Tăng cường phối hợp truyền thông giữa Petrovietnam và UBQLVNN
Tham dự buổi làm việc, về phía Ủy ban có đồng chí Nguyễn Thanh Lê, Trưởng Phòng Đối ngoại Truyền thông thuộc Văn phòng Ủy ban, cùng đại diện các Vụ/Văn phòng thuộc Ủy ban. Về phía Petrovietnam có đồng chí Trần Quang Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Ban TT&VHDN cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ thuộc Ban TT&VHDN Tập đoàn.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Ban TT&VHDN đã trình bày báo cáo công tác thông tin, truyền thông của Petrovietnam trong thời gian qua. Trên cơ sở thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn và các Nghị quyết của Thường vụ Đảng uỷ Tập đoàn, Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp được thành lập và hoạt động từ ngày 01/10/2018 với chức năng tham mưu cho Đảng ủy và Lãnh đạo Tập đoàn về công tác truyền thông, quan hệ công chúng; văn hóa doanh nghiệp; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; công tác tuyên giáo, dân vận; công tác chỉ đạo hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hội nghề nghiệp trong toàn Tập đoàn.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Petrovietnam và UBQLVNN |
Ngay sau khi thành lập, Ban TT&VHDN đã tham mưu với Đảng uỷ, Lãnh đạo Tập đoàn một số văn bản về công tác truyền thông và triển khai các công tác thông tin, truyền thông liên quan. Đối với công tác truyền thông nội bộ, Ban TT&VHDN đã tiến hành rà soát, kiểm tra và tổng hợp toàn bộ hệ thống cán bộ (từ lãnh đạo phụ trách đến người làm trực tiếp), các thiết chế, công cụ, phương tiện thực hiện công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn. Đồng thời, nâng cấp cải tiến và đổi mới phương pháp quản lý, vận hành Intraweb của Tập đoàn; các tạp chí, bản tin, website, trang thông tin nội bộ của đơn vị đã đưa thông tin đến đông đảo CBCNV, người lao động Dầu khí hàng nghìn tin, bài, ảnh, video clip,... với thông tin phong phú về cả nội dung và hình thức, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người lao động.
Bên cạnh đó, Tập đoàn đã xây dựng, thống nhất các thiết kế ứng dụng có sử dụng hình ảnh nhận diện thương hiệu của Tập đoàn, đặc biệt trên các ấn phẩm, tài liệu và truyền thông. Xây dựng một số tài liệu về công tác truyền thông ở cấp Tập đoàn làm cơ sở để các đơn vị, đoàn thể tham khảo, áp dụng thực hiện.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, trong thời gian qua, nhất là năm 2020, công tác truyền thông nội bộ đã kịp thời khơi gợi được sự thấu hiểu, chia sẻ của cán bộ, người lao động với những khó khăn của Tập đoàn và đồng sức, đồng lòng cùng với Tập đoàn vượt qua cuộc “khủng hoảng kép”.
Đoàn nhà báo đi thực tế tại NMLD Dung Quất |
Đối với công tác truyền thông công chúng, Tập đoàn đã tổ chức làm việc trực tiếp lần lượt với gần 50 cơ quan báo chí và duy trì liên hệ trên 150 lãnh đạo, phóng viên có tầm ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội nhằm phối hợp tuyên truyền, quảng bá thương hiệu của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Tăng cường cung cấp thông tin kịp thời tới các cơ quan báo chí truyền thông về mọi mặt hoạt động của Tập đoàn, giúp cho lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về những đóng góp của ngành Dầu khí đối với đất nước trong gần 6 thập kỷ qua. Ngoài ra, Ban TT&VHDN thường xuyên, tổ chức nhiều đoàn nhà báo đi thực tế cơ sở khó khăn để thâm nhập cuộc sống của người lao động Dầu khí, tuyên truyền về những nỗ lực vượt khó của ngành Dầu khí.
Đồng thời, Ban TT&VHDN thường xuyên chỉ đạo các hoạt động của Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes (tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam – tiếng nói của Ngành Dầu khí Việt Nam) thông tin đầy đủ, kịp thời và phong phú, đa dạng, sâu sắc về hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động hợp tác quốc tế, hoạt động truyền thông, hoạt động an sinh xã hội, hoạt động đoàn thể của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Có thể thấy rằng, công tác truyền thông công chúng đã cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tạo được sự lan tỏa tích cực đối với dư luận xã hội về những khó khăn, vất vả cũng như những đóng góp của Tập đoàn đối với đất nước. Tuyên truyền tích cực vai trò của Tập đoàn trong việc nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ứng phó với giá dầu giảm sâu, chủ động các hoạt động dầu khí trên biển Đông; đạt mục tiêu kép “Vừa phòng chống hiệu quả dịch Covid-19 vừa đảm bảo tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020”.
Trong công tác truyền thông quốc tế, Petrovietnam đã kích hoạt phiên bản mới của Website tiếng Anh (từ 25/01/2019) và cập nhật kịp thời các thông tin phù hợp với sự quan tâm của các đối tác nước ngoài về Tập đoàn – đây là kênh truyền thông đối ngoại quan trọng và chính thống của Tập đoàn. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các cơ quan báo chí hợp tác có phiên bản tiếng nước ngoài, báo nước ngoài có đại diện tại Việt Nam về hoạt động hợp tác quốc tế của Petrovietnam. Tập đoàn cũng tăng cường tuyên truyền các hoạt động, sự kiện mang tính chất quốc tế do Tập đoàn tham dự hoặc chủ trì, đặc biệt là sự kiện các Kỳ họp của Hội đồng Ascope, Gặp mặt Nhà thầu dầu khí Partnership Meeting; Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; Diễn đàn ASEAN – Đô thị thông minh, các diễn đàn kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các cộng đồng khu vực và thế giới.
Trong thời gian qua, Petrovietnam cũng tập trung triển khai các công tác truyền thông chuyên đề, chú trọng vào các chuyên đề/nhóm vấn đề thiết thực gắn với nhu cầu, hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên bằng nhiều hình thức: bài viết, chuyên đề, tuyến bài, thông qua các phương tiện truyền thông (báo giấy, báo in, mạng xã hội,…) để tác động tới các cấp, các ngành có thẩm quyền và đông đảo bạn đọc, quần chúng nhân dân, người tiêu dùng,… nhằm tạo dư luận, góp phần đẩy nhanh việc tháo gỡ cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho Tập đoàn phát triển bền vững. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tích cực tuyên truyền về công tác Đảng, đoàn thể, thi đua khen thưởng, các gương điển hình tiên tiến, công tác an sinh xã hội…
Đồng chí Trần Quang Dũng, Trưởng Ban TT&VHDN phát biểu tại buổi làm việc |
Petrovietnam đã xây dựng được Quy trình xử lý sự cố, khủng khoảng truyền thông để xử lý kịp thời khi có thông tin bất lợi. Bên cạnh đó, Tập đoàn/Ban TT&VHDN đã làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, một số Hội nghề nghiệp xã hội để chấn chỉnh, chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan, cá nhân đưa tin chưa được kiểm chứng, thậm chí bóp méo thông tin; xóa bỏ những trang mạng, facebook mạo danh Tập đoàn; các thông tin, hình ảnh, video clip đăng tải trên mạng xã hội,… làm ảnh hưởng tiêu cực tới Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Có thể khẳng định, thời gian qua, Tập đoàn đã kịp thời nắm bắt và xử lý các sự cố/khủng hoảng truyền thông, giảm thiểu tối đa các thông tin xấu độc bất lợi đối với Tập đoàn và đơn vị thành viên trong thời gian qua.
Nổi bật, Tập đoàn đã gắn công tác truyền thông với xây dựng văn hóa doanh nghiệp; công tác tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức xã hội về truyền thống của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của Tập đoàn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
Tại buổi làm việc, đại diện Ủy ban và Ban TT&VHDN đã trao đổi, đưa ra đề xuất kiến nghị về việc phối hợp để tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông giữa Petrovietnam và Ủy ban, góp phần xây dựng Ủy ban và Tập đoàn ngày càng phát triển, củng cố hình ảnh, uy tín và thương hiệu, công tác truyền thông cần tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; đổi mới nội dung và phương thức thông tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ truyền thông.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quang Dũng, Trưởng Ban TT&VHDN Tập đoàn nhấn mạnh công tác truyền thông trong thời gian qua của Petrovietnam đã góp phần quan trọng khôi phục hình ảnh Tập đoàn, ngành Dầu khí, lấy lại niềm tin từ nhân dân, công chúng, cũng như động viên tinh thần, khơi dậy lòng tự hào trong tập thể người lao động Dầu khí. Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng mà công tác truyền thông của Petrovietnam đã làm được trong thời gian qua là kéo cả hệ thống chính trị các cấp trong Tập đoàn tham gia vào công tác truyền thông, nhận thức rõ vị trí và vai trò của truyền thông trong các mặt hoạt động của Tập đoàn, từ đó đưa ra các định hướng, xử lý kịp thời trong các công tác liên quan, tạo hiệu quả tốt nhất về việc xây dựng hình ảnh và lan toả thương hiệu Petrovietnam.
Trong thời gian tới, Petrovietnam đề xuất, kiến nghị Uỷ ban chủ trì xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động về công tác thông tin truyền thông của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc để đề ra các biện pháp, giải pháp hỗ trợ truyền thông cũng như trong xử lý khủng hoảng truyền thông cho các đơn vị trực thuộc. Đây là việc làm cần thiết, cấp bách trong thời gian tới nhằm tạo sự lan toả, tăng cường hiệu quả trong công tác truyền thông cũng như kịp thời xử lý các thông tin không chính xác một cách hiệu quả, không để ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Lê, Trưởng Phòng Đối ngoại truyền thông UBQLVNN phát biểu kết luận |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Lê, Trưởng Phòng Đối ngoại truyền thông Ủy ban ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được của công tác truyền thông Petrovietnam trong thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Thanh Lê cũng đồng thuận với các đề xuất, kiến nghị, góp ý từ phía Petrovietnam và cam kết sẽ báo cáo lên lãnh đạo Ủy ban để có định hướng, phối hợp trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Ủy ban mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, phối hợp từ các bộ phận chuyên môn của các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Petrovietnam để có được các thông tin chính xác, có định hướng phù hợp, tạo nên tiếng nói thống nhất và lan toả giữa các đơn vị trong Ủy ban. Đồng thời, Ủy ban sẽ tiếp tục trao đổi trực tiếp, cụ thể, hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Ban TT&VHDN Petrovietnam cũng như các bộ phận chuyên môn khác.
Khánh An