộ trưởng Đinh Đức Thiện sang Liên Xô, với sức thuyết phục của mình, đoàn công tác đã làm việc với các cơ quan Trung ương Đảng của Liên Xô, đóng góp quan trọng tiến tới việc ký kết Hiệp định 80 giữa Liên Xô và Việt Nam về hợp tác toàn diện, cũng như Hiệp định 81 về khai thác dầu khí ở Lô 09, khảo sát tìm kiếm dầu khí trên toàn bộ thềm lục địa Việt Nam và thành lập Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Những cột mốc quan trọng này đều có dấu ấn rất lớn của ông Đinh Đức Thiện.
Bộ trưởng Thiện cũng chính là người đặt nền móng cho lĩnh vực dịch vụ dầu khí. Với tầm nhìn rất xa và bao quát là hoạt động dầu khí biển không thể không có căn cứ dịch vụ ở trên bờ, ngay từ những ngày đầu, cùng với việc mở rộng hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Thiện đã huy động Binh đoàn 318 nhổ toàn bộ bãi sú vẹt ở căn cứ hải quân ngụy cũ tại Vũng Tàu và biến thành một căn cứ dịch vụ dầu khí quan trọng. Ông cũng cử người sang tham quan căn cứ ở Singapore để sau đó xây dựng cầu cảng đầu tiên cho tàu 7-10 nghìn tấn vào Vũng Tàu triển khai các dịch vụ dầu khí. Không chỉ vậy, ông còn là người đặt nền móng và xây dựng công ty bay trực thăng để đưa cán bộ ra giàn làm việc. Ngoài ra, nhận thấy mỗi đợt thay ca các chuyên gia nước ngoài lại đi sang Thái Lan hoặc Singapore nghỉ ngơi, nên ông quyết định lấy khu Lam Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) để xây dựng cơ sở, chỗ ăn nghỉ, làm việc của các công ty dầu khí biển. Để giữ chân các chuyên gia nước ngoài ở lại Việt Nam, ông còn cho tổ chức cả night club, dancing được xem là thú vui xa hoa thời kỳ đó ở nước ta. Những hoạt động đó cho thấy một tư tưởng mới, cởi mở, một tầm nhìn tổng thể về cung cấp dịch vụ dầu khí một cách đầy đủ để bảo đảm phục vụ hiệu quả hoạt động dầu khí biển.
![]() |
Dịch vụ dầu khí ngày nay phát triển lớn mạnh |
Ông cũng có tầm nhìn số hóa trong ngành Dầu khí từ sớm, ngay trong giai đoạn đầu của ngành, khi nhìn tư bản số hóa tài liệu, áp dụng kỹ thuật digital, chính Bộ trưởng Thiện đã chỉ đạo trung tâm IBM là trung tâm máy tính mạnh nhất của Đông Nam Á được Mỹ xây dựng ở Sài Gòn nhằm phục vụ cho quân đội Mỹ trong chiến tranh phải đến giúp dầu khí biến những tài liệu “analog” sang “digital”.
Có thể nói, trong giai đoạn đầu phát triển ngành Dầu khí, Bộ trưởng Đinh Đức Thiện đã để lại dấu ấn hết sức quan trọng với các hoạt động khơi thông, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành. Tầm nhìn xa, chiến lược bao quát toàn cục và rất chuẩn xác của ông đã được các thế hệ lãnh đạo kế cận của ngành tiếp nối và hiện thực hóa, xây dựng nên ngành Dầu khí đất nước phát triển lớn mạnh và đồng bộ như ngày hôm nay.
Những hoạt động Bộ trưởng Đinh Đức Thiện triển khai để thực hiện kỳ vọng lớn của Bộ Chính trị ghi đậm dấu ấn của thời kỳ lịch sử từ năm 1976 trở đi. Mặc dù năm 1988 chúng ta mới thực hiện chính sách mở cửa, nhưng dầu khí đã tiên phong mở cửa từ năm 1976 với việc hợp tác quốc tế ngay sau giải phóng. |
Mai Phương
-
TS Nguyễn Minh Phong: Petrovietnam chuyển đổi định danh là bước đi chiến lược, kịp thời và cần thiết
-
Đảng ủy Petrovietnam hướng dẫn thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng
-
Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Dấu mốc quan trọng trong phát triển năng lượng quốc gia