Tăng đầu tư, tăng đổi mới… để DNNN thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt

20:35 | 24/03/2022

7,213 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTimes) - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ngày 24/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt.
Tăng đầu tư, tăng đổi mới… để DNNN thực hiện vai trò mở đường, dẫn dắt
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị Quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5, Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã khẳng định: “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.

Thực hiện quan điểm chỉ đạo nói trên, trong giai đoạn 5 năm qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách điều chỉnh hoạt động của DNNN, tạo khung khổ pháp lý để các DNNN tổ chức triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và đã đạt được một số kết quả quan trọng.

DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; có doanh thu và đóng góp đáng kể vào thu ngân sách nhà nước. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường. Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân của 1 DNNN khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng trong giai đoạn; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối doanh nghiệp tư nhân trong nước là 1,26%.

Về đóng góp cho NSNN, DNNN đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp NSNN. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của DNNN là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

Về hiệu suất sử dụng lao động, khu vực DNNN đạt 18,9 lần; tiếp đến là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước 17,0 lần và thấp nhất là khu vực FDI với 13,0 lần.

Đặc biệt, các DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền nền kinh tế…; giữ vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích. Nhiều Tập đoàn, Tổng công ty tham gia cùng Nhà nước đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia; cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thuỷ lợi, thủy nông, vệ sinh môi trường...

“DNNN đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Vốn đầu tư của khối DNNN đã đóng góp đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào phát triển kinh tế xã hội, chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2021. Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng của đất nước; góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế đất nước, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động và đóng góp của khối DNNN vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chưa phát huy được hết vai trò, nguồn lực đang nắm giữ.

Cụ thể, các tập đoàn, tổng công ty về cơ bản chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, tạo động lực đối với nền kinh tế; hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN quy mô lớn vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước. Hoạt động của DNNN nhìn chung còn thiên về ”hướng nội”…

Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN trong thời gian qua không được thúc đẩy. Việc tái cơ cấu toàn diện DNNN mới chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn, mà chưa chú trọng thực hiện các định hướng, giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và một chiến lược kinh doanh dài hạn có tính khả thi cao. Việc nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực quản trị DNNN theo chuẩn mực quốc tế chưa ghi nhận được kết quả đáng kể. Một số DNNN thiếu tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp nhất là tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra quốc tế.

'Cởi trói', tạo động lực mạnh mẽ để DNNN phát triển

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Minh, trước tiên là do hệ thống pháp luật về DNNN vẫn còn nhiều bất cập; chưa thật sự phân cấp, trao quyền tự chủ cho DNNN trong đầu tư kinh doanh, quản trị và quản lý điều hành; các quy định về tiền lương và chế độ đãi ngộ khác cho người quản lý DNNN chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp; công tác quản lý nhà nước đối với DNNN còn chưa được rõ ràng.

Từ thực tế đó và đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực xây dựng các giải pháp thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất một số định hướng, giải pháp để “cởi trói” DNNN nhằm phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa vai trò, vị trí của DNNN trong nền kinh tế. Cụ thể:

Thứ nhất, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động để DNNN thực hiện vị trí, vai trò mở đường, dẫn dắt; cùng với khu vực tư nhân trong nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu tốt hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045 như Đại hội XIII đã xác định.

Thứ hai, cần gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Xác định rõ ngành, lĩnh vực then chốt cần có sự hiện diện của DNNN phù hợp với định hướng phát triển bền vững của đất nước (như năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia...).

Thứ ba, cần thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi DNNN, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực DNNN, mà tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp nói chung và của từng DNNN nói riêng.

Thứ tư, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát; qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về doanh nghiệp nhà nước trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời và minh bạch nhằm tăng cường giám sát hoạt động của DNNN tức thời, phát hiện sớm các rủi ro, ngăn ngừa sai phạm, thất thoát, lãng phí.

Thứ năm, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là UBQLVNN tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Thứ sáu, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thông qua việc phân công một Bộ làm đầu mối quản lý nhà nước thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu, xây dựng định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó phải xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức; nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với quản lý cấp cao của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần cần tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để phát huy được lợi thế, khắc phục hạn chế của khu vực DNNN.

"Khu vực DNNN luôn có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, từng kỳ Đại hội Đảng. Tôi hy vọng, sau hội nghị này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có những quyết sách quan trọng, căn cơ để có thể "cởi trói", tạo động lực mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực để DNNN có thể đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Hà Lê

Doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, chưa phát huy được hết vai trò do đâu?Doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới, chưa phát huy được hết vai trò do đâu?
Hoàn thiện thể chế, khắc phục vướng mắc trong cơ cấu lại DNNNHoàn thiện thể chế, khắc phục vướng mắc trong cơ cấu lại DNNN
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp nhà nướcĐẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp nhà nước
Nâng cao hiệu quả thực hiện và đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nướcNâng cao hiệu quả thực hiện và đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước
Chủ tịch PVN: Chúng tôi mong được như doanh nghiệp tư nhânChủ tịch PVN: Chúng tôi mong được như doanh nghiệp tư nhân
Hai vai hai trách nhiệm - khó thay!Hai vai hai trách nhiệm - khó thay!

DMCA.com Protection Status