Tản mạn về giá dầu trong năm 2022
Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên OPEC
Năm 2022 sẽ ghi nhận những nỗ lực tiếp theo của chính quyền Mỹ trong việc gây áp lực mạnh lên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm buộc tổ chức này phải tăng nguồn cung ra thị trường với tốc độ nhanh hơn so với kế hoạch mà các thành viên của liên minh OPEC+ đã thống nhất với nhau. Mỹ đã thất vọng ít nhất hai lần sau quyết định của OPEC+ tại các cuộc họp đầu tháng 11 và tháng 12/2021. Tại cuộc họp cấp bộ trưởng (04/11), đại diện các nước OPEC+ đã thống nhất tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 12/2021. Vào cuộc họp đầu tháng 12, liên minh đã một lần nữa quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng theo kế hoạch đã thống nhất trước đó. Các chuyên gia dự báo, cuộc họp sắp tới (04/01) sẽ không có sự thay đổi nào trong kế hoạch của OPEC+.
Điều gì đang chờ đợi thị trường?
Các nhà phân tích của Freedom Finance, LB Nga nhận định, nhu cầu đối với dầu thô và các sản phẩm dầu thô trong tháng sẽ suy yếu trong tháng 01/2022 do yếu tố mùa vụ. Áp lực bổ sung về nhu cầu trong những tháng tới có thể phụ thuộc vào tỷ lệ nhiễm biến chủng Covid-19 mới Omicron và các bệnh truyền nhiễm theo mùa khác. Không ngoại trừ khả năng liên minh OPEC+ sẽ tạm dừng tăng sản lượng trong kỳ họp vào đầu tháng 01/2022. Đồng thời, các nhà phân tích dự báo, sản lượng OPEC+ sẽ không quay đầu giảm.
Theo các chuyên gia từ công ty đầu tư Otkrytie Investments cho biết, tuyên bố của Bộ trưởng năng lượng UAE về tình trạng dư thừa nguồn cung dầu trong quý đầu tiên của năm 2022 không mang nhiều ý nghĩa. Thực tế cho thấy, nguồn cung dầu thô trên thị trường sẽ tiếp tục tăng trong quý đầu của năm mới. Bên cạnh đó, việc một số quốc gia giải phóng một phần sản lượng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược sẽ giảm bớt đáng kể tình trạng thắt chặt nguồn cung vào đầu năm - thời điểm mà nhu cầu nguyên liệu thô thường ở mức thấp.
Giá dầu sẽ tăng, ổn định hay quay đầu giảm?
Vào tháng 11 vừa qua, tập đoàn tài chính Barclays đã nâng dự báo giá dầu trung bình cho năm 2022 thêm 3 USD/thùng. Theo đó giá dầu Brent và WTI trung bình trong năm tới sẽ ở mức lần lượt là 77 USD/thùng và 80 USD/thùng. Một số chuyên gia Nga đồng tình với mức dự báo của Barclays khi cho rằng, hãng đã tính đến cả yếu tố dư thừa nguồn cung trong quý I/2022, cũng như mức dự trữ dầu thô thấp. Các chuyên gia Nga cũng dự báo giá dầu Urals trung bình trong năm 2022 sẽ là 76 USD/thùng.
Một số chuyên gia khác nhận định, thị trường dầu mỏ nhìn chung sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng của việc cung không đủ cầu. Việc giải phóng thêm kho dự trữ dầu chiến lược của một số quốc gia sẽ phụ thuộc phần lớn vào động lực giá cả và các quyết định của OPEC+. Nhưng nếu sản lượng không tăng và giá dầu lại vượt mốc 80 USD/thùng thì không ngoại trừ khả năng các nước tiêu thụ dầu lớn sẽ bơm thêm nguồn dầu thô chiến lược ra thị trường. Ngân hàng đầu tư Sinara (Nga) dự báo, giá trung bình dầu Brent năm 2022 sẽ ở mức 70 USD/thùng.
Các chuyên gia ngân hàng Nga đưa ra dự báo kém phần lạc quan hơn khi nhận định, giá dầu Brent trong năm 2020 sẽ nằm trong khoảng 60-65 USD/thùng. Sản lượng tăng trở lại cùng với đồng USD mạnh lên, chính sách thắt chặt tiền tệ của FED sẽ làm tăng áp lực lên báo giá dầu. Bên cạnh đó, hoạt động khoan trên thế giới trong năm 2021 đã gia tăng đáng kể. Trong tháng 01/2022, thị trường dầu mỏ sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, chưa kể nguồn cung bổ sung từ các kho dự trữ chiến lược. Điều này sẽ càng gây áp lực lên giá dầu. Cơ quan xếp hạng tín dụng phân tích (ACRA) dự báo, giá dầu Urals sẽ giảm từ 70,4 USD/thùng (cuối năm 2021) xuống còn 64 USD/thùng trong năm 2022.
Các chuyên gia từ Viện công nghệ năng lượng Tổ hợp nhiên liệu - năng lượng (IRTTEK) nhận định, sự gia tăng đáng kể nguồn cung trên thị trường toàn cầu sẽ gây áp lực mạnh lên giá dầu. Do đó, về mặt lý thuyết thì giá dầu Brent có thể giảm xuống còn 45 USD/thùng vào mùa xuân năm 2022. Kịch bản này có thể bị chặn lại bởi sự leo thang xung đột xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, trong bối cảnh các bên chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào trên bàn đàm phán.
Các chuyên gia của IRTTEK đánh giá, tâm lý thị trường trong nửa đầu năm 2022 sẽ được quyết định bởi sự tăng trưởng nguồn cung vượt tăng trưởng nhu cầu. Trong năm 2021, nhu cầu toàn cầu đã tăng thêm 5,1 triệu thùng/ngày thì sang năm 2022, con số này chỉ còn 3,6 triệu thùng/ngày. Ngược lại, tăng trưởng nguồn cung sẽ tăng nhanh từ mức 1,8 triệu thùng/ngày trong năm 2021 lên mức 5,3 triệu thùng/ngày vào năm tới. Lý do của sự chênh lệch này là do hiệu ứng cung cầu được san bằng. Khả năng nhu cầu tăng vọt vào thời điểm cuối năm 2021 hầu như rất thấp.
Các chuyên gia tại Trường kinh tế cao cấp Mátxcơva (HSE) cho rằng, giá dầu có thể giảm nhẹ trong năm 2022. Những yếu tố chính tác động đến giá dầu sẽ là sự ổn định động lực nhu cầu và sự phục hồi sản xuất ở các nước OPEC+ trong quý III/2022. Trong năm tới, trên thị trường có thể xuất hiện sự gia tăng đáng kể nguồn cung từ các thành viên chính trong OPEC. Bên cạnh đó, Iran có thể tăng sản lượng nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ. Nguồn cung bổ sung cũng sẽ đến từ các nước ngoài OPEC+ như Mỹ, Canada, Brazil và một số nước khác. Tất cả các yếu tố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu.
Đối với nguồn cung dầu, các bên tham gia chính trong thỏa thuận OPEC+ là Nga và KSA chắc chắn có nhiều tiềm năng gia tăng nguồn cung. Theo số liệu của Cục điều tiết năng lượng Nga (CDU TEK) và Refinitiv, khai thác dầu thô của hai nước trong tháng 11/2021 đạt lần lượt 10,89 triệu thùng/ngày và 9,89 triệu thùng/ngày, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ tháng 4/2020 (lần lượt ở mức 11,34 triệu thùng/ngày và 11,64 triệu thùng/ngày) - thời điểm mà thỏa thuận OPEC+ mới chưa có hiệu lực.
Tiến Thắng